CHÍ PHÁP
Đã gần hai năm chấp hành bổn phận của một Trại sinh Vạn Hạnh 1 HN, cá nhân tôi được học hỏi nhiều Pháp bảo, những tinh hoa của mười bộ kinh Đại thừa mà chương trình Trại đã quy định. Được lãnh hội những lời thuyết giảng của chư tôn thiền đức Tuệ Sỹ, Nguyên Siêu … qua hệ thống thính phòng, viễn liên. Được đọc những lá thư đầy ấp đạo tình của anh Trại Trưởng đồng thời cũng là trại sinh (một việc khó tin nhưng có thật, một đồng sự vô tiền khoáng hậu của Tổ Chức). Trại cũng có được một chị Trưởng Ban Giảng Huấn tận tụy với thiên chức, vừa viết toát yếu tất cả các bộ Kinh, vừa soạn các câu hỏi gợi ý sâu sắc, vừa đúc kết các luận giảng của quý Thầy, vừa gom góp ý trả lời từng câu hỏi của từng trại sinh không thiếu sót một chi tiết nhỏ nhặc nào, và đều đặn mỗi tháng có một Lá Thư Tu Học để sách tấn tinh thần trại sinh. Một nhân vật thứ ba trong Ban Quản Trại mà anh chị em trại sinh đều biết đến sự tận tụy là Trưởng Ban Hành Chánh. Ngoài những phần vụ thuần tuý về hành chánh như sưu tầm Sách Tịch Huynh Trưởng, hình ảnh, cập nhưt địa chỉ trại sinh cư ngụ rải rác khắp năm Châu bốn biển, anh còn phải liên lạc thường xuyên để cập nhựt hóa, thông báo mọi tin tức tiến trình của Trại, anh còn phụ trách BẢN TIN. Mỗi tháng đều có một bản tin, phản ành nề nếp tu học và sinh hoạt của Trại cùng các tin tức quan trọng khác của Tổ chức GĐPTVN từ quốc nội đến Hải Ngoại.Thực hiện Bản Tin nầy là một kỳ công, vi lắm Bản Tin dài đến 70, 80 trang, phải sắp xếp, trang trí … đôi khi đánh máy, chỉnh lại chính tả, dạng chữ cho thích ứng… công phu nhiều lắm! Ngôn từ không thể diễn tả, chỉ những ai ‘thức đêm mới cảm nhận được đêm dài …’. Thế mà anh chu toàn nhiệm vụ ‘tự giác’ trong tâm trạng lúc nào cũng hoàn toàn hoan hỷ. Tâm nguyện của anh là mong có nhiều anh chị em sáng tác, đóng góp thật nhiều bài vở để kiến thức tu học chung được phát triển toàn diện và chia xẻ cho nhau những kinh nghiệm, lợi lạc có được..
Được xem như mình hữu phước thuận duyên, được làm trại sinh Vạn Hạnh, được cùng hòa mình sinh hoạt chung trong mọi đề cương của Trại nên khi Ban Quản Trại mong mòi mỗi Trại sinh viết một bài, đề tài hoàn toàn tự do chọn lựa, để đăng vào Tập Kỷ Yếu làm kỷ niệm. Tự ví mình như một con chim trong đàn, dẫu tiếng hót không được thanh tao cũng phải cố vươn cổ líu lo cùng đàn, cùng bạn để hòa âm chứ nỡ lòng nào ’thủ khẩu như bình ’ cho đành ! Nhưng thật tình, mình biết phải viết gì đây !?
Là một Chúng viên của Chúng Kim Cang nên tập tành ứng dụng câu kệ ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’ hoặc tinh thần rốt ráo Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, nên dẫu rằng Chí Pháp tôi có viết, có kể mà không bị vướng mắc cũng như tâm tư Bạn Đọc đều rỗng không NHƯ THỊ để theo dõi vài đoản chuyện, muốn để vui cười, hý luận cũng được hoặc muốn suy tư lý Đạo càng hay, Xin được hầu chuyện :
* Trong Tuyệt Quán Luận do Trúc Thiên dịch có đoạn viết :
… Tồ Bồ Đề Đạt Ma hỏi về sở đắc.
– Đạo Phó thưa : Theo chỗ con Thấy, chẳng chấp vào văn tự, cũng chẳng lià văn tự, ấy là cái dụng của Đạo. Tổ phê : Ngươi được phần da của ta.
– Ni Sư Tổng Trì thưa : Theo chỗ con hiểu, như Tổ A Nan, thấy nước Phật A Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại (vô niệm, vô trụ). Tổ phê : Ngươi được phần thịt của ta.
– Đạo Dục thưa : Tứ đại vốn không, ngũ uẩn cũng chẳng có. Chỗ thấy của con là không một Pháp có thể khá được. Tổ phê : Ngươi được phần xương của ta.
– Huệ Kha bước ra, đảnh lễ rồi lui lại yên lặng. Tổ phê : Ngươi được phần tủy của ta vậy !
…
*-Anh chị em chúng ta đã học qua Kinh Duy Ma Cật, và rất thích thú trong Phẩm Pháp Môn Bất Nhi, say mê thưởng thức (chỉ thưởng thức qua sự đối đáp lý thú thôi chớ chưa áp dụng , tri hành, nổi) sự trình bày của 31 vị Bồ Tát về thực tánh của các Pháp. Đăc biệt nhứt là khi Bồ Tát Văn Thù xin Ngài Duy Ma Cật cho biết ý kiến sau cùng thế nào là Pháp Môn Bất Nhị, Ngài yên lặng, chẳng thốt một lời. Khiến Bồ Tát Văn Thù tán thán : Hay thay, hay tuyệt! cho đến không còn văn tự, ngôn ngữ, đó mới thật là vào Pháp Môn Không Hai….
* Sau đây là Bài kệ rất được phổ biến rộng rải trong giới học Phật, nhưng tựa bài không rõ, Chí Pháp tôi cung kính mượn chữ NHƯ làm tựa, nhưng chắc không đúng, kính mong nhận được sự chỉ giáo của độc giả. Thầy Trí Không có nhắc lại bài kệ nầy trong quyển Pháp Ngữ Sáng Tâm nhưng trên bài kệ cũng chỉ ghi ‘Bài kệ dạy đạo hay nhất thế kỷ của Hoà Thượng Thích Phước Hậu’ mà không cóghi tựa đề.
NHƯ
Kinh điển lưu truyền tám vạn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Năm nay tinh lại chừng quên hết
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.
Hoà Thượng Thích Phước Hậu
(1866-1953)
Quá đủ rồi, qua ba dẫn chứng trên, chúng tôi còn biết viết gì nữa, có chăng là tỏ lòng tri ân tất cả 24 trại sinh đồng khóa, từ trưởng lão Tâm Trí Tư Đồ Minh sanh năm 1928, đại ca Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, Tâm Vinh Đoàn văn Lộc, cùng sanh năm 1930, anh Nguyên Mãn Lê Viết Lâm, sanh năm 1933, người ’cùng một lứa chân trời lận đận’ như tôi, đến những người em tinh thần, nhỏ về niên kỷ nhưng chắc hơn chúng tôi về mặt tâm linh, mà em Út Tâm Lễ Vương Học sanh tháng 6/1955 đã chan hoà niềm vui, chuyên cần tinh tấn cùng học, cùng tu, cùng nghĩ đến phương cách đem Đạo vào Đời, tiến dẫn tuổi trẻ trên đường Chân Thiện Mỹ.
Kính thưa Ban Quản Trại cùng toàn thể anh chi em Trại sinh Vạn Hạnh 1 HN, rồi đây Trại sẽ kết khóa, có sự chia tay ngăn cách theo quan niệm không gian và thời gian tâm lý nhưng có điều, là con Phật, là trại sinh Van Hạnh, nghĩ rằng anh chị em chúng ta sẽ khắc phục được mọi chướng duyên, nghịch cảnh, lúc nào cũng cố gắng thực tập trong mọi tình huống để SỐNG theo bản thể Chân Như mà phụng sự Lý Tưởng, không còn thiên kiến Ngã, Sở, Thân, Sơ bị đưa vào ngỏ cụt bị chia rẻ, phân tán…
Cầu chúc tất cả đều thành công như sở nguyện.