TIỂU SỬ Đức Đệ Tứ TĂNG THỐNG GHPGVNTN


Đaị lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, thế danh Lê Đình Nhàn, sinh ngày 19 tháng 9 năm 1920 (tức ngày 8 tháng 8 năm Canh Thân)  taị làng Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Tỉnh Bình Định, trong một gia đình tin Phật nề nếp nho phong.

Năm 1934, Ngài xuất gia tại chùa Vĩnh Khánh, thờ Hòa Thuợng Chơn Đạo  làm thầy, được ban pháp danh Như An, Pháp tự Giải Hòa.

Năm 1935, Ngài thọ giới Sa-Di. Sau khi Hoà Thuợng Bổn Sư viên tịch, Ngài thọ giáo với Hòa Thượng Bích Liên – một bậc Cao Đức Thạc học trong Sơn Môn, được ban pháp hiệu Huyền Quang.

Năm 1937, Ngài mới 18 tuổi nhưng nhờ phẩm chất xuất chúng, Ngài được đặc cách miễn tuổi để thọ Đại giới Tỳ Kheo và Bồ Tát Giới tại Giới Đàn chùa Hưng Khánh

Năm 1939, Ngài vào Nam học tại Phật Học Đường Lưỡng Xuyên, Tỉnh Trà Vinh. Sau khi tốt nghiệp Phật Học Đường này, Ngài ra Huế tiếp tục tòng học lớp Đại học Phật Giáo tại Phật Học Đường Báo Quốc.

Năm  1945, Ngài tham gia và lãnh đạo phong trào Phật Giáo Cứu Quốc, kháng chiến giành độc lập dân tộc tại liên khu 5.

Năm 1955, Ngài được cung thỉnh làm Giám Đốc Tăng Học Đường ở Khánh Hòa; sau đó, được suy cử vào trong ban lãnh đạo Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang.

Năm  1958, Ngài cùng với Chư Tôn Đức trong Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bình Định khai sáng Tu Viện Nguyên Thiều, sau đó thành lập Phật Học Viện Nguyên Thiều và được cung thĩnh làm Giám Đốc Phật Học Viện này.

Từ năm 1958 đến năm 1962, Ngài được suy cử giử chức Phó Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt nam tại Trung Phần và làm Hội Trưởng Hội Phật giáo Thừa Thiên Huế.

Năm 1963, Ngài tham gia và trở thành một trong những vị lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi hỏi tự do tín ngưỡng công bằng xã hội của Phật Giáo dưới chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm. Đêm 20 tháng 8 năm 1963, trong kế hoạch nước lũ, tấn công vào các chùa, của chế độ này, Ngài bị bắt cùng các vị lãnh đạo Phật Giáo và hàng ngàn Tăng Ni Phật tử khác; và được thả tự do sau Cuộc Đảo Chánh ngày 01 tháng 11 năm 1963.

Đầu năm 1964, Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo được tổ chức tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Ngài được suy cử vào chức vụ Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Từ năm 1964 đến năm 1974, đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài từng nhiều lần đi tham dự các Đại Hội các Tôn Giáo Thế Giới vì Hòa Bình ở Nhật Bản, Thụy Sỹ, Bỉ Quốc…. và đi hành hương chiêm bái các Thánh Tích Phật Giáo tại Thái Lan, Ấn Độ.

Năm 1974, Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kỳ 6, cung thỉnh Ngài vào chức vụ Phó Viện Trưởng Viện Hoá Đạo.

Năm 1975, Cộng Sản chiếm miền nam, thiết lập chế độ mới. Trước chính sách đàn áp thô bạo của chế độ mới này, cùng với cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Quảng Độ . . . ,  Ngài tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội trong cơn đổi đời đầy khủng bố đe dọa, nêu cao tinh thần đối kháng với bạo lực áp bức của Tăng, Tín đồ Phật Giáo.

Năm 1977, Ngài bị bắt cùng với Hòa Thượng Thích Quảng Độ và các vị lãnh đạo Phật Giáo khác. Do áp lực quốc tế và sự phản đối của đồng bào Phật tử, nhà nước Cộng Sản phải đưa Ngài ra tòa án nhân dân xét xử với kết quả là bản án 2 năm tù treo và bị quản chế tại chỗ.

Không chấp nhận ý đồ khống chế Phật Giáo bằng cách thành lập một Giáo Hội Phật Giáo mới của nhà nước Cộng Sản, Ngài lại bị bắt ngày 25 tháng 2  năm 1982 và bị đưa ra quản chế cô lập tại chùa Hội Phước,  Tỉnh Quãng Ngãi.

Năm 1992, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng Thống viên tịch. Ngài đã bất chấp tất cả mọi đe dọa khũng bố, ngăn trở vượt đường ra Huế dự tang lễ và tiếp nhận Ấn Tín cùng Di Chúc của Đức Đệ Tam Tăng Thống, làm Xử Lý Hội Đồng Lưỡng Viện để tiếp tục lãnh đạo việc đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tại đây, Ngài đã ứng khẩu, lên tiếng nói cho Phật Giáo và cho cả khối quần chúng bị áp bức  bởi cường quyền, công khai phát động phong trào đòi hỏi tự do, nhân quyền cho dân tộc và cho sự phục hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Sau đó không lâu trong tình trạng bị quản chế, Ngài chính thức đưa ra yêu sách 9 điểm trong Đơn Xin Cứu Xét Nhiều Việc nhằm tố giác những bách hại của chế độ với Phật Giáo, nhất là trong việc triệt hạ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Từ đó về sau, tiếp tục lên tiếng cho những khát vọng tự do, nhân quyền, và cho sự phục hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài nhiều lần cho công bố những văn thư, tuyên cáo gởi cho nhà cầm quyền Cộng Sản, can đảm đề xuất những biện pháp giải quyết nhưng không được nhà cầm quyền đáp ứng.

Năm 2003, Ngài được đưa ra Hà Nội chữa bệnh. Tại đây, thủ tướng Phan Văn Khải tiếp kiến Ngài; và sau đó nhà cầm quyền để ngài tự do đi vào Huế và Sài Gòn; thăm viếng các bậc Tôn Túc; và cuối cùng, trở về tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định.

Năm 2003, sau Đại Hội Bất Thường tại Tu Viện Nguyên Thiều, thành hình cơ cấu Hội Đồng Lưỡng Viện, Đại Hội Bất Thường của Giáo Hội Phật Giaó Việt Nam Thống Nhất tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu đã suy tôn Ngài lên ngôi vị Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tịnh dưỡng tại Tu Viện Nguyên Thiều, dù tuổi già thân bệnh, ngài vẫn kiên trì với tinh thần bất khuất trước cường quyền, vẫn là biểu tượng cho Tăng Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước quy ngưỡng.

Ngày 27 tháng 5 năm 2008, căn bệnh đến hồi trầm trọng, Ngài lại phải vào bệnh viện Đa Khoa Quy Nhơn. Sau khi được y, bác sĩ, các bậc Tôn Túc trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Sơn Môn Pháp Quyến tận tình chăm sóc; nhưng thấy cơn vô thường sắp đến, Ngài tỏ ý và được đưa trở về Tu Viện Nguyên Thiều an nghĩ.

Ngày mùng 5 tháng 7 năm 2008, vào lúc 1 giờ chiều, Ngài xã báo thân, an nhiên thị tịch, trụ thế 89 năm, hạ lạp 69 tuổi.

Là một nhà lãnh đạo mang hạnh nguyện “vì dân thọ khổ”, cuộc đời của Ngài đã gắn liền với vận nước, vận đạo trãi dài trên sáu mươi năm. Là một bậc cao tăng đạo hạnh, một lòng hoài bão cho Phật Pháp, Ngài đã dày công kiến lập Tu Viện, Học Viện đễ tiếp tăng độ chúng; và đã tận dụng thời gian, ngay cả trong những năm tháng tù đày hay bị quản chế, đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh, biên dịch nhiều tác phẩm làm căn bản cho nếp sống, lễ nghi của người tu sĩ  như Thiền Môn Chánh Độ, Pháp Sự Khoa Nghi. . .

Cây đại thọ của Phật Giáo Viêt Nam thời hiện đại đã nằm xuống. Cuội đời và nhân cách của một bậc Hùng Sư Đại Sỹ, dù đã ra đi nhưng vẫn còn đó cho Tăng Ni, Phật Tử, và cho cả dân tộc Việt Nam ngày nay.

Nam Mô Tân Viên Tịch Nguyên Thiều Đường Thượng, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Giáo Hội Đệ Tứ Tăng Thống, húy thượng Như hạ An, tự Giải Hòa, hiệu Huyền Quang, Đại Lão Hòa Thượng Giác Linh Liên Tòa chứng minh.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb