TÂM DUY
Đặc tính tự do, bình đẳng, nhân quyền qua hạnh của ngài Bồ Tát Thường Bất Khinh (Kinh Pháp Hoa – phẩm 20)
Theo Hòa Thượng Thích Thiện Siêu trong cuốn lược giải Kinh Pháp Hoa, Hoà Thượng viết: Trong Kinh Pháp Hoa có một câu dạy rất đặc biệt, nêu lên mục đích ra đời của mười phương chư Phật, câu đó là “Các đức Phật chỉ vì một việc trọng đại duy nhất mà ra đời, đó là vì khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. “
Vậy mà theo Kinh Pháp Hoa, thì việc thành Phật quá dễ.
Nhược nhơn tán loạn tâm,
Nhập ư tháp miếu trung,
Nhất xưng Nam mô Phật,
Giai dĩ thành Phật đạọ”
Nghĩa là:
Hoặc người tâm tán loạn,
Đi vào trong tháp Phật
Niệm một lần mô Phật
Đều đã thành Phật đạo.”
Hoặc chỉ chấp tay hay cuối đầu trước tượng Phật, cho đến đứa trẻ con chơi lấy cát đấp thành tháp Phật mà cũng thành Phật được. Cho nên Ngài Thường Bất Khinh đã chọn cách học thành Phật là: Ngài chỉ làm mỗi một việc là đến nơi mọi người, chấp tay cung kính xướng câu: “ Tôi không dám khinh ngài, vì ngài hành Bồ Tát Đạo, ngài sẽ thành Phật.
Một việc làm rất đơn giản nhưng mang một ý nghĩa rất thâm sâu, trọng đại, mà không phải ai cũng có thể làm được. Cần phải có một lòng tin mảnh liệt rằng : “tất cả chúng sanh đều là Phật” chỉ có trí tuệ của Bồ Tát – Bát Nhã Ba La Mật
Chỉ có sự hành trì miên mật của Bồ Tát – là Tinh Tấn Ba La Mật
Chỉ có tâm an tịnh không sân hận của Bồ Tát – là Nhẫn Nhục Ba La Mật
Chỉ có tâm vô ngã của Bồ Tát – Thiền Định Ba La Mật, mới có thể hành động được một việc đơn giản như vậy.
Hành động đơn giản này biểu lộ qua lời nói: “ Tôi không dám khinh Ngài vì Ngài hành Bồ Tát Đạo, Ngài sẽ thành Phật .” Lời nói này biểu lộ một ý nghĩa thâm sâu về chân lý của cuộc đời, nghĩa là nhấn mạnh thái độ đối xử của chúng ta với tất cả mọi người chung quanh.
Như chúng ta biết mỗi người trong chúng ta đều nhìn các sự kiện qua Tâm Phân Biệt, cà cái Tâm Phân Biệt này nó đã được huân tập qua nhiều kiếp cho đến hôm nay. Và từ những hình thái sai biệt đó, chúng ta sinh ra những tư tưởng phân biệt : Đúng – Sai, Khinh – Trọng, Tốt – Xấu …. Nhưng tất cả những sự sai khác này thì không bao giờ cố định mãi mãi…. Những sự khác biệt này chỉ là những bước trung gian trong tiến trình của cuộc sống, chúng không phải là mục đích cuối cùng.
Con người có khả năng và tiềm lực mạnh mẽ để phát triển và thăng hoa thiền nghiệp cũng như tìm cầu sự hoàn hảo tối thượng như Đức Phật đã dạy : “Mỗi chúng sanh là một vị Phật sẽ thành.” Và trong Kinh Pháp Hoa đã diễn tả qua quá trình của 28 Phẩm được chư Tổ phân bổ bố cục như sau : 14 Phẩm đầu là phần Tích Môn – Quyền – Trình bày 9 cõi của 3 thừa – và 14 Phẩm sau là phần Bản Môn – Thật – trình bày cõi Phật nhất thừa.
Chính quan điểm tích cực và lạc quan này đã khích lệ chúng ta có đầy đủ niềm tin và năng lực để vượt qua tất cả những khó khăn phía trước mà không nãng lòng.
Ngài Thường Bất Khinh đã diễn đạt : “Hành Bồ Tát Đạo” qua một hành vi rất đơn giản nhưng đã gồm đủ ý nghĩa của Bồ Tát Hành và sức mạnh của một lòng tin kiên cố “Tin mình là Phật và tất cả chúng sanh đều là Phật “ Một tinh thần tự do, bình đẳng tuyệt đối trong bản chất – “ Chúng sanh đều bình đẳng và tất cả chúng ta đều có thể đạt đến Phật quả” . Chính lòng tin này sẽ dễ kết hợp mọi ngưòi lại với nhau như nước tìm đến nước. Tất cả mọi người có được lòng tin mình là Phật cũng thế, cũng tìm về với nhau trong bễ Đại Giác. Chính lòng tin này có thể giúp chúng ta tránh sự coi thường người khác và cũng không coi thường chính mình. Lòng tin “Tất cả chúng sanh đều bình đẳng và tất cả đều có thể đạt đến quả Phật .” Thì lòng kiêu ngạo của chúng ta sẽ dần dần biến mất, sẽ không có tâm khinh thường đối với người khác, và cũng không phủ nhận chân giá trị của những điều không vừa ý mình. Chính niềm tin này sẽ khiến cho tâm chúng ta tự nhiên trở thành thanh thản và cởi mở hơn khi tiếp xúc với người khác.
Hành động đơn giản của Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát đã thể hiện sâu xa tính chất bình đẳng, tự do và nhân quyền trong thời đại.
Để kết thúc, Tâm Duy xin nêu lên một vài vấn nạn để xin thỉnh ý quí đàng anh, bạn hữu, tỷ muội Vạn Hạnh 1 Hải Ngoại như sau:
- Bồ Tát Thưòng Bất Khinh đã hành Bồ Tát Đạo với đầy đủ Bồ Tát Hạnh mà tại sao mãi cho đến khi Bồ Tát mạng chung mới nhận được trong hư không 20 ngàn muôn ức bài kệ Kinh Pháp Hoa của Phật Oai Âm Vương thuở trước ? Có phải chăng đứng về mặt Tứ Tất Đàn, Bồ Tát đã không quán đủ thế giới Tất Đàn và Vị nhân Tất Đàn trong thời tăng thượng mạn có nhiều ưu thế đó ?
- Với vấn nạn GĐPTVN hiện tại, anh chị em chúng ta có thể học hạnh Thường Bất Khinh Bồ Tát và phương pháp Tứ Tất Đàn để cùng nhau đưa tổ chức ra khỏi tai ương này ?