Nội Quy GĐPT VN

NỘI QUY

Gia Ðình Phật Tử Việt Nam

Lời Nói Ðầu

– Phát khởi trong hoàn cảnh lịch sử và xã hội biến động, tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt nam đã trưởng thành trong kinh nghiệm gian khổ của dân tộc. Là một tổ chức Thanh Thiếu Ðồng niên, suốt trên 30 năm qua, Gia Ðình Phật Tử đã đáp ứng nhu cầu lý tưởng và hành động của một số đông đảo hàng chục vạn đoàn viên đang sinh hoạt từ thành thị tới nông thôn. Ðược như thế là nhờ ở một đường lối chánh đáng, một hệ thống tổ chức cương lĩnh, một cơ cấu lãnh đạo sáng suốt. Từng ấy nguyên lý hành động đã được đúc kết vào bản Nội Quy nầy.

Ðây là một công trình cân não và xương máu của toàn thể đoàn viên Gia Ðình Phật Tử từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau mà lịch sử đánh dấu bằng những nét chính :

* Năm 1940, hình thành trong danh hiệu Gia Ðình Phật Hóa Phổ.

* Năm 1951, Ðại Hội Thống Nhất các gia đình Trung, Nam, Bắc thể hiện ngày khai sáng danh hiệu Gia Ðình Phật Tử hiện tại.

* Năm 1961, Ðại Hội Huynh Trưởng Toàn Quốc họp tại Sàigòn, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, đã tu chính một lần và sau ngày Pháp nạn, một Ðại Hội toàn quốc đánh dấu sự trưởng thành và thống nhất Gia Ðình Phật Tử Việt Nam vào tháng 6 năm 1964.

* Vận mệnh và uy tín của một đoàn thể quan yếu ở tổ chức và hành động. Bản Nội Quy nầy đề ra một quy mô tổ chức nhất quán từ trung ương cho đến đơn vị gia đình. Dựa trên những nguyên tắc dân chủ và tiến bộ, bản Nội Quy quy định những nguyên tắc phân quyền rất khúc chiết và bình đẳng. Những nguyên tắc ấy bảo đảm cho đường lối chỉ đạo chặt chẻ, phân minh và thắt chặt tình tương thân ruột thịt của toàn thể đoàn viên Gia Ðình Phật Tử. Và từ những tiêu chuẩn căn bản đó, mọi hoạt động thường xuyên của Gia Ðình Phật Tử sẽ được xúc tiến mạnh mẻ. Nhờ sự điều hành của một Ban Hướng Dẫn hùng hậu và nhất trí, nhờ chương trình tu học thích hợp, Gia Ðình Phật Tử đã và đang tiến mạnh trong mục đích Ðào Tõo Thanh Thiếu Nhi Phật Tử Chân Chính, Góp Phần Xây Dựng Xã Hội. Trong quá trình hoạt động, Gia Ðình Phật Tử đã hiến dâng cho đạo những vị Thánh Tử Ðạo, những tín đồ trung kiên và đã góp cho đời những công dân xứng đáng khắp mọi lãnh vực.

Bản Nội Quy nầy đã được Tổng Vụ Thanh Niên thừa ủy nhiệm Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất duyệt y trong tinh thần chấp nhận sự trưởng thành của tổ chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

Ban Hướng Dẫn Trung Ương

Gia Ðình Phật Tử Việt Nam

Chương thứ nhất

Danh Hiệu – Mục Ðích – Châm Ngôn – Khẩu Hiệu – Luật

Ðiều 1: Danh Hiệu : Chiếu điều thứ 16 chương 2 của Hiến Chương lập ngày 14-12-1965, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có một tổ chức giáo dục thanh niên lấy danh hiệu là gia đình phật tử Việt nam. Tổ chức nầy nằm trong Tổng Vụ Thanh Niên ( Gia Ðình Phật Tử Vụ ) của Viện Hóa Ðạo.

Ðiều 2: Mục Ðích :

* Ðào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chính.

* Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Ðiều 3: Châm Ngôn : Bi – Trí – Dũng

Ðiều 4: Khẩu Hiệu : Tinh-Tấn.

Ðiều 5: Luật :

A. Luật của thanh, thiếu niên:

1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.

2. Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.

3. Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.

4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

B. Luật của Ðồng niên (Oanh Vũ) :

1. Em tưởng nhớ Phật.

2. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.

3. Em thương người và vật.

Chương Thứ Hai

Tổ Chức – Nhiệm Vụ – Liên Lạc – Ðại Hội – Tài Chánh

Ðiều 6: Tổ Chức :

A. Cấp Trung Ương: Cấp lãnh đạo cao nhất của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam là Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam do Ðại Hội Gia Ðình Phật Tử toàn quốc bầu lên. Vị Trưởng Ban là một Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử, và đương nhiên là Vụ trưởng Gia Ðình Phật Tử Vụ trong Tổng Vụ thanh Niên của Viện Hóa Ðạo.

Thành phần Ban Chấp Hành:

– 1 Trưởng Ban

– 2 Phó Trưởng Ban (1 phụ trách ngành nam, một phụ trách ngành nữ)

– 1 Tổng Thư Ký

– 2 Phó Tổng Thư Ký

– 1 Thủ Quỹ

– 1 Ủy Viên Nội Vụ.

Các ủy viên :

* Ủy Viên Nghiên Huấn

* Ủy Viên Tổ Kiểm

* Ủy Viên Hoạt Ðộng Thanh Niên và Xã Hội

* Ủy viên Văn Nghệ

* Ủy Viên Doanh Tế

* Ủy Viên Tu Thư

* Ủy Viên Nam Phật Tử

* Ủy Viên Nữ Phật Tử

* Ủy Viên Thiếu Nam

* Ủy Viên Thiếu Nữ

* Ủy Viên Nam Oanh Vũ

* Ủy Viên Nữ Oanh Vũ

Các Ủy Viên có thể đề nghị Ban Hướng Dẫn Trung Ương mời một phụ tá (phụ tá không mang phù hiệu và không có quyền biểu quyết).

Và 8 đại diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại 8 Miền :

– Vạn Hạnh (Bắc Trung Nguyên Trung Phần)

– Liễu Quán (Nam Trung Nguyên Trung Phần)

– Khuông Việt (Cao Nguyên Trung Phần)

– Khánh Hòa (Miền Ðông Nam Phần)

– Huệ Quang (Tiền Giang Nam Phần)

– Khánh Anh (Hậu Giang Nam Phần)

– Vĩnh Nghiêm (Phật Tử Vĩnh Nghiêm)

– Quảng Ðức (Thủ đô Sàigòn)

Bên cạnh Ban Hướng Dẫn Trung Ương có một Ban Cố Vấn Giáo Lý.

Ban Thường Vụ :

– 1 Trưởng Ban

– 2 Phó Trưởng Ban

– 1 Tổng Thư Ký

– 2 Phó Tổng Thư Ký

– 1 Ủy Viên Nội Vụ

– 1 Thủ Quỹ

Ban Viên bị khuyết :

Trường hợp một chức vụ trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương (BHDTU) bị khuyết :

– Nếu là Trưởng Ban thì BHDTƯ đề cử 1 trong 2 vị Phó Phưởng Ban và Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên duyệt y.

– Nếu là các vị khác thì BHDTƯ đề cử và thông qua Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên.

– Trường hợp BHDTƯ bị khuyết quá 1/3 tổng số ban viên thì cần triệu tập một đại hội toàn quốc thu hẹp để bổ sung và thông qua Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên.

B. Cấp Miền : Thành phần :

– 1 Ðại Diện ( nằm trong thành phần Ban Hướng Dẫn Trung Ương do Ðại Hội GÐPT toàn quốc bầu lên).

– 1 Thư Ký ) do vị Ðại Diện lựa chọn với

– 1 Thủ Quỹ ( sự chấp thuận của BHDTƯ

Miền Vĩnh Nghiêm :

Các GÐPT Vĩnh Nghiêm có một BHD duy nhất tương đương cấp tỉnh. Trưởng ban Hướng Dẫn GÐPT Vĩnh Nghiêm đương nhiên là đại diện BHDTƯ tại Miền Vĩnh Nghiêm.

Miền Quảng Ðức :

Thủ đô Sàigòn có một Ban Hướng Dẫn thủ đô Sàigòn tương đương cấp tỉnh. Trưởng BHD GÐPT Thủ đô đương nhiên là đại diện BHDTƯ tại Miền Quảng Ðức.

C. Cấp Tỉnh hay Thị xã :

Mỗi tỉnh hay thị xã biệt lập (như Ðà Nẳng, Cam Ranh . . .) có từ 5 GÐPT trở lên, có một BHD GÐPT do đại hội huynh trưởng GÐPT Tỉnh hay Thị xã bầu lên.

Trưởng ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã là Huynh trưởng GÐPT đương nhiên là Trưởng ban GÐPT trong Thanh Niên Vụ vủa Tỉnh, Thị Giáo Hội

Thành phần Ban Hướng Dẫn :

– 1 Trưởng Ban

– 2 Phó Trưởng Ban (1 ngành Nam, 1 ngành Nữ)

– 1 Tổng Thư Ký

– 1 Phó Tổng Thư Ký

– 1 Thủ Quỹ.

Các Ủy viên khác đều giống như BHDTƯ. Các ban viên có thể đề nghị BHD Tỉnh hay Thị xã mời một phụ tá cho mình (phụ tá không mang phù hiệu và không có quyền biểu quyết).

– Bên cạnh BHD Tỉnh hay Thị xã có một Ban Cố Vấn Giáo Lý và một Ban Bảo Trợ.

Ban Viên bị khuyết :

Trường hợp một chức vụ trong BHD Tỉnh hay Thị xã bị khuyết thì BHD Tỉnh hay Thị xã đề cử và đệ trình BHDTƯ duyệt y.

Trong trường hợp số ban viên BHD Tỉnh hay Thị xã bị khuyết quá 1/3 tổng số ban viên thì cần phải triệu tập một đại hội huynh trưởng thu hẹp để bổ sung và đệ trình BHDTƯ duyệt y.

Ðại Diện Quận :

Tại mỗi quận, BHD có thể có một đại diện hay một ban đại diện BHD Tỉnh hay Thị xã với điều kiện có bảy ( 7 ) gia đình trở lên.

Thành phần Ban Ðại Diện Quận :

– 1 Ðại Diện (nằm trong thành phần BHD Tỉnh hay Thị xã do đại hội huynh trưởng Tỉnh hay Thị xã bầu lên).

– 1 Thư Ký (do Ðại Diện lựa chọn)

– 1 Ban Viên Tổ Kiểm (với sự chấp thuận của)

– 1 Thủ Quỹ (BHD Tỉnh hay Thị xã)

C. Cấp Gia Ðình :

a) Mỗi xã (tại các quận), phường (tại đô thị), chi hay khuôn giáo hội Phật Giáo Việt Nam có thể thành lập một hay nhiều GÐPT, song không nhất định khu vực.

b) Mỗi Gia Ðình sinh hoạt riêng biệt Nam và Nữ, trừ trường hợp Gia Ðình dưới 4 đoàn.

c) Mỗi Gia Ðình phải có tối thiểu là 2 Ðoàn và tối đa là 6 Ðoàn.

d) Mỗi Ðoàn có tối thiểu là 2 Ðội, Chúng, Ðàn và số Ðoàn viên từ 12 đến 32 em.

e) Mỗi Ðội (Thanh, Thiếu Niên), Chúng (Thanh, Thiếu Nữ) hay Ðàn (Oanh Vũ) có từ 6 đến 8 em.

f) Oanh Vũ : Nam và Nữ từ 07 đến 12 tuổi.

Thiếu Niên: Nam và Nữ từ 13 đến 17 tuổi.

Thanh Niên: Nam và Nữ Phật tử từ 18 tuổi trở lên.

Thành phần:

Một Ban Huynh Trưởng Gia Ðình:

– 1 Gia trưởng

– 2 Liên Ðoàn Trưởng (1 phụ trách ngành Nam, 1 phụ trách ngành Nữ)

– 1 Thư ký

– 1 Thủ Quỹ

– Các Ðoàn Trưởng, Ðoàn Phó hai ngành.

– Trừ Gia Trưởng, các Ban viên khác đều do Ban Huynh Trưởng Gia Ðình bầu lên.

– Ban Huynh Trưởng Gia Ðình không phải bầu lại mỗi naam hay hạn kỳ. Nếu cần thì cải tổ hay bổ sung mà thôi.

– Bên cạnh Ban Huynh Trưởng Gia Ðình có 1 Ban Bảo Trợ.

Mỗi Ðoàn có:

– 1 Ðoàn Trưởng

– 1, 2 hay 3 Ðoàn Phó để điều động sinh hoạt Ðoàn.

Mỗi Ðội, Chúng hay Ðàn :

– 1 Ðội, Chúng hay Ðàn Trưởng

– 1 Ðội, Chúng hay Ðàn Phó.

Ðiều 7 : Nhiệm Vụ và Liên Lạc

A. Cấp Trung Ương:

1. Trưởng Ban Hướng dẫn Trung Ương GÐPT điều động toàn ban, điều khiển và kiểm soát các Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

2. Thực hiện đúng Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

3. Tổ chức Trường hay các lớp Huấn Luyện Huynh Trưởng các Trại toàn quốc.

4. Báo cáo sinh hoạt mỗi tam cá nguyệt cho Tổng Vụ Thanh Niên và Viện Hóa Ðạo.

5. Ðặc quyền ban hành các thông tư liên hệ đến việc ấn định thành lập và điều hành các Ban Chấp Hành hay Ðại Diện GÐPT Tỉnh hay Thị xã ở các Tỉnh hay Thị xã chưa đủ điều kiện thành lập Ban Huớng Dẫn.

B. Cấp Miền:

1. Ðại Diện Miền thay mặt cho Ban Hướng Dẫn Trung ương GÐPT Việt Nam để đôn đốc, kiểm soát và báo cáo tình hình hoạt động của GÐPT Tỉnh hay Thị xã thuộc Miền của mình, vào tuần lễ cuối mỗi tam cá nguyệt lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

2. Liên lạc với đại diện Miền Giáo Hội Phật giáo Việt Nam để thông hiểu tình hình Phật sự chung cho Miền và giải quyết những vấn đề liên quan đến GÐPT.

3. Ðại diện cho BHDTƯ trong các lễ lược do các GÐPT trong Tỉnh, Thị xã hay liên Tỉnh, Thị xã tổ chức.

4. Ðôn đốc các trại liên Tỉnh, Thị xã trong Miền.

C. Cấp Tỉnh hay Thị xã :

1. Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã có phận sự điều động toàn ban, thi hành chỉ thị của trung ương, điều khiển và kiểm soát các GÐPT trong Tỉnh hay Thị xã.

2. Thành lập các GÐPT mới trong Tỉnh hay Thị xã.

3. Tổ chức các trại huấn luyện HT Sơ cấp, Cấp I, Cấp II và Ðội, Chúng Trưởng hay trại liên Gia Ðình trong Tỉnh hay Thị xã.

4. Là ban viên trong Ban đại diện Giáo hội Phật giáo cấp Tỉnh hay Thị xã.

5. Báo cáo sinh hoạt hàng tháng lên Ban Ðại Diện Phật Giáo cấp Tỉnh hay Thị xã, Ban Ðại Diện GÐPT Miền và Ban Hướng Dẫn Trung Ương GÐPT Việt Nam.

C. Cấp Gia Ðình:

1. Gia Trưởng :

a. Vị này là một Cư sĩ từ 30 tuổi trở lên, có uy tín trong Ban Ðại Diện Giáo Hội ở cấp Xã, Phường, Chi hay Khuôn và hiểu biết về GÐPT, do Ban Huynh Trưởng mời và được sự đồng ý của Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

b. Nếu Liên Ðoàn Trưởng từ 30 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban Ðại Diện Giáo Hội cấp Xã, Phường, Chi hay Khuôn, có thể kiêm chức Gia-Trưởng.

c. Thâu nhận Ðoàn sinh mới vào Gia Ðình.

d. Thay mặt Ban Huynh Trưởng về các công việc đối ngoại liên quan đến Gia Ðình Phật Tử. Thi hành Nội Quy và cùng với Ban Huynh Trưởng chịu trách nhiệm trước Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

2. Liên Ðoàn Trưởng :

a. Ðiều động Ban Huynh trưởng.

b. Thi hành chỉ thị của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

c. Tổ chức các lớp Huấn Luyện Ðội , Chúng và Ðàn Trưởng trong Gia Ðình để chuẩn bị dự các lớp huấn luyện của Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

d. Tổ chức các cuộc lễ, trại, triển lãm, văn nghệ và công tác xã hội thuộc phạm vi Gia Ðình có sự đồng ý của Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

e. Báo cáo sinh hoạt hàng tháng cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

3. Ðoàn Trưởng :

a. Thi hành quyết nghị của Ban huynh Trưởng, điều động và điều khiển Ðoàn của mình với sự trợ tá của Ðoàn Phó.

b. Hoạch định chương trình tu học và hoạt động hàng tháng, hàng tuần cho Ðoàn.

c. Tổ chức Trại và du ngoạn của Ðoàn (có sự chấp thuận của Liên Ðoàn Trưởng).

d. Chịu trách nhiệm với Liên Ðoàn Trưởng.

4. Ðội Trưởng, Chúng Trưởng, Ðàn Trưởng :

a. Thi hành quyết định của Ðoàn Trưởng, điều khiển Ðội, Chúng, Ðàn của mình với sự trợ tá của Ðội, Chúng, Ðàn Phó.

b. Soạn thảo chương trình sinh hoạt hàng tuần của Ðội, Chúng, Ðàn (dựa theo chương trình của Ðoàn)

c. Chịu trách nhiệm với Ðoàn Trưởng.

Ðiều 8 : Danh Hiệu Gia Ðình

Danh hiệu Gia Ðình Phật Tử được Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã chấp thuận.

Ðiều 9 : Ðại Hội

A. Cấp Trung Ương:

Cứ hai (2) năm một lần có Ðại Hội Gia Ðình Phật Tử toàn quốc để bầu lại Ban Hướng Dẫn Trung Ương. Ngày Ðại Hội phải được tổ chức chậm nhất là một (1) tháng trước đại hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

B. Cấp Tỉnh hay Thị xã :

1. Hàng năm có đại hội thường niên để kiểm điểm sinh hoạt các Gia Ðình Phật Tử trong năm qua, dự thảo chương trình hoạt động chung cho các Gia Ðình trong năm tới. Cứ hai (2) năm bầu Ban Hướng Dẫn mới để chuẩn bị tham dự Ðại Hội Gia Ðình Phật Tử toàn quốc.

2. Ðại Hội GÐPT Tỉnh hay Thị xã phải được tổ chức chậm nhất là một (1) tháng trước đại hội GÐPT toàn quốc.

C. Cấp Gia Ðình :

1. Mỗi tháng Ban Huynh trưởng của Gia Ðình họp một lần để kiểm điểm công việc của Gia Ðình trong tháng và hoạch định chương trình hoạt động cho tháng tới.

2. Mỗi tam cá nguyệt (thay buổi họp hàng tháng), Ban Huynh Trưởng họp một lần để kiểm điểm công việc và hoạch định chương trình sinh hoạt cho tam cá nguyệt tới.

3. Mỗi năm (thay buổi họp hàng tháng và tam cá nguyệt) có một buổi họp thường niên của Ban Huynh Trưởng Gia Ðình. Buổi họp này có thể tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Gia Ðình.

Ðiều 10 : Tài Chánh

Quỹ của Gia Ðình gồm những khoản sau đây :

– Tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm.

– Tiền trợ cấp của các ban đại diện liên hệ theo hệ thống ngang của Giáo Hội.

– Tiền trợ phí của Ðoàn viên.

– Tiền do Ban Bảo Trợ Gia Ðình Phật Tử ủng hộ.

– Tiền thu được do tổ chức các cuộc vui và các phương tiện họp pháp khác để gây quỹ.

Phân bổ :

1. Gia Ðình mỗi năm phải phụ nạp cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh 400 đồng. Số tiền nầy có thể gửi làm hai kỳ.

2. Ban Hướng Dẫn Tỉnh mỗi naam phải phụ nạp cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương 1.000 đồng, trước tháng sáu mỗi năm.

3. Miền : Chi phí của Ban Ðõi Diện Miền do Ban Hướng Dẫn Trung Ương đài thọ.

Chương Thứ Ba

Huy Hiệu – Bài Ca Chính Thức – Ðồng Phục

Ðiều 11 : Huy Hiệu

Huy hiệu chính thức của Gia Ðình Phật Tử là Hoa Sen Trắng, tám (08) cánh, trên nền tròn xanh lá mạ, viền trắng.

Ðiều 12 :

A. Bài Ca Chính Thức:

Bài Hoa Sen Trắng là bài ca chính thức của Gia Ðình Phật Tử.

B. Cấp Hiệu và Huy Hiệu :

Các cấp hiệu và huy hiệu cùng một thể thức do Ban Hướng Dẫn Trung Ương ấn định và phát hành.

C. Chào :

Ấn Cát Tường chỉ áp dụng khi mặc đồng phục GÐPT ( bàn tay mặt ngửa về phía trước, đưa ngang vai, cánh ngoài thẳng dọc với ngón cái giữ lấy ngón đeo nhẫn).

Ðiều 13 : Ðồng Phục

a. Nam Phật Tử và Thiếu Nam : Sơ-mi lam tay cụt, hai túi và cầu vai. Quần sọt xanh nước biển, hai túi sau. Nón lá hay mũ Phật tử (tuỳ theo địa phương nhưng cốt đồng nhất cho mỗi Ðoàn).

b. Nữ Phật Tử và Thiếu Nữ : Áo dài lam, quần trắng (khi đi trại nê có trại phục)

c .Nam Oanh Vũ : Sơ-mi lam tay cụt, có cầu vai. Quần sọt màu xanh nước biển, hai túi sau, có dây treo. Mũ bê rê hay mũ rộng vành màu xanh nước biển chóp tròn (tùy theo địa phương nhưng cốt đồng nhất cho mỗi Ðoàn).

d. Nữ Oanh Vũ : Sơ-mi lam tay cụt phồng. Váy màu xanh nước biển. Mũ hay nón (tùy theo địa phương, nhưng cốt cho đồng nhất trong một Ðoàn).

Ðồng phục và Huy hiệu trên chỉ được dùng trong những ngày lễ của Hội của Gia Ðình, trong những buổi cắm trại và buổi họp.

Chương Thứ Tư

Ðiều Kiện Thành Lập Gia Ðình Phật Tử – Khuôn Dấu – Giải Tán – Gia Nhập Gia Ðình Phật Tử

Ðiều 14 : Ðiều Kiện Thành Lập Gia Ðình Phật Tử

Khác với hệ thống tổ chức của Tổng Vụ Cư sĩ, Gia Ðình Phật Tử tại các thôn, ấp, xã, khóm, phường, quận có thể tuỳ nghi thành lập không phân biệt khu vực. Ðoàn quán đặt nơi nào thì liên lạc theo hệ thống ngang với Ban Ðại Diện Giáo Hội sở tại. Mỗi Gia Ðình Phật Tử phải có ít nhất là hai (2) Huynh Trưởng đã dự lớp Huấn luyện mới được thành lập.

A. Trong trường hợp đã có một Ban Hướng Dẫn Tỉnh thì :

a. Phải có giấy ủy quyền của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

b. Sau sáu (6) tháng hoạt động điều hòa mới được Ban Hướng Dẫn Tỉnh chính thức thừa nhận.

B. Trong trường hợp chưa có Ban Hướng Dẫn Tỉnh :

a. Phải có giấy ủy quyền của Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

b. Phải trình giấy ủy nhiệm nầy cho Ban Ðại Diện Giáo Hội sở tại.

c. Gia Ðình Phật Tử đã thành lập đúng theo Ðiều 6 mục D về cấp Gia Ðình, Ban Huynh trưởng phải báo cáo cho Ban Ðại Diện Giáo Hội sở tại và Ban Hướng Dẫn Trung Ương biết. Sau sáu (6) tháng sinh hoạt điều hòa, mới được Ban Hướng Dẫn Trung Ương chính thức thừa nhận.

Ðiều 15 : Khuôn Dấu

Chỉ có năm (05) cấp có khuôn dấu mà thôi: Trung Ương – Miền – Tỉnh – Quận và Gia Ðình.

Kiểu và khuôn dấu cho mỗi cấp do Ban Hướng Dẫn Trung Ương định.

Ðiều 16 : Ðiều Kiện Gia Nhập

1. Muốn gia nhập Gia Ðình, phải có đơn của phụ huynh xin Gia Trưởng (có mẫu in sẵn ở Gia Ðình). Nếu là một Nam Phật Tử hay Nữ Phật Tử (tuổi từ 18 trở lên) thì đơn xin gia nhập phải có 2 Ðoàn viên giới thiệu.

2. Sau Ba (3) tháng sinh hoạt liên tục, nếu được Ðoàn Trưởng xác nhận đủ điều kiện, Ðoàn sinh mới được làm lễ phát nguyện và được Ban Huynh Trưởng công nhận là Ðoàn Sinh chính thức của Gia Ðình.

Ðiều 17 : Kỷ Luật

A. Huynh Trưởng :

Huynh Trưởng phạm kỷ luật sẽ chiếu Quy Chế Huynh Trưởng thi hành.

B. Ðoàn Sinh :

– Không đi họp luôn ba (03) buổi liên tiếp và không có giấy phép.

– Làm tổn thương đến thanh danh Gia Ðình Phật Tứ thì không còn mang danh nghĩa Ðoàn sinh nữa.

1. Quyết định cho nghỉ hoạt động tạm thời hay vĩnh viễn là do Gia Trưởng với sự chấp thuận của 2/3 Huynh Trưởng trong Ban Huynh Trưởng.

2. Riêng danh sách các Ðoàn sinh đã bị cho nghỉ vĩnh viễn, phải được thông báo cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh để chỉ thị cho các Gia Ðình Phật Tử trong Tỉnh không được thu nhận.

3. Ðoàn sinh đã mất danh nghĩa thì không được quyền đòi hỏi một điều kiện bồi thường nào cả.

Ðiều 18 : Ngưng Hoạt Ðộng – Giải Tán

A. Ngưng Hoạt Ðộng:

1. Mọi sự ngưng hoạt động của một Gia Ðình Phật Tử trong Tỉnh phải được hai phần ba (2/3) số Huynh Trưởng biểu quyết với sự thoả thuận của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

2. Mọi sự ngưng hoạt động của Ban Hướng Dẫn Tỉnh phải được hai phần ba (2/3) số Huynh trưởng Tỉnh biểu quyết với sư chấp thuận của Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

3. Mọi sự ngưng hoạt động của Ban Hướng Dẫn Trung Ương phải do Ðại Hội Huynh Trưởng toàn quốc quyết định với sự phê chuâ/n của Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

B. Giải Tán :

a. Những Gia Ðình Phật Tử không sinh hoạt đúng Nội Quy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam thì sẽ do Ban Hướng Dẫn Tỉnh quyết định cho tạm ngưng hoạt động hay giải tán sau khi điều tra và lập báo cáo gởi về Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

b. Muốn giải tán Ban Hướng Dẫn Tỉnh chỉ có Ban Hướng Dẫn Trung Ương mới có quyền giải tán mà thôi.

Ban Ðại Diện Giáo Hội cấp Tỉnh có quyền đề nghị giải tán Ban Hướng Dẫn Tỉnh với những lý do xác đáng kèm theo tài liệu đầy đủ và quyền quyết định tối hậu vẫn do ban Hướng Dẫn Trung Ương.

c. Những Gia Ðình hay Ban Hướng Dẫn bị giải tán, các vật dụng và tài chánh đều phải giao lại cho cấp trên của mình theo hệ thống dọc.

Chương Thứ Năm

Sửa Ðổi Nội Quy

Ðiều 19 : Sửa Ðổi Nội Quy

Mọi sự sửa đổi Nội Quy này phải do Ðại Hội Huynh Trưởng toàn quốc quyết định và được Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Thống Nhất phê chuẩn.

Làm tại Sàigòn, ngày 21 tháng 5 Phật lịch 2508 (30-6-1964)

Tu chỉnh tại Sàigòn, ngày 25 tháng 6 Phật lịch 2511 (01-08-1967)

BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG