VĂN: HỌC MỘT SÀNG KHÔN

HỌC MỘT SÀNG KHÔN

Nguyên Mẫn

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”,

“Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn”…

Ca dao tục ngữ Việt Nam thường phô bày ý nghĩ một cách dung dị thực tế, không trừu tượng cao siêu, ngược lại ai cũng dễ hiểu giá trị trước mắt, chỉ cần thực hành là được lợi ích theo nghĩa thế gian thường tình, ví như câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.”

Mặc dầu đến bây giờ thì Đại Hội Thế Giới lần thứ ba được tổ chức tại Khách Sạn Grand Inn Come Hotel  từ ngày 27-31/10/2012 tại Thủ Đô Bangkok Thái Lan đã kết thúc từ hơn hai tháng, nhưng những nét đặc biệt nổi bật, những dấu ấn kỷ niệm, tình cảm Lam viên gần gũi đậm đà thương mến, nhất là hình dáng trang nghiêm thanh tịnh của những Trưởng tử Như Lai trong chiếc y vàng thanh thoát mang ý nghĩa tri túc, kham nhẫn độ đời, lời giảng dạy thâm sâu của Quý Ôn, Quý Thầy nhiều lần trong các phiên họp, … đã làm tôi nhớ đến bài kệ mà tôi đã được Thầy Cố Vấn Giáo Hạnh Thích Thiên Ân giảng dạy từ lúc tôi mới bước chân vào Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri trong mùa Lễ Vu Lan năm 1948 tại Huế lúc tôi chỉ mới được 15 tuổi :

“Nhất bát thiên gia phạn,

Cô thân vạn lý du

Kỳ vi sinh tử sự,

Giáo hóa độ xuân thu.”

Và nhất là qua các buổi lễ Hiệp Kỵ, lễ Bố tát Truyền giới Thập Thiện và Bồ Tát tại gia cho một số Huynh Trưởng Đại Biểu đã  để lại trong trí nhớ tôi nhiều xúc động khó quên, hình ảnh trang nghiêm nhắc nhở đại chúng và tôi phải luôn ghi tạc bên lòng tinh thần Tứ trọng ân và giữ gìn giới luật như gìn giữ con mắt và bảo tồn sự sống thanh cao đức độ của mình.

-Đại Hội Thế Giới lần 1 từ ngày 7-8-9/11/năm 2004 tại Bồ Đề Đạo tràng Ấn Độ : Mang tính sơ khởi dò dẫm, giới thiệu tổ chức Áo Lam GĐPTVN đến thế giới bên ngoài, tuy Đại Hội lần đó chỉ có khoảng 50 Đại Biểu chính thức, 5 dự khuyết, 10 Quan sát viên và hơn 50 thành viên là quý đại biểu hỗ trợ, Cựu Huynh Trưởng và thân nhân … , mặc dầu từ Việt Nam có 15 đại biểu chính thức và dự khuyết không qua được mà chỉ có quan sát viên , cùng các đạo hữu thân nhân …, nhưng vẫn là dấu ấn khó quên của những sinh hoạt tuổi trẻ đầu tiên của Tổ chức trên đất Phật. Đây cũng là dịp để Huynh Trưởng dự Đại Hội GĐPTVN trên thế giới được tận mắt chiêm bái Thánh tích.Và đây cũng là lần đầu tiên một Huynh Trưởng Cao Niên cao cấp, Huynh Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu, Phó TBHD/TG đặc trách Hải Ngoại, kiêm TBHD.GĐPTVN/HN được quỳ trước Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ, thọ cấp Dũng trước sự chứng minh của CTĐ Giáo phẩm Giáo Hội PGVNTN tại Hải Ngoại.

-Đại Hội Thế Giới lần hai từ 06-11/10 năm 2008 tại Khách Sạn Sirida Palace, thủ đô Bangkok, Thái Lan : Khẳng định hướng đi  mang tính toàn cầu hóa của tổ chức GĐPTVN chỉ có khoảng 50 đại biểu chính thức từ quốc nội và hải ngoại tham dự, và chỉ có một vị tôn túc từ Việt Nam đến chứng minh Đại Hội.

