PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 27 : THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA XUẤT GIA

TÂM MINH :

Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia

Kính thưa quí vị và các Bạn,

Trước Thái tử Tất-đạt-đa, đã có nhiều vị xuất gia; sau đó và về lâu xa sau này cho đến hôm nay vẫn còn rất nhiều người cũng xuất gia, nhưng tại sao sự xuất gia của Ngài lại gợi lên trong lòng chúng ta và trong lòng nhân loại nói chung nhiều xúc động đến thế? Xin thưa, vì Ngài ra đi với thân thế của một vị thái tử sắp nối ngôi vua, Ngài ra đi ở tuổi đời thơ mộng nhất, ngọt ngào nhất với vợ đẹp con xinh… