Tinh thần Tu học để chuyển hóa nội tâm, phục vụ Tổ chức

NGUYÊN MẪN

Trang Nhà Hải Ngoại vừa mới hoàn thành. Là một Huynh Trưởng cao niên của tổ chức, mang tâm nguyện luôn luôn gắn bó thương yêu tuổi trẻ, mong muốn mọi người đều được an lạc, gia đình hạnh phúc, tập thể vững mạnh, tôi xin được chia sẻ với anh chị em Huynh Trưởng món quà tinh thần: “Tinh thần tu học để chuyển hóa nội tâm, phục vụ tổ chức” mà trong Đại Hội Huynh Trưởng 8 GĐPT Úc Đại Lợi vừa qua, tôi đã có dịp hướng dẫn anh chị em hội thảo.

Nói đến tu học là nói đến chuyển hóa ba nghiệp thân khẩu ý hằng thanh tịnh, là phiền não không cùng tận thệ nguyện đều dứt sạch, cũng để chuyển các thức thành trí, thực chứng giác ngộ, giải thoát.

Chuyển hóa những phiền não đau khổ, những hành vi bất thiện để đạt được an lạc hầu tự mình đem lại niềm vui đích thực cho mình, và cũng đem lại niềm an vui cho mọi người,  đó là mục đích giáo dục của tổ chức GĐPTVN trên tinh thần tự lợi – lợi tha, tự giác – giác tha.

Đề tài này tuy quá quen thuộc với mọi người Phật tử, nhưng lúc phân tích, tìm hiểu, lý giải … nhất là hành trì cho có kết quả không phải là đơn giản dễ thực hiện. Tu học là để sửa đổi, sửa sang con người chúng ta từ thân cho đến tâm được đẹp đẽ, trong sáng, thanh tịnh, được trở thành người Phật tử chân chánh, để từ những nhân tố đó chúng ta xây dựng bản thân và góp phần xây dựng phát triển tổ chức GĐPTVN. Nhưng sửa đổi, chuyển hóa hành động của nghiệp là phải sửa đổi như thế nào, thì đó là trách nhiệm tự thân của mỗi Đoàn viên GĐPTVN, nhất là người Huynh Trưởng đang cầm Đoàn, người Huynh Trưởng có Cấp, những người đang gánh chịu trách nhiệm đối với sự thịnh suy của tổ chức phải lập nguyện tinh tấn tu học đúng tinh thần chánh pháp.

Sống trong chấp ngã từ tấm bé, gốc rễ chính của tham ái, giận hờn, si mê … nằm ngay trong tâm ta (câu sanh ngã chấp). Khả năng buông xả thì rất yếu đuối trong khi khả năng chấp thủ thì quá dư thừa. Biết dừng lại và duy trì chánh niệm thì tâm bất thiện biến thể từ từ, hoàn cảnh bên ngoài sẽ không đủ sức tác động lên ta, ta có được vững chãi thảnh thơi, có được sự bình an trước mọi điều thuận nghịch của thế gian. Đừng để những giây phút quý báu của cuộc đời trôi qua trong đau khổ của tham ái, si mê :

“Nhọc nhằn sanh tử bấy lâu

Đều do tham dục dẫn đầu gây nên”

(Kinh Bát Đại Nhân Giác)

“Một chút giận, hai chút sân, lận đận cả đời ri cũng khổ

Trăm điều nhường, ngàn điều nhẫn, thong dong tấc dạ rứa mà vui”

(Câu đối ở Chùa Già Lam)

Ta có an lạc, có hạnh phúc thì mới đem an lạc hạnh phúc tới cho mọi người, nhất là người Đoàn viên GĐPT với tâm nguyện rộng lớn “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, với ý thức ta có mặt không phải chỉ riêng cho bản thân ta, ta có mặt vì những gì có mặt xung quanh ta, thì ta lại cần phải tinh chuyên tu học để chuyển hóa vô minh phiền não, phải biết dừng lại, quay về.

Phàm làm người thế gian, chúng ta, ai là người không gây ra tội lỗi, không từng làm cho người khác đau khổ ít nhiều ?

“Đệ tử chúng con từ vô thỉ

Gây bao tội ác bởi lầm mê …”

Nhưng như Cổ Đức dã dạy :

“Sơn cùng thủy tận, nghi vô lộ,

Liễu ám hoa minh, biệt nhất thôn”.

Núi đã cùng, sông đã cạn, tưởng tới đây là hết lối, nhưng vẫn có chỗ rẽ vào thôn liễu biếc hoa thơm. Tu là tìm lối rẽ để thoát ra con đường cùng, để khỏi chìm trong sáu nẽo.Nhờ quyết tâm lập nguyện tu học mà ta chuyển hóa được đời sống nội tâm, có thể đạt tới an lạc trong khi tu tập, bây giờ, ở đây, dù mức độ còn khiêm nhường giới hạn, nhưng đó là nền tảng cho những an lạc và tự tại giải thoát càng lúc càng vững chãi thêm lên tiến dần đến quả Phật toàn giác.

Vậy chuyển hóa nội tâm là chuyển hóa cái gì ?

Nội tâm là những gì ở trong lòng chúng ta sẵn có, cái phần trong tâm theo Duy Thức học Phật giáo gồm có những Tâm sở thiện và Tâm sở bất thiện. Tâm sở thiện chúng ta chỉ có 11 trong khi Tâm sở bất thiện lại có rất nhiều, nhưng khi liệt kê trên sách vở thì chỉ nêu những tâm sở rõ nét biểu trưng mà thôi. Đó là 6 Căn bản phiền não (đại phiền não) và 20 Tùy phiền não. Vậy thì chuyển hóa được những tâm sở, những chủng tử bất thiện và làm tăng trưởng những chủng tử thiện theo Tứ Chánh Cần là công phu tu học của chúng ta đã thành tựu viên mãn , ta đã có đủ năng lượng của từ bi, của trí tuệ của chánh niệm để có thể chuyển hóa hoàn cảnh  giúp xã hội, cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn.

Trong Đạo hay trong đời phàm làm việc gì muốn có kết quả tốt đẹp, không thể thiếu hạnh nguyện tinh tấn .Vì vậy yếu tố của thành công là sự cố gắng, cố gắng bền bĩ mới vượt thắng trở ngại, thành tựu mục đích lý tưởng. Quyết tâm xa lánh điều dữ, thực hành những điều lành. Đó là ý nghĩa Tứ Chánh cần trong 37 Phẩm Trợ Đạo :

-Tinh tấn ngăn ngừa những điều bất thiện chưa phát sinh.

-Tinh tấn dứt trừ những điều bất thiện đã phát sinh.

-Tinh tấn phát triển những điều thiện chưa phát sinh.

-Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều thiện đã phát sinh.

Đó cũng là ý nghĩa lời dạy của Ô Sào Thiền sư với thi sĩ Bạch Cư Dị khi vị này hỏi Thiền sư về đại ý của Phật pháp và được Thiền sư trả lời :

“Hãy tránh làm việc ác.

Hãy làm các hạnh lành.

Giữ tâm ý thanh tịnh,

Đó là lời Phật dạy.”

Câu làm lành tránh dữ không phải chỉ là câu nói trong đạo mà ngay giữa thế gian thường tình, không mấy ai lại không khuyên bảo nhau hãy cố gắng “làm lành tránh dữ”, hay Khổng Tử cũng đã nói “tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện”. Nhưng hiểu đúng để hành đúng theo tinh thần giáo lý Nhân quả – Thiện ác nghiệp báo không phải ai cũng hiểu và cũng thực hành đúng theo tinh thần chánh pháp một cách dễ dàng.

Không phải đợi đến khi phát hiện ra bằng hành động của thân, của miệng mới gọi là lành hay dữ, mà ngay trong ý nghĩ – mà quan trọng nhất là ý nghĩ – cũng đã phân biệt được lành hay dữ rồi. Do đó Đức Phật dạy chúng ta phải thường xuyên sống trong chánh niệm tỉnh thức để bảo vệ thân tâm, ngăn ngừa tội lỗi, thực hiện điều lành ngay trong ý thức. Thực tập chánh niệm sẽ nhận diện được nội kết khi mới phát sinh để chuyển hóa, nếu không, để khi chúng lớn mạnh thì sẽ bị chúng trấn ngự và cuộc đời ta sẽ rất đau khổ, đồng thời cũng làm cho những người xung quanh ta đau khổ. Dập tắt một ngọn lửa nhỏ sẽ khỏi vạ cháy rừng chính là vậy.

Đã là chúng sanh chưa giác ngộ, chắc chắn chúng ta còn bị lôi cuốn bởi thất tình, lục dục, bị trầm mình trong muôn trùng khổ đau vây bủa không lối thoát, do vậy chúng ta phải tập sống tỉnh thức trong từng giây phút để có đủ dũng lực thắng mình và chuyển hóa hoàn cảnh. Người Huynh trưởng không buông mình rong ruỗi theo vòng quán tính duyên sinh mà quyết dõng mãnh tiến tu để chiến thắng được nội ma ngoại chướng. Tuy nhiên hoàn cảnh bên ngoài dù thuận hay nghịch cũng là những thử thách giúp ta cố gắng trong tu học, chuyển hóa . Thời còn tại thế, Đức Bổn sư đã chẳng cám ơn Đề-bà-đạt- đa đó sao ?

Người Huynh trưởng mang tâm nguyện từ bi “sáng cho người niềm vui, chiều giúp người bớt khổ” của Bồ tát Quán Thế Âm, rèn luyện trí tuệ, đoạn dứt phiền não theo hạnh Ngài Văn Thù, ứng dụng điều luật “Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trong sự thật”, và học thì phải hành theo đại hạnh của Đức Phổ Hiền, hạnh nguyện của Chư Bồ tát Địa Tạng, Thường Bất Khinh, A Nan… Gần gũi với chúng ta, ngay trong Tổ chức, Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, người sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục vào những năm đầu của thập niên ba mươi, tiền thân của GĐPTVN hôm nay, các Huynh trưởng đã hy sinh cho đại cuộc giải trừ pháp nạn Quách Thị Trang, Đào Thị Yến Phỉ, Nhất Chi Mai, Hồ Tấn Anh… đã là những tấm gương lớn. Là Huynh trưởng, nếu chúng ta không quyết tâm tu học vững chãi, trưởng dưỡng thiện tâm thì có tư lương gì làm vốn liếng để trao truyền, hướng dẫn các em, phục vụ Tổ chức tận tụy như các anh chị lớn Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc, Như Tâm Nguyễn Khắc Từ, Tâm Huệ Cao Chánh Hựu…, không tu học chuyển hóa thì làm sao có được  cuộc sống an vui, thì lấy gì làm nền tảng để tiến tới giác ngộ giải thoát ? Mỗi anh chị em chúng ta hãy tự soi rọi lại mình xem đã thực hành được mấy phần của 5 điều luật, của châm ngôn Bi-Trí-Dũng.

Để phục vụ Lý tưởng, phục vụ Tổ chức thì chúng ta phải là những con người có nhiều mặt tích cực hơn tiêu cực, có như vậy mới đóng góp hữu hiệu cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo đàn em thành những người Phật tử chân chánh giúp đời, hộ đạo, đền đáp Tứ trọng ân.

Chúng ta không trao cho nhau một mớ kiến thức để chất chứa, để trang trí, để hý luận. Nói hay, viết giỏi cũng là những yếu tố cần nhưng chưa đủ, mà điều cần thiết là phải hành trì, hành trì đúng đắn và không thối chuyển. Có tu học, có hành trì mới có thân giáo là điều kiện tiên quyết để lãnh đạo tổ chức. Có tu học – hành trì thì mới thực sự có đoàn kết, yêu thương, mới thực sự “ vì đàn em yêu thương mai sau”.

Đây chỉ là những điều được trình bày căn cứ vào lời Phật dạy, vào Giáo lý Duyên sinh, Nhân quả, Thiện ác nghiệp báo, vào Duy Thức học là môn tâm lý Phật giáo…, chúng ta dựa vào đó để tu học chuyển hóa những nghiệp thức căn bản của con người, chuyển những nghiệp thức mê mờ khổ đau thành trí tuệ giải thoát. Được như vậy thì chúng ta trở thành con người có an lạc, giải thoát và sẽ phục vụ Tổ chức đạt nhiều thành quả tốt đẹp.

Bạn Có Thể Chưa Đọc...