PHẬT PHÁP : Giới luật và Phẩm hạnh Huynh Trưởng

Pháp thoại:

TÂM LỄ Vương Học,

Trại Tu Dưỡng Tâm Huệ, Melbourne, 25-29/12/2010

“Nầy chư Thiện nam, Thiện nữ. Quý vị hãy lắng nghe cho kỹ. Bể khổ Không bờ, nếu không có thuyền từ bát-nhã thì không thể vượt lên bờ giải thoát được. Người muốn chứng vô thượng bồ-đề cần phải lãnh thọ giới pháp. Tất cả muôn công đức lành đều lấy giới pháp làm nền tảng. Không lường chư Phật nhân nơi giới mà thành bậc Chánh đẳng cháng giác. Đại thặng tiểu thặng đều phải giữ giới. Tại gia hay xuất gia cũng đều phải thọ giới…”.

Trích, Khai thị giới tử, Giới Đàn Tăng.

PHẦN I: GIỚI LUẬT.

Khi thuyết pháp hóa độ chúng sanh, đức Thế Tôn dựa theo 5 lực dụng:

–      Ngôn thuyết: lời lẽ khế hợp trình độ của người nghe mà vẫn đúng với chân lý.

–      Tuỳ nghi: tuỳ theo căn tánh, hoàn cảnh mà thuyết.

–      Phương tiện: dùng phương tiện khéo léo, thiện xảo để hướng dẫn.

–      Pháp môn: tuỳ theo trình độ nhận thức mà vận dụng phương cách thực hành thích hợp.

–      Đại bi: vì thương xót chúng sanh nên dụng tâm đại bi để giáo hóa.

Học đòi theo Phật, khi dạy Phật Pháp, người Huynh Trưởng cũng phải dụng công theo 5 cách trên để hướng dẫn cho các em.

Trong Đạo tràng (trường dạy đạo), người chuyên về Giới luật được gọi là Luật sư, chuyên về pháp gọi là Pháp sư, chuyên về thuyết giảng gọi là Giảng sư, giỏi về biện tài gọi là Luận sư, còn các vị chuyên môn về nghi thức, giỏi sử dụng pháp khí, tán tụng… thì được gọi là Kinh sư.

Lại nữa, ở nơi tu học, trong phần hướng dẫn liên quan đến Phật Pháp, thuyết về Giới là phần khó nhất. Bởi vì, như câu Phật ngôn: “Như Lai thuyết những gì Như Lai đã chứng. Như Lai chứng những gì Như Lai đã thuyết”. Học theo hạnh của Phật, cũng vậy: “Huynh Trưởng nói những gì Huynh Trưởng đã làm. Huynh Trưởng làm những gì Huynh Trưởng đã nói”. Người xưa thường nói: “70 chưa gọi là lành”, ý muốn nói cho dù đến 70 tuổi cũng vẫn chưa thể cho mình là người hoàn hảo. Người Huynh Trưởng cho dù “chưa gọi là lành”, chưa làm được đúng như những điều mình đã nói, nhưng ít ra đó là con đường mà Huynh Trưởng đang đi, đó là mục tiêu mà Huynh Trưởng đang hướng đến, đó là phương pháp mà Huynh Trưởng đang tiếp nhận và thực hành. Trong sinh hoạt và trong đời sống hàng ngày, người Huynh Trưởng không thể phóng túng, buông lung vô độ, không biết tự điều phục tâm ý, ngôn ngữ, hành vi, “ngôn hạnh bất ưng”, “tri hành bất nhất”, nói một đường làm một nẽo. Vì lý do đó mà ở nơi tu học, “thuyết về Giới” được xem là điều khó nhất.

Trong luật có dạy, với người xuất gia, trong 5 năm đầu chỉ chuyên học về Giới. Học và nghiên cứu về Giới để hiểu Giới cho cặn kẽ. Hiểu biết cặn kẽ, để thực hành cho đúng với tinh thần của giới luật, tránh lệch lạc vào con đường “giới cấm thủ kiến”. Nói vậy để thấy rằng đối với Giới Luật của GĐPT, người Đoàn Viên, nhất là Huynh Trưởng cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu cho thấu đáo để từ đó tinh tấn thực hành và hướng dẫn cho các em.

3 thứ luật nghi: có 3 thứ luật nghi trong giáo pháp của đức Phật.

Giáo pháp đức Phật tuyên thuyết thì nhiều nhưng tất cả đều đặt trên nền tảng của giới luật. Trong những lời di huấn trước khi nhập Niết bàn, đức Thế Tôn cũng nhắc phải giữ gìn giới luật: “Nầy các Thầy Tỳ-kheo, sau khi ta diệt độ, xin tôn trọng, trân kính giới luật, như người mù được sáng, như người nghèo mà được của báu. Xin biết rằng đó là bậc Đạo sư của các Thầy, Như Lai còn sống ở đời cũng không có gì khác”, (Nhữ đẳng Tỳ-kheo, ư ngã diệt độ hậu, đương tôn trọng, trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa, như ám ngộ minh, bần nhân đắc bảo. Đương tri thử tức thị nhữ đẳng Đạo sư, Như Lai tại thế bất dị giả giã – Kinh Di Giáo). Tu học và hành trì có nhiều pháp môn nhưng nhờ được xây dựng trên nền tảng của giới mà thành tựu. Chư Phật, chư Tổ cũng nhân nơi Giới mà thành Phật, thành Tổ. Nếu tu hành (bằng cách tọa thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì giới… hay bất kỳ một cách nào khác đi chăng nữa) mà không giữ giới thì nên biết rằng người đó đang đi trên con đường tà, dẫn vào ma đạo, chứ không phải con đường chánh đạo để tiến đến mục đích giác ngộ, giải thoát theo giáo lý mà đức Phật hướng dẫn.

Có người hỏi lại rằng: trong thời gian trước khi thành đạo dưới cội Bồ-đề bên bờ sông Ni-liên-thuyền, Thái tử Tất-đạt-đa (Siddharta) đâu có thọ giới mà ngồi thiền cũng thành Phật, các vị cao đồ đệ tử của Phật như Tôn giả Kiều-trần-như, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên… đâu có thọ giới mà cũng đều chứng quả A-la-hán. Trong kinh Pháp Bảo Đàn có thuật lại: Lục Tổ Huệ Năng khi đến Hoàng Mai cầu đạo với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, và suốt 16 năm liền sau đó sống ẩn dật giữa đám thợ săn, dù chưa từng thế phát xuất gia và đâu có thọ giới nào mà cũng được Ngũ Tổ truyền y bát, thành Tổ đó thôi.

Trong kinh Lăng Nghiêm, quyển thứ 6 có viết rằng: “Nhiếp tâm là giới, nhân giới sinh định, do định phát huệ. Cho nên gọi là Tam vô lậu học”. Sau khi thành đạo, 12 năm đầu, đối với hàng ngũ Tăng già, đức Phật không đặt ra giới luật. Tăng đoàn của Phật khi đó là một tổ chức không bị ô uế, không còn phiền trược, không có khuyết điểm, đó là một tập thể thanh tịnh và hòa hợp đến hoàn hảo, cho nên Phật chưa cần phải chế định giới luật. Các vị đệ tử xuất gia lúc bấy giờ chỉ y theo lời Phật dạy, an trú trong pháp tu thiền định và pháp tu trí huệ mà giới thể tự thành tựu. Giới đó được gọi là Định cộng giới và Đạo cộng giới. Khi thân tâm an trú trong Thiền định, ba nghiệp không có cơ hội để phạm tội ác, thân khẩu ý đều được thanh tịnh hoàn toàn, tự nhiên giới thể được viên mãn gọi là Định cộng giới. Còn khi Đức Phật chưa chế giới, chư vị đệ tử nghe Phật thuyết pháp, tâm họ được viễn ly trần cấu, pháp nhãn thanh tịnh, tự nhiên giới thể được tròn đủ, chứng được thánh quả, đó là Đạo cộng giới.

Nói cách khác, Định cộng giới chỉ cho năng lực phòng hộ, tức vô biểu nghiệp phát sinh do bởi thiền định, cách dịch khác (của ngài Huyền Trang) là Tĩnh lự luật nghi. Còn Đạo cộng giới chỉ cho năng lực phòng hộ, tức vô biểu nghiệp phát sinh do chứng đắc vô lậu, cách dịch khác là Vô lậu luật nghi. Ngoài ra còn một năng lực phòng  hộ nữa là Biệt giải thoát luật nghi, tức thiện vô biểu nghiệp phát sinh do sự trì giới Biệt giải thoát mà có. Đó là 3 loại luật nghi trong giáo pháp của đức Phật vậy.

Đến năm thứ mười ba, trong Tăng đoàn lúc bấy giờ có Thầy Tỳ-kheo tên Na-đề phạm tội dâm, rồi tiếp theo sau đó Tỳ kheo Đàn-ni-ca phạm tội “bất dữ nhi thủ” (chưa cho mà lấy), Tỳ-kheo Vật-lực-già-nan-đề phạm tội giết người… Cứ như vậy, hễ khi trong Tăng đoàn có một chuyện xảy ra, nếu xét thấy việc đó cản trở cho sự tu tập giác ngộ, giải thoát của hàng đệ tử, hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của Tăng già, hay có thể tạo nên sự xáo trộn, bất hòa trong tập thể Tăng đoàn thì đức Phật chế định ra một giới.

Qua sự kiện đó, chúng ta thấy dựa vào hoàn cảnh thực tế mà đức Phật chế định giới luật, chứ giới luật không được đặt ra do bởi sự mặc khải áp đặt từ thần thánh, hay từ ý thức suy luận.

Mục đính của giới luật: đức Phật chế định ra giới luật vì 3 mục đính sau đây:

–      Ngăn ngừa điều ác, tăng trưởng căn lành nơi hàng đệ tử để họ có thể tiến dần đến mục đích giác ngộ và giải thoát (chỉ ác trưởng tịnh, phòng hộ căn môn, đoạn trừ phiền não, phòng phi chỉ ác, chỉ ác tác thiện, trưởng dưỡng thiện căn tiến tu đạo nghiệp… đều mang ý nghĩa nầy).

–      Tránh sự cơ hiềm của thế gian.

–      Tạo sự hòa hợp và thanh tịnh, là bản thể của Tăng già (để duy trì mạng mạch Phật pháp).

Khi nói về một pháp, trước tiên nên giải thích đầu đề. Khi hiểu đầu đề sẽ dễ theo dõi và có thể hiểu được phần nào nội dung. Vì vậy trước tiên xin nói về 2 chữ: Giới Luật (trong ý nghĩa giáo lý của đức Phật, chưa đề cập đến phạm vi thế gian).

Giới luật: được biết qua 4 tên gọi: Tỳ-ni hay Tỳ-nại-da (Vinaya, Hán dịch là điều phục), Ba-la-đề-mộc-xoa (Pràti-mokda, biệt giải thoát), Thi-la (Sĩla, giới), U-ba-la-ka (Upalaksa). Để giải thích cho thấu đáo ý nghĩa của hai chữ giới luật thật không phải là điều đơn giản, nhưng một cách khái quát, có thể hiểu như sau:

Giới (Sĩla, phiên âm theo tiếng Hán-Việt là Thi-la, dịch nghĩa là phòng hộ, ngăn ngừa): những điều răn cấm, được Phật chế định cho người tu học, nhằm ngăn ngừa tội lỗi của thân và tâm. Giới có tính cách cấm đoán được quy định rõ trong từng bộ Luật mà người thọ nhận không được vi phạm, cho nên thường được gọi chung là Giới cấm. Như đã đề cập ở trên, Giới là 1 trong 3 môn vô lậu học của Thánh nhân, là 1 trong 5 phần Pháp thân của Phật, là 1 trong 6 độ của Bồ-Tát. Lưu ý: chữ Giới (Sĩla, Thi-la) được nói ở đây đồng âm dị nghĩa với chữ Giới (Dhãtu, Đà-đô) để chỉ cho cõi hay cảnh giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), hay chữ giới trong Thập bát giới (6 căn sở y, 6 trần sở duyên và 6 thức năng y).

Luật (Vinaya): quy định để thi hành giới. Trong Giới chưa hẳn là có luật, nhưng trong Luật thì có nhiều giới. Giống như trong một thang thuốc bắc, giới là dược tánh của từng vị, luật là phương thang. Nói dễ hiểu hơn, Giới là điều răn cấm, Luật là quy định phải tuân thủ. Nếu Giới mà không nằm trong Luật thì giới không mang tính cách bắt buộc phải tuân thủ, thi hành.

Tóm lại, Giới là những điều răn cấm được ghi trong Luật. Còn Luật là quy định phải tuân thủ cho mỗi loại giới. Giới và luật tuy tên gọi khác nhau, nhưng đều có chung một thể tánh, cùng một mục đích, đó là phòng hộ, ngăn ngừa sự phạm lỗi của thân và của tâm, cho nên thường được gọi chung là Giới luật.
Hai loại: tuỳ theo tính chất và mục đích, giới luật được phân thành hai loại:

–      Biệt giới: hay Thanh Văn giới (còn gọi là Biệt giải thoát luật nghi) là giới pháp của hàng Tiểu thừa bao gồm: Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới, (những giới nầy dành cho người Tại gia, nên còn gọi là Thế gian giới), Sa-di, Sa-di-ni giới, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni-giới, (những giới nầy dành cho người Xuất gia, nên còn gọi là Xuất thế gian giới) là tám thứ giới luật mà bảy Chúng (Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni) phải giữ để ngăn ngừa tội lỗi. Trong tám thứ luật nghi vừa kể, chỉ có Bát quan trai giới là thọ một ngày một đêm, 7 thứ còn lại là thọ cả đời. Vì các loại giới nầy dựa vào pháp thọ giới của 7 Chúng để phân biệt, mỗi loại lại có lợi ích khác nhau (Thí dụ: lợi ích của Ngũ giới khác với lợi ích của Bát quan trai giới, khác với lợi ích của Thập thiện giới, lại càng khác nhiều hơn với lợi ích của Sa-di giới hay Cụ túc giới), lại tuỳ theo từng giới để giải thoát riêng cho từng phần của thân và khẩu, giữ được giới nào thì có được sự lợi ích của giới đó, cho nên gọi là Biệt giải thoát. Biệt giới mang tính chất tận hình thọ, lấy sự thành tựu tu tập, giải thoát cá nhân làm mục đích.

Vì tu học theo giáo pháp Đại thừa nhưng lại thọ giới Cụ túc là giới của Tiểu Thừa, cho nên sau khi thọ giới Tỳ-kheo, người Xuất gia có phát tâm Bồ-đề, thường lãnh thọ thêm giới Bồ-tát Xuất gia để khế hợp với giáo nghĩa Đại thừa (gọi là Tam đàn đại giới: đàn thứ nhất thọ giới Sa-di, đàn thứ hai thọ giới Cụ túc, đàn thứ ba thọ giới Bồ-tát). Lưu ý rằng, người đã thọ Bồ-tát giới Xuất gia thì không còn được phép trở lại thọ giới Tỳ-kheo nữa, vì lẽ đã phát tâm thọ giới Đại thừa thì không thể quay lại để thọ giới Tiểu thừa.

Ngày xưa, lúc Phật giáo Đại thừa thịnh hành ở Trung Hoa, vào khoảng thế kỷ 13 những người xuất gia được vua, quan và dân chúng hết mực cung kính, cúng dường, cho nên có nhiều người thế tục giả dạng xuất gia để cầu cơm áo, lợi dưỡng. Do vậy người xuất gia sau khi đã thọ Tam đàn, thường dùng đầu nén hương đang cháy đốt trên đỉnh đầu gọi là Giới ba, trước là để phân biệt với hạng người giả dạng Tỳ-kheo, sau là để lập thệ giữ giới trọn đời và để cúng dường Bồ-tát, cầu cho giới thể được viên mãn. Ngày nay, nghi thức nầy ít còn thấy có người thực hiện.

–      Thông giới: hay Bồ-tát giới là giới pháp của hàng Đại thừa. Gọi là Thông giới vì giới nầy thông cả Tại gia lẫn Xuất gia, cho nên còn được gọi là Đạo tục song hành giới (tức loại giới cho người Xuất gia lẫn người Tại gia cùng thực hành). Cần nên biết, Bồ-tát giới Xuất gia y cứ vào kinh Phạm Võng, thọ 10 giới trọng, 48 giới khinh. Bồ-tát giới Tại gia y cứ vào kinh Ưu-bà-tắc, thọ 6 giới trọng, 28 giới khinh. Khác với giới Biệt giải thoát, giới Bồ-Tát mang tính chất tích cực, lấy sự thành tựu giải thoát chúng sanh làm mục đích và có tính cách vĩnh cửu.

Đến đây, xin được giải thích thêm về Ngũ giới, là phần căn bản nhất của Giới luật.

Ngũ Giới: được biết dưới nhiều tên gọi khác nhau như: “Ưu-bà-tắc-giới”, “Cận sự luật nghi”, “Ngũ học xứ”, “Ngũ đại thí”, “Thế gian giới”, “Tại gia giới”… Đây là phần cốt lõi trong Luật tạng, và là phần căn bản trong tất cả giới luật của Tiểu thừa lẫn Đại thừa.

Trong Ngũ Giới, 3 giới đầu để ngăn ngừa sự phạm lỗi của thân, giới thứ 4 để ngăn ngừa sự phạm lỗi của miệng, còn giới thứ 5 để phòng hộ cho 4 giới trước, chung cho cả thân lẫn miệng. Lại nữa, 4 giới đầu bản chất của nó là ác, tự tánh của nó là tội (như sát nhân, trộm cắp, dù ở đâu cũng được xem là tội ác) nên được gọi là Tánh giới (thường là những trọng giới trong các bộ Luật). Giới thứ 5, bản chất của nó chưa phải là xấu, tự tánh của nó chưa phải là tội ác, nhưng nhằm tránh sự cơ hiềm của người đời và để ngăn ngừa sự vi phạm trọng giới, nên được gọi là Già giới (thường là những khinh giới trong các bộ Luật), (Chữ Già trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là che chở, ngăn ngừa).

Như thế nào gọi là để tránh sự cơ hiềm của người đời và ngăn ngừa sự vi phạm trọng giới?

Ngày nay, nếu có dịp đến Ấn Độ, khi đi ngang qua những con suối hay những dòng sông, vẫn còn thấy có rất nhiều đàn ông đàn bà cùng tắm chung với nhau (dĩ nhiên khi tắm, đàn ông có mặc quần, đàn bà có quấn khăn quanh người). Ngày xưa, thời đức Phật còn đương tại thế, đàn ông đàn bà cũng tắm chung với nhau như vậy, nhưng lúc đó các vị Tỳ-kheo-ni tắm trần, không có quấn khăn quanh người. Có lẽ thời ấy con người sống gần gũi với thiên nhiên, tâm tánh còn “đơn giản, trong sạch” mà chưa bị “ô nhiễm” như thời bây giờ chăng? Tuy nhiên việc các Tỳ-kheo-ni tắm trần ở nơi đông người qua lại vẫn có lời “xầm xì, to nhỏ” của người đời. Việc nầy được trình lên đức Phật. Từ lý do đó, đức Phật chế ra giới: Tỳ-kheo-ni không được tắm trần ở nơi có người qua lại.

Lại nữa, một Huynh Trưởng uống rượu đến say mèm (cho dù bị nài ép), đầu óc không còn tỉnh táo, ăn nói lỗ mãng (Careless, coarse, rude, to say rude things to someone), cử chỉ thô tháu, quần áo xốc xếch, đi đứng nghiêng ngả, ói mửa dơ dáy, đánh mất tư cách, oai nghi Huynh Trưởng, khiến cho Phụ huynh coi khinh, các Đạo hữu trong Chùa chê cười, không còn tin tưởng vào đường lối giáo dục của Tổ Chức, không cho con em đến sinh hoạt. Và cũng chính vì đầu óc không còn tỉnh táo, Huynh Trưởng nầy đã lái xe gây tai nạn chết người, sau đó còn nói dối với cảnh sát để chạy tội. Như vậy, rõ ràng chỉ vì say rượu, Huynh Trưởng nầy đã phạm giới nói dối, phạm giới giết người và đã khiến cho người đời coi khinh, chê cười, làm mất thanh danh, uy tín của Gia Đình Phật Tử.

Đức Phật chế định ra Già giới để ngăn ngừa sự vi phạm trọng giới và để tránh sự cơ hiềm của thế gian là vì vậy.

Bước đầu tiên để trở thành Phật tử chân chánh là quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới.

Trong kinh A Hàm có ghi lại rằng: Sau khi thành đạo, Phật tĩnh tọa suốt 28 ngày, không hề ăn uống để hưởng pháp lạc của Niết-bàn. Qua ngày thứ 29, Ngài định đi truyền đạo thì có đoàn lái buôn do 2 người: Đề Vị (Da-lê-phú-ba, Tapussa) và Ba Lợi (Bấc-lê-ca, Bahl-lika) cầm đầu, 2 vị thương gia nầy đã cúng dường Phật bữa ăn đầu tiên sau khi Phật thành đạo. Sau khi lãnh thọ, Phật dạy một bài kệ hộ thân, trao pháp quy y và truyền Năm giới cho họ. Đây là hai đệ tử Ưu-bà-tắc đầu tiên trong lịch sử truyền bá Phật giáo. Hơn 200 năm sau khi Phật nhập Niết-bàn, trong các bộ phái Tiểu thừa phát sinh tranh luận giữa hai quan điểm truyền thụ giới pháp:

Theo quan điểm của Kinh lượng bộ (viện dẫn Thành thực luận) cho rằng sau khi quy y thì thành Ưu-bà-tắc, và trong 5 giới, tuỳ theo khả năng giữ được giới nào thì thọ giới ấy (thọ 1 trong 5 giới được gọi là Ưu-bà-tắc nhất phần, thọ 2 giới là Ưu-bà-tắc thiểu phần, thọ 3 giới là Ưu-bà-tắc bán phần, thọ 4 giới là Ưu-bà-tắc đa phần, thọ 5 giới là Ưu-bà-tắc toàn phần).

Còn quan điểm của Thuyết nhất thiết hữu bộ (viện dẫn Câu xá luận) thì cho rằng giới luật thành tựu không thể khuyết chi, cho nên không cho phép thọ giới từng phần. Sau khi quy y phải thọ đủ 5 giới mới trở thành Ưu-bà-tắc.

Giải thích thêm: Thuyết nhất thiết hữu bộ và Kinh lượng bộ đều là một trong 20 bộ phái của Tiểu thừa từ Thượng tọa bộ tách ra khoảng thời gian đầu của 100 năm thứ 3 sau khi Phật nhập Niết-bàn. Thuyết nhất thiết hữu bộ còn gọi là Hữu bộ, Hữu tông, Tát-bà-đa bộ, lấy luận làm chính (trước đó Thượng tọa bộ lấy kinh, luật làm chính) chủ trương tất cả các pháp trong 3 đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) đều có thật (nên mới gọi là “nhất thiết hữu”). Còn Kinh lượng bộ (tên khác là Thuyết kinh bộ, Thuyết chuyển bộ) lấy kinh làm chính lượng, nên được gọi là Kinh lượng bộ, nói tắt là Kinh bộ, từ Thuyết nhất thiết hữu bộ tách ra, phủ nhận thuyết vạn vật thực hữu của Thuyết nhất thiết hữu bộ, cho rằng chỉ có tứ đại và tâm là thực có, nương vào nhau tồn tại. Thêm vào đó, phái nầy cho rằng chỉ hiện tại là thực hữu, còn quá khứ (đã qua) và tương lai (chưa đến) là không thật. Kinh lượng bộ có liên quan rất nhiều đến Trung quán luận, Trí độ luận, Duy thức luận của Đại Thừa sau nầy.

Trong Giới đàn ngày nay, Giới sư (Thầy truyền giới) thường căn cứ vào một trong hai quan điểm trên đây để truyền giới cho Giới tử xin thọ Tam quy Ngũ giới.

Bốn khoa (hay Giới tứ biệt): chỉ cho bốn phần riêng biệt của giới luật gồm:

–      Giới pháp: gọi chung cho những luật lệ, phép tắc do đức Phật chế định, hay do chư Tổ Đức căn cứ vào nền tảng giáo pháp của đức Phật mà thiết lập nên, để đệ tử của Phật nương theo đó mà tu hành hầu chứng quả giác ngộ, giải thoát. Vì giới luật là một phần trong giáo pháp của đức Phật cho nên được gọi là giới pháp.

–      Giới thể: sau khi lãnh thọ giới pháp, trong tâm người thọ giới tự nhiên sinh ra năng lực phòng hộ gọi là giới thể. Chữ nầy trước đây sách thường viết là Vô tác diệu hạnh. Tuy là thứ không thể hiện ra bên ngoài nhưng giới thể có năng lực giữ cho thân và tâm không phạm tội ác. Vì giới thể là ý chí trong tâm chứ không có hình tướng bên ngoài nên được gọi là Thiện vô biểu.

–      Giới hạnh: nương vào giới thể mà phát ra thành hành động cho đúng với oai nghi, phép tắc, hay Giới hành, tức sự điều phục tam nghiệp: tâm ý, lời nói, hành vi cho phù hợp với quy định của luật nghi. Do nơi Giới hành (tức thực hành giới) mà tạo ra giới đức, phẩm hạnh ở người trì giới.

–      Giới tướng: có hai phần, thứ nhất là tướng của mỗi loại luật nghi đều khác nhau (như luật nghi của Tiểu thừa khác với Đại thừa, luật nghi của Năm giới khác với tướng của luật nghi Thập Thiện giới…).  Thêm vào đó, mỗi giới khi thực hành tạo nên hình tướng, oai nghi và lợi ích khác nhau.

Hai phần (Nhị chủng giới): về phương diện thực hành, giới được chia làm hai phần:

–      Chỉ trì giới: Chỉ là ngưng lại, tức tuân giữ những điều răn cấm không được phép làm, nhằm ngăn ngừa những điều tội lỗi khiến tạo nên nghiệp bất thiện, được ghi rõ trong từng giới điều của các bộ Luật. Nếu không tuân thủ, người vi phạm được xem là phạm giới (ví dụ: không được giết hại; không được trộm cắp, không được tà dâm, không được nói dối…).

–      Tác trì giới: Tác là làm, tức những điều quy định phải tuân thủ, phải thực hiện. Nếu không làm, không thực hiện đúng theo quy định của Luật, cũng xem như phạm giới (ví dụ: giới thứ 2 trong Thập thiện giới: không trộm cắp mà bố thí. Bố thí tức là phần tác trì của giới thứ 2. Người không trộm cắp, nhưng bủn xỉn, keo kiệt, không tuỳ nghi bố thí, cũng bị xem như đã phạm giới).

Thêm vào đó, về những quy định chung của Giới Luật, chẳng hạn như người Xuất gia mỗi nửa tháng phải thuyết giới, bố tát, mỗi năm phải an cư, Bồ-tát giới Tại gia mỗi nửa tháng cũng phải tụng giới. Nếu không thực hiện những điều đó, không tuân thủ đúng theo quy định của luật, người vi phạm kể như đã phạm giới. Đó cũng chính là phần tác trì của Giới luật vậy.

Sau khi lãnh thọ giới pháp, phần nào là phần chỉ trì, phần nào là phần tác trì, cần phải nên tìm hiểu cho thấu đáo để thực hành cho đúng.

Bốn phương tiện: khi chế định giới luật, về phương diện thực hành, nếu quá cực đoan, nghiêm khắc đến tuyệt đối, sẽ rất khó có người có khả năng thọ nhận và hành trì. Do đó khi ứng dụng giới luật cần mở ra phương tiện khiến cho người thọ nhận đạt được nhiều lợi ích, gọi là khai, già, trì, phạm.

–      Khai: cho phép. Tuy giới cấm làm nhưng tuỳ trường hợp mở ra phương tiện cho phép làm mà không bị xem là phạm giới. Thí dụ như khi bịnh cần uống thuốc, nhưng thuốc đó phải hòa với rượu, khi đó người uống rượu để chữa bệnh kể như không phạm giới. Đó là đối với người xuất gia. Riêng với người đã thọ Năm giới, có thể được uống rượu trong các dịp vui như hội ngộ, lễ, tết. Việc nầy có thể chấp nhận được mà không kể là phạm giới, miễn là đừng uống rượu thường xuyên và uống đến say sưa, có hại cho trí thông minh và sức khoẻ, gây ảnh hưởng đến sự tu học. Như vậy gọi là khai.

–      Già: ngăn ngừa, cấm chỉ. Những điều tự tánh của nó chưa phải là xấu ác, chưa cấu thành tội lỗi, nhưng vẫn bị cấm, nhằm ngăn ngừa hay để tránh đưa đến sự phạm những lỗi lầm khác.

–      Trì: giữ gìn, tuân thủ đúng theo quy định của giới, bao gồm cả hai phần Chỉ trì và Tác trì vừa đề cập ở phần trên.

–      Phạm: vi phạm, cũng có hai phần: Chỉ phạm tức giải đãi, biếng nhác, không tuân thủ các quy định của Tác trì giới. Và Tác phạm tức vi phạm các quy định của Chỉ trì giới. (Chỗ nầy hơi khó nhớ, khi đọc nên lưu ý cẩn thận).

Bốn hạng: Đại trí độ luận (quyển 13) nói: người giữ giới có bốn hạng:

–      Hạ nhân trì giới: hạng người ham danh lợi, muốn được khen ngợi hay nổi tiếng, hoặc muốn được tiện nghi và lợi ích trong đời nầy cho nên giữ giới.

–      Trung nhân trì giới: hạng người tin vào nhân quả, muốn được phúc lạc trong hiện tại và phước báu ở đời sau cho nên giữ giới.

–      Thượng nhân trì giới: hạng người vì cầu giác ngộ, giải thoát, muốn hưởng quả vui Niết-bàn cho cá nhân mình cho nên giữ giới.

–      Thượng thượng nhân trì giới: hạng người phát tâm Bồ-đề, trên chỉ cầu Phật đạo, dưới vì thương xót muốn độ thoát chúng sanh cho nên giữ giới. (Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu Nhân Thiên phước báu, Thanh Văn, Duyên Giác, nãi chí Quyền thừa chư vị Bồ-tát, duy y Tối thượng thừa, phát Bồ-đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc A-nậu-đa-la Tam miệu tam bồ-đề – Kinh Hồng Danh Bảo Sám).

Trên đây là phần trình bày khái lược về những điều căn bản liên quan đến giới luật. Những điều còn lại như: cầu thọ giới pháp, phân tích và giải thích giới bản, điều kiện thọ giới, tác bạch Giới sư, xả giới, mất giới, phạm giới, luận tội, sám hối… cũng hết sức quan trọng, Huynh Trưởng rất cần phải tìm hiểu cho thấu đáo để tránh mắc phải sai lầm. Chẳng hạn như luận tội. Khi họp Hội đồng kỷ luật để kết tội một Huynh Trưởng cấp I A Dục phải khác với khi luận tội một Trưởng Ban Hướng Dẫn hay một Huynh Trưởng cấp Tấn, cấp Dũng. Nhưng vì thời lượng không cho phép và trong khuôn khổ của một bài pháp thoại, các phần còn lại sẽ được trình bày vào một dịp khác.

PHẦN II: PHẨM HẠNH HUYNH TRƯỞNG.

Phẩm hạnh của người Huynh Trưởng được xây dựng trên nền tảng Luật của Thanh, Thiếu Niên. Giới luật nầy có đủ tính chất của 4 khoa: giới pháp, giới thể, giới hạnh, giới tướng, cùng 2 phần thực hành: chỉ trì và tác trì.

–      Giới pháp của Huynh Trưởng: Giới pháp của Huynh Trưởng tức 5 giới điều được ghi trong Luật của Thanh, Thiếu Niên. Giới pháp nầy tuy không phải do đức Phật chế định, nhưng do chư Tiền bối khai sáng, căn cứ trên căn bản giáo lý từ bi, trí tuệ của đức Phật và mục đích của Tổ Chức mà thiết lập nên. Cũng giống như khi Phật chế định ra giới luật cho hàng ngũ Tăng già, mục đích của giới pháp trong GĐPT nhằm mang lại sự thành tựu tu tập cho mỗi Đoàn viên, để tránh sự cơ hiềm của thế gian và tạo sự hòa hợp để thăng tiến Tổ Chức.

Để mang lại sự thành tựu trong tu tập, đào luyện Đoàn Viên thành người Phật tử chơn chánh, giới pháp của Huynh Trưởng đặt trên căn bản Năm giới và 5 Hạnh của chư Phật và chư Bồ-tát.

Ở đây trộm nghĩ cần giải thích thêm về nội dung 5 giới điều trong Luật của Thanh, Thiếu Niên, được ghi trong Chương Thứ Nhất, Điều 5A, Nội Quy GĐPTVN. Có người cho rằng những giới điều nầy có vẻ như trùng lập lẫn nhau, cần nên giản lược bớt. Cụ thể hơn, ở điều thứ 1, quy y Phật, Pháp, Tăng, và giữ giới đã phát nguyện (giới đã phát nguyện ở đây họ cho rằng có ý chỉ cho Năm giới). Sang điều thứ 2, thứ 3 và thứ 4 cũng là giới (ý nói: tôn trọng sự sống là không sát sanh; tôn trọng sự thật là không nói dối; trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm là giữ chánh hạnh và không gian tham, trộm cắp, cũng đều là nội dung của Năm giới cả).

Trước tiên, ở điều thứ 1, xin lưu ý rằng đâu phải tất cả Thanh, Thiếu niên trong GĐPT đều đã thọ Ngũ giới. Thêm vào đó, trong số anh chị em đã thọ Ngũ giới, có người còn tiếp nhận thêm giới khác như Thập thiện giới, Bát quan trai giới, Bồ-tát giới nữa. Do vậy ở điều thứ nhất nhấn mạnh rằng, ngoài việc tuân thủ Năm giới nếu đã quy y và thọ Năm giới, Thanh Thiếu niên còn cần phải nên tuân giữ những giới khác mà mình đã phát nguyện thọ nhận và hành trì.

Kế đó, ngoài giới điều “tôn trọng sự sống” (thường được hiểu là không sát sanh), ở điều thứ 2 còn nhấn mạnh đến sự mở rộng lòng thương đến mọi người, mọi loài. Nếu chỉ nói: để tôn trọng sự sống, tôi không giết hại sanh mạng, gặp ai đang hấp hối sắp chết tôi có thể cứu. Ngoài hai trường hợp đó ra, tôi không thương, không giúp cho ai hết. Như vậy thì chưa thể hiện đầy đủ sự mở rộng lòng thương tức lòng từ bi. Ngoài việc không sát hại mà bảo vệ sanh mạng, lòng từ bi có ý nghĩa bao quát và rộng lớn hơn nhiều.

Sang điều thứ 3 cũng vậy, ngoài sự “tôn trọng sự thật” (thường được hiểu là không nói dối, chỉ nói đúng sự thật), còn cần phải trau dồi trí tuệ nữa, mà “trau dồi trí tuệ”  đâu có trong Ngũ giới, tức điều nầy đâu có thừa.

Qua điều thứ 2 và điều thứ 3 vừa kể, giới luật của Huynh Trưởng và Thanh, Thiếu niên đã khéo léo nhấn mạnh đến hai yếu tính quan trọng không thể thiếu trong toàn bộ giáo lý của đức Phật: Trí tuệ và Từ bi. Nếu không có 2 yếu tính nầy sẽ không có Phật thị hiện ở đời, sẽ không có ai là Phật tử và sẽ không có đạo Phật trên cõi đời nầy.

Thêm vào đó, điều thứ 4 hàm ý bao quát ý nghĩa của tất cả luật nghi, vì giới luật tuy nhiều nhưng tất cả cũng đều nhằm mục đích duy nhất là thanh tịnh hóa tam nghiệp, ngăn ngừa sự phạm lỗi của thân và khẩu, không để cho bị ô nhiễm, bị phiền trược,  hay nói theo cách của GĐPT là “trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”. Ngoài ra, nghĩ cho đến kỳ cùng, giới điều nầy còn chuyên chở cả ý nghĩa của Bát chánh đạo nữa. Và đó mới chính là điều quan trọng và khó nhất.

Sau cùng, điều thứ 5 có mục đích tạo sự ổn định, hòa hợp trong tập thể để thăng tiến tổ chức.

–      Giới thể của Huynh Trưởng: nói đến giới thể là nói đến năng lực phòng hộ phát sinh trong tâm người thọ giới. Khi chưa phát nguyện đeo huy hiệu Hoa Sen, cũng như khi chưa tiếp nhận, thực hành giới luật, những giới điều nầy không liên hệ gì đến người Đoàn viên. Nhưng khi đã quỳ trước Tam Bảo phát nguyện tiếp nhận và thực hành Năm giới và Luật của Thanh, Thiếu niên, những giới điều nầy trở thành giới thể của người Huynh Trưởng. Tuy giới thể là thiện vô biểu nghiệp, tức là thứ không có hình tướng, nhưng nó là ý chí phát sinh trong tâm người thọ giới, có năng lực ngăn ngừa sự phạm lỗi của thân và của miệng. Thí dụ: trước đây đi dự đám cưới, cứ uống rượu thoải mái, nhưng sau khi đã thọ giới rồi, thành Huynh Trưởng rồi, muốn uống rượu lại sợ phạm giới, sợ say, sợ làm mất oai nghi, sợ mất tư cách khiến cho những người quen biết chê cười, coi thường tập thể của mình. Cái cảm giác sợ khiến cho không dám uống rượu đó chính là giới thể hay năng lực phòng hộ. Một thí dụ khác, Huynh Trưởng đã có vợ nhưng lại “phải lòng” một người đàn bà khác. Tuy vậy Huynh Trưởng nầy biết dừng lại, không dám làm điều “bất chánh”, vì biết rằng làm như vậy “coi sao được”, làm như vậy là “dày đạp” lên tư cách, phẩm hạnh, đạo đức mà mình đã gắng công tu tập, làm vậy thì còn gì là uy tín, thanh danh của GĐPT. Cái giữ cho Huynh Trưởng đó biết dừng lại đúng lúc mà không dám làm điều bất chánh chính là Giới thể của người Huynh Trưởng vậy.

Người Huynh Trưởng thực tập đúng theo Năm giới, tuân thủ theo đúng quy định của Luật thì được gọi là người có giới thể châu viên (ý nói giữ được giới thể tròn sáng như ngọc), hay gọi là người có giới thể tròn đủ (ý nói giữ được giới thể hoàn toàn đầy đủ). Ngược lại, nếu phạm giới, Huynh Trưởng đó bị xem là  người có giới thể ô uế,  giới thể sức mẻ, giới thể khiếm khuyết.

–      Giới hạnh của Huynh Trưởng: từ giới thể bên trong biến ra thành cử chỉ, nói năng, hành động cho phù hợp với luật nghi gọi là giới hạnh Huynh Trưởng. Khác với giới thể hay năng lực phòng hộ trong tâm là thứ mà không ai nhìn thấy, giới hạnh (hay giới hành) của Huynh Trưởng lại là thứ có hình tướng thể hiện ra bên ngoài qua cử chỉ, ngôn ngữ, hành động, khiến cho ai cũng trông thấy được. Chính những điều nầy sẽ tạo thành tư cách, đức độ, tạo thành phẩm hạnh và thân giáo nơi người Huynh Trưởng. Phụ huynh, các bậc Thiện hữu tri thức và mọi người xung quanh cũng sẽ nhìn vào đó để nhận xét, đánh giá người Huynh Trưởng ấy có đạo đức, phẩm hạnh, có tư cách để họ đặt niềm tin hay cho con em đến sinh hoạt trong tổ chức GĐPT hay không.

Để trở thành người có phẩm hạnh, tuân thủ theo Năm giới và Luật, người Huynh Trưởng cần phải nên bắt đầu thực tập:

–      Nuôi sống thân mạng một cách chân chính.

–      Tích cực, hăng hái trong tu học và sinh hoạt, không biếng nhác, giải đãi.

–      Giải trí, tiêu khiển lành mạnh, không câu cá, bắn chim…

–      Không cờ bạc.

–      Không sở hữu hay cất chứa hung khí (gươm, đao, súng đạn…) trong nhà.

–      Phục sức giản dị, kín đáo.

–      Tùy nghi bố thí.

–      Giúp đỡ những người kém may mắn.

–      Lễ độ và khiêm tốn

–      Quan hệ với bạn lành, gần gũi thiện tri thức.

–      Xây dựng gia đình hạnh phúc, có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái.

–      Thượng tôn luật pháp (bao gồm giới luật của Phật, kỷ luật của Tổ Chức, pháp luật của xã hội).

Tối thiểu, sau khi đã thọ Năm giới, người Huynh Trưởng tuyệt đối không được vi phạm các điều sau đây:

–      Không được giết người.

–      Không lấy những thứ không phải của mình.

–      Không ăn nằm với người không phải là vợ hay chồng của mình.

–      Không “đại vọng ngữ”, chưa ngộ nói mình đã ngộ, chưa chứng bảo mình đã chứng.

–      Không uống rượu say sưa hay sử dụng ma tuý.

Trong phần khai thị giới tử thọ Tam Quy, Ngũ giới có đoạn thuyết như thế nầy:

“Năm Giới là nền tảng cho một cuộc sống có hạnh phúc và có chí hướng vị tha, có năng lực bảo vệ sự sống và làm đẹp cho cuộc đời. Đó là những nguyên tắc hướng dẫn chúng ta về hướng an lạc, giải thoát và giác ngộ. Học hỏi và thực hành theo Năm Giới, ta sẽ đi theo đúng con đường chánh pháp, ta sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau và thất vọng, ta sẽ xây dựng được an lạc, hạnh phúc cho ta, cho gia đình ta, và đóng góp vào phẩm chất an lạc, hòa bình cho xã hội”.

–      Giới tướng của Huynh Trưởng: khi đã thực hành được các điều trên đây, người Huynh Trưởng đã thiết lập cho mình cuộc sống và tu học một cách vững chãi, bản thân thể hiện được là người có tư cách đạo đức, có tác phong mẫu mực, có thân giáo đầy đủ, khiến cho những người xung quanh sinh lòng cảm mến, có niềm tin và dễ gần gũi. Và cũng chính từ những điều đó, người Huynh Trưởng đã tạo được uy tín, đức độ để cảm hóa người khác và để hướng dẫn cho đàn em. Đó là hiện tướng của người Huynh Trưởng tuân thủ theo Năm giới và Luật Thanh, Thiếu niên vậy.

“Nhất nhân tác phước thiên nhân hưởng. Độc thọ khai hoa vạn thọ hương” (Trong cộng đồng xã hội, một người làm phước thì ngàn người hưởng (giống như) trong một khu vườn, một cây ra hoa thì các cây khác đều được thơm lây). Thực tập bốn phần vừa kể, như đoạn khai thị giới tử đã nói trên đây: người Huynh Trưởng sẽ tránh được lỗi lầm, khổ đau và thất vọng, sẽ xây dự được an lạc và hạnh phúc đích thực cho bản thân và cho gia đình. Nhờ đó, Tổ Chức ngày càng phát triển vững mạnh, cũng như góp phần xây dựng một xã hội an vui, lành mạnh theo tinh thần Phật giáo. Ngược lại, nếu không tích cực thực tập những điều nói trên, việc đến sinh hoạt trong tổ chức GĐPT chỉ là sự tiêu phí thì giờ vô bổ và tốn kém, và tổ chức nầy cũng có lúc phải bị mai một, đâu khác gì những tổ chức thanh thiếu niên đang có mặt ngoài đời.

PHẦN KẾT: NGÔN HẠNH TƯƠNG ƯNG, TRI HÀNH HỢP NHẤT

Như phần mở đầu đã nói, khi thuyết pháp Phật dùng 5 lực dụng, trong đó có tâm đại bi: chính vì nhận thấy chúng sanh có nhiều trình độ, căn cơ, hoàn cảnh sai khác, nên đức Thế Tôn phải tuỳ nghi phương tiện chế định ra nhiều thứ giới luật: có giới Tiểu thừa, có giới Đại thừa, có thứ dành cho người Tại gia, có thứ dành cho người Xuất gia, nhưng bản nguyện và mục đích vẫn là để mang lại lợi ích nhằm độ thoát cho chúng sanh. Tuy luật nghi được chia thành nhiều loại, nhiều phần, mỗi phần lại bao gồm nhiều giới với đủ phương tiện: khai, già, trì, phạm, nhưng khi thực hành, những giới điều nầy có thứ lớp, có liên hệ hỗ tương, bổ túc cho nhau, không thể chia xẻ, khiếm khuyết hay tách rời.

“Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Trong Luật tạng có ghi như vậy. Nhờ có giới luật mà Phật pháp được cửu trụ ở thế gian. Chương mở đầu trong Quy Chế Huynh Trưởng cũng đã viết rằng: “…trong một đoàn thể, cán bộ điều khiển đóng vai trò cốt cán và liên quan đến sự thịnh suy của tổ chức”. Chính nhờ Huynh Trưởng có thực tu thực học, có đầy đủ giới đức phẩm hạnh mà tổ chức ngày càng phát triển, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Có một vị Thiện tri thức hỏi người viết rằng: Mục đích của tổ chức các anh là gì? GĐPT đã giúp ích được gì cho xã hội trong bối cảnh hiện tại? GĐPT đã đóng góp được gì để giải quyết những vấn nạn trong thanh thiếu niên hiện nay? Và sứ mạng đó bao giờ chấm dứt? Câu trả lời nằm trong bài ca chính thức của GĐPTVN: “Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết, đến bao giờ được tày sen ngát, tỏa hương thơm từ bi tận cùng”, (tày sen ngát, tỏa hương thơm từ bi tận cùng là ẩn dụ cho Phật quả và lòng thương xót muốn độ thoát cho tất cả chúng sanh). Có thể 10 năm, 50 năm, 100 năm sau… tổ chức GĐPT sẽ thay tên đổi họ, nhưng sứ mạng của GIA ĐÌNH PHẬT TỬ sẽ mãi mãi không bao giờ chấm dứt. Đến bao giờ “đệ tử và chúng sanh đều trọn thành Phật đạo” mãi mãi vẫn là câu hỏi chưa được trả lời.

Giới luật đã được giải thích. Thính chúng đã nghe, đã hiểu và suy nghĩ thấu đáo. Bây giờ phải nên bắt đầu thực hành.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb