VĂN : Nghĩ về HOA
NGUYÊN MẪN
Mùa xuân vừa về trên xứ Kangaroo, vùng miệt dưới Nam bán cầu mát mẻ.Hầu như trên tất cả các tiểu bang Úc Đại Lợi, khí hậu trở nên ấm áp, bầu trời trong xanh, mây trắng nhẹ nhàng bay lửng thửng, cây cối đâm chồi nở lộc, và con người dễ hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên, khắp nơi giữa chốn thị thành hay nông thôn xa vắng, người người vui vẻ, chim chóc ríu rít chuyền cành, chuyện trò trên những nhánh cây, hay đuổi bắt ngoài sân cỏ …
Vườn nhà tôi ở Sydney, trổ hoa xinh xắn lạ thường.Bao bọc hàng rào là những gốc hoa đào nở rộ đủ màu, nào đỏ, trắng, hồng, nào hai, ba màu lẫn lộn …, dưới gốc là các cây nhỏ như hoa mười giờ vàng, tím, xanh nhạt bò quanh như trải thảm …, trong lúc đó những gốc hồng cũng đâm thêm nhánh, nụ hồng cũng bắt đầu thấy rõ dễ thương.
Nói đến hoa người ta thường nghĩ ngay đến những đóa hoa có màu sắc, có hương thơm khoe mình trong nắng sớm, cống hiến cho đời nhiều dụng ích như trang hoàng phòng khách, phòng thờ tự gia đình, là quà tặng nhau trong những ngày lễ lượt, cúng kỵ, khoác lên cổ người con gái, người chiến sĩ chiến thắng từ trận tuyến trở về, người thắng giải thể thao, phủ trên áo quan người đã đền nợ nước.
Tôi thường dâng hương, dâng hoa để cúng Phật, ở nơi khác là trang nghiêm thanh tịnh đạo tràng hay trong các lễ nghi tôn giáo, dâng cúng pháp sư lúc đăng đàn…, hoa cũng được dùng khi thăm người bệnh, người mới sanh, dùng trong lễ cưới, đám tiệc vui, hay trong tang lễ, trong ngày lễ Mẹ, lễ Cha … Ngày xa xưa, lúc tôi còn học lớp một lớp hai trường làng cách đây khoảng gần bảy mươi năm thì hoa còn được ép trong sách, trong vở học trò, trong thư gởi tình nhân. Hoa còn được làm nước hoa thơm cống hiến cho đời xử dụng.
Hoa cũng thường được nhân cách hóa là “người con gái, biết nói biết cười” với nhan sắc kiều diễm, dáng điệu thướt tha, biết làm duyên nhõng nhẽo gợi tình, làm say mê bao chàng trai “dại gái”, bao ông già “mất nết” phải khổ sở đảo điên, bỏ học bỏ hành, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ vợ bỏ con, bỏ cả công danh sự nghiệp mang tiếng xấu xa trong cuộc đời.
Trong văn chương, lịch sử, đã có nhiều “đóa hoa đẹp” làm nghiêng nước nghiêng thành, như Tây Thi đã làm cho Ngô Phù Sai mất nước, như Điêu Thuyền, Bao Tự …của Trung Hoa. Việt Nam ta, một Huyền Trân công chúa trẻ đẹp đời Trần đã làm cho Chế Mân mê mệt, mong muốn được cưới làm vợ nên phải thuận đổi 2 châu Ô Lý của nước Chiêm Thành để sau trở thành đất Thuận Hóa (Huế) mở rộng bờ cõi miền Trung nước ta thời bấy giờ.
Trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, Thúy Kiều với “ làn thu thủy nét xuân sơn ” và ngón đàn tuyệt hảo đã bao phen làm cho chàng trai Kim Trọng thất bất xang ban, dở dang sự nghiệp, Thúc Sinh dối vợ sống chung Thúy Kiều bị Hoạn Thư ghen tuông hành hạ, Từ Hải được tiếng anh hùng cũng bị Thúy Kiều nỉ non nên đầu hàng Hồ Tôn Hiến trở về quy phục triều đình, vì vậy mà đã chết đứng vì uất khí …
Nói đến hoa thì sách vở báo chí, từ xưa đến nay đều thường làm đề tài trong những câu chuyện thật có, giả có, hư hư ảo ảo, mê ly hấp dẫn, nhất là trong những dịp xuân về, hạ đến, thu sang, đông đến, nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ tha hồ khai thác thị hiếu độc giả.
Người Á Đông như Việt Nam chúng ta, cha mẹ từ xưa đến nay thường hay lấy tên hoa để đặt tên cho con gái của mình như Hải Đường, Thủy Tiên, Ngọc Lan, Bạch Huệ, Ngọc Quỳnh, Mẫu Đơn, Hồng Nhung, Tỷ Muội, Hồng Đào v.v…, tên nào cũng hay, tên nào cũng đẹp và nhiều ý nghĩa.
Nhưng với người Phật tử có tu học, có quán chiếu duyên sanh :
“Các pháp do duyên sinh,
Cũng từ duyên mà diệt.
Đấng giác ngộ tuyệt vời,
Đã từng như vậy thuyết.”
thì hoa chỉ là pháp hữu vi do duyên sinh hội tụ thì gọi là có, duyên sinh tan rã thì gọi là mất, nó là giả hợp biểu trưng đặc tính vô thường, vô ngã, niết bàn theo tinh thần tam pháp ấn của giáo lý Phật đà.
Trong lúc hồi hướng vãng sanh :
“Nguyện sanh Cực Lạc cảnh Tây phương
Chín phẩm Hoa Sen là cha mẹ
Hoa nở thấy Phật chứng vô sinh,
Bồ tát bất thối là bạn hữu.”
Người Phật tử luôn quán chiếu Hoa Sen, loại hoa vô nhiễm, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, với tâm nguyện cầu “Hoa nở thấy Phật chứng vô sinh, Bồ tát bất thối là bạn hữu.”
Quách Thoại, một thanh niên rất trẻ, chỉ chừng hơn 20 tuổi đời, lúc đi ngang qua một ngôi nhà, đứng yên ngoài hàng dậu, thấy một luống hoa Thược Dược, anh ta bỗng giật mình tỉnh thức, không suy xét thường tình, cho hoa là tạo thành bởi tứ đại giả hợp sớm nở tối tàn, mà đã thực chứng được ý nghĩa nhiệm mầu cao cả của vạn pháp mang sẵn tự tánh thanh tịnh ban sơ :
“Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mĩm nụ nhiệm mầu,
Lặng nhìn em kinh ngạc,
Vừa thoáng nghe em hát,
Lời ca em thiên thâu,
Tôi sụp lạy cúi đầu”.
Vì sao người con trai mới trưởng thành, đã bao lần đi ngang qua ngôi nhà đó, đã từng thấy hoa Thược Dược nở mà vẫn dững dưng, thì lần này lại thấy được sự mầu nhiệm thanh tịnh, bất sanh bất tử của hoa “ngọn lá nào, cánh hoa nào không thuyết Pháp Hoa kinh” ; phải chăng khi con người thực sự sống bằng chánh niệm thì chánh niệm là Phật soi sáng xa gần nên mọi vật hiện hữu xung quanh ta dầu danh xưng vô thường cũng đều có Phật tánh thường hằng, bản lai diện mục “chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng.”
Hoa được nói trong lời thuyết giảng của Đấng Như Lai là hoa trời Mạn Đà La, hoa Ưu Đàm, hoa Linh Thoại là những loại hoa quý hiếm ngàn năm chỉ thấy nở một lần, ẩn dụ thâm sâu tánh giác ngộ giải thoát.
Trong Kinh điển, một số tên Kinh liễu nghĩa đại thừa cũng có chữ HOA như PHÁP HOA, HOA NGHIÊM, HOA THỦ v.vv…
Tuy cùng một chữ HOA nhưng ý nghĩa của từng chữ HOA trong các bộ Kinh ấy không hoàn toàn giống nhau mặc dầu tựu trung đều đi đến cứu cánh Niết bàn diệu tâm .
Kinh Hoa Nghiêm, viết tắt của Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, là bộ Kinh đại thừa đã được Phật dạy lúc Ngài mới thành đạo cho hàng Bồ tát thượng thừa trong 21 ngày bằng sự quán chiếu nhập định, và các Bồ tát cũng “nghe” Kinh ấy bằng sự thanh tịnh thân tâm của mình, dĩ nhiên không nghe có tiếng nói mà giữa Phật và Bồ tát chỉ im lặng mà thôi.Nội dung của Kinh này đứng trên cảnh giới bất tư nghì giải thoát, tuyên dương công đức và cảnh giới của chư Phật và xương minh nhơn hạnh xứng tánh bất tư nghì của chư đại Bồ Tát nên mỗi lời mỗi câu trong Kinh này đều lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng, nên cũng gọi là vô ngại pháp giới.
Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka, có nghĩa là đóa hoa tinh khiết đẹp nhất trần gian, tỏa hương khắp mười phương pháp giới.Tư tưởng uyên áo của Kinh là trình bày vạn pháp do tâm sanh, tức tâm tức Phật, chân lý trùng trùng duyên khởi, tương tức tương nhập, cái này có do cái kia có, cái này không do cái kia không …Tất cả tam thiên đại thiên thế giới có thể nằm gọn trong hạt cải và hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp.
Hoa ở đây ẩn dụ sự tu hành mười ba la mật, là nhân để nhập vào pháp giới, thành tựu mọi công hạnh của đạo Bồ Tát. Hoa này có mười cánh, mỗi cánh là một ba la mật : bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, phương tiện, đại nguyện, đại lực, đại trí.
Bởi thế, nếu kinh Bát Nhã nói lên ý nghĩa về chơn lý tánh không vô ngại thì kinh Hoa Nghiêm biểu trưng cho giáo lý đại thừa về lý hữu hóa duyên sinh của “vạn pháp giai không, duyên sanh như huyễn.”
…
Kinh Pháp Hoa, viết tắt của Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ Tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm được Phật thuyết giảng đồng thời với Kinh Niết Bàn trong tám năm cuối đời Ngài trước lúc nhập diệt, xác nhận mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, giữa Phật tánh của Phật và Phật tánh của chúng sanh si mê lầm lạc, đều không sai khác.
Lúc thuyết Kinh Pháp Hoa tại Hội Linh Sơn Ấn Độ, Phật cũng thuyết pháp lúc đầu trong im lặng, cầm đóa Hoa Sen đưa lên giữa đại chúng, miệng mĩm cười hồi lâu, không ai hiểu Phật nói gì, chỉ riêng Ca Diếp hiểu ý Phật, cũng mĩm cười, Phật ấn chứng nụ cười của Ca Diếp nên đã truyền y bát cho Ca Diếp làm Sơ Tổ.
Chữ HOA ở đây là HOA SEN ẩn dụ cho Phật tánh, cho tánh bình đẳng của vạn pháp. Đặc tính hoa quả đồng thời, hoa chưa nở, gương Sen đã có, hoa rụng hết gương vẫn còn. Sen ở trong bùn vượt lên mặt nước không vướng mùi bùn như chư Phật đều thành Phật từ trong Dục giới. Người Phật tử chúng ta sinh trong đời ngũ trược ác thế, phiền não khổ đau nhưng quyết tâm tu học, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.Ví dụ Liên Hoa, đức Phật chỉ bày một cách kín đáo về Phật tánh, về khả năng thành Phật của mọi người.Tất cả chúng sanh không nên tự khinh mình ! Là chúng sanh, ai ai cũng đều sẵn có Tri kiến Phật.
Trong Kinh Hoa Thủ, phẩm Phó Chúc thứ 35 :
Đem hoa cúng Phật thì được đầy đủ phước báu, hoặc nếu có thiện nam tín nữ nào phát tâm đại thừa, thì hoặc lúc Phật còn tại thế hay đã diệt độ mà đem các thứ hương hoa, chuỗi anh lạc … cúng dường Phật, do nhân duyên đó nên đầy đủ tám phước đức :
-Sắc thân đầy đủ.
-Tài vật đầy đủ.
-Quyến thuộc đầy đủ.
-Trì giới đầy đủ.
-Thiền định đầy đủ.
-Đa văn đầy đủ.
-Trí thức đầy đủ.
-Chỗ mong cầu đầy đủ.
Trong thi kệ nhật tụng của Thiền sư Nhất Hạnh, Hoa thường được nhắc đến với những công hạnh sâu sắc của nó.Hãy học hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xã của Hoa. Hoa phải là Tâm, Hoa mang tướng vô thường nhưng vĩnh cữu, Hoa sẽ tàn nhưng vẻ đẹp mùi hương Hoa Đạo không biến mất trong tâm ta bao giờ.
Trong tư thế kiết già :
“Trong tư thế kiết già
Đóa hoa nhân phẩm nở,
Ưu Đàm hoa muôn thuở
Vẫn tỏa ngát hương thơm.”
Chắp tay chào :
“Sen búp xin tặng người
Một vị Phật tương lai.”
Khen ngợi Phật :
“Xinh tốt như Hoa Sen
Rạng ngời như Bắc Đẩu.”
Hóa thân của Bồ Tát :
“Hoa là vị Bồ Tát,
Làm tươi đẹp cuộc đời.”
hay :
“Trang nghiêm Tịnh Độ
Nơi cõi Ta Bà,
Đất tâm thanh tịnh
Hiển lộ ngàn hoa.”
và :
“Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Tiếng xao động tinh hà,
Địa cầu vừa tỉnh thức,
Lòng đất bổng đơm hoa.”
và :
“Đêm tụng kinh Pháp Hoa
Bảo tháp hiện chói lòa,
Khắp trời Bồ Tát hiện,
Tay Phật trong tay ta.
………………………………..
………………………………..
Duyên may được làm người Phật tử, vui mừng được làm con của Đấng Như Lai, là Thầy của Trời, Người và mọi loài chúng sanh, há chúng ta lại cứ mãi mãi sân si ngu dại, bồng bềnh trôi nổi trong kiếp nhân sinh, thuận xuôi theo dòng nước đục sinh tử luân hồi với nhiều cạm bẫy, để rồi lúc ngoảnh lại “nồi kê chưa chín” trên đầu tóc bạc, má lõm, răng long, mắt mờ, tai điếc … mới bắt đầu tỉnh thức học đạo Giác Ngộ, Giải Thoát thì nghiệp dĩ phù trần làm sao chuyển kịp !
Hãy quán chiếu tự thân “Còn bao lâu nữa” như tiếng chuông, lời gọi của Phật để lập nguyện quyết tâm tinh tấn tu học, giúp mình, giúp người, như Thắng Man phu nhân vừa được gặp Phật đã cất lên ba lời nguyện lớn, hứa nguyện giáo hóa chúng sanh, xả bỏ thân mạng vì sự tồn tại của Phật pháp.Long Nữ liễu ngộ diệu lý Pháp Hoa mà phước trí vẹn toàn, Thiện Tài Đồng tử sau khi đã được học Đạo với Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, tuân theo lời khuyến giáo của Ngài, đã lập chí chu du khắp nơi không ngại đường sá xa xuôi hiểm trở, chướng ngại chập chùng, tham bái các bậc minh sư để tiếp tục học Đạo.
Hoa Đời khoe sắc thắm
Hoa Đạo ngát hương thơm,
Linh Thoại ngàn năm nở
Sao ta mãi lửng lơ ?
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)