THỬ TÌM HIỂU BÀI ‘ THƠ TỰA EM MỌI” QUA DUY THỨC HỌC
TÂM QUANG LÊ ĐỨC HÙNG
LỜI GIỚI THIỆU : ” Thử tìm hiểu bài ‘ THƠ TỰA EM MỌI ” của Thi sĩ Bùi Giáng qua DUY THỨC HỌC là Luận Văn Kết Khóa Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp III Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ, của Htr Cấp Tín TÂM QUANG Lê Đức Hùng trong ngày 7/01/2011 tại Tịnh Xá Ngọc Hòa, Thành Phố San Jose, California. Htr TÂM QUANG Lê Đức Hùng hiện là Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Chánh Pháp, sinh hoạt tại Thành phố Garden Grove, Tiểu Bang California , Hoa Kỳ. Trong Phần Dẫn Nhập, anh đã trình bày quan điểm:
…Khi đọc một áng văn hay một bài thơ, thấy nó hay hoặc không hay, thấy nó giá trị nhiều hay ít, thấy nó sáng tỏ hay chưa được sáng tỏ, cho rằng đó là kim cương, vàng ngọc hay đồng , chì.v.v… điều này hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm cũng như sự cảm nhận của từng độc giả. Thế nhưng khi thưởng thức một số tác phẩm văn học, nếu chúng ta cố tâm vận dụng kiến thức của Duy Thức Học, lấy ánh sáng của Kinh điển Đại thừa để soi chiếu ( Chẳng hạn như tác phẩm của Ngô Thừa Ân hay những bài thơ của Bùi Giáng, Ca Dao… ) thì chúng ta có thể thấy được một số vấn đề hay …những ” Ý Chính” mà tác giả đã dụng công thể hiện, gởi gắm…
Xin hân hạnh giới thiệu cùng anh chị em Lam viên bốn phương : Bài LUẬN VĂN KẾT KHÓA của Htr TÂM QUANG Lê Đức Hùng :
LỜI NÓI ĐẦU :
– Kính thưa Chư vị Giảng sư.
– Kính thưa Ban Điều Hành Trại Vạn Hạnh I Hoa Kỳ .
– Kính thưa quý anh chị Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia
Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ.
– Kính thưa tất cả quý anh chị em Trại sinh trại Vạn Hạnh I Hoa Kỳ .
Chúng ta học Phật Pháp để hiểu rõ, hiểu sâu hơn những gì mà Đức Phật cũng như chư vị lịch đại Tổ Sư, chư Tôn Thiền Đức đã chỉ dạy nhằm sửa đổi bản thân, thanh lọc tâm ý, cũng như áp dụng vào trong cuộc sống tu tập hằng ngày để thực hiện trọn vẹn lý tưởng phụng sự Đạo Pháp – Phật Nhựt Tăng Huy, và phục vụ cho tổ Chức Gia Đình Phật Tử ngày càng thăng hoa tiến bộ…
Được sự giảng dạy, hướng dẫn tận tâm, tận tình của Chư vị Giảng sư, của quý anh chị Ban Điều Hành Trại, và quý anh chị Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, sau khi học xong một số bộ Kinh và những đề tài khác trong hai giai đoạn hàm thụ, đặc biệt là bộ môn “DUY THỨC HỌC” và đề tài “Áp Dụng Đạo Phật Vào Cuộc Sống”, dựa vào những kiến thức đã thu thập được trong quá trình học tập, để áp dụng những kiến thức đó trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá một số tác phẩm thi ca, tôi mạo muội viết tập luận văn này để nêu lên cảm nghĩ, quan điểm của mình sau khi gặt hái được một số…”Hương Hoa Tinh Khiết” từ những Kinh sách đã được Chư vị Giảng Sư và Ban Điều Hành Trại truyền thụ . Kiến thức còn non yếu, Phật học còn cạn cợt, chắc chắn bài viết này vẫn còn nhiều điều thiếu sót hoặc chưa được hoàn chỉnh, kính mong quý ân sư, và quý anh chị em cao minh bổ khuyết thêm. Đồng thời, nhân tiện ở đây con xin phép được bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với Chư vị Giảng Sư ở Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với hai vị giảng sư khả kính: Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ và Thượng Tọa Thích Thái Hòa ở Quốc nội. Đồng thời bày tỏ tấm lòng tri ân vô hạn đối với Ban Điều Hành Trại Vạn Hạnh I Hoa Kỳ, đối với quý anh chị Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như đối với tất cả anh chị em trại sinh trại Vạn Hạnh I Hoa Kỳ đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp cho tôi có được rất nhiều thuận duyên để nghiên cứu, để học hỏi cũng như để có kiến thức hoàn thành tập “Luận Văn” này.
Sen búp xin xá chào…”Một vị Phật tương lai” !.
Kính chào TINH TẤN .
PHẦN DẪN NHẬP :
Học Phật Pháp , không những chỉ mang lại cho chúng ta những lợi ích như được trang bị thêm nhiều kiến thức Phật học, hiểu rõ thâm nghĩa của Kinh điển để từ đó chúng ta có thể tu tập đúng đường, hành trì đúng hướng nhằm gặt hái được những hoa thơm , quả ngọt trên bước đường chuyển nghiệp cho bản thân và thực hiện lý tưởng “Phụng sự Đạo Pháp”, “Phục vụ tổ chức Gia Đình Phật Tử”, mà còn là một một trợ duyên vô cùng to lớn, một công cụ hết sức bổ ích soi sáng cho chúng ta có thể hiểu được những ý nghĩa, những hình ảnh biểu tượng được ẩn dụ qua những vần thơ, những truyện dài, truyện ngắn.v.v… từ văn chương truyền khẩu bình dân như ca dao, tục ngữ cho đến văn chương bác học. Thí dụ tác phẩm “Tây Du Ký” hay còn gọi là “Tề Thiên Đại Thánh” của tác giả Ngô Thừa Ân. Đây là một tác phẩm khá đồ sộ mà hầu như không một ai là không biết. Cho dù đã đọc truyện, cho dù đã xem phim nhiều lần, thế nhưng nội dung câu chuyện ngụ ý đến vấn đề gì, từng nhân vật như “Đường Tam Tạng”, “Tôn Ngộ Không”, “Trư Bát Giới”.v.v…biểu tượng cho cái gì, thiết tưởng cũng không có nhiều độc giả hiểu trọn vẹn thâm ý của tác giả đã gởi gắm qua đó !.
Trong văn đàn Việt Nam, một ngôi sao nổi sáng mà có lẽ ai cũng nghe nói đến, ai cũng biết đến, nhưng đọc và hiểu được ý thơ của ngôi sao sáng này – Nhà Thơ BÙI GIÁNG – thì con số ấy cũng vẫn còn…khiêm nhường lắm !.
Dĩ nhiên khi đọc một áng văn hay một bài thơ, thấy nó hay hoặc không hay, thấy nó giá trị nhiều hay ít, thấy nó sáng tỏ hay chưa được sáng tỏ, cho rằng đó là kim cương, vàng ngọc hay đồng , chì.v.v… điều này hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm cũng như sự cảm nhận của từng độc giả. Thế nhưng khi thưởng thức một số tác phẩm văn học, nếu chúng ta cố tâm vận dụng kiến thức của Duy Thức Học, lấy ánh sáng của Kinh điển Đại thừa để soi chiếu ( Chẳng hạn như tác phẩm của Ngô Thừa Ân hay những bài thơ của Bùi Giáng, Ca Dao… ) thì chúng ta có thể thấy được một số vấn đề hay …những ” Ý Chính” mà tác giả đã dụng công thể hiện, gởi gắm.
Để cụ thể và đi sâu vào chi tiết vấn đề. Bài viết dưới đây là một thí dụ điển hình trong việc áp dụng kiến thức Phật học để soi chiếu vào việc tìm hiểu nội dung của một tác phẩm văn học.
PHẦN CHÁNH VĂN :
THỬ TÌM HIỂU BÀI THƠ TỰA EM MỌI
CỦA BÙI GIÁNG
THƠ TỰA EM MỌI
( GÁI NÚI – SƠN NỮ )
“Nhớ em có lẽ như là
Nghìn thu vô định giang hà nhớ em
Từ ngày khốc liệt chiến tranh
Dưới bao nhiêu đạn em thành nạn nhân
Anh đi khắp xứ khắp miền
Khắp bao mộng tưởng bao triền miên mơ
Mơ một mai sau có bao giờ
Những người da trắng một giờ thấy em
Nhận ra em Mọi Êm Đềm
Thần Tiên Quốc Sắc, Tiên Thần Thiên Hương
Đời anh một chán mười chường
Làm thơ tưởng nhớ nghìn phương em là…
Anh kêu gọi khắp sơn hà
Em là Em Mọi em là Tương Lai
Em là Tiên Nữ Ngày Mai
Em thành Thánh Nữ Thiên Tài Kim Cương.”
BG ( Tháng 11/1996 )
Trước hết có lẽ ta cũng nên nhắc đến vài nét tiểu sử của Tác giả. Thi sĩ Bùi Giáng sinh ngày 17/12/1926 tại làng Thanh Châu, xã Vĩnh Trinh huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam. Thân sinh của Bùi Giáng là cụ ông Bùi Thuyên và cụ bà Huỳnh Thị Kiền. Lúc nhỏ theo học tiểu học Bảo An tại Hội An, sau đó tiếp tục học trung học ở Thừa Thiên – Huế.
Bùi Giáng cưới vợ vào năm 18 tuổi – 1944 . Phu nhân của Bùi Giáng là bà Phạm Thị Ninh – một người phụ nữ nổi tiếng xinh đẹp. Nhưng chỉ vài năm sau ngày cưới, bà bị bệnh, sinh non và cả hai mẹ con cùng chết.
Năm 1945 đậu bằng Trung học ở trong vùng kháng chiến thuộc liên khu 5 ( Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ). Năm 1950 ông đỗ Tú Tài 2 môn Văn chương.
Ông ra liên khu 4 ( Các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên ) theo học Đại học, nhưng khi vào trường , ông liền bỏ ý định theo học và theo đường núi Trường sơn trở lại cố hương.
Rồi Bùi Giáng chuyên tâm vào việc nghiên cứu, viết sách, sáng tác thơ văn. Những người thân cận cho biết ông đã về quê bán tất cả ruộng vườn được thừa kế để lấy tiền in sách. Từ năm 1957, ông lần lượt cho ra đời một loạt sách giới thiệu văn học Việt Nam như truyện Kiều, Lục Vân tiên, Chinh Phụ Ngâm.v.v… Ông nổi tiếng bởi tốc độ sáng tác nhanh. Tập thơ “Mười Hai Con Mắt” được ông sáng tác chỉ trong một đêm lễ Giáng Sinh năm 1992.
Từ năm 1962, Bùi Giáng cho ra đời rất nhiều đầu sách. Ông là một tác giả có tác phẩm được in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước 1975.
Sau năm 1975, ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ. Trong giai đoạn này ông vẫn thường rong chơi ngoài đường phố với những bộ áo quần rách rưới , dơ dáy, vì vậy dưới con mắt của đại đa số quần chúng , ai cũng cho rằng Bùi Giáng đích thực là một …”Người Ðiên” !?.
Từ giữa tháng 9 năm 1998, sức khỏe của ông đột ngột suy giảm nhanh chóng. Trong đêm 23 tháng 9, ông thức khuya, có uống chút rượu để tìm nguồn cảm hứng, lúc đang làm việc thì bị ngã quỵ tại nhà riêng số 482/29 Lê Quang Ðịnh quận Bình Thạnh. Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy, chụp scanner và phát hiện ông bị đứt mạch máu não, tụ huyết, hôn mê sâu. Sau cùng ban Giám đốc bệnh viện quyết định giải phẫu vào lúc 21 giờ ngày 25 tháng 9 và hoàn thành ca mổ vào lúc 23 giờ 30 cùng ngày. Từ ngày 26 tháng 9 đến ngày 6 tháng 10 ông vẫn hôn mê, mặc dù đôi lúc có những dấu hiệ khả quan như mở mắt, co duỗi, phản xạ.v.v… nhưng đến ngày 07 tháng 10 ông đột nhiên suy yếu nhanh chóng và đến 14 giờ thì trút hơi thở cuối cùng trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng. Hưởng thọ được 73 tuổi. Thi hài ông được quàng tại phòng tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm Sài Gòn, sau đó được an tang tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức vào ngày 11 tháng 10 năm 1998 nhằm ngày 21 tháng 8 năm Mậu Dần.
“…Một lời kể khác của giáo sư Vũ Ký, thầy dạy của Ông trong bài “Nhớ về ba người em lỗi lạc” in trong giai phẩm Quảng Đà năm 1994 tại Hoa Kỳ thì : “Từ 1943, Bùi Giáng thôi học ở Hội An, lui về cố hương làm Tô Vũ mục dương ở Trung Phước miền rừng núi của xứ Quảng. Trong thời gian này Ông đã làm thơ và nghêu ngao ca hát. Lúc giáo sư Vũ Ký gặp lại ở Sài Gòn thì Bùi Giáng đã nghỉ dạy học tư để cầm cọ bôi mực loay hoay vẽ tranh trong căn nhà lụp xụp ở ngõ hẻm Trương Minh Giảng Sài Gòn, thời gian này Ông bắt đầu in sách giáo khoa…Theo thi sĩ Trần Đới ( Nay là Đại Đức Thích Thông Bác ) thì trong thời gian 9 năm kháng chiến đã ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời của Bùi Giáng. Bùi Giáng chẳng bao giờ muốn ai đề cập đến tiểu sử và thân thế, sự nghiệp của ông. Ông tinh tường các ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp và Hán Văn. Không ai biết ông theo học tiếng Đức và tiếng Anh lúc nào, nhưng khi nghiên cứu triết học của Đức và thơ văn Anh, Mỹ, ông dịch và viết rất tài tình…Đã có rất nhiều bài viết đăng trong các sách báo đề cập đến tư tưởng và thơ văn của ông…Về sự nghiệp sáng tác, Bùi Giáng đã để lại cho chúng ta trên 50 tác phẩm bao gồm các thể loại như sau : Sách giáo khoa và luận đề khoản 12 tác phẩm; sách dịch khoản trên dưới 20 tác phẩm của hầu hết văn nhân, thi sĩ lỗi lạc trên thế giới; về thơ thì cũng có khoản 10 tập và về biên khảo văn thì số lượng cũng khá phong phú…”.
( Nhuận Quốc – Tưởng nhớ thi sĩ Bùi Giáng )
Một số tác phẩm tiêu biểu của Bùi Giáng như sau :
THƠ :
9. Mùi Hương Xuân Sắc ( 1987 ) 10. Ðêm Ngắm Trăng ( 1997 )
|
|
DỊCH THUẬT :
|
NGHIÊN CỨU :
- Tư tưởng hiện đại (1962)
- Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại (1963)
- Đi vào cõi thơ
- Thi ca tư tưởng
- Một vài nhận xét về bà huyện Thanh Quan
- Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, Quan Âm Thị Kính
- Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
- Sa mạc phát tiết (1965)
- Sa mạc trường ca (1965)
- Bài ca quần đảo (1969)
- Mùa thu trong thi ca
- Ngày tháng ngao du
Ngoài việc điểm sơ qua những nét chính cuộc đời của Tác giả, tiếp đến, chúng ta cũng nên biết bài thơ này là bài đầu trang của tập thơ “ĐÊM NGẮM TRĂNG”. Không ít trường hợp một tập thơ hay một tập truyện ngắn tựa đề của nó được chọn từ một bài thơ hay một mẫu truyện mang chính cái tên đó và thường đó là bài tiêu biểu, đặc sắc. Thế nhưng trong tập thơ 227 bài này không có bài nào là bài “ĐÊM NGẮM TRĂNG” cả! Đó cũng là lý do ta nên điểm qua cái tựa đề của cả tập thơ.
Đầu tiên là hình ảnh của TRĂNG. Dù cho Trăng có lúc tròn, có lúc khuyết, có lúc tỏ, có lúc mờ, nhưng Trăng vẫn luôn được xem là “Hằng Nga”, là “Tròn Đầy”, là “Viên Dung Vô Ngại”, và có khi cũng được ví như là “Chân Tâm”, là “Phật Tánh” nữa.
Ngắm là hướng đến, là nhìn vào, là chú dõi tâm tư vào, là hướng tâm về.v.v…Thế nhưng tại sao lại phải ngắm vào ban đêm ?. Thực ra ban ngày Trăng cũng đâu có mất, nó vẫn hiện diện một cách tròn đầy đó chứ. Sở dĩ ta không thấy được vì ánh sáng của mặt trời đã che khuất. Do đó phải chờ đợi đến khi nào ánh nắng gay gắt của mặt trời rụng hết, khi nào bóng đêm bao phủ lấy không gian thì vầng Trăng của ta mới tỏ rõ tròn đầy và ánh Trăng của chúng ta sẽ càng rõ hơn, càng đẹp hơn khi đêm càng về khuya. Càng về khuya thì cảnh vật càng Thanh Tịnh và càng Thanh Tịnh thì ta càng dễ dàng tu tập Thiền Quán, dễ dàng hướng đến và trở về với Chân Tâm, càng Thanh Tịnh thì ta càng dễ dàng hoà nhập được “Bản Thân” mình với “Cảnh Vật của không gian mênh mông bát ngát” dưới ánh Trăng soi tỏ. Ngày là biểu tượng cho mọi sự hoạt động, mọi sự ồn ào náo nhiệt; là thời gian để chạy đông chạy tây nhằm lo toan bương chãi theo cuộc sống. Đêm thì lặng lẽ, yên ổn,là thời gian để tĩnh dưỡng, ngủ nghỉ .v.v…Điều này cũng có ý nghĩa là khi mọi vọng niệm dứt bặt thì “Chân Tâm” hiển bày. Khi mà “Vô Minh” diệt thì “Trí Tuệ” sáng chiếu. Đó cũng là ý nghĩa của tựa đề tập thơ vậy.
Cũng vậy, hình ảnh “Ngắm Trăng” là hình ảnh của “Anh Chàng” đang yêu “Cô Em Mọi”, đang “Ngày nhớ đêm mong”, đang mãi “Ôm ấp, ghì chặt bóng hình Nàng” để đi khắp xứ, khắp bao miền mộng tưởng. Để cụ thể hơn có lẽ ta đi ngay vào việc tìm hiểu từng câu thơ.
Hai câu đầu tiên :
“Nhớ em có lẽ như là
Nghìn thu vô định giang hà nhớ em”.
“Nhớ em”, đây là điệp từ mà Tác giả đã dùng để mở đầu câu 6 và kết thúc câu 8. Tác giả đã đóng kín cụm từ “…Nghìn thu vô định giang hà…” trước và sau cái khoá “Nhớ Em” nhằm nêu bật “Nỗi Nhớ, Niềm Mong” hay là “Nỗi Nhớ, Niềm Yêu”. Cái nỗi nhớ này thật mênh mông, bao la vô cùng, vô tận như giang hà – sông nước cũng vô tận, vô cùng. Và cái vô cùng , vô tận này đã được Tác giả khẳng định ở thời điểm xuất xứ của nó là “Nghìn thu vô định”. Đã nghìn thu mà lại còn vô định ! Nghìn thu hay thiên thu đã ngầm ý là vô định rồi. Sự lặp lại, sự nhấn mạnh của Tác giả đã gợi cho chúng ta nghĩ đến quan điểm “Không gian là Vô cùng, Vô tận” và “Thời gian là vô thủy , Vô chung” của Đạo Phật.
Đức Phật đã tuyên bố rằng giới hạn sự luân lưu của những kiếp sống trong vòng luân hồi không thể biết được. Chúng sanh, vì bị lớp vô minh bao trùm và bị những dây ái dục trói buộc, mãi lang thang trong vòng luân hồi. Khởi điểm của cuộc hành trình xa xôi ấy không thể nhận ra được. Đời sống tựa hồ như một dòng nước chảy trôi vô cùng vô tận. Ngày nào còn tiếp nhận nước bùn của vô minh và ái dục thì dòng đời còn chảy và chỉ ngưng khi nào vô minh và ái dục hoàn toàn bị cắt đứt. Chừng ấy thì không còn tái sanh nữa…Ta không thể xác định khởi điểm của dòng đời của chúng sanh, nguồn gốc và lịch trình tiến hoá của vũ trụ…
( Đức Phật và Phật Pháp )
Hay như trong Kinh Tạp A Hàm đã ghi lại lời Phật dạy : “Hỡi các đệ tử, bước đầu của cuộc hành trình xa xôi này thật không thể quan niệm được. Chúng sanh bị bao trùm kín mít trong lớp vô minh, bị dây ái dục trói buộc chặt chẽ; không thể khám phá được khởi điểm của cuộc luân chuyển triền miên, cuộc hành trình vô định”.
Trong hai câu thơ này ta cũng nên chú ý đến việc Tác giả dùng từ “Có Lẽ”. “Có Lẽ”, đây là từ mang tính cách vừa không có ý nghĩa khẳng định một cách chắc chắn tuyệt đối lại vừa không có ý nghĩa phủ định hoàn toàn mà nó thể hiện ý nghĩa như vừa là có mà cũng có thể như vừa là không có. Ta không nên nghĩ rằng như thế thì từ này lại bao hàm nghĩa nước đôi, ba phải; có cũng được mà không cũng được !. Ngược lại, ở đây nó gợi cho ta thấy được sự thoát ra ngoài cái khẳng định cũng như cái phủ định vì khẳng định là rơi vào vướng mắc, là chấp chặt. Phủ định cũng thế, phủ định là dính mắc, là không thể buông bỏ được. Đứng hẳn theo một mặt nào đó cũng bị vướng mắc cả. Vì vậy “Có Lẽ” ở đây nó gợi cho ta nghĩ đến “Thái Độ” không chấp thường, không chấp đoạn; không chấp ngã, không chấp pháp; không chấp có, không chấp không; không chấp nhất mà cũng chẳng chấp nhị…
Qua hai câu thơ này chúng ta thấy Chủ thể của cái nhớ và Đối Tượng của cái nhớ đã có từ Vô Tận kiếp trước và sẽ tiếp tục mãi mãi đến vô tận kiếp sau. Ý này đã được Tác giả thể hiện, lặp đi, lặp lại rất nhiều lần trong những bài thơ khác như :
“Em từ vô tận em ôi
Về đây bất chợt em ngồi xuống đây”
“Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn từ trăm năm nào”
( Em đi em về – Như sương )
“Nhớ em Mọi Nhỏ diễm kiều
Trùng khơi vô tận ông liều tái sinh”
( Tình Yêu – Đêm Ngắm Trăng )
Và có một điều rất căn bản mà ta cần biết qua câu thơ trên là Nhận Thức luôn luôn bao gồm Chủ Thể nhận thức và Đối Tượng nhận thức. Biết thì luôn luôn có người biết và đối tượng được biết đến- Giống như NHỚ thì phải có người nhớ và đối tượng được nhớ đến – Cũng vậy, Ý Thức thì phải biết Ý Thức về cái gì. Mình thường có khuynh hướng nghĩ rằng mình chỉ có cái Chủ Thể Nhận Thức thôi , và nó luôn có sẵn ở trong mình , khi nào cần đem nó ( cái chủ thể nhận thức ) ra dùng thì ta đã có sẵn rồi, giống như ta thường có cây viết sẵn trong túi áo bất cứ khi nào muốn viết cái gì thì cứ việc lấy ra viết. Thí dụ khi mình vui hay mình giận. Vui, giận là một biểu hiện của tâm mình nhưng biểu hiện thành hai phần : Chủ Thể vui, giận là Mình đang vui, giận và Đối tượng của vui, giận là những nguyên nhân, những lý do hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp nào đó, hoặc do ai đó bằng hành động hay bằng lời nói đã làm cho mình vui, giận.v.v…Phải có Chủ thể và Đối tượng của vui, giận. Một Nhận Thức phải được nhận diện khi chủ Thể và Đối tượng chạm nhau và biểu hiện ra cái nhận thức đó. Và trong thời gian biểu hiện đó ta thấy có chủ thể và đối tượng, đồng thời phát sinh và cùng sinh. Như là khi có bên phải thì phải có bên trái phát sinh đồng thời. Không bao giờ có một bên phải mà không có bên trái phát sinh…
( Duy Biểu Học – Thích Nhất Hạnh )
Đó là điều ta phải quan tâm về “Chủ Thể” và “Đối Tượng” của “Sự Nhớ” trong hai câu thơ này vì có hiểu rõ vấn đề này ta mới hiểu rõ hơn các đặc tính của “Chủ Thể” và “Đối tượng” cũng như các đặc tính của “Mạt Na Thức” và “A Lại Da Thức” như sẽ phân tích các câu lần lượt tiếp theo.
“Từ ngày khốc liệt chiến tranh
Dưới bao nhiêu đạn em thành nạn nhân”
Như tất cả chúng ta đều biết trong thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam nhất là ở miền Bắc cũng như ở miền Trung, rừng núi là nơi đã ngày đêm thường xuyên hứng chịu biết bao nhiêu đạn bom. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, Khe Sanh, Lao Bảo, Đường Chín Nam Lào.v.v…cho đến Bạch Mã, Dốc Miếu, Lương Miêu.v.v…tất cả đều là những chiến trận “Dầu sôi lửa bỏng” và dĩ nhiên hậu quả khốc liệt của nó trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến dân chúng tại những địa phương đó. Do vậy Cô Sơn Nữ – Cô Gái ở trên núi của Tác Giả cũng là một nạn nhân cùng chung số phận với mọi người dân trong những vùng rừng núi, cao nguyên đó. Tuy nhiên đây chỉ là cái nhìn, cái hiểu về mặt ngữ nghĩa, về nghĩa đen của nó. Và dĩ nhiên ở đây ta phải hểu câu thơ theo một khía cạnh khác mà cái nghĩa của nó hoàn toàn nằm ngoài ngữ nghĩa như câu kệ Thiền tông chỉ nam của Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma là :
“Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật”
( Truyền riêng ngoài giáo lý
Không dùng văn tự
Chỉ thẳng Tâm người
Thấy Tánh thành Phật )
Vậy ta nên hiểu theo cái nghĩa của nó như thế nào ? Theo Kinh Hoa Nghiêm thì : “Vạn hữu trong vũ trụ đều do TÂM biểu hiện – Nhất Thiết Duy Tâm Tạo. “Chữ Tâm ở đây không có nghĩa như chúng ta hiểu một cách hạn hẹp là chỉ cõi lòng vui, buồn, hờn giận, ganh ghét, đố kỵ.v.v…hay là cái trí hiểu biết của con người…Mà theo quan điểm của Phật Giáo, nói một cách tóm gọn là TÂM có hai loại : “CHÂN TÂM” và “VỌNG TÂM”. Vọng Tâm là căn bản của phiền não, sinh tử luân hồi: Chân Tâm là căn bản của Bồ Đề, Niết Bàn và Chân Tâm ở đây phải được hiểu theo nghĩa là “Bản thể của Vũ trụ, vạn hữu”. Nó là TÂM Chân Như, là Thể Tính Chân Tâm, là Niết Bàn, là Như Lai Tạng, là A Lại Da Thức.v.v…
( Phật Học Tinh Hoa – Thích Đức Nhuận )
Nói một cách phổ thông như chúng ta đã biết là “Tâm viên Ý mã”, hằng ngày chúng ta thường xuyên sống trong vọng niệm. Mắt của chúng ta (Nhãn Căn) tiếp xúc với hình ảnh, cảnh vật bên ngoài ( Nhãn Trần ) làm phát sinh Nhãn thức và Tai ( Nhĩ ), Mũi ( Tỷ ), Lưỡi ( Thiệt ), Thân, Ý ( Ý ) cũng đều như vậy cả. Từng sát na, nó tác động cũng như gieo trồng vào Tàng Thức ( A Lại Da Thức ) biết bao là “Chủng Tử”, “Hạt Giống”, bao gồm đủ cả các hạt giống Thiện, hạt giống Bất Thiện và hạt giống Vô Ký ( Không Thiện, không Ác ). Nhưng bởi vì chúng ta đều là chúng sanh phàm phu ngu muội, luôn bị màn Vô Minh che lấp hết ánh sáng của Chân Tâm, che lấp hết mọi sự sáng suốt; luôn sống theo lục thức vọng niệm, luôn chạy đi tìm cầu hướng vọng theo bên ngoài, theo vọng cảnh mà quên đi cái Chân Tâm, cái Phật Tánh vẫn hằng mãi mãi và lúc nào cũng có sẵn ở trong mình; lại luôn bị sợi dây ái dục trói buộc một cách chặt chẽ vì vậy hầu hết những hạt giống mà chúng ta gieo vào Tàng Thức đều là những hạt giống “Không tốt”, và vì Tàng thức là “Đất chứa”, là “Nơi cất giữ” cho nên nó phải nhận lãnh hết tất cả .
Chiến tranh ở đây là gì ?. Có phải chăng đó là sự va chạm, tiếp xúc giữa lục căn và lục trần ?.
Vì vậy bom đạn ở đây có nghĩa là những chủng tử, những lục thức đã được tới tấp đẩy đưa vào tàng thức. Theo nghĩa như thế thì ta mới hiểu rõ được cài hình ảnh mà tác gỉa muốn gởi gắm qua hai câu thơ :
“Từ ngày khốc liệt chiến tranh
Dưới bao nhiêu đạn em thành nạn nhân” !.
“Anh đi khắp xứ khắp miền
Khắp bao mộng tưởng bao triền miên mơ”
“Anh”, chủ thể của “Sự Nhớ” đã đi đến những nơi nào ? Đi để làm gì ? Và vì sao phải đi đến những nơi mộng tưởng, vì sao lại phải triền miên mơ ước ?.v.v… Theo Duy thức Học thì Hệ Thống Tám thức được phân tích theo thứ tự như sau:
1.- Nhãn Thức
2.- Nhĩ Thức
3.- Tỷ Thức
4.- Thiệt Thức
5.- Thân Thức
6.- Ý Thức
7.- Mạt Na Thức
8.- A Lại Da Thức
Trong đó vai trò và chức năng của Mạt na Thức được định rõ qua các bài kệ :
“Thức biến hiện thứ hai
Gọi là Mạt NaThức
Nương kia chuyển , duyên kia
Tư lương làm tánh tướng” ( Bài kệ số 5 )
“Tương ưng bốn phiền não
Là ngã si ngã kiến
Và ngã mạn, ngã ái
Cùng tâm sở biến hành” ( Bài kệ số 6 )
“Tánh hữu phú vô ký
Sanh theo A Lại Da
Chứng la hán, diệt định
Xuất thế đạo, không còn” ( Bài kệ số 7 )
( Luận Thành Duy Thức – HT.Thích Thiện Siêu )
Hoặc theo như bài kệ số 18 và 19 trong “Duy Biểu Học” của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh thì Mạt Na Thức được hiểu như sau :
“Đối tượng của Mạt na Thức
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa Ý và Tàng Thức” ( Bài kệ số 18 )
“Vì sáu chuyển thức khác
Đóng vai nhiễm tịnh y
Vừa thẩm lại vừa hằng
Hữu phú mà vô ký” ( Bài kệ số 19 )
Đối tượng của mạt na Thức là ngã tướng, đới chất phát sinh từ giao thoa giữa Ý ( Ý ở đây là từ để chỉ Mạt Na Thức – Thức thứ 7 chứ không phải là Ý Thức – Thức thứ 6 vàTàng Thức. Tức là sự động chạm giữa Mạt Na và Tàng Thức, sự giao thoa giữa hai nguồn năng lượng tạo ra một đối tượng và đối tượng đó là đối tượng của Mạt Na. Nó không là Tàng Thức nhưng nó có chút bản chất của Tàng Thức. Đới tức là quảy theo, mang theo, có hơi hưởng của Bản Chất. Đó là “Người Trong Mộng”. Mạt na làm việc suốt ngày đêm, nó làm việc có tính chất hôn mê. Đối tượng của Mạt Na Thức là Đới Chất Cảnh và tính chất của nó là “Hữu Phú” tức là bị che mờ. Thức đó là Thức bị che mờ nên mới yêu, mới mộng tưởng, mộng mơ như thế. Và công dụng của Mạt Na là Tư Lượng. Tư Lượng là tác dụng đo lường, suy nghĩ và tác dụng đo lường suy nghĩ này lại là một lọai Trực Giác. Thức Mạt Na phát sinh từ A Lại Da và nó níu lấy A Lại Da làm một phần đối tượng của nó. Nhưng mà đối tượng của nó không phải là tự thân của A Lại Da mà là một loại đối tượng phát sinh từ sự xúc chạm, từ sự giao thoa giữa A Lại Da và Mạt Na, đó là đối tượng Đới Chất. Đới chất có nghĩa là không phải là bản thân của Bản Chất, nhưng nó mang theo một ít chất liệu của Bản Chất. Và ngày đêm Mạt Na cứ níu lấy cái đó, cho cái đó là cái của mình, đối tượng yêu thương của mình, đi theo để mà bảo vệ, để mà giữ gìn, để mà bám víu…Ngoài ra chúng ta biết rằng Mạt Na Thức còn được gọi là Chuyển Thức. Chuyển thức tức là một cái Thức được chuyển hiện từ Căn Bản Thức. Do đó ngoài Thức Thứ Bảy chúng ta còn những Chuyển Thức khác, và còn có sáu Chuyển thức khác nữa là Thức Thứ Sáu – Ý Thức và Năm Thức đầu là Nhãn thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức. Vì sáu Thức khác đóng vai nhiễm tịnh y. Nhiễm tịnh Y Thức là cái căn bản của sự nhiễm và tịnh. Y là chỗ y cứ, tức là nền tảng, là căn bản. Thức Thứ Bảy này nó là một nền tảng Tịnh và Nhiễm cho các Thức khác, cho sáu Thức khác và tất cả những Thức kia cũng đều được phát sinh từ Thức Thứ Tám. Địa vị của người yêu – Chủ thể yêu – ( Mạt Na Thức ) ở đây rất là quan trọng, yêu mà yêu một cách mê mờ, một cách ngu si nên tất cả đều lãnh đủ hết. Vì Mạt Na Thức là người yêu cho nên cái chất liệu si mê của Thức Thứ Bảy nó càng lớn chừng nào thì chất liệu si mê ở Thức Thứ sáu và năm thức khác càng lớn chừng đó. Khi mà Thức Thứ Bảy được cởi mở chừng nào , được rộng rãi thế nào thì Thức Thứ sáu và các Thức trước cũng được hưởng chừng đó. Cho nên Thức Thứ Bảy được gọi là Nhiễm Tịnh Y , là nền tảng của ô nhiễm hay là thanh tịnh của sáu Thức trước ở trong con người chúng ta, nó có cái phần lý trí và tình cảm.
Qua các ý nghĩa trên, chúng ta thấy rõ Mạt Na Thức có quan hệ mật thiết với A Lại Da Thức và Ý Thức cũng như năm Thức trước. Nó thường xuyên tiếp cận với Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân và Ý Thức cũng như nó tác động, khơi dậy bao chủng tử ở Tàng Thức. Và phải chăng vì vậy mà trong hai câu thơ trên Tác Giả đã cố tình nhấn mạnh đến 3 lần cái từ “KHẮP”. Khắp là cùng khắp, ở đâu cũng có, ở đâu cũng đến, đâu cũng có dính líu, quan hệ, tác động tương quan qua lại…”Anh đi khắp xứ khắp miền”. Và ở đây cũng nên nhắc lại đối tượng của Mạt Na Thức là Đới Chất Cảnh. Tức là cảnh giới mang theo một chút Bản Chất của Tánh Cảnh nhưng nó không là Tánh Cảnh. Người mà mình yêu hay ghét đó không phải là người có thực ở trong cuộc sống mà là cái người do mình sáng tạo ra. Đó gọi là Đới Chất Cảnh. Thi sĩ Hàn Mặc Tử yêu cô nào đó nhưng không được cô ta yêu lại, rất đau khổ nhưng không thể bỏ được cô ta. Cho nên ông nghĩ rằng nếu mà mình giết được hình bóng cô đó trong lòng, trong tâm mình thì mình sẽ cảm thấy được nhẹ nhàng, thanh thản biết bao :
“Làm sao giết được người trong mộng”
Tại vì hình bóng của người trong mộng cứ đi theo mình như một bóng ma. Chúng ta thường thù ghét, chúng ta thường mê đắm những hình ảnh mà chúng ta tự tạo ra trong tâm chớ không phải chúng ta thù ghét và mê đắm cái thế giới thực tại vì vậy Tác Giả đã phải thốt lên : “Khắp bao mộng tưởng bao triền miên mơ” !.
“Mơ một mai sau có bao giờ
Những người da trắng một giờ thấy em”.
Từ hai câu 7, 8 này; đọc lại câu 5 và 6 ta sẽ thấy cái lòng NHÂN , cái lòng Từ và cái lòng Vị Tha của “Anh”. Bản thân “Anh” thì lặn lội vượt suối trèo non, đi khắp xứ, khắp miền, thậm chí ngay cả trong những lúc mộng tưởng để rồi ước mơ, mơ ước một cách thành khẩn, mơ ước với tất cả nhiệt huyết say nồng ( Triền miên mơ ) nhưng điều đáng quan tâm ở đây là “Anh” không phải mơ ước cho chính bản thân mình mà “Anh” lại mơ ước cho người khác – cho “Những Người Da Trắng” thấy được “Cô Em Mọi” diễm kiều. Qủa đúng đấy là hình ảnh “Người Quân Tử” của Khổng Học : “Lo trước cái lo của thiên hạ và vui sau cái vui của thiên hạ” hay là hình ảnh của những vị Bồ Tát như Ngài U Minh Giáo Chủ Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát với lời nguyện : “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật” có nghĩa là ngày nào mà ở địa ngục còn có tội nhân thì ngày đó Ngài Địa Tạng vẫn mãi thực hiện đại nguyện cứu độ của mình và không chịu bước lên quả vị Phật.
Trước hết, đừng để những từ “Em Mọi” và “Da Trắng” đánh lừa nhận thức của chúng ta. Theo ý nghĩa của “Thập Mục Ngưu Ðồ” từ hình ảnh một con trâu hoàn toàn đen từ đầu đến đuôi và sau đó cứ trắng dần từng phần cho đến lúc xuất hiện một con trâu hoàn toàn trắng, ta có thể đưa ra hai hình ảnh để biểu tượng cho “Lục đạo luân hồi” và “Bốn cõi Thánh” như sau : Một hình ảnh hoàn toàn màu đen từ đỉnh đầu đến tận dưới bàn chân- Đây là hình ảnh tượng trưng cho Địa ngục và Màu Đen ở đây dĩ nhiên nó được tượng trưng cho tất cả những nghiệp quả của các ý nghĩ , lời nói , và hành động bất thiện , xấu xa , tệ hại , độc ác nhất. Nếu màu đen ấy được giảm đi ( 10% ) từ bàn chân trở lên , đó là hình ảnh tượng trưng cho Ngạ quỹ , cứ như thế trắng dần lên cho đến một hình ảnh hoàn toàn không còn vướng một chút nào màu đen nữa thì đó là hình ảnh được tượng trưng cho Bậc đã hoàn toàn Giác Ngộ. Do vậy “Những Người Da Trắng” ở đây chúng ta nên hiểu là những người đã biết tu tập để sống trong Chánh Niệm, biết tu tập Thiền Quán, vì thiền quán là nhìn sâu, nhìn kỹ vào đối tượng để quét sạch tất cả mọi vọng niệm, để khai sáng Chân Tâm; để đạt tới cái Thực Tại. Thực Tại trước hết là thực tại bản thân và kế đến là thực tại của thế giới và trong quá trình đó mình phải buông bỏ những hình bóng của tâm mình tạo tác ( Đới Chất Cảnh ). Trong đời sống hằng ngày của mình, nếu mình sống có Chánh Niệm thì mới cảnh giác được. Qua ánh sáng của Duy thức Học mình thấy rằng mình sống trong thế giới của Đới Chất Cảnh nhiều hơn thế giới của Tánh Cảnh. Tâm Thức của chúng ta không có đạt đến thực tại, chúng ta biến chế thực tại, chúng ta biến chế ra một hình ảnh mà chúng ta gọi là thế giới thực tại và chúng ta giam hãm chúng ta trong thế giới đó. Do vậy dựa vào công trình tu tập và quán chiếu, càng ngày chúng ta sẽ càng đạt tới thực tại của Tánh Cảnh hơn. Đó là con đường đưa chúng ta đi gặp hình ảnh thực tế của “EM MỌI” hay nói một cách nôm na là bởi hằng ngày chúng ta cứ thường xuyên giong ruỗi theo “Tâm Viên Ý Mã” , bao giờ chúng ta cũng sống chạy theo vọng niệm vì vậy Chân Tâm, Phật Tánh hay A Lại Da Thức luôn luôn bị che mờ, kết quả là chúng ta luôn bị sống với tất cả những hình ảnh của Đới Chất Cảnh và không bao giờ có thể nhận diện được “Bản Lai Diện Mục” của mình hay nhận diện được bộ mặt thật của “Em Mọi” như thế nào !. Màu trắng ở đây nó được biểu tượng cho những gì sáng suốt, tự tại, thanh tịnh và không bị ô nhiễm.
Tiếp đến, chúng ta cũng nên để ý đến từ “Một Giờ”. Trong bài “Ca Dao”, Tác giả có viết :
“Một lần thấy một thuyền quyên
Nghìn thu thấy mãi thần tiên một giờ”.
Tại sao chỉ một giờ thôi ? Và tại sao Nghìn thu mà chỉ thấy mãi Thần Tiên “Một Giờ” ? Cũng như trong bài thơ chúng ta đang bàn đến, tại sao “Anh” lại mơ, mơ những “Người Da Trắng” thấy “Em” chỉ có “Một Giờ” thôi ? . Vậy thì ở đây có phải chăng “Một Giờ” là con số chính xác của sáu mươi phút ?. Thực ra nếu đã thấy được Thần Tiên, đã gặp được “Em”, đã tìm được “em” thì một giờ, nửa giờ, một năm hay thiên thu cũng đã là “Có Em” vì theo Giáo lý “Trùng Trùng Duyên Khởi” của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh thì :
“Một là Tất Cả và Tất Cả là Một”.
Hay là :
“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai” ( Tản Ðà )
Hoặc :
“Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu
Cái này sinh khởi thì cái kia sinh khởi
Cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu
Cái này hủy diệt thì cái kia hủy diệt”.
“Tất cả mọi sự vật đều nương nhau mà có hoặc chuyển đổi”. Do vậy, trong thế giới của quán chiếu, khi chúng ta dùng những chìa khóa vô thường, vô ngã thì chúng ta sẽ thấy rõ. Thí dụ như bình hoa – nhìn vào bình hoa chúng ta sẽ thấy có đất, có nước, có lửa, có không gian, có thời gian, có không khí, và nếu cứ nhìn cho sâu thì thấy không có bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ mà không có mặt trong bình hoa cả . Tại vì bình hoa được cấu tạo thành bởi toàn là những chất liệu không phải là bình hoa. Cũng như đóa hoa được tạo thành bởi những chất liệu không phải là hoa . Xét cho kỹ thì mọi hiện tượng trong vũ trụ đều đến với nhau để làm ra một bình hoa, làm ra một đóa hoa và trong đóa hoa này hay trong cái bình cắm hoa này có đủ hết. Cái bông hoa này chứa đựng cả vũ trụ và cái bình cắm hoa này cũng chứa đựng cả vũ trụ. Đó là ý nghĩa của tương nhập – nghĩa là tất cả vũ trụ đi vào trong một cái và một cái đó cũng đi vào tất cả trong vũ trụ . Ngoài ra trong cái một nó chứa đựng cái nhiều và trong tất cả mọi cái mà ta gọi là nhiều đều có cái một đó hết. Và vì vậy cho nên bình cắm hoa cũng là bông hoa, bởi vì không có bông hoa thì sẽ không có bình cắm hoa. Bông hoa cũng là đám mây vì không có đám mây thì sẽ không có bông hoa ( Theo chu kỳ Mây Mưa Nước Hoa – Thực Vật ). Bông hoa cũng là đất, vì nếu không có đất thì cũng sẽ không có bông hoa. Đó gọi là tương tức. Đó là ý nghĩa của Bài Kệ số 13 trong Duy Thức Ngũ Thập Tụng :
“Hạt giống hay hiện hành
Đều tương tức, tương nhập
Một do tất cả thành
Tất cả đều do một”.
Do vậy cái tất cả nếu mà có được là do cái một. Chính cái một nó làm ra cái tất cả. Cái ý niệm về một là do cái ý niệm về nhiều nó làm ra và cái ý niệm về nhiều do cái ý niệm về một làm ra. Ý này đã được các Thiền Sư diễn đạt qua “Thiền Ngữ” “
“Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung”
( Trời đất rút lại đầu lông xíu
Nhật nguyệt bao hàm hạt cải mòng ).
Hay như Từ Đạo Hạnh – Một Thiền Sư Triều Lý đã thể hiện sự liễu ngộ “Giáo lý Trùng Trùng Duyên Khởi” trong Kinh Hoa Nghiêm hay giáo lý “Sắc”, “Không” trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật qua bốn câu thơ sau :
“Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Thử xem bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không là gì” .
Vậy theo ý nghĩa “Tương Tức”, “Tương Nhập” này thì cái “Một Giờ” ở đây cũng chính là cái “Nghìn Thu Vô Định”. Do đó qua quá trình thanh lọc Tâm Ý, qua quá trình dày công phu Thiền Định , hay qua quá trình khổ luyện sống chết với công án, chỉ qua một giây mà Ngộ được Đạo – Như Mông Sơn Dị Đức ngộ Đạo khi nghe tiếng hộp nhang rơi trên nền Chùa; Tổ Vân Môn Văn Yển hoát nhiên Ngộ Đạo khi bị Mục Châu nắm vai đẩy ra khỏi cửa và bị cánh cửa đóng sầm lại làm bị gãy mất một chân – Ngộ Đạo ngay trong giây phút bị đau đớn cùng cực ấy; Hoặc như Đồng Tử hoát nhiên sáng tỏ yếu chỉ của ngón tay Thiền Thiên Long trong lúc sợ quá bỏ chạy ngoái cổ nhìn lại và thấy ngón tay.v.v…Một Thiền sư khác thì Ngộ Đạo trong giây phút bị một mảnh đá văng va chạm vào chân khi đang cuốc đất làm vườn; Một Thiền Sư khác thì Ngộ Đạo ngay giây phút khi thấy chẻ Tượng Phật bằng gỗ ném vào bếp để sưởi ấm.v.v… ( Theo Thiền Luận của Suzuki – Bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sỹ ) – thì mãi mãi ta vượt thoát ra được sanh tử luân hồi và vĩnh viễn an nhiên tự tại “Thỏng Tay Vào Chợ” ( Tranh Chăn Trâu Số 10 ).
“Nhận ra em Mọi Êm đềm
Thần Tiên Quốc Sắc, Tiên Thần Thiên Hương”.
Từ “MỌI” nó gợi cho ta nghĩ ngay đến những người da màu, những dân tộc thiểu số . Người Việt Nam dân tộc Kinh thường gọi dân tộc thiểu số là “Mọi” và mọi thì thường chỉ ở trên núi hoặc trên những vùng cao nguyên thôi. Vì họ là da màu, là thiểu số, nhất là ở xã hội Phương Tây cũ họ thường là “Nô Lệ”, hoàn toàn mất “Tự Do”, mất “Chủ Quyền” và thậm chí mất luôn cả quyền làm người nữa…Hình ảnh của họ đã gợi cho ta liên tưởng đến những khái niệm “Bị lệ thuộc”, “Bị ràng buộc”, “Bị nô lệ”, “Bị mất tự do”, “Bị người ta giữ lấy, ôm lấy”.v.v…như hình ảnh của Tom trong tác phẩm “Túp Lều Của Chú Tom” của Harriet Beecher Stowe và hình ảnh của những “Số phận bị nạn phân biệt chủng tộc” trong tác phẩm “Hãy Để Ngày Ấy Lụi Tàn” ( Let The Day Perish ) của Gerald Gordon…
Bây giờ trở lại Duy Thức Học – Trở lại với tên gọi, đối tượng và công dụng của Tàng Thức. Theo Duy Thức Học, A Lại Da Thức – Thức Thứ Tám là quan trọng nhất. Nó có tên gọi khác là Tàng Thức vì có tính NĂNG TÀNG.
Năng là khả năng, công năng giữ gìn
Tàng là bảo trì, cất chứa, giữ gìn, duy trì những hạt giống.
Tàng Thức cũng có tên khác nữa là “Nhất Thiết Chủng Thức” tức là cái thức cất chứa tất cả mọi hạt giống. Ngoài ra nó lại còn có tên khác nữa là “Ngã Ái Chấp Tàng”. Lý do có tên này là vì cái tàng thức này, cái tâm này có thể bị Nô lệ, bị nhận lầm, bị vớt, bị người ta ôm lấy, bị người ta cho là của ta, bị nhận lầm là cái ngã của người ta.v.v…Thức thứ bảy là Mạt Na Thức luôn đói khát về một cái ngã riêng biệt, nó cần có một cái gì để nhận là cái :TA” của mình vì vậy nó ôm quàng ôm xiên, ôm lấy Tàng Thức và coi cái này là của ta.. Tàng thức vì vậy đôi khi bị kẹt và mất Tự Do.
Tàng Thức là đối tượng của một chủ thể đang ôm ấp, đang yêu quý nó và cho nó là mình. Trong tình yêu này, người yêu ở đây là Thức Thứ Bảy – Mạt Na Thức và người được yêu là Thức Thứ Tám – Tàng Thức. Tàng Thức là đối tượng của sự thương yêu, của sự ôm chặt do Mạt Na Thức chủ trương và trong kinh gọi là “Ngã Ái”. Cái phần chủ thể ôm chặt đó, cái thức thứ bảy đó được gọi là NGÃ ÁI CHẤP. Còn thức thứ tám, cái thức bị ôm chặt đó có tên là NGÃ ÁI TÀNG…
( Duy Biểu Học – Thích Nhất Hạnh )
Như vậy thì ở đây ta có thể nói được rằng “Cô Em Mọi” mà “Anh” hằng “Nhớ”, hằng “Mơ”, chính là A Lại Da Thức vậy. Hiểu như thế thì ta có thể dễ dàng biết được lý do tại sao Tác gỉa thường thích dùng những từ “Thần Tiên”, “Tiên Thần”, “Quốc Sắc”, “Thiên Hương”, “Tiên Nữ”.v.v…Thí dụ như nói về “Thần Tiên” thì trong tập :”Đêm Ngắm Trăng” có đến không dưới 20 câu thơ Tác gỉa đã đề cập đến :
“Ngàn mây trắng , nước non vàng
Chào em mà tưởng chào Nàng Tiên Hoa”
( Cô Em Mọi Nhỏ )
“Em đã xa, mất hút ở cuối trời
Ôi Nàng Tiên Huyền diệu của anh ôi ! “
( Hổng Dám đâu )
“Dường như có lẽ nàng về
Ôi Nàng Tiên ấy có nghe ngóng gì”
( Nàng Ở )
“Anh đau đớn suốt cõi miền
Chào em như một Nàng Tiên bất ngờ”
( Em Em Em )
Nói về “Quốc Sắc” thì :
“Em đi em đứng em ngồi
Em nằm duỗi dọc rạng ngời tủy xương
Em Quốc Sắc ? Em Thiên Hương
Em thơ mộng quá tình trường mộng mơ”
( Ở Trong )
Hay như cả một bài thơ được mang tựa đề là “Quốc Sắc” với hai câu đầu như sau :
“Thiên Hương Quốc Sắc diễm kiều
Bình minh lộng lẫy xế chiều hỗn mang”.
Nói về “Thiên Hương” thì :
“Tình yêu đổi sắc thay màu
Giai nhân Quốc Sắc nhiệm mầu Thiên Hương”
( Sông Ơi )
“Hồng quần rất mực lâm ly
Thiên Hương Quốc Sắc mỗi đi mỗi đường”
( Quên Đi )
“Em từ Quốc Sắc phi thường
Bước ra chào đón Thiên Hương thuở nào”
( Từ Một Cái Bóng ).
Ở đây ta nên chú ý đến một điểm. Trong bài thơ Tác giả đã 3 lần dùng từ “TIÊN” đó là : Thần Tiên , Tiên Thần và Tiên Nữ ở trong hai câu thơ 12 và 15.
TIÊN ( ) : Theo cấu tạo của chữ Hán, nó được kết hợp bởi chữ NHÂN ( ) là NGƯỜI và chữ SƠN ( ) là NÚI với ý nghĩa NGƯỜI mà ở trên NÚI là TIÊN.
Nếu theo nghĩa này thì rõ ràng Tác giả đã cố tình chọn “Người Yêu” của mình là một “Sơn Nữ” – Một Cô Gái Núi – Một Cô em Mọi – Và hẳn nhiên Cô Em Mọi này chính là “NÀNG TIÊN” ấy. |
Ngoài ra ta cũng cần phải xét về ngữ nghĩa của các từ “Quốc Sắc” và “Thiên Hương”. Thời nay người ta ít tiếp xúc với từ Hán Việt do vậy khi gặp những từ như “Quốc Sắc”, “Thiên Hương” có thể người ta nghĩ đến “Một cái gì đó đẹp nhất nước” ( Quốc Sắc ) hay là hương thơm của trời đất, tinh hoa của thiên nhiên , vũ trụ, vạn vật “Thiên Hương”.v.v…Nhưng hai từ này lại có cùng một nghĩa. Khi dịch sang tiếng Anh thì từ “Quốc Sắc” được dịch là “Beautiful Queen”, National Beauty ( Queen ) , hay National Belle. Còn “Thiên Hương” được dịch là “Beauty Woman”, “Belle Woman”, hay là “Fair Lady”.v.v…
- Từ Beautiful được dùng để nói về Phụ Nữ, Trẻ Em – nó liên quan đến vẻ đẹp khả ái của gương mặt. Beautiful là một sự mô tả nghiêm chỉnh và tán thưởng, gợi lên sự thanh nhã và hoàn hảo.
- Từ Queen là Nữ Hoàng – Là Phụ Nữ hoặc Nơi Nào, hoặc Cái Gì được coi là “Tốt” nhất hay “Quan Trọng” nhất về một mặt nào đó ( Thí dụ như nói về côn trùng thì Queen là con kiến, con ong chuá, còn nói về cờ thì nó là quân cờ mạnh nhất trên bàn cờ dùng để tấn công và phòng thủ ).
Như vậy ý của cặp từ này rõ ràng là muốn nói đến, muốn nhấn mạnh đến “Người Phụ Nữ Đẹp Nhất, Tốt Nhất, Quan Trọng Nhất…” và nó đã được Tác giả thường xuyên lặp đi lặp lại, dùng rất nhiều lần trong các bài thơ của mình do vậy ta có thể mạnh dạn đi đến kết luận “Ngườì Phụ Nữ” này không ai khác là “Cô Em Mọi” của Tác giả và như trên đã nói, đó cũng chính là “Thần tiên”, là “Tiên Thần”, là “Quốc Sắc”, là “Thiên Hương”, là “Tàng Thức”, là “A Lại Da Thức”.
“Đời anh một chán mười chường
Làm thơ tưởng nhớ mười phương em là”
Như đã phân tích qua hai câu 7 và 8, ở đây ta không bận tâm chú ý đến những số từ MỘT, MƯỜI nữa mà hãy quan tâm đến thái độ “Chán Chường” và “Tưởng Nhớ” của “Anh”. Như trên đã đề cập, chúng ta suốt ngày và hầu như suốt cả đời thường sống với vọng niệm, luôn bị lệ thuộc vào vọng niệm, luôn suy nghĩ, hành động và phát ngôn bởi sự sai khiến của vọng niệm. Chúng ta luôn nhận thức mọi sự vật, mọi người, mọi cảnh vật qua “Đới Chất Cảnh”, ít có mấy ai trong chúng ta thực sự nhận thức và sống được với “Tánh Cảnh”. Vì đã “Nghìn Thu”, đã vô tận kiếp trước chúng ta quen sống với sợi dây ái dục, đã quen nhìn nhận sự vật qua cái màn Vô Minh dày đặc thường xuyên bao phủ lấy nhãn quang của mình do vậy chúng ta thường sống với “Tâm Viên Ý Mã” như Tác giả đã viết :
“Tôi từ một tỉnh mười mê
Đêm điên ngày dại nhớ quê hương nào”
( Một Tỉnh Mười Mê )
Và quá trình thanh lọc tâm ý, quá trình gạn lọc vọng tâm, quá trình thực tập thiền định, quá trình khổ luyện để được “An trú Trong Hiện Tại”, để được trở về sống trong Chánh Niệm, sống với Chân Tâm Thanh Tịnh ( Làm thơ tưởng nhớ nghìn phương em là…) thật không phải dễ dàng và một sớm một chiều mà đạt được, thậm chí ngay cả với những người tinh tấn chuyên trì. Vì vậy càng khát vọng đến được với “Chân Tâm”, đến được với “Người Yêu”, chúng ta càng cảm thấy “Khả Năng Hạn Hẹp” của mình, càng cảm thấy đáng tự trách mình sao không có được những khả năng tuyệt diệu hơn, vì vậy đôi lúc ta lại hơi bi quan, chán nản và lại càng bi quan, chán nản hơn nếu chúng ta đã có sự cố gắng mà con đường vẫn cứ mãi còn xa xôi vời vợi :
“Tình yêu đổi sắc thay màu
Giai nhân quốc sắc nhiệm mầu thiên hương
Người đi trút chán giũ chường
Người em ở lại tình trường thật vui”
( Sông Ơi )
Nhưng dù có thế nào đi nữa, dù có chán chường hay không hài lòng với chính mình đi nữa thì chúng ta cũng vẫn mãi sống trong “Tình Yêu” ấy, mãi ôm ấp, ghì chặt hình bóng ấy ; mãi chấp ngã, chấp vọng làm chân và luôn sống với vọng niệm, luôn tưởng nhớ, hướng đến người yêu của mình.v.v…đó là đặc tính của Mạt Na Thức – Thức Thứ Bảy như chúng ta đã phân tích khá kỹ trong hai câu thơ 5 và 6.
Thực ra nếu Tác giả kết thúc bài thơ ở ngay 3 chấm lửng cuối câu 12 cũng đủ nghĩa và bài thơ đã hoàn chỉnh. Thế nhưng Tác giả lại viết tiếp :
“Anh kêu gọi khắp sơn hà
Em là Em Mọi em là Tương Lai”
Rõ ràng ở đây Tác giả lại muốn thông báo, muốn nhắc nhở, muốn nhấn mạnh – ( Đó là nghĩa của từ “Kêu Gọi” ) – cho mọi người, mọi nơi ( Nghĩa của từ “Khắp Sơn Hà” ) nhận ra được “Em Mọi”, biết tầm quan trọng của “Em Mọi” vì “Em Mọi” này chính là “Tương Lai” của mỗi người, của tất cả mọi người và hơn nữa ta hãy nghe tiếp “
“Em là Tiên Nữ ngày mai
Em thành Thánh Nữ Thiên Tài Kim Cương”
Một lần nữa Tác gỉa khẳng định “Cô Em Mọi” này chính là “Tiên Nữ” và là “Thiên Tài Kim Cương”. Kim cương là loại đá quý trong suốt của “Carbon” ( Cạc bon ) nguyên chất dưới dạng tinh thể, được coi là chất cứng nhất, quý nhất. Hơn nữa trong kho tàng Kinh điển của Phật giáo cũng có một bộ Kinh rất thâm diệu và quan trọng đó là KINH KIM CƯƠNG. Tương truyền khi còn là một tiều phu đi đốn củi, tình cờ được nghe tụng Kinh Kim Cương, Huệ Năng liền đốn ngộ bèn tìm đến Hoàng Mai yết kiến Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, được Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn dạy cho Kinh Kim Cương đến câu “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm” ( Đừng sanh tâm trụ chấp ở một nơi nào ) thì đại Ngộ và được Ngũ Tổ ấn chứng trao truyền y bát trở thành Lục Tổ. Nội dung Kinh Kim Cương nói đến ý nghĩa danh hiệu Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật : Kim Cương là chất kim cương, ở đây lấy chất ấy ví dụ cho sự khó phá huỷ. Bát Nhã là Tuệ Giác Như Thật Tri Kiến về Như Lai. Ba La Mật là rời bỏ bờ bên này và vượt đến bờ bên kia, tức là nói đến sự toàn hảo…Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật có hai nghĩa :
- Kim Cương ví cho Ngã Chấp, Tuệ Giác toàn hảo có năng lực phá hủy cái Ngã Chấp khó phá hủy đó nên gọi Tuệ Giác ấy là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật.
- Kim Cương ví dụ cho chính Tuệ Giác, Tuệ Giác toàn hảo, có cái năng lực khó phá huỷ là phá huỷ được Ngã Chấp, nên Tuệ giác ấy gọi là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật .
Như vậy danh hiệu Kinh này cho thấy Kinh Kim Cương cốt nói năng lực của Bát Nhã và nói Ngã Chấp mà năng lực ấy phá hủy .
( Theo Kinh Kim Cương-HT Trí Quang dịch 1987 ).
Qua đó ta thấy là Kinh cũng ngụ ý nói về Năng Tàng và Sở Tàng – Đặc tính của Tàng Thức. Do vậy ở đây “Cô Em Mọi” của Tác giả trở thành “Thánh Nữ Thiên Tài Kim Cương” mà kim cương là cái cao quý nhất vững chắc nhất, là tuệ Giác toàn hảo có năng lực phá hủy được Ngã Chấp nên “Cô Em Mọi” của Tác giả là A Lại Da Thức – Là Ðại Viên Cảnh Trí – Là Chân Tâm – Là Phật Tánh – Là cái đáng tôn quý nhất. Tương truyền khi mới được đản sanh, Thái Tử Tất Đạt Đa đã bước đi 7 bước trên 7 cánh Hoa Sen rồi một tay đưa cao lên Trời, một tay chỉ xuống Đất và dõng dạc tuyên bố rằng :
“Thiên Thượng Thiên Hạ Duy Ngã Độc Tôn”
Câu nói này có nhiều ý nghĩa được giải thích khác nhau và thông thường bị hiểu theo cái nghĩa đen hạn hẹp của nó. Ngã được hiểu là TA, TÔI ( Tiếng tự xưng mình ), là Tiểu Ngã ( Le Moi ), Hay mình tự gọi mình cũng gọi là ngã. Vì vậy đã dẫn đến một ý nghĩ cho rằng Thái Tử đã quá “Tự Cao”, “Tự Phụ” khi tuyên bố “Trong thiên hạ chỉ có duy nhất một mình Thái Tử là người đáng được tôn quý nhất”. Thực ra Thái Tử Tất Đạt Đa có tự phụ, tự cao hay không thì qua câu nói : “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành” và “Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh bình đẳng như nhau” cũng đã chứng minh được một cách rõ ràng “Phẩm Hạnh” của Ngài. Còn về phía chúng ta, luôn được soi sáng dưới ánh Đạo Chân Lý của Ngài , thấy và hiểu được phẩm hạnh cao quý tột bật của Ngài thì tất cả chúng ta đều quy y, tôn kính, tâm phục, khẩu phục, thán phục và tôn xưng Ngài là : “Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh, Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn” thì quả đúng Ngài là bậc đáng tôn kính đệ nhất trong cả ba đời thiên hạ. Hơn nữa ở đây từ “NGÔ chúng ta nên hiểu là “Bản Thể Của Vũ Trụ Vạn Hữu” vì ngã này là “Đại Ngã”, là “Phật Tánh”, là “A Lại Da”, là “Tàng thức”.v.v…,nó được ví như là “Quốc Sắc”, “Thiên Hương”, “Kim Cương”, là cái gì “Tốt Đẹp”, “Quan Trọng”, “Bền Vững”, và “Quý Báu” nhất.
Đó là lý do mà Tác giả đã phải “Nghìn thu vô định giang hà nhớ em”, đã phải “Làm thơ tưởng nhớ mười phương em là”, đã phải “Anh kêu gọi khắp sơn hà”.v.v…
Để kết luận, một lần nữa ta xác định rõ từ “ANH” ở đây là ai ? Trong bài thơ, giống như từ “TIÊN”, từ “ANH” ở đây cũng được Tác giả nhắc đến 3 lần. Nếu từ “Tiên” được dùng để chỉ cho “Cô Gái Núi” – Là Thức Thứ Tám- Là Tàng Thức thì từ “ANH” ở đây nó được dùng để chỉ cho Thức Thứ Bảy – Mạt Na Thức vì như chúng ta đã biết một số các đặc tính của Mạt Na Thức như đã giải thích ở trên. Bây giờ chúng ta cũng nên nhắc lại và hiểu thêm một số đặc tính khác nữa của nó là :
“Mạ Na Thức” là một chuyển thức, có gốc rễ từ A Lại Da Thức, phát hiện ra thành một tác dụng nhận thức và đối tượng của nó là kiến phần của A Lại Da. Nó ôm lấy một phần của Thức A Lại Da và nó cho đó là người yêu của nó. Nương vào A Lại Da Thức phát hiện Thức Mạt Na ; Tác dụng là tư lương, nó níu lấy Tàng Thức làm ngã, nó cho A Lại Da Thức là người yêu phải bảo vệ, mình phải bảo vệ. Nhưng Mạt Na Thức, khi mà Giác Ngộ thì nó trở nên một cái tác dụng rất mầu nhiệm gọi là “Bình Đẳng Tánh Trí” – Là cái khả năng có thể thấy được “CÁI MỘT” trong “TẤT CẢ” và “TẤT CẢ” trong “CÁI MỘT”. Còn “Người Yêu” của Mạt Na, nó chính là A Lại Da Thức. Bài kệ số 15 trong “Duy Biểu Học” của HT Thích Nhất Hạnh đã giảng thêm về A Lại Da Thức :
“Vô minh diệt minh sanh
Tàng chuyển thành vô lậu
Gương trí soi mười phương
Bạch tịnh và vô cấu”.
Như Phật đã dạy: “Khi vô minh diệt thì minh sanh”, hễ bóng tối mất đi thì tự nhiên có ánh sáng. Khi minh sanh thì có thế giới của sự Mầu Nhiệm, của Giác ngộ, của Giải Thoát, của Niết Bàn. Trong khi đó thì Tàng Thức chuyển thành Vô Lậu hết. Tất cả những gì thuộc về Tàng Thức như chung, riêng, một, nhiều, tất cả đều chuyển thành Vô Lậu. Do đó nó có thêm một cái tên mới nữa là: “Gương Trí Soi Mười Phương”. Như đã nói trước đây, Tàng Thức có nhiều tên : “Nhất Thiết Chủng Thức”, “Dị Thục Thức”, “Năng Tàng”, “Sở Tàng”, “Ngã Ái Chấp Tàng”, “A Lại Da Thức”, “A Đà Na Thức”.v.v…Bây giờ đây, sau khi chuyển thành Vô Lậu thì nó lại có thêm một cái tên mới nữa là : “Đại viên Cảnh Trí”. Đại là lớn. Viên là tròn đầy. Cảnh là tấm gương. Trí là trí tuệ. Tàng Thức trở thành một thứ ánh sáng, một thứ trí tuệ giống như một tấm gương lớn và tròn đầy, nó phản chiếu được một cách “Tự Do” mọi hiện hữu nhiệm mầu. Đó là ý nghĩa của cụm từ “Gương Trí Soi Mười Phương”. “Bạch Tịnh và Vô Cấu” : Bạch là trắng tinh, trong sạch. Vô cấu là không bị ô nhiễm vì vậy Bạch Tịnh Thức và Vô Cấu Thức là hai tên gọi mới của Tàng Thức khi đã giải thoát. Khi Tàng Thức trở thành Vô Lậu rồi thì những sanh, diệt, khổ đau trở thành Giải Thoát, Giác Ngộ, An Lạc, trở thành “Đại Viên Cảnh Trí” hay là “Vô Cấu Thức”, “Bạch Tịnh Thức”.
Trong tinh thần “Tương Tức”, “Tương Nhập” thì trong “ANH” có “EM”, trong “EM” có “ANH”, hay trong “Thức Thứ Bảy” thì có “Thức Thứ Tám” và rộng ra tất cả Tám Thức cũng đều có mối tương quan mật thiết như thế cả. Một cái nó chứa đựng Tất Cả và chỉ cần nhìn sâu sắc vào “Cái Một” mình cũng có thể thấy được “Cái Tất Cả”. Ý này cũng được chính Tác giả Bùi Giáng thể hiện qua những câu thơ sau :
“Trong linh hồn một bông hoa
Hình như có cõi người ta đàng hoàng
Ở trong một phút lang thang
Có hồn dâu biển đa đoan cơ trời”.
( Cảm Ơn – Đêm ngắm Trăng )
Hay là :
“Mỗi sáng tôi nhìn mặt trời mọc trong mây
Mỗi chiều tôi nhìn mặt trời lặn trong mây
Suốt ngày tôi lắng tai nghe chim hót trong lá cây reo
Và nhìn thấy rất nhiều những muà xuân mênh mông đang đi tới”.
( Nhìn Thấy- Đêm Ngắm Trăng )
Cuối cùng thì ta cũng nên hiểu rõ rằng có 5 Tâm sở, 5 hiện tượng tâm lý hiện diện cùng khắp, đi theo đủ 8 Thức, gọi là 5 Tâm Sở biến Hành. Nó hiện hành, hoạt động đủ cả ở nơi Tàng Thức, Mạt Na Thức và 6 loại Thức Cảm Giác. Khi mà nói với tư cách “Căn Bản” thì mình gọi là Tâm Vương và khi mà mình nói về “Hành Tướng” của những trạng thái tâm lý mà nó biểu hiện ra thì gọi là Tâm Sở. Tất cả những Tâm Hành, Tâm Sở đều là “SÓNG”, mà “SÓNG” cũng chính là “NƯỚC”. Ngoài “SÓNG” thì không có “NƯỚC” và ngoài “NƯỚC” cũng không có “SÓNG”. “NƯỚC” là “TÂM VƯƠNG” còn “SÓNG” là “TÂM SỞ”. Tâm sở và Tâm Vương là “Hai Cái”, tuy “HAI” mà là “MỘT”. Tuy “MỘT” mà là “HAI”. Điều này cũng giống hết cho tất cả 8 Thức. Đấy là điều “CƠ BẢN”, “Quan Yếu” mà chúng ta cần phải thông hiểu khi đi vào Duy Thức Học.
Trong “Lời Giới Thiệu” của Nhà Xuất Bản Trẻ khi xuất bản tác phẩm “Đêm Ngắm Trăng” của Bùi Giáng đã viết như sau :
“Tác giả cũng tỏ ra rất mặn mà khi gọi nhân vật nữ đầy cảm hứng của mình là Em Moi…Từ “Mọi” mang ý nghĩa kỳ thị sắc tộc rất khó nghe về mặt chính trị, dễ gây mất đoàn kết. Nhưng với Bùi Giáng phải hiểu thế nào cho đúng đây ?”.
Hai câu thơ 7 và 8 ở trên Tác giả đã viết :
“Mơ một mai sau có bao giờ
Những người DA TRẮNG một giờ thấy em”
Và ở hai câu này :
“Nhận ra EM MỌI Êm Đềm
Thần Tiên Quốc Sắc, Tiên Thần Thiên Hương”
Vì Tác giả đã đưa ra hình ảnh một “SƠN NỮ”- Một cô gái miền núi, một “Cô Mọi” cho nên Nhà Xuất Bản Trẻ nghĩ ngay đến sự phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị da màu ?.
Ở đây có một điều chúng ta cần phải quan tâm để nêu lên câu hỏi : “Tại sao tác giả cho cô Em Mọi của mình trở thành “Thần Tiên Quốc Sắc”, và “Tiên Thần Thiên Hương” ?. Theo nghĩa của tục đế cũng như theo cách nhìn một cách phổ quát của dân tộc Kinh thì MỌI là một thành phần dân tộc thiểu số , một tầng lớp hạ đẳng trong xã hội, họ không có được cái ngoại hình đẹp đẽ lắm, có lúc còn bị coi thường khi dễ nữa !. – Ðó cũng là lý do khiến cho “Nhà Xuất Bản Trẻ” nêu lên cụm từ : “…mang ý nghĩa kỳ thị sắc tộc…” – Thế mà lại được Bùi Giáng cho sánh vai cùng “Tiên Nữ”, “Thiên Thần”, “Quốc Sắc”, “Thiên Hương” . Hình ảnh của cô “Em Mọi” và hình ảnh của “Tiên Thần” gợi cho chúng ta phải liên tưởng đến điều gì ? .
Muốn giải quyết cho câu hỏi này, cũng như để giải tỏa điều mà “Nhà Xuất Bản Trẻ” đã nêu ra, có lẽ chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của “PHÁP MÔN BẤT NHỊ”. Vấn đề này thì nhiều Kinh sách đã giảng giải cụ thể như sau :
I.- Bấy giờ, Duy-ma-cật nói với các Bồ tát hiện diện: «Thưa các nhân giả, thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị? Mong các vị hãy tùy chỗ sở thích của mình mà trình bày.»
1. Trong hội có Bồ tát Pháp Tự Tại nói: « Thưa chư nhân giả, sanh và diệt là hai. Pháp trước vốn không sanh, nay tất không diệt. Lãnh hội pháp nhẫn vô sanh này là vào Pháp môn bất nhị.»
2. Bồ tát Đức Thủ nói: «Ngã và ngã sở là hai. Nhân bởi có ngã nên có ngã sở. Nếu không có ngã thì không có ngã sở. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
3. Bồ tát Bất Huyến nói: «Thọ và bất thọ là hai. Nếu không thọ các pháp thì không khả đắc. Vì không khả đắc cho nên không thủ, không xả, không tác, không hành. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
4. Bồ tát Đức Đỉnh nói: «Cáu bẩn và thanh tịnh là hai. Thấy được tánh của cáu bẩn thì không còn tướng tịnh, thuận theo tướng tịch diệt. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
5. Thiện Tú Bồ tát nói: «Động và niệm là hai. Không động thì không niệm. Không niệm thì không phân biệt. Đạt đến chỗ này là vào Pháp môn bất nhị.»
6. Bồ tát Thiện Nhãn nói: «Nhất tướng với vô tướng là hai. Hiểu được nhất tướng rốt ráo là vô tướng, không chấp vào vô tướng để thành tựu bình đẳng, đó là vào Pháp môn bất nhị.»
7. Bồ tát Diệu Tý nói: «Tâm Bồ tát với tâm Thanh-văn là hai. Quán tướng của tâm vốn rỗng không, hư ảo, thì chẳng có tâm nào là tâm Bồ tát hay tâm Thanh-văn. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
8. Bồ tát Phất-sa nói: «Thiện và bất thiện là hai. Nếu không khởi thiện hay bất thiện là nhận chân thật tế của vô tướng. Thông suốt như vậy là vào Pháp môn bất nhị.»
9. Bồ tát Sư Tử nói: «Tội, phước là : Hiểu được tánh của tội chẳng khác tánh của phước. Lấy trí tuệ kim cang mà quyết rõ tướng này, không ràng buộc, chẳng giải mở; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
10. Bồ tát Sư Tử Ý nói: «Hữu lậu và vô lậu là hai. Nếu chứng các pháp là bình đẳng thì chẳng khởi tưởng hữu lậu hay vô lậu, không vướng vào tướng, không trụ vô tướng; đó là vào Pháp môn bất nhị.”
11. Bồ tát Tịnh Giải nói: «Hữu vi, vô vi là hai. Nhưng nếu lìa các số thì tâm như hư không, trí tuệ thanh thịnh, chẳng còn chỗ trở ngại; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
12. Bồ tát Na-la-diên nói: «Thế gian và xuất thế gian là hai nhưng tánh của thế gian là không thì cũng là xuất thế gian. Ở trong đó không vào, không ra, không đầy, không tan; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
13. Bồ tát Thiện Ý nói: «Sinh tử và Niết bàn là hai. Nếu thấy được tánh của sinh tử thì chẳng còn sinh tử, không trói buộc, không cởi mở, không bùng cháy, không dập tắt. Hiểu được vậy là vào Pháp môn bất nhị.»
14. Bồ tát Hiện Kiến nói: «Tận và bất tận là hai. Trong cứu cánh, pháp tận cũng như bất tận đều chính là tướng vô tận. Tướng vô tận tức là không. Không thì không có tướng tận hay bất tận. Vào chỗ đó là vào Pháp môn bất nhị.»
15. Bồ tát Phổ Thủ nói: «Ngã và vô ngã là hai. Ngã còn không thể nắm bắt được, phi ngã làm sao nắm bắt? Nhìn ra thật tánh này của ngã thì không khởi nhị nguyên nữa; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
16. Bồ tát Điện Thiên nói: «Minh, vô minh là hai. Nhưng thật tánh của vô minh chính là minh. Minh cũng không thể thủ, lìa hết thảy số. Ở trong đó mà bình đẳng không hai; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
17. Bồ tát Hỷ Kiến nói: «Sắc và Sắc Không là hai. Sắc chính là Không, không phải do sắc diệt mà không, nhưng tính của Sắc tự nó là Không. Thọ, Tưởng, Hành và Thức cũng vậy. Thức và Không là hai. Thức cũng chính là Không, không phải do Thức diệt mà không, vì tánh của Thức chính là Không vậy. Thông đạt chỗ này là vào Pháp môn bất nhị.»
18. Bồ tát Minh Tướng nói: «Bốn đại chủng và không đại chủng là hai. Tánh của bốn đại chủng chính là không đại chủng. Cũng như tiền tế và hậu tế đều là không, cho nên trung tế cũng là không. Thấu suốt tánh này của bốn đại chủng là vào Pháp môn bất nhị.»
19. Bồ tát Diệu Ý nói: «Con mắt, và sắc là hai. Nếu biết tánh của con mắt ở nơi sắc chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. Cũng vậy, tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với cảm xúc, ý với các pháp là hai. Nếu biết thật tánh của ý ở nơi pháp chẳng khởi tham, sân, si, đó là tịch diệt. An trụ trong đây là vào Pháp môn bất nhị.»
20. Bồ tát Vô Tận Ý nói: «Bố thí và hồi hướng đến nhất thiết trí là hai. Nhưng tánh của bố thí chính là sự hồi hướng đến nhất thiết trí. Cũng vậy, trì giới , nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ với hồi hướng nhất thiết trí là hai. Nhưng tánh của trí tuệ là tánh của hồi hướng nhất thiết trí. Ở trong đây mà thâm nhập nhất tướng, là vào Pháp môn bất nhị.»
21. Bồ tát Thâm Huệ nói: «Đây là không, đây là vô tướng, đây là vô tác, là hai. Nhưng không tức là vô tướng. Vô tướng tức là vô tác. Không, vô tướng, vô tác tức không tâm, không ý, cũng không thức. Ở trong một giải thoát môn cũng chính trong cả ba giải thoát môn. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
22. Bồ tát Tịch Căn nói: “Phật, Pháp, Chúng là hai. Phật tức là Pháp. Pháp tức là Chúng. Tam bảo này tướng vô vi, bình đẳng với hư không, hết thảy các pháp cũng vậy. Thấu suốt Pháp này là vào Pháp môn bất nhị.”
23. Bồ tát Tâm Vô Ngại nói: «Thân với thân diệt là hai. Thân cũng chính là thân diệt. Vì sao? Vì thấu rõ thật tánh của thân thì không còn khởi ý niệm về thân hay thân diệt, vì cả hai rốt ráo là bất nhị, không khác. Ở trong đó mà không kinh, không sợ, là vào Pháp môn bất nhị.»
24. Bồ tát Thượng Thiện nói: «Thân, khẩu, ý thiện là hai. Tướng của ba nghiệp này là vô tác. Tướng vô tác của thân tức là tướng vô tác của miệng. Tướng vô tác của miệng tức là tướng vô tác của ý. Tướng vô tác của ba nghiệp này tức là tướng vô tác của hết thảy pháp. Nếu có thể tùy theo trí tuệ vô tác như vậy là vào Pháp môn bất nhị.»
25. Bồ tát Phước Điền nói: «Phước hành, tội hành và bất động hành là hai. Thật tánh của ba hành là không. Không bố thí, không phước hành, không tội hành, không bất động hành. Không khởi ba hành này là vào Pháp môn bất nhị.»
26. Bồ tát Hoa Nghiêm nói: «Từ ngã mà khởi nhị nguyên, đó là hai. Thấy thật tướng của ngã, nhị nguyên này sẽ không khởi. Nếu không trụ nơi pháp nhị nguyên thì không có thức. Không có gì được nhận thức, đó là vào Pháp môn bất nhị.»
27. Bồ tát Đức Tạng nói: «Sự có sở đắc là phân hai. Nếu không sở đắc thì không thủ cũng không xả. Không thủ, không xả là vào Pháp môn bất nhị.»
28. Bồ tát Nguyệt Thượng nói: «Tối, sáng là hai. Không tối, không sáng thì không hai. Vì sao? Như nhập diệt tận định thì chẳng còn tối hay sáng. Tướng của hết thảy các pháp cũng như vậy. Ở trong đó bình đẳng mà vào. đó là vào Pháp môn bất nhị.»
29. Bồ tát Bảo Ấn Thủ nói: «Vui thích Niết bàn, không vui thích thế gian là sự hai. Nếu không vui thích Niết bàn, không chán ghét thế gian, thế thì không có hai. Vì sao? Nếu có buộc mới có cởi. Nhưng nếu chẳng có buộc ràng thì ai mong cầu cởi trói? Không ràng buộc, không cởi mở, tức không thích cũng không chán; đó là vào Pháp môn bất nhị.»
30. Bồ tát Châu Đỉnh Vương nói: «Chính đạo và tà đạo là hai. Người trụ ở chính đạo tất không phân biệt chính, tà. Lìa hai thái cực này là vào Pháp môn bất nhị.»
31. Bồ tát Lạc Thật nói: «Thật, bất thật là hai. Người thấy sự thật còn không cho đó là thật, huống gì là cái bất thật. Vì sao? Đó là cái mà mắt thịt không thể thấy, chỉ có con mắt huệ mới nhìn ra. Nhưng con mắt huệ thì không có sự thấy, cũng không có sự không thấy. Đó là vào Pháp môn bất nhị.»
Chư Bồ tát đã lần lượt từng vị trình bày xong, liền hỏi Văn-thù-sư-lợi:
«Thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị?»
Văn-thù-sư-lợi nói:
«Theo ý tôi, đối với hết thảy pháp không nói, không thuyết, không chỉ thị, không nhận thức; vượt ngoài vấn đáp. Đó là vào bất nhị pháp môn.»
Đoạn Văn-thù hỏi Duy-ma-cật:
«Chúng tôi mỗi người đã nói rồi, xin nhân giả cho biết thế nào là Bồ tát vào Pháp môn bất nhị?»
Bấy giờ, Duy-ma-cật lặng im không nói.
Văn-thù-sư-lợi tán thán:
«Tuyệt, tuyệt thay; cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào Pháp môn bất nhị.»
Khi thuyết phẩm Pháp môn bất nhị này, năm ngàn Bồ tát trong hội đều vào Pháp môn bất nhị, đắc vô sanh pháp nhẫn.
( KINH DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT – Chương 9 :PHÁP MÔN BẤT NHỊ –
Đường Huyền Trang dịch – bản dịch Việt: TUỆ SỸ )
II.- Tư tưởng bất nhị được nhấn mạnh trong kinh Duy Ma Cật. Bất nhị tức là không hai, không hai chứ không phải một. Mới nghe như là chơi chữ nhưng đó là cách diễn đạt con đường buông xả đầy diệu dụng. Thông thường, thế giới được nhận thức qua lăng kính nhị nguyên, nghĩa là luôn có chủ thể và đối tượng, thế giới luôn được phân hai: thiện ác, tốt xấu, được mất, hơn thua, cao thấp, trên dưới, trong ngoài, ta người…Không có hai thì thế giới không tồn tại. Tư tưởng kinh Duy Ma cho rằng cái hai ấy không phải là hai, vì chúng là song lập, cùng tồn tại bất khả phân ly, nói cách khác chúng tồn tại trong thế duyên khởi. Do vậy không thể nhìn riêng bất cứ pháp nào mà nhìn với cái nhìn toàn diện của một pháp. Kinh Duy Ma được xây dựng trên nền tư tưởng Bát Nhã và Hoa Nghiêm: các pháp không có tự tánh, không sinh không diệt, vô tướng, bất khả thuyết… Bất nhị là đúc kết lý thuyết chân không diệu hữu mà Bát Nhã và Hoa Nghiêm đã triển khai. Duy Ma dạy: “ Sắc và không là hai nhưng sắc là không, không phải sắc diệt mới không mà là sắc tánh tự không; cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức…”. Rõ ràng tư tưởng Bất nhị có sắc thái Nhất nguyên luận. Tuy nhiên Duy Ma không ngừng lại ở triết lý siêu việt mà đưa tư tưởng Bất nhị vào đời sống thực nghiệm tâm linh hiện thực rằng: “Nhãn và sắc là hai nhưng nếu biết nhãn đối với sắc không tham, sân, si thì đó là tịch diệt… cho đến ý với pháp là hai, nhưng ý đối với pháp không tham, sân, si thì đó là tịch diệt, sống trong ấy là nhập vào pháp môn Bất nhị”. Như vậy tư tưởng Bất nhị cũng đã triển khai dựa vào cơ sở tư tưởng Nguyên thủy về tu tập tịch diệt ở nơi các pháp qua 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, ngay cả quan niệm Bất nhị qua sự im lặng của Duy Ma hay sự siêu việt vấn đáp của Văn Thù cũng chỉ là vô hý luận mà tư tưởng Nguyên thủy đã trình bày.
Câu trả lời hay nhất – Do người đọc bình chọn – Website
Có một câu trong phẩm Phương tiện của kinh Pháp Hoa mà người học Phật thường để ý, đó là câu:
“Chư Phật lưỡng túc tôn, Tri pháp thường vô tánh, Phật chúng tùng duyên khởi, Thị cố thuyết nhất thừa. Thị pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trụ, Ư đạo tràng tri dĩ, Đạo sư phương tiện thuyết.” Bây giờ lần lượt chúng ta tìm hiểu câu này có ý nghĩa gì? Chư Phật: Chỉ tất cả Phật trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Các đức Phật đều có danh hiệu Lưỡng túc tôn. Bằng đôi chân, chúng ta đi chỗ này chỗ kia, thì đức Phật cũng có hai chân phước đức và trí tuệ dạo khắp tam giới để cứu độ chúng sanh. Phước đức và trí tuệ hay đại bi và đại trí, hai đức tính tôn quí đó Phật đã thành tựu, nên Ngài được tôn xưng là đấng Lưỡng túc tôn. Vì có đại bi đại trí nên Phật biết rõ tánh các pháp. Tánh đó là tánh bình đẳng, bất sinh bất diệt hay còn gọi là vô tánh mà chỉ có trí Bát-nhã mới có thể ngộ nhập. Chư Phật rõ được tánh ấy, nên nói: “Tri pháp thường vô tánh”. Câu này được giải thích khác nhau tùy theo tinh thần của mỗi tông phái. Tánh Tông giải thích: Các pháp là chơn không, vô tự tánh, vì các pháp nhờ nhiều nhân duyên, nhờ đối đãi mà thành. Lìa các duyên, lìa sự đối đãi thì không có các pháp. Như vậy, các pháp có mà như không, vì cái có đó không có tự tánh, tức không có tánh độc lập với cái khác. Với tâm lý phàm phu, chúng ta thấy có pháp này pháp kia sai khác, cái thấy đó không đúng với thực tướng các pháp. Đức Phật thì thấy các pháp trùng trùng duyên khởi, tương quan lẫn nhau vô cùng tận mà hình thành. Như vậy, một pháp hiện hữu giữa tất cả các pháp, tất cả các pháp hiện hữu từ một pháp. Ngoài một pháp không có tất cả pháp, ngoài tất cả pháp không có một pháp. Nếu thấy các pháp riêng biệt là không hiểu rõ lý duyên khởi ấy. Đức Phật biết rõ các pháp đều vô tự tánh. Pháp sinh cũng vô tự tánh, pháp diệt cũng vô tự tánh, pháp có, pháp không, đều vô tự tánh. Chẳng hạn, khi ta thấy pháp hiện hữu trước mắt, thì pháp đó cũng vô tự tánh, mà khi nó không hiện hữu, cũng là vô tự tánh. Các pháp có khi thành, khi hoại, khi có, khi không, gọi là sanh tử thành hoại, nhưng cái vô tự tánh của các pháp thì không có sanh tử thành hoại, nên Bát-nhã tâm kinh có câu: “Thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm”. Câu này có thể giải thích ý nghĩa câu “Tri pháp thường vô tánh” của kinh Pháp Hoa… Pháp Phật chứng bất khả tư nghị, chỉ có Phật với Phật hiểu nhau, còn chúng sanh không thể ngộ nhập trực tiếp, (Trường Bộ Kinh nói: Pháp này do Ta chứng được thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy được định lý y tánh duyên khởi pháp. Thật là khó thấy được tịnh lý tất cả hành là tịch tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt Niết-bàn), nên Phật phải dùng phương tiện, tuỳ căn cơ trình độ chúng sanh để nói. Nghĩa là khi nói pháp không phải Ngài luôn luôn đem lý nhất thừa ra dạy. Chẳng hạn đối với phàm phu, ngoại đạo, căn cơ thấp thì Ngài chỉ dạy bố thí, trì giới. Với hàng Thanh Văn trình độ khá hơn, Ngài dạy Tứ diệu đế để thấy khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Cao hơn nữa, đối với hàng Duyên giác quán được lý nhơn duyên sinh, Ngài mới dạy 12 Nhơn duyên để đưa họ đến giác ngộ. Tất cả những pháp đó đều là phương tiện Phật dùng để dìu dắt chúng sinh cho đến khi phát khởi được Bồ-đề chủng tử (Bồ-đề tâm) mới nói nhất thừa. Vì chỗ chứng của Phật thâm diệu, căn cơ của chúng sinh không thể một lần mà ngộ được, Phật phải dùng phương tiện giáo hóa dần dần. Phẩm Phương tiện trong kinh Pháp Hoa do đó giữ vai trò rất quan trọng. Ví như hoa sen sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, nhưng không bị nước thấm ướt. Ta sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiễm. Như vậy Ta là Phật. ( HT Thiện Siêu lược giảng Kinh Pháp Hoa ) Ngoài ra ,theo nội dung Kinh Pháp Hoa, chúng ta có rất nhiều …”dẫn chứng” để minh họa : |
Phẩm Thí Dụ : “Căn nhà lửa chỉ có một cửa để thoát ra ( vào ra ) : Nói chỉ có một cửa để thoát ra cũng cùng nghĩa với câu nói chỉ có một cửa để đi vào. Cửa đó là gì ?. – Nếu do vì ngã tưởng ( vô minh ) mà chúng sanh dấy khởi tham, sân, si, sầu ,bi…thì cũng do cánh cửa ấy, chúng sanh dập tắt ngã tưởng là đi ra khỏi tam giới của lửa tham, sân, si…đang bốc cháy vậy”.
( Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa – Thích Chơn Thiện – Trang 46 )
Phẩm Hiện Bảo Tháp : “Tháp báu từ lòng đất vọt ra và trú giữa hư không : Chư Tổ thường ví tâm như đất và gọi là đất tâm ( tâm địa ), bởi như đất nuôi dưỡng vạn vật, tâm trưởng dưỡng vô lượng công đức; như đất chứa vô lượng của cải trong lòng nó, tâm chứa tất cả tâm và tuệ giải thoát; như đất, tính vốn bền, bất động nhẫn chịu mọi ngã tướng ( các thứ sạch , dơ, lửa, nước.v.v…). Cũng thế, tâm bền bỉ, bất động nhẫn chịu mọi vô thường, sinh diệt như đất bình đẳng trước mọi tướng, tâm cũng có tính bình đẳng ấy…Tháp Đa Bảo từ lòng đất vọt ra nói lên rằng Phật Trí có mặt trong tâm chúng sinh, từ tâm mà hiện. Người tìm cầu Phật Trí phải quay về chính mình, mà không tìm cầu ở bên ngoài…Hình ảnh thân Đức Thế Tôn Đa Bảo không rã là biểu tượng cho Phật Trí ( Chân Tâm ), là vô minh diệt, là chân thường. Bấy giờ Đức Đa Bảo xuật hiện với thân tướng trang nghiêm của Như Lai , phân hai tòa ngồi và thỉnh Đức Phật Thích Ca cùng ngồi. Hình ảnh này nói lên ý nghĩa “Bản Giác” (được tượng trưng bởi Phật Đa Bảo ) và “Thỉ Giác” (được tượng trưng bởi Phật Thích Ca ) là một, đồng đẳng, quá khứ và hiện tại là một, đồng đẳng. Hình ảnh hai đấng Như Lai ngồi chung tòa trong bảo tháp ở giữa hư không đã xiển dương rõ ràng giáo nghĩa “Nhất Thừa” , đó là sự thật “không tướng” và trí tuệ thể nhập”không tướng” của Pháp Hoa…Khi mà mười phương hóa Phật và chư Bồ Tát quyết định tụ về Linh thứu ra mắt Đức thích tôn thì liền khi ấy cõi thế gian bỗng chuyển thành Cực lạc, với thế đất, thế nước, địa hình giống hệt như cõi nước của Đức Phật A Di Đà. Đây là sự diễn bày thật tướng hay thật trí vô ngã xuất hiện thì tất cả pháp giới trở thành cõi nước Cực Lạc, Niết Bàn. Hình ảnh này nói lên sự thật tâm tịnh ( có mặt trí tuệ, vô ngã ) thì độ tịnh, vấn để là chuyển hóa tâm thức từ các vọng tưởng thành chính tưởng vô ngã, khi tâm thức sạch bóng ngã tưởng thì Ta Bà chính là Cực Lạc, bởi vì khi ấy các khái niệm sạch, dơ.v.v…không còn. Thoát ly khỏi hết thảy ngã tưởng sạch dơ.v.v… thì gọi là chân tịnh; thoát ly khỏi các tưởng đối đãi sanh diệt thì gọi là chơn thường; thoát ly khỏi các tưởng về ngã và vô ngã thì gọi là chơn ngã, và thoát ly khỏi các tưởng về khổ, lạc thì gọi là chơn lạc. Và đây chính là Niết Bàn”…
( Sách đã dẫn trang 97, 98, 99 , 100 )
Y theo nghĩa của những đoạn Kinh vừa trích dẫn thì ta thấy rõ ràng “Cô Gái Mọi”, “Thánh Nữ”, “Tiên Thần Thiên Hương”,”Thần Tiên Quốc Sắc”, “Thiên Tài Kim Cương”, “Tiên Nữ”.v.v…thực ra cũng chỉ là…MỘT !. Và cũng theo ý nghĩa đó, ta có thể y theo câu Kinh Bát Nhã để nói rằng : “Em Mọi tức thị Tiên, Tiên tức thị Em Mọi; Em Mọi bất dị Tiên, Tiên bất dị Em Mọi, Những Người Da Trắng, Anh, Em .v.v… diệc phục như thị…”.
Thiết nghĩ qua sự phân tích trên đây, rõ ràng ta cũng đã có một số cơ sở để lý giải được phần nào câu hỏi : “Tại sao Tác giả lại đưa ra hình ảnh “EM MỌI” và mơ cho “NHỮNG NGƯỜI DA TRẮNG” thấy được cô “Em Mọi” ấy; cũng như Tác giả đã đưa “Cô Em Mọi” lên ngang tầm cở với “Thần Tiên”, “Tiên Thần”, “Quốc Sắc”, “Thiên Hương”, với “Ngày Mai”, với “Tương Lai”, và hơn hết cho “Em Mọi” trở thành “Thánh Nữ Thiên Tài Kim Cương”. Từ đó, chúng ta cũng đã trả lời được phần nào cho câu hỏi của “Nhà Xuất Bản Trẻ” vậy !.
Tưởng cũng nên nói thêm rằng đối với thi ca của Bùi Giáng tiên sinh rõ ràng thật khó cho tất cả mọi Văn Nghệ sĩ cảm nhận cũng như phê bình, đánh giá. Trong tập đặc san “Tưởng Nhớ Thi Sĩ Bùi giáng” một số Văn Nhân, thi sĩ đã bộc bạch như sau :
“Với tôi, thơ Bùi Giáng là một nguồn mật kỳ diệu của ngôn ngữ, ẩn chứa ma lực quyến rũ mà chỉ riêng một mình Bùi Giáng sở đắc và lạ lùng nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại…”.
( Phạm Mạnh Hiên – Trang 79 sách đã dẫn )
“Một sự thật là Bùi Giáng chưa bao giờ điên cũng như chẳng bao giờ giả điên. Càng chưa bao giờ Bùi Giáng bất mãn trước bất cứ thời thế nào. Bởi lẽ dễ hiểu là Bùi Giáng chẳng sống theo thời thế, mà chỉ biết sống từ cõi văn nghệ lúy túy càn khôn của anh. Thời kỳ của Bùi Giáng bộc phát ra bên ngoài mà chúng ta gọi là điên, ấy là thời kỳ tĩnh tại và hưng phấn cùng độ của người nghệ sĩ. Tất cả những lẽ chân thiện mỹ của nghệ thuật thi ca từ nhiều đời, nhiều kiếp đều dồn về lúc đó…”.
( Trần Đới – Trang 106 Sách đã dẫn )
“Nguồn thơ ấy u huyền, bí nhiệm như một mê cung chỉ tự giải mã với người đồng điệu. Nó sâu xa hùng hậu mà hồn nhiên, trong sạch mà ngộ nghĩnh như những bài kệ khẩu chiến của các Thiền Sư. Nó cưỡng bức ngôn ngữ một cách dữ dội không thương tiếc để giúp cho ngôn ngữ tự bộc lộ năng lực sinh hoạt không cùng. Nó đẩy dòng thơ mới của Việt Nam đến chỗ tận cùng từ đó khơi mở ra một chân trời với thi ca nhân loại. Một hồn thơ rất cổ kính đồng thời lại mang tâm thức hiện đại, đúng hơn, hậu hiện đại, nơi đó mọi ý tưởng, mọi lời đều đa tầng, đa nghĩa, đa chức năng, nhằm bộc lộ cho được một cái gì rất Sơ Nguyên, đơn giản, song đã trải qua biến dịch nên phong phú, điệp trùng… Bùi quân bước được vào Hoan Hỷ Địa…quá trình chuyển hoá và đạt đạo của Bùi Giáng là tiêu biểu cho ý thức và tinh thần thời đại mà anh đã gặp gỡ, chia sẻ với những nhà tư tưởng và nghệ sĩ lớn Đông Tây…”.
( Bùi Văn Nam Sơn – Trang 31, 32, 33 Sách Ðã Dẫn )
Ở đây cũng không ngoài thông lệ đó, cũng không dám “Múa rìu qua mắt thợ”, không dám “Vẽ rắn thêm chân”.v.v…tuy nhiên qua ý nghĩa từ ngữ của bài thơ, qua những gì đã dẫn giải, phân tích, người viết chỉ muốn nêu lên một suy nghĩ hạn hẹp của mình. Mạnh dạn nêu lên cảm nghĩ của mình vì theo thiển kiến cá nhân, rõ ràng nếu không dựa, không nương vào tinh yếu của giáo lý Hoa Nghiêm, của Bát Nhã, của Duy Thức, của Pháp Hoa.v.v… để phân tích, để tìm hiểu thì chúng ta sẽ vô cùng “bối rối” và “ngẩn ngơ” trước không ít bài thơ của Bùi tiên sinh. Ngược lại, qua ánh sáng của Bát Nhã, của Hoa Nghiêm, của Duy Thức, của Pháp Hoa, chúng ta đã được soi chiếu để thấy và để hiểu được phần nào “Những Đứa Con Tinh Thần” mà Bùi Tiên sinh đã cho chào đời . Đó cũng là một điều vô cùng lý thú và lấy làm kích thích, hưng phấn trong quá trình học hỏi và tu tập theo Giáo Lý của Nhà Phật vậy.
PHẦN KẾT LUẬN :
Tại sao tôi chọn đề tài này làm luận văn kết khóa trại Vạn hạnh I Hoa Kỳ , với đề tài này, nó có ích lợi gì thiết thực trong việc sinh hoạt, phục vụ tổ chức Gia Đình Phật Tử ?.
- Như đã thưa trước ở phần dẫn nhập, nếu có được nhiều kiến thức Phật học, nếu biết được nhiều, hiểu được sâu giáo nghĩa của Kinh điển thì chúng ta càng có nhiều cơ may để đọc hiểu thêm nhiều tác phẩm văn học từ cổ chí kim. Do vậy muốn đạt được ước nguyện này, tất cả anh chị em trong hàng ngũ Huynh Trưởng từ sơ cấp cho đến cao cấp cần phải cố gắng tu học nhiều hơn, cần được trang bị cho mình vốn liếng Phật học sâu hơn. Học, học và phải học không ngừng, đó là bài học đầu tiên chúng ta nên hướng đến.
- Khi dùng kiến thức Phật học để soi sáng rõ nội dung của một tác phẩm văn học, chúng ta càng có thêm nhiều đề tài hấp dẫn, mới lạ để trao truyền, giảng dạy cho các thế hệ đàn em, hoặc san sẻ cho anh chị em đồng chí hướng. Thí dụ nhân ngày lễ vía hoặc khi giảng dạy về đề tài Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, lấy kiến thức Phật học để phân tích tìm hiểu bài đồng dao “Thằng Bờm”. Dựa trên chức năng và công dụng của “CÁI QUẠT”, liên hệ đến ý nghĩa của hai từ “THANH LƯƠNG”, của “Bình Nước CAM LỒ” và cành liễu “DƯƠNG CHI”, chúng ta có thêm nhiều tư liệu để dẫn chứng , để minh hoạ cho việc giảng dạy, thuyết trình của mình. ( Nội dung chi tiết, xin xem bài viết đã được đăng trên Bản Tin Vạn Hạnh I Hoa KHoa Kỳ ) .
- Khi dùng kiến thức Phật học để nhận định, phân tích một tác phẩm văn học thì qua đó chúng ta càng có thêm nhiều…”Thực Phẩm” cho món ăn tinh thần của chúng ta.
- Trong tinh thần tương tác, hỗ trợ lẫn nhau, khi chúng ta hiểu rõ được những tác phẩm văn học thì đồng thời chúng ta cũng được củng cố, bồi bổ thêm kiến thức Phật học của mình.
- Càng có nhiều kiến thức Phật học, càng hiểu sâu nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thì chúng ta càng có thêm nhiều thuận duyên tốt lành trong công việc trao truyền, hướng dẫn cho các thế hệ đàn em học tập, tu sửa bản thân của mình để nhanh chóng trở thành những người Phật Tử chân chánh hay là nhanh chóng trở thành những Huynh Trưởng đủ tài, đủ đức và đủ trí tuệ để bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng cống hiến trong sự nghiệp giữ gìn, phát huy Tổ Chức, hay là lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh trong sứ mệnh giương cao ngọn cờ SEN TRẮNG mãi mãi tung bay phất phới trên khắp nền trời của năm châu bốn bể.
- Càng hiểu thì càng thương yêu quý trọng, đây là cơ hội để chúng ta thể hiện tấm lòng cưu mang ân tình đối với tất cả mọi tác giả đã gởi tặng cho đời, cho Đạo biết bao đóa hoa thơm tho, tươi đẹp trong khu vườn văn học của Đạo Pháp và Nước Nhà.
- Nữa và còn nữa, xin để dành những phần còn lại cho mỗi anh chị em chúng ta suy ngẫm theo cảm nghĩ của riêng mình.
Tâm Quang – LÊ ĐỨC HÙNG
* * *
Những Tài Liệu Tham Khảo Chính :
1.- Luận Thành Duy Thức – HT Thiện Siêu dịch và chú
2.- Duy Biểu Học của HT Thích Nhất Hạnh
3.- Duy Thức Dị Giản- Thích Trí Hữu dịch
4.- Phật Học Tinh Hoa của HT. Đức Nhuận
5.- Đức Phật Và Phật Pháp của Nàrada Thera-Phạm Hữu Khánh dịch
6.- Kinh Kim Cương – HT. Trí Quang dịch
7.- Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám dịch
8.- Thiền Luận của Daisetz Taitaro Suzuki bản dịch của Trúc Thiên và Tuệ Sỹ
9.- Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa – Thích Chơn Thiện – Nhà xuất bản tôn giáo –
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam thực hiện 1999 .
10.- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – HT Thích Trí Tịnh dịch.
11.- Tập thơ “Đêm Ngắm Trăng” của Bùi Giáng – Nhà Xuất Bản Trẻ 1997
12.- Tập thơ “Như Sương” của Bùi giáng – Nhà xuất Bản Trẻ 1998
13.- Đặc san “Tưởng Niệm Thi Sĩ Bùi Giáng”của nhiều tác giả–Nhà Xuất Bản Trẻ
Xuất bản năm 1999.
14.- Một số bài viết trên những websites của Thư Viện Hoa Sen, Trang nhà Quảng Ðức.v.v…