VĂN: Những lời nguyện
NGUYÊN MẪN
Được làm người là một duyên lành hy hữu, mà được làm người Phật tử lại càng là một diễm phúc vô cùng.
Nhưng từ vô thỉ do tập khí, tội lỗi chất chồng, chơn tâm -viên bảo châu vốn sẵn có- đã bị bụi trần che phủ, con người đã quên hẵn đường về, nên trôi lăn trong sinh tử luân hồi “Mê luân khổ hải, thâm nịch tà đồ.”
Để hiểu biết hành động (Nghiệp) từ đâu đến, và lòng mong muốn cứu độ chúng sanh (Nguyện) do đâu sinh, những điểm tương đồng, những điều dị biệt, thiết nghĩ tìm hiểu ý nghĩa những danh từ này cũng là điều cần thiết bổ ích:
Ngiệp: Hành động.
Có 2 loại :
-Nghiệp nhân và nghiệp quả.
Nghiệp là sức mạnh do những nhân hành thiện hay nhân hành ác của chúng sanh tạo thành trong hiện kiếp và vô thỉ. (tốt-xấu)
-Cũng có nghĩa là hành động tạo tác từ thân, miệng, ý.(tam nghiệp)
-Có khi người ta hiểu Nghiệp chỉ là nghiệp quả (tiền định) :
“Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
(Đoạn trường tân thanh-Nguyễn Du)
Nguyện: Điều mong mỏi, điều mà người ta quyết chí làm cho được.Cũng nói thệ nguyện.Cũng có nghĩa là cầu nguyện cho mình, cho thân nhân hoặc cho chúng sanh.
Trong mọi hành động hằng ngày, người Phật tử luôn luôn nguyện cho chúng sanh thoát khổ.
Nguyện có : Tổng nguyện và biệt nguyện.
Tổng nguyện là nguyện chung của người Phật tử tu học, như Tứ hoằng thệ nguyện là tổng nguyện của người tu học có tâm rộng lớn.(Đại thừa)
Biệt nguyện hay bổn nguyện là nguyện riêng của mỗi đấng giác ngộ, như Phật A Di Đà có phát 48 điều nguyện, Phật Dược Sư lưu ly quang Như Lai có lập 12 điều nguyện, Bồ Tát Phổ Hiền có10 điều nguyện (Sám Phổ Hiền), Bồ Tát Trì Địa, Bồ Tát Đại Thế Chí …cũng có nhừng lời nguyện lớn.Thái tử Tất Đạt Đa, khi mới xuất gia cũng có 4 điều nguyện….
Vì hành động tạo tác trong quá khứ thường do tập khí mê vọng phân biệt đối đãi gây ra, nên cuộc sống của chúng sanh là kết quả của nghiệp lực vọng trần (vật chuyển), sự đau khổ thì nhiều như nước bốn biển, mà niềm vui thật sự thì rất mong manh ngắn ngủi:
“Đệ tử chúng con từ vô thỉ.
Gây bao tội ác bởi lầm mê”.
Trái lại, các đấng giác ngộ, sự sống của quý Ngài luôn luôn được thể hiện bằng nguyện lực (chuyển vật), -làm mà không biết mình làm- đó là tâm độ đời rộng lớn, mong muốn làm những việc lợi lạc cho chúng sanh dầu phải xương rơi, thịt nát tổn hại đến thân mạng. (lý do của sự ứng thân thị hiện).
* Đối với hàng Phật tử tại gia :
-Bước đầu đến Chùa học đạo một thời gian, người Phật tử thành
tâm xin được thọ Tam quy, hành Ngũ giới để ngăn ngừa tội lỗi, có quả báo trọn lành.
-Tiến lên một bước nữa, người Phật tử nguyện thọ hành mười thiện giới để thanh tịnh thân tâm, được quả báo phước đức.
-Rồi tâm độ đời mở rộng, người Phật tử nguyện thọ hành giới Bồ Tát tại gia với 6 giới trọng, 28 giới khinh, nguyện quên mình vì người:
“Chúng sanh không số lượng,
Thệ nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận,
Thệ nguyện đều dứt sạch.
Pháp môn không kể xiết,
Thệ nguyện đều tu học.
Phật đạo không gì hơn,
Thệ nguyện được viên thành.”
(Tứ hoằng thệ nguyện)
Tâm hành của người thọ Bồ Tát giới là nguyện đi trên con đường Bồ Tát đạo, là ứng hành lục độ với tâm nguyện Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ mà vẫn không quên tứ nhiếp pháp (nhiếp thọ chánh pháp) gồm thực hành Ái ngữ, Bố thí, Lợi hành, Đồng sự.
Với tâm nguyện hy hiến chia sẻ niềm đau nỗi khổ cho chúng sanh, người Phật tử thọ Bồ tát giới luôn luôn thệ nguyện:
“Chúng con khổ, nguyện xin cứu khổ,
Chúng con khổ, nguyện xin tự độ … “
(Sám Nguyện)
* Đoàn viên GĐPT : Cũng là người Phật tử tại gia nhưng sống có đoàn thể, có tăng thân tu học đúng chánh pháp, có mục đích giáo dục, có châm ngôn Bi Trí Dũng làm cương lĩnh, có giới luật bảo hộ thân tâm…là sống có tâm nguyện độ đời :
-Sau một thời gian tu tập, các em sẽ được phát nguyện đeo Hoa Sen, được thừa nhận là Đoàn Sinh chính thức, ẩn dụ giữa cuộc đời ô trược, vẫn không dính bùn nhơ, vươn lên làm các hạnh lành.(ý nghĩa Hoa Sen)
-Đến tuổi trưởng thành, do tiến trình tu tập chuyển hóa, qua huấn luyện, từ các cấp Trại, từ sơ cấp Lộc Uyển, đến cấp 1 A Dục, cấp 2 Huyền Trang, cấp 3 Vạn Hạnh, và do thời gian thâm niên, khả năng và đạo đức …, Huynh Trưởng được xếp cấp theo thứ tự cấp bậc: Tập, Tín, Tấn, Dũng và được làm Lễ Phát Nguyện – Truyền Vô Tận Đăng, Tục Diệm – Thọ Cấp.
-Cũng cần lưu ý, nếu Đoàn Sinh được nhận là Đoàn Sinh chính thức khi đã qua Lễ Phát Nguyện đeo Hoa Sen, thì người Huynh Trưởng cũng chỉ được nhận là Huynh Trưởng chính thức khi đã trúng cách Trại Huấn Luyện Sơ Cấp Lộc Uyển và đã phát nguyện Làm Huynh Trưởng trước Tam Bảo.
Để nhớ lại những đoạn đưòng tu tập huấn luyện đã qua, để vui mừng vì chúng ta đã tâm nguyện trở về ngôi nhà Phật tánh thường hằng, chúng ta hãy giữ thân tâm thanh tịnh, quán chiếu chơn tâm qua bài tựa Kinh Đại Định Kiên Cố Thủ Lăng Nghiêm thường được đọc tụng trong những Lễ Thọ Cấp Huynh Trưởng …(lời nguyện của Ngài A Nan bạch Phật sau khi đã được Phật khai ngộ chơn tâm) làm thành Lời Nguyện của người Huynh Trưởng trong Lễ Thọ Cấp trước Tam Bảo, trước Tổ Chức :
…….
“Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhứt chúng sanh vị thành Phật,
Chung bất ư thử thủ nê hoàn.
………
Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong,
Thước ca ra tâm vô động chuyển”
(Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh.Nếu còn một chúng sanh nào chưa được thành Phật thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết Bàn.
……….
Giả sử như hư không kia có thể tiêu diệt hết, chứ chí nguyện của con đây chẳng hề lay động.)
Trong Lễ Truyền Vô Tận Đăng Tục Diệm -Thọ Cấp- trước bảo điện hoặc nơi trang nghiêm, trước Chư Tôn Đức chứng minh, trước Hội Đồng Huynh Trưởng cấp trên truyền đăng và Hội Đồng Huynh Trưởng đồng cấp-cấp mình đang thọ-, toàn thể Huynh Trưởng thọ cấp đê đầu đãnh lễ Tam Bảo, tâm thành phát nguyện:
“-Tâm Bồ Đề đại định kiên cố.
-Tinh tấn tu học và hành trì theo Giáo lý Phật đà.
-Chánh tín Tam Bảo, trung kiên hộ Đạo, dấn thân bền bĩ phục vụ Tổ Chức,
-Hoàn thành trách nhiệm và bổn phận mà Tổ Chức đã giao phó.”(tương ứng với cấp bậc của mình đang nhận lãnh.).
Và một lòng khẳng định :
-Nguyện suốt đời trung kiên với tổ chức GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM.Sống đúng bổn phận và trách nhiệm của một Huynh Trưởng theo Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng.
-Nguyện khắc phục mọi chướng duyên, nghịch cảnh để hoàn thành sứ mệnh của người Huynh Trưởng.Gánh chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của hệ thống GĐPT mà mình đang đảm nhiệm.
-Nguyện hy sinh bảo vệ lý tưởng GĐPT, bảo vệ đạo pháp và dân tộc trong vị thế của một người Huynh Trưởng tùy cấp đang thọ lãnh.
-Nguyện tinh tấn tu học với quyết tâm tự hành và hóa tha.Thấu triệt và hành hoạt theo châm ngôn BI – TRÍ – DŨNG để đem đạo vào đời làm lợi ích chúng sanh.
* Riêng đối với người Phật tử mới xuất gia :
-Còn ở địa vị tập sự như Sa Di và Sa Di Ni, thì lời nguyện là dứt điều ác, làm việc lành, đem tâm từ tế độ chúng sanh, thọ hành 10 giới, tập sống đời tri túc, thiểu dục.
–Lên địa vị cao hơn, lúc đã thọ đại giới, 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni là những người đã nguyện hiến trọn đời mình cho Phật pháp trường tồn, chúng sanh an lạc, đã thệ nguyện luôn luôn giữ pháp lục hòa, tam tụ tịnh giới, đem lại lợi lạc cho mọi loài chúng sanh:
“Nhất bát thiên gia phạn,
Cô thân vạn lý du.
Kỳ vi sinh tử sự,
Giáo hóa độ xuân thu.”
(Một bát cơm ngàn nhà,
Một mình vạn nẽo xa.
Chỉ vì việc sinh tử,
Nguyện hóa độ chúng sanh.).
Đi khất thực là xin ăn để nuôi thân và hoằng pháp để nuôi huệ mạng.Y theo Pháp, vị Tỳ Kheo du hóa trong nhơn gian, xin ăn nuôi thân, tùy nơi mà giáo hóa, độ kẻ có duyên thêm phúc và độ người chưa tin chánh tín Tam Bảo và Nhơn Quả. Đó là nguyện lớn.
* Chư Phật, Bồ Tát, Tổ …: Ứng thân thị hiện chỉ duy nhất vì tâm nguyện độ tận chúng sanh.
Do đó, đã là các đấng giác ngộ, thì vị nào cũng vì chúng sanh mà ứng thân thị hiện, hành động của quý Ngài là nguyện lực độ đời, (do nguyện mà hành, chứ không bởi nghiệp vô minh vọng động sai sử).
Khi một vị Phật hay Bồ Tát thị hiện hóa độ chúng sanh thì mười phương chư Phật, chư Bồ Tát,…cũng nguyện thị hiện để hỗ trợ (phẩm Tùng địa dũng xuất, Hiện Bảo Tháp trong Kinh Pháp Hoa)
Sau đây là vài ví dụ biểu trưng về nguyện lực của các Đấng Giác Ngộ :
-Phật A Di Đà:
Là vị Phật quá khứ, có 48 lời thệ nguyện, cứu độ chúng sanh, đưa tất cả chúng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc.
-Phật Thích Ca Mâu Ni:
Là vị Phật hiện tại (cõi Ta Bà), ứng thân thị hiện dể hóa độ chúng sanh.
Lúc mới xuất gia đã có 4 lời thệ nguyện :
“Nguyện tế chúng sanh khốn ách.
Nguyện trừ chúng sanh nghiệp chướng.
Nguyện đoạn chúng sanh tà kiến.
Nguyện độ chúng sanh khổ luân.”
Trước khi thành đạo, lúc thiền định 49 ngày dưới cây Bồ Đề, Ngài đã thệ nguyện:
“Nếu chưa tìm được Đạo giải thoát thì dù xương tan thịt nát ta quyết cũng không rời khỏi gốc cây này.”
-Tôn giả A Nan:
Khi được Phật khai ngộ chơn tâm, A Nan liền phát đại nguyện :
“….
Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,
Như nhứt chúng sanh vị thành Phật.
Chung bất ư thử thủ nê hoàn.
……
Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong,
Thước ca ra tâm vô động chuyển.”
-Bồ Tát Quán Thế Âm:
Vị Bồ Tát có tâm nguyện quán chiếu lắng nghe lời khẩn cầu của chúng sanh để cứu độ.
Ngài đã phát 12 lời nguyện cứu độ chúng sanh thoát khỏi những đường dữ (ngạ quỹ, súc sanh, địa ngục …), cõi dữ (tam đồ khổ) và đưa chúng sanh đến quả vị giải thoát, vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc…:
“……
năng trừ nguy hiểm nguyện, thường hành bình đẳng nguyện, thệ diệt tam đồ nguyện, già tỏa giải thoát nguyện…”
-Bồ Tát Phổ Hiền:
Bồ tát đem tâm nguyện Đại Hạnh cứu độ chúng sanh. “10 đại nguyện”-Sám Phổ Hiền-
-Bồ Tát Thường Bất Khinh:
Bồ Tát không xem thường chúng sanh, trái lại luôn luôn kính trọng, xưng nguyện chúng sanh sẽ thành Phật, dầu nhiều lúc bị tai họa do người đời đem đến.
“Nguyện nhữ đương lai tức Phật”
–Bồ Tát Địa Tạng:
Bồ tát nguyện rằng, Địa ngục mà còn chúng sanh khổ đọa thì Ngài chẳng thành Phật:
“Địa ngục vị không thệ bất thành Phật.”
Ngoài ra trong lịch sử truyền thừa Phật giáo chúng ta cũng rất thán phục có một số cư sĩ thiện nam tín nữ, mặc dầu sống giữa cuộc đời triền phược, nhỏ tuổi, có gia đình, bận sinh kế, bị ràng buộc bởi phong tục tập quán cổ hủ, vẫn có những quyết tâm, thệ nguyện lớn, như :
-Thắng Man phu nhân, lúc mới diện kiến Thế Tôn lần đầu tiên đã phát thệ 03 đại nguyện không khác gì nguyện lực của Bồ tát :
*Nguyện Chánh pháp trí : Tức trí tuệ thấy rõ bản tánh của các pháp, học hỏi tất cả Phật pháp.
*Nguyện thuyết trí : Sau khi đã có chánh pháp trí, bằng tâm không mệt mỏi con sẽ thuyết giảng Phật pháp (chân lý thực tại) cho tất cả chúng sanh.
*Nguyện hộ pháp : Đối với sự nhiếp thọ chánh pháp, con nguyện xả bỏ thân mạng và tài sản để hộ trì chánh pháp.
-Thiện Tài đồng tử : Sau khi đã phát khởi chí nguyện đại thừa, lại mong thực hiện cụ thể chí nguyện ấy, bèn thưa với Bồ tát Văn Thù rằng “ Như cõi đất lớn không hề dao động, khi mang gánh nặng bằng sức mạnh đại bi, như kho tàng trí tuệ nuôi dưỡng thế gian, con nguyện bước lên cỗ xe tối thượng như vậy.”
-Trưởng giả Tâm Minh Lê Đình Thám : Người sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học đức dục, Phong trào Gia Đình Phật hóa phổ, tiền thân của GĐPTVN hiện nay, từ lúc nhân một lần viếng thăm Chùa Non Nước, vào động Huyền Không, tình cờ đọc được bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng được khắc trên vách, đập vào mắt Bác “
“Bồ Đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bổn lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai ?”
(Đại ý Bồ Đề là tánh giác ngộ, trống không, chẳng có chi mà gọi là cội (thọ).Minh cảnh là tâm viên minh thông triệt, cũng trống không có chi mà gọi là đài.Bổn lai tự tánh của ta tức là Bổn lai Diệu giác Chơn tâm vốn trong sạch, trống không, thế thì có chi mà gọi là vướng bụi ?)
Từ đó Bác phát nguyện Quy Y Tam Bảo, thọ trì ngũ giới, ăn trường trai, tiến bước trên con đường Bồ tát đạo, tất cả vì đại nguyện phụng sự chúng sanh, chấn hưng Phật giáo.
Cũng như khi hay tin Hòa Thượng Giác Tiên, bổn sư của Bác xả báo Ta Bà vào năm 1934, Bác đã phát biểu trước linh cữu vị Bổn sư của mình :
“…
Chánh pháp linh truyền, chúng sanh linh độ, thừ đường di huấn khởi vô nhân.”
(Chánh pháp cần phải truyền, chúng sanh cần phải độ, lời di huấn đó,con xin nguyện gánh vác.) ngẫm lại, soi kỹ, lời phát nguyện trên chẳng khác là bao bới ba đại nguyện của Thắng Man phu nhân.
……………………….
Tóm lại, trên bước duờng tu học, chúng ta hãy dặn lòng phải luôn luôn sống trong chánh niệm tỉnh thức, quyết không để vọng trần lôi cuốn, sống đảo điên tội lỗi. Ngược lại phải tự chủ cuộc sống của mình, ta chuyển vật chứ không để vật chuyển ta, và nhứt tâm lập nguyện:
“Sống một ngày học được pháp tối thượng còn hơn sống cả trăm năm không học được pháp tối thượng.” (Kinh Pháp Cú)
Và nhất là luôn luôn tâm nguyện hành trì đúng tinh thần Phật pháp đưa đạo vào đời :
“Nguyện tránh các việc ác,
Nguyện làm các việc lành.
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Đó là lời Phật dạy.”
(Kinh Pháp Cú)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)