-Đại Hội Thế Giới lần ba từ ngày 27-31/10/2012 tại Khách Sạn Grand Inn Come Hotel Thủ Đô Bangkok Thái Lan : Hướng mở ra những phương pháp ứng dụng cho Thanh, Thiếu, Đồng niên Phật tử … mang tính toàn cầu, thích ứng với thời đại, không lệch với khế lý, thích ứng với khế cơ, khế thời, nhưng không đi sai Phật đạo, mục đích của tổ chức, lần lượt gieo hạt bồ đề, xây dựng Áo Lam tại các nước Đông Nam Á gần gũi VN như Lào, Cambốt …

Theo thế gian, khôn hay khôn ngoan là thứ trí năng hiểu biết cần phải học, phải có mánh khóe để đạt mục đích sung sướng hạnh phúc trong hiện tại theo quan điểm của cá nhân, xã hội, là những thứ đem lại cho con người cái cảm giác khoái lạc nhất thời giả tạm, nhưng đạt được, chấp hữu, hưởng thụ, vẫn cảm nhận thích thú, vẫn đeo đuổi chiếm đoạt cho bằng được để được “đang ở thiên đường hay tiên cảnh”, chẳng hạn như Tài, Sắc, Danh, Thực, Thụy, mặc dầu theo giáo lý nhà Phật thì những khoái lạc sung sướng nầy chỉ là giả tạm, nguy hiểm, là rắn rít, hầm chông, hố lửa ….Tuy cũng có người biết nếu chạy theo, tranh giành những vật chất, sắc tướng trên là giả, là không thật bền, nhưng quán chiếu để thấy rõ tính cách “ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách” thì không dễ gì thực hiện được, hoặc vì chúng sanh quen sống với vô minh vọng tưởng quên hẳn đường về, hoặc chỉ cố gắng đi đến Hóa Thành thì đã tự mãn nguyện, xem như đã đến cõi Cực Lạc hoàn toàn., không còn muốn tiếp tục đi nữa, đó là lý do, quan điểm của một số người kể cả Phật tử đã biện chứng : “Tiền là Tiên, là Phật, là sức bật con người, là tiếng cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cái cân công lý …” vẫn là mực thước, là ánh sáng hạnh phúc mong cầu chấp hữu. Vì sống không hưởng thụ là dại, chết xuống âm phủ biết có hay không ?

Nhưng theo giáo lý nhà Phât “Bát Nhã” (không tánh), “Tam Pháp ấn” (Vô thường, Vô ngã, Niết Bàn), “Tam Giải thoát môn” (Không, Vô tướng, Vô tác), Mười điều tâm niệm của Luận Bảo vương Tam muội … thì bản chất các pháp tự nó không có tánh sướng hay khổ, vui hay buồn …, mà tự tánh của nó là tánh không, như thị …

Vì vậy, giữa cuộc đời tranh nhau tài sắc, danh lợi, địa vị, cao sang … những điều đó không phải là “khôn”, tính toán hơn thua, sai đúng, xây dựng cuộc sống trên tâm hành cống cao, ngã mạn, điều đó không phải là “khôn”, lấy mạnh hiếp yếu, gian manh xão quyệt, ác độc, hại người, hại vật, điều đó không phải là “khôn”, mà người khôn là người biết sống theo chánh tri kiến, là người có tuệ giác bình đẳng vô phân biệt, là người có tu học, có hành trì, quán chiếu thâm sâu giáo lý liễu nghĩa thượng thừa để ứng dụng vào đời sống hằng ngày với tinh thần Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh … tin tưởng đích thực, quả quyết chân lý Nhân quả nghiệp báo là một định luật chi phối qua không gian thời gian, qua nhiều đời nhiều kiếp, lúc từ giả cuộc đời, cái gì cũng mất hết, chỉ còn cái nghiệp báo là đeo đẳng đi theo chúng ta mà thôi.Vì vậy thực hành thập thiện giới, quán chiếu hành trì mười hai nhân duyên, thực hành Bát chánh đạo, chuyển bản nghiệp thành nguyện lực, thương người như thể thương thân, đầu tư vào trí tuệ, quyết tâm tu học hành trì, với tâm nguyện lội dòng nước ngược, tìm về bến giác tự tâm, giác ngộ giải thoát luân hồi sinh tử … thì đó mới là đạt được cái “khôn” đúng chân nghĩa lời Phật dạy, mà người Phật tử chúng ta cần phải hướng đến để ứng hành.

Còn tôi, đến dự Đại Hội Thế Giới kỳ ba năm 2012 tại Bangkok Thái Lan lần nầy, tôi đã được “ Học một sàng khôn” như thế nào ?

Từ trước đến nay, theo tôi, chưa có Đại Hội Thế Giới lần nào lại thành công như ĐHTG năm 2012 về cả hai phương diện cảnh tướng và phẩm chất :

-Có sự tham dự chứng minh của 14 Chư Tôn Thiền Đức trong đó 12 vị từ quê nhà, 01 vị từ Hoa Kỳ, 01 vị ở vương quốc Thái (người Việt Nam), ngoài ra, từ chiều đến tối ngày 29/10/2012 đã có thêm sự tham dự chứng minh một vài chương trình Đại Hội của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Phó Hội Chủ Điều Hành và Thượng Tọa Thích Tâm Minh, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ TN-GĐPT Giáo Hội Phật Giáo VNTN/HN tại UĐL-TTL.

-Có 161 Đại biểu (quốc nội và hải ngoại), chưa kể một số thân nhân, bạn bè …

-Trong ĐH.GĐPT/TG lần thứ ba nầy đặc biệt có hai phái đoàn tự nguyện phục vụ đại hội trong các công tác báo chí văn nghệ, lễ nghi gồm 31 thành viên GĐPT đi bằng đường bộ trong hai ngày từ quốc nội mới đến Thái Lan.

-Tôi đã thấy rõ Đại Hội Thế giới và Đại Hội Hải Ngoại 2012 lần nầy, thật sự là một Đại hội có tầm vóc lịch sử, nếu không cố gắng bằng mọi cách để “trèo đèo, lội suối, vượt qua thác ghềnh” chấp nhận bao thử thách ngoại cảnh nội tâm để đến đích, dầu chỉ đóng góp một phần nhỏ nhoi hiểu biết của mình để xây dựng Đại Hội, hàn gắn phân hóa của tổ chức mà thôi, thì tôi với tuổi đời đã 80, bệnh hoạn phế tật đã qúa lâu, với sức tàn, lực tận …, làm sao tôi có cơ hội đến với Đại Hội lần nầy được để mà mở rộng tầm nhìn, dang hai cánh tay yếu ớt ôm trọn những cánh Sen Lam khắp nơi trên thế giới tụ về Thái Lan trong bao nỗi niềm vui mừng xúc động không tả xiết và học hỏi bao lời dặn dò giảng dạy thâm sâu của quý Thầy và của các ACE lớn nhỏ qua hình ảnh năng động đầy nhiệt tình hy sinh phục vụ Đại Hội. Vì vậy mà tôi đã mạnh dạn khăn gói lên đường với sự trông mong lần cuối trong đời “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, và tay bắt mặt mừng với ACE chúng ta ở khắp địa cầu trong tình thương nỗi nhớ bất tận, rồi sau đó có về cõi Phật, có “dầu cách xa ngàn dặm nhưng gần”, cũng mãn nguyện lắm rồi. Nhưng khi đến với Đại Hội chỉ vỏn vẹn một tuần cuối tháng mười 2012, thì không phải tôi chỉ học một sàng khôn mà tôi đã học trên thực tế “vạn sàng khôn” giá trị hiếm có của tình đạo, tình đời, tình thương ấm áp đậm đà của Chư Tôn Thiền Đức, của ACE Lam viên đồng lý tưởng …

Đại Hội GĐPTVN / TG kỳ 3 có cả Đại Hội GĐPTVN / Hải Ngoại kỳ 5 được xem như một Đại Hội lịch sử, so sánh về số lượng Phái đoàn Huynh Trưởng tham dự, gồm đủ thành phần từ Chư Tôn Thiền Đức cho đến các Phái đoàn THẾ GIỚI, HẢI NGOẠI, CHÂU LỤC, QUỐC GIA, QUỐC NỘI, TỈNH THỊ …, sự có mặt chứng minh của Hội Đồng Tăng Già Quốc Nội, Hải Ngoại gồm 14 Chư vị Tôn túc chứng minh và trên 150 ACE Huynh Trưởng, Cựu Huynh Trưởng, có thêm sự tham dự của thân nhân đại biểu làm cho sinh hoạt của Đại Hội nhìn chung trong năm ngày rất năng động vui vẻ, hòa hợp, thanh tịnh, yêu thương.

Có tới tận nơi từ phút “ban đầu lưu luyến ấy” cho đến phút cuối cùng “Gan thép ta chia tay đừng buồn”, mới thấy cái sức sống mãnh liệt, năng động, vui vầy, ấm cúng, dễ thương, hy sinh dấn thân, không bút nào diễn tả nỗi.Có những Huynh Trưởng rất trẻ bận rộn con cái, công việc sở, việc nhà, có Huynh Trưởng trẻ vợ sắp sinh vẫn vui vẻ lên đường hoàn thành nhiệm vụ, có những đoàn Huynh Trưởng gồng gánh dụng cụ văn nghệ vượt đường bộ mấy ngày từ Việt Nam qua Thái Lan với bao nỗi gian nan … tất cả cũng chỉ vì hai dòng chữ lớn “Đại Hội GĐPTVN/TG và Đại Hội GĐPTVN/HN”.

Và ngọc ngà bảo châu là gì nữa ?

Hòa Thượng Minh Tâm dạy : “Hãy chấp nhận khó khăn để vươn lên, dứt khoát không nhận sự yêu thương để suy đồi”.

Chúng tôi đã nhiều lần dự Đại Hội TG-HN, nhưng chưa lần nào Chư Tôn Đức, những bậc Trưởng lão đại tăng từ Quốc nội, Hải Ngoại đã đến chứng minh cho Đại Hội đông như lần nầy (14 vị), thường xuyên trong mọi sinh hoạt của Đại Hội đều được quý Ngài chứng minh ban đạo từ, giảng dạy chi ly giáo pháp Thế tôn, khuyến nhủ Huynh Trưởng đại biểu tinh tấn tu học.Năm điều căn bản Hòa Thượng Thích Đức Chơn, Thượng thủ Hội đồng Tăng già chứng minh trong phiên họp khoáng đại đầu tiên, Ngài đã ân cần dạy Huynh Trưởng Đại Biểu tham dự Đại Hội GĐPTVN trên Thế Giới lưu ý :

1/-Dĩ thân tác chứng.

2/-Làm đúng chức năng và vị trí của mình; hỗ trợ nhau nhưng không dẫm chân nhau.

3/-Tình – Lý – Sự = Tùy duyên bất biến (khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ).

4/-Tạo thành gốc rễ – bám chặt.

5/-Những sứ giả Áo Lam, đưa tổ chức GĐPT ra ngoài cho mọi người biết đến.

Nhiệm mầu thay, nhờ ơn Chư Phật gia hộ, nhờ tình thương rộng lớn của CTĐ và ACE, lần đầu tiên kể từ khi  bịnh – hơn 22 năm nay – trong suốt 4 ngày sinh hoạt ròng rã từ sáng tới tối, tôi đã theo chân ACE không một buổi nào vắng mặt, mặc dầu thân thể vẫn luôn đau nhức, và tôi đã mang theo được một niềm hỷ lạc rất lớn cùng những kỷ niệm khó quên khi trở về nhà.

Đại Hội trở về thân mõi mê,

Tay chân đau nhức đủ bốn bề

Tâm còn vương vấn tình Thầy, Bạn,

Anh chị em Lam được cận kề

Mấy ngày Đại Hội thoáng mau ghê,

Chớp mắt chia ly giờ đã kề

Tay run không giữ thời gian được,

Chân yếu đành nhìn vó ngựa phi.

Quyến luyến chia tay hẹn kỳ sau,

Rồi kỳ sau nữa, kỳ sau nữa …

“Chim bốn phương” hội ngộ vui vầy,

Bên Bạn, bên Thầy, ta có nhau.


digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb