HỒI KÝ : Dây Thân ái …lan rộng
LỜI GIỚI THIỆU : Htr Cấp DŨNG CHÍ PHÁP Nguyễn Thanh Quang là Htr Cố Vấn BHD GĐPT Việt Nam tai Âu Châu . Anh là Htr cao niên nhất , là Htr Cấp Dũng duy nhất tại Âu Châu và là Chim Đầu đàn của bao Cánh chim Lam trời Âu . Đọc Hồi ký của anh dưới đây để chia sẽ nổi lòng của một ngưới anh Áo Lam đáng kính. Ban Biện Tập xin hân hạnh giới thiệu cùng các anh chị em Lam Viên bốn phương, nhất là các Lam viên Âu Châu .
Ngoại cảnh vào Thu đã buồn, sang Đông lại cảm thấy tê tái hơn, nhứt là cho người ở vào lứa tuổi thất thập như tôi. Nhìn cảnh vật, nhớ đến bạn bè, nhớ anh Tâm Hùng nhắn gọi viết bài cho Nội San Sen Trắng Âu Châu, nhớ được đọc những dòng chữ của anh Tâm Đăng gởi cho Tâm Ngọc, nhắc buổi ngồi trong một quán nhỏ cạnh bờ sông, mượn hương vị tách cà phê đá mà trao gởi nỗi niềm : “GĐPT trước kia sao thấy nó ngọt ngào như đường sữa; rồi thấy nó (có lẽ sau năm 1975) có vị đắng, để rồi bây giờ ( chắc là năm 2007) thấy nó lạnh và cứng như cục nước đá!!!.’’
Đó là những động cơ khiến tôi muốn ghi lại vài đoạn hồi ký qua nhũng vần thơ mộc mạc nhưng rất thân tình giữa anh chị em trong Gia Đình Áo Lam, trong một đơn vị nhỏ mà tôi đã cưu mang.
Năm 1953, tôi và anh bạn chí thân VHH được Hội Phật Học Nam Việt, Tỉnh hội Vĩnh Long gởi tham dự trại Huấn luyện Huynh Trưởng GĐPT do Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Phần tổ chức tại Cần Thơ. Trại mang tên Đại Chí B, tương đương trại A Dục hiện nay. Ban Quản Trại gồm các anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn văn Thục, Dương Xuân Dưỡng, Dương Xuân Nhơn… Đi dự trại với chiếc áo sơ mi trắng, dùng mực xanh pha mực tàu đen thêm ít dấm để nhuộm và cầm màu.
Mãn khóa chúng tôi về gầy dựng GĐPT tại tỉnh nhà và thường theo quý Thầy trong Ban Hoằng Pháp Trung Ương (chùa Ấn Quang) như Thiền Định, Huyền Vi, Thanh Từ, Từ Thông … đến các tỉnh Trà Vinh và Sa Đéc để giúp tổ chức và nuôi dưỡng các GĐ Chánh Tiến và Chánh Đức. Phong trào phát triển thật nhanh vì hầu hết phụ huynh đều nhiệt thành yểm trợ để về sau lan rộng đến các Quận và các Tỉnh khác thuộc Miền Tây.
Năm 1956 tôi được trúng tuyển và phải đi làm việc tại một quận lỵ xa, không thể sinh hoạt với GĐPT hằng tuần được nữa, nên thường mượn văn thi để nhắn nhủ, sách tấn đàn em và tự nhắc nhở mình. Rồi tờ Đặc San đầu tay của GĐ Chánh Trí thuộc tỉnh Vĩnh Long được ra mắt, chúng tôi có viết bài thơ Văn Sĩ Phật tử, xin được ghi lại nguyên văn :
VĂN SĨ PHẬT TỬ
Thân tặng những bạn Áo Lam yêu văn nghệ
Làm văn sĩ sống trong hàng Phật tử
Khi quanh ta còn lắm cảnh khổ sầu,
Chớ để hồn vơ vẩn nghĩ đâu đâu,
Thả tâm trí mơ màng theo ảo mộng.
Cũng không phải canh tàn than kiếp sống,
Cho rằng đời ô trược phải lánh xa
Đem đời mình ra khỏi chốn phù hoa,
Mặc nhân thế trong biển trầm luân mãi.
Và chẳng phải ngồi thẩn thờ van vái,
Than thân, trách phận, vận mạng rủi may.
Nghĩ rằng đời sự việc đã an bày,
Mong đợi Đấng Linh thiêng về cứu giúp.
Lại không phải – nếu vần thơ tuyệt bút –
Mê hoặc đời, đầu độc tuổi ấu thơ :
“Đây bồng lai, tiên cảnh, ánh trăng mơ…
Tình lãng mạn, bẽ bàng … ru giấc ngủ. ‘’
Là văn sĩ trong Gia Đình Phật tử
Biết nguyên nhân đau khổ : Tham Sân Si.
Quyết cùng nhau khẳng định một hướng đi
Đem Bi Trí Dũng vào Đời diệt khổ.
Là mở rộng lòng Từ Bi cứu độ
Lấy lợi mình làm lợi ích tha nhân
Lấy lợi tha làm cứu cánh tu thân,
Lấy thù oán đổi thành tình thương hại
Là xem Đời không có gì tồn tại,
Biết Vô thường : Không Có mãi đi đôi.
Biết Vô Minh : nguồn gốc của Luân hồi.
Lấy trí huệ soi đường Tín Hạnh Nguyện.
Là noi gương Thích Ca hằng Tinh Tiến
Gặp gian lao, nguy khốn chẳng sờn lòng,
Xem chướng duyên, nghịch cảnh có như không
Giữ thân khẩu ý hài hòa hoan hỷ.
Là góp phần điểm tô Chân Thiện Mỹ,
Dùng bút Thiền xây dựng cảnh hiền lương
Cải thiện người không lý tưởng, đau thương,
Đấy định hướng của làng văn Phật tử.
(Quận Cái Nhum ngày 26-12-1956)
Văn Mỹ Nghệ được chú ý nhiều, các Tờ Bích Báo được ra thường xuyên. Ngoài những văn xuôi đa dạng thể loại để khuyến học, khuyến tu, chúng tôi cũng có viết bài thơ
LÝ TƯỞNG
Thân mến gởi các bạn cùng chí hưóng nhưng thiếu tinh tấn.
Riêng gởi các em tôi, đang xoay trở chưa tìm ra Lẽ Sống.
Có Lý tưởng, thuyền đời không lạc hướng,
Sống cuộc đời thấy tươi đẹp, thăng hoa.
Gẫm nhìn đời vạn nẻo ở quanh ta,
Đâu phải tiến, nơi nao nên dừng bước.
Có kẻ lên đường tìm Chân lý trước
Nhưng quẩn quanh, dãi đãi chẳng tận tình
Mãi a tùng, bị động, thiếu niềm tin
Để thuyền đời bấp bênh theo ngọn sóng.
Đến một chiều tà, tóc bạc răng long,
Dừng bước lại, nhìn quãng đường đã trải,
Thì ôi thôi, có đi mà thất bại !
Đêm đến rồi, còn lạc lõng giữa đàng.
Tiếc đời người, buồn cuộc sống dở dang,
Người ngồi khóc, mong đời tươi trẻ lại.
Hoài công ! Hết đời người ! Bao thương hại !
Hành giả ôi! Hãy tìm hướng đi trước,
Đường LÝ TƯỞNG, đường chông gai khó bước,
Đừng nản lòng, trở bước trước gian nan.
Có tang thương, cuộc sống mới vững vàng,
Có thử thách, đời ta càng già giặn.
Các bạn thanh niên ! tâm hồn cứng rắn,
Với tuổi đôi mươi, tuổi đã trưởng thành,
Nếu chẳng tìm đường LÝ TƯỞNG đời mình
Cuộc sống vô vị, chán nhàm biết mấy !?
– LÝ TƯỞNG là gì ? Tìm đâu cho thấy ?
– “Tự biết mình “, ngần ấy đã tìm ra.
Có người cho mình gồm đủ tài ba
Làm muôn việc, nhưng chẳng ra đâu cả.
Có người nghĩ mình vô tài, hèn hạ
Sợ trường đời, ngần ngại chẳng xông pha.
Hai hạng ấy đều là Không Lý Tưởng
Người có Lý Tưởng, người không xu hướng,
Thoát ngoài vòng dục lạc của trần gian.
Nhìn thú vui vật chất chẳng ham màng,
Đoạn tất cả dây oan đang vấn vít.
Lý Tưởng tìm ra, phải đi đến đích
Hoạch chương trình thích hạp khả năng ta
Không duy kỷ, phải hành động vị tha
Không vụ lợi, phải rời xa cảnh khổ
Có LÝ TƯỞNG, gặp bạn đường ngoan cố,
Lượng sức mình : Hóa độ hoặc Đoạn tình,
Ai đường nấy, theo chí hướng riêng mình,
Ấy thuật mầu nhiệm viên thành LÝ TƯỞNG
(Vĩnh Long, ngày 7-2-57)
Mến Gia Đình
Đánh dấu những ngày ít đến với Gia Đình
Đã hiến mình cho lý tưởng Màu Lam
Anh tiếc rẻ phải đi làm xa cách
Tà Áo Lam tượng trưng màu thanh bạch
Giục anh về cùng sống phút Tin Vui.
Vắng các em, anh cảm thấy bùi ngùi
Xa Ánh Đạo, anh thấy đời đáng ngại.
Phải chăng sống trong Gia Đình thân ái
Cảm thông nhau qua Phật Pháp uyên thâm.
Đây cuồn phim dĩ vãng đã âm thầm
Diễn qua trí người anh đang phân tán :
Buổi họp Đoàn các em reo ‘’Tinh Tấn’’
Là vang âm ‘’xả kỷ’’khuyến nhủ anh!.
Các em ơi, vì hoàn cảnh anh đành
Ôm quá khứ sống cùng em trong mộng.
Kìa Bi Trí Dũng đường xa mở rộng,
Tiến lên em, hoài vọng của lòng anh.
Dù vắng anh, em luôn nhớ thực hành,
Tròn Năm Hạnh để rạng danh con Phật.
Cứu khổ, ban vui, hài hòa cảnh vật.
Chúc em vui, đừng xao lãng lời anh.
(Vĩnh Long 5-11-57)
Năm 1964 Đại Hội GĐPT toàn quốc để thảo luận Nội Quy mới theo tinh thần Hiến Chương của GHPG VNTN và bầu cử Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN theo Nội Quy vừa hình thành.
Qua đại hội, tôi đảm trách Đại Diện Miền Huệ Quang, miền Tây Nam Phần Việt Nam.
Năm 1965 tôi được gọi nhập ngũ, những vần thơ đuợc viết để nhớ nhau sau buổi tiệc trà do BHD Tỉnh Vĩnh Long tổ chức tại Chùa Giác Thiên.
TÂM TÌNH LÚC RA ĐI
Bốn, năm, sáu lăm (4-5-65), ngày tôi giã biệt,
Bạn Áo Lam để cất bước lên đường.
Chiều hôm ấy, lòng nghe rộn niềm thương
Tâm tư se thắt, gượng vui cùng Bạn.
Đã biết ra đi là sứ mạng
Của người trai trả nợ tang bồng
Người thanh niên đối với non sông
Nhưng cảm thấy lòng sao khó tả!
Vui sao được lúc mình chưa trả
Vẹn niềm tin với bạn tin mình
Chưa trọn thành sứ mệnh một người Anh
Phải xa bạn Đạo, Đời thân kính.
Lời tiễn đưa, u buồn bịn rịn.
Cười vu vơ, khó giấu được lòng đau.
Giả dùng trà, nuốt lệ dâng trào
Một bối cảnh cười trong thổn thức.!
Quên sao được
…( hai đoạn lược bỏ, vì kể tên người dự và công lao)
Những Lam viên ấy,
Từng cảm hoá những tâm hồn đau khổ,
Từng vuốt ve những trẻ thiếu tình thương,
Từng góp phần công đức chốn Phật đường
Và gương sáng nhắc tôi hằng Tinh Tấn.
Rồi hôm nay
Tạm xa các bạn thân yêu
Tạm xa chiếc áo mỹ miều Màu Lam
Tạm xa những buổi Pháp đàm
Nghĩa lý tám vạn bốn ngàn Pháp môn.
Tìm đâu những buổi họp Đoàn.
Tìm đâu khóa lễ nghiêm trang Phật đường.
Tìm đâu hình bóng dễ thương
Của Đoàn Oanh Vũ noi gương Cha Lành.
Các bạn ơi !
Ra đi thật dạ chẳng đành
Chỉ còn hy vọng nơi anh chị mình
Ở nhà vì Đạo hy sinh,
Vì đoàn em nhỏ, huôn Tin Vui Hòa.
Gian lao, nguy khốn, phong ba
Xem là lý đạo để mà tu thân.
Đề chờ ngày mai
Ngày trả chiến y, trở về hậu tuyến.
Gặp đủ bạn hiền đã tiễn khi đi
Cùng đoàn em hòa khúc nhạc Từ Bi
Hãnh diện kể những gì lo Phật sự.
Bạn, tôi nhìn vào nhau không tư lự
Vì bảo tồn danh dự bộ Lam Y,
Và cùng nhau tiếp tục hướng đi
Để hoàn tất cuộc hành trình giải thoát.
(Viết trong tâm trạng ‘’Đi là chết trong lòng một it)
Nhưng đến Trại Nhập Ngũ độ vài tuần, tôi được Nha Động Viện cho hoản dịch, đuợc trở về nhiệm sở cũ và có cơ duyên tiếp tục sinh hoạt GĐPT.
Các Huynh Trưởng đa phần tuổi trẻ, thường dễ bị phiền não quấy nhiễu, sinh hoạt trong Gia Đình lắm lúc đụng chạm sanh bất hòa chán nãn … nhiều lúc tôi phải đóng vai trò người Anh Cả để phân tích, khuyên lơn, hóa giải …Và dưới đây là một trường hợp :
SỰ ĐỜI
Anh viết bài thơ thân gởi Chương
Người em đồng đạo thiếu tình thương.
Sao toàn gặp chướng duyên phiền não?
Sinh hoạt Gia Đình cũng chẳng an!.
…Chương hởi buồn chi, Chương của anh
Người đời đau khổ bởi vì Danh
Càng vào cuộc sống càng cuồng loạn
Mấy kẻ hiểu đời, sống Tịnh Thanh
Huynh Trưởng các em cũng thế thôi
Các em đều lứa tuổi đôi mươi
Với bầu nhiệt huyết, ham hành động
Dễ lạc hướng đi, Đạo lộn Đời.
…Chán nản làm chi!, em mến thân
Từ xưa Giáo Pháp đã bao lần
Dạy ta hỷ xả, vun công đức.
Quả xấu chớ buồn, gắng tạo Nhân
… Công việc của em dẫu phũ phàng
Khuyên em suy gẫm chớ bi quan
Đoàn sinh sẽ hiểu và thông cảm
Gia Trưởng tin em, phó thác Đoàn.
… Mở rộng lòng thương Bạn lạc đường
Thương người chưa hiểu được lòng Chương
Thương ai nỡ nhẫn gây phiền toái
Phá hoại niềm tin chốn Phật đường.
Gạt lệ đi Chương, đừng khóc nữa.
Em đừng rơi lệ bận lòng anh.
Khóc cười đều chẳng làm nên việc.
Suy lý mới cần cho chữ ‘’Thành’’.
Rồi sẽ có ngày Chương hết than.
Thấy Đoàn Thanh, Thiếu được ‘’huy hoàn’’
Lục Hòa áp dụng, thêm Tinh Tấn
Vui Dựng Gia Đình theo Ánh Vàng.
(ghi chú: Chương hiện là một cư sĩ thuần thành, sinh hoạt Phật sự vùng Secramento)
Năm 1968 tôi lại được gọi phải thụ huấn quân sự tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và Nha Trang. Trong chuyến đi cũng có những vần thơ đưa tiễn.Vài bài ghi lại để nhớ tình cảm hành xử ngoài đời.
…. Trong cảnh họp rồi tan, đoàn tụ sẽ chia tay, lòng người thường mượn thi văn để nói lên nỗi niềm xa cách. Cũng thế, tôi đã hai lần phục vụ tại quận Bình Minh nên đã có nhiều thiện cảm nơi đây, và nay phải lên đường nhập ngũ.
Người có thể hảnh diện, nhìn sự thăng trầm tan họp như giấc mộng, nhưng với tôi tâm tư nhiều lưu luyến, nào những kỷ niệm êm đềm với bạn đồng nghiệp, nào mang nặng nghĩa ân với những bậc hiền hữu đã giúp đỡ trong thời gian hành sự, nên :
– Để cảm tạ thâm tình người tri kỷ
– Để thay lời từ giã lúc ra đi
tôi đả nói lên tiếng lòng của mình qua bài
TỪ GIÃ BÌNH MINH
Hai lần tạm biệt quận Bình Minh
Tình cảm luyến lưu giữa chúng mình
Tỉnh giấc Nam Kha buồn thế sự,
Thọ cơm Phiếu Mẫu bận ân tình.
Tâm tư nặng trỉu tình bằng hũu,
Tất dạ cưu mang nghĩa đệ huynh.
Nghiên bút từ nay thay lấy súng
Lên đường lòng mãi nhớ Bình Minh
(11/1968)
Và đọc thơ hiểu lòng người, nên một số thi hữu khả ái, cảm cảnh người đi, đã hoạ lại với những ước vọng chân thành. Sau đây là những cảm nghĩ và bài thi hoạ còn được sưu tập.
….
Anh Quang.
Rất cảm động khi nhận được tập thơ của Quận Bình Minh, ghi lại những vần thơ nơi cố quận lúc anh lên đường nhập ngũ.
Tôi cũng có dịp sống ở Quận nầy, tôi cũng đã có dịp hiểu được cảm tình của tất cả anh em đối với anh, từ công chức, quân nhân đến Hội đồng Thôn Xã, và nhất là của dân chúng ở Quận Bình Minh. Cho nên tôi mạo muội họa lại một bài thơ, tuy vần chưa chỉnh lắm, nhưng mong ý thơ phản ảnh dược phần nào những gì anh để lại cho cái Quận nầy, và nó cũng phản ảnh được ý của người dân ở đây họ muốn gì …
LUYẾN TIẾC
Khéo tu ở được “xứ’’ Bình Minh
Trời sắp ông Quang đáo Quận mình!
Mến đức thanh liêm soi khắp xã
Cám ơn chính trực giúp dân tình.
Quên thân, nhã nhặn hòa Quân Chính
Giữ phận, khiêm nhường đẹp đệ huynh.
Nguyện người mãn nhiệm, nghiên thay súng
Trở về chức cũ Quận Bình Minh.
Vĩnh long, ngày 11/11/1968
Một người dân có diễm phúc sống ở Quận Bình Minh – DHN.
(ghi chú: Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, Tỉnh Trưởng Vĩnh Long, tôi có thời gian cùng Anh thành lập Chi Hội Phật Học Nam Việt và GĐPT Chánh Lý tại quận Bình Minh, xây Bảo Tháp Xá Lợi Miền Tây. Sau nầy xuất gia, thọ Tỳ kheo năm 2004 tại Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) có pháp tự Thích Không Như, hiện chăm lo Phật sự tại đạo tràng Tánh Không, Houston).
Mãn Khoá, tôi được hưởng quy chế biệt phái ngoại ngạch và trở về đời sống công chức, được thuận duyên tiếp tục sinh hoạt lại với GĐPT, có em đã viết tặng tôi bài
MỪNG ANH VỀ
Thân kính gởi Anh Thanh Quang để đáp lại lòng người Anh Cả.
Hôm nay một sớm mai hồng
Đoàn em Chánh Trí nức lòng đón anh …
Anh về, về thật hả anh ?
Chúng em cứ ngỡ mơ anh trông lầm.
Anh về lướt dậm xa xâm
Chân anh rạn nứt bởi nhầm chông gai.
Áo anh phủ bụi đường dài.
Vây quanh khẻ vuốt, lòng say đón chào.
Để cùng ôn lại hôm nao
Đưa anh lên chốn gai rào lối đi.
Một lòng vì Đạo Từ Bi,
Đem hồn’’Sen Trắng’’ cứu nguy cho đời.
Anh đi khắp nẻo cùng nơi
Những mong kêu gọi người rời bến mê.
Hôm nay anh lại trở về
Thăm đoàn em cũ không hề quên anh.
Quyết đem năng lực thực hành
Theo gương trong sáng cha lành Thích Ca.
Một là tự giác, giác tha
Hai là viên mãn Phật Đà mai sau.
Dù cho thân phải lao đao
Lòng bền dạ vững, không nao can trường.
– Hồng Tiến –
Đây là lời các em mừng tôi, nhưng chúng tôi phải xem đây là lời nhắc nhở : một bổn phận thiêng liêng của Người Huynh Trưởng khi quỳ trước Tam Bảo phát nguyện. Vì thế mà tôi còn lưu giữ cho đến hôm nay để chia sẻ lại với quý anh chị em.
Năm 1981 tôi cũng trôi theo dòng người mất nước, mất dân chủ, tự do, nhà cửa… vượt biên và được định cư tại vương quốc Hòa Lan. Mười năm sau, cuộc sống tạm ổn định, đuợc Thầy Thích Minh Giác yêu mến GĐPT triệt để nên anh Tâm Ngọc, cùng một số ‘trưởng’ thuộc hàng con em và tôi gầy dựng Gia Đình Chánh Tín. Thời gian nầy Chư tôn Giáo Phẩm thuộc GHPGVNTN Châu Âu cũng nhiệt tình ủng hộ để thành lập GĐPT khắp các nước thuộc Châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Na Uy, Hòa Lan, Đan Mạch, Bỉ, Phần Lan, Anh…
Tổ chức lớn mạnh nhanh, nhu cầu phải có BHD Châu Âu để thống nhất hình thức sinh hoạt, hệ thống điều hành ngang dọc, chương trình tu học .. Trong tinh thần Dân Chủ, truyền thống của GĐPT nói riêng và Phật Giáo nói chung, Đại hội Huynh Trưởng toàn Châu được triệu tập để biểu quyết các văn bản Lập Quy dưới sự chứng minh của chư tôn đức trong Hội Đồng Điều Hành và sự Duyệt Y của Tổng Vụ Trưởng Thanh Niên để áp dụng trong toàn Châu.
Sự chấp hành các văn bản cao quý nầy của Tổ chức đã và đang được mọi cấp Đoàn viên trang nghiêm tuân thủ, vì nò là con của GHPGVNTN Châu Âu, là tim óc của những bậc đàn anh, đàn chị truyền thừa.
Năm 1995 là một thành viên trong BHD/AC, nhận thấy phong trào phát triển nhanh và mạnh, lòng chúng tôi vừa vui mừng vừa âu lo, nên muốn nói lên nỗi niềm mong ước, như là lời nhắn nhủ cuối đời sinh hoạt, xuyên qua đoạn cuối bài thơ
Sen Âu Châu
…. Bốn năm, nay đến số ngàn,
Áo Lam, Sen Trắng lan tràn toàn Châu.
Nhìn Sen phát triển nhanh mau
Lòng nầy cảm thấy rạt rào hân hoan..
Nhưng hoài vọng sâu đậm nhứt là :
Mong Sen thực hiện chu toàn
Châm Ngôn, Điều Luật : ‘’khuôn vàng’’ nhà Lam.
Con đường Lý Tưởng thậm thâm
Khai quang, phá ám hướng Tâm y về.
Dấn thân gặp khó trăm bề
Sen ôi, Tinh Tấn chớ hề bỏ nhau !
Ước muốn, mong mỏi chỉ có thế, vô cùng đơn giản, nhưng định luật Vô Thường có kiêng nể một ai, một vấn đề nào, một tổ chức nào … Nhiều anh chi em vì lý do nầy, hoàn cảnh nọ… rồi cũng xa Mái Nhà Lam đầy ấp tình thân mến để cho người còn lại luôn mong nhớ!
Năm 2005 tự biết sức khoẻ đã kém đi nhiều, nên chỉ còn hụ hợ với anh chị em chứ không thể gồng gánh Tổ chức nổi nữa, nhứt là khi anh Huệ Kha bất thần lâm bịnh, chúng tôi như mất đi đôi chân, không còn phương tiện di chuyển dễ dàng đó đây như trưóc. Do đó trong Đại Hội chúng tôi đã thiết tha mong anh chị em đại biểu chọn thành phần trẻ để thích ứng với xã hội và sinh hoạt hiện tại. Và kết quả đã được như ý muốn của đa số.
Đã hơn 50 năm qua rồi, nay ôn lại những dòng thi ký sự như mới ngày nào. Điều vui mừng tận cùng và an ủi lớn lao là hiện tại Âu Châu còn khá nhiều Anh Chị Em xung phong kế thừa, quyết tâm bảo vệ di sản tinh thần, biết thương yêu nhau, biết tương kính nhau, biết gìn giữ gia phong gia kỷ … để tổ chức GĐPT còn giữ được hương vị ngọt ngào thơm ngon của thuở ban đầu như anh Tâm Đăng đã nhận xét vô cùng chính xác…
Viết lại ký sự nầy hôm nay, tự hỏi chẳng biết hàng ngàn Lam viên quen biết trước kia từ quốc nội đến Châu Âu, nay còn bao nhiêu anh chị em còn đủ duyên lành, còn kiên nhẫn đọc những dòng chữ vô vị nầy và tha thứ cho tôi bất đắc dĩ phải nói về ‘’tự ngã’’. Trải qua biết bao nhiêu sự sàng sảy, lừa lọc của thời gian, của chướng duyên, của nghịch cảnh, của sự nản chí, ngã lòng … để còn lại trên sàng những Hạt Gạo Cội đáng cho những anh chị có tâm nguyện ‘vì đàn em mai sau’ và tôi cùng trân quý. Xin quý anh chị em khiêm cung mà nhận nơi đây tấm lòng tôn kính của chúng tôi.
CHÍ PHÁP
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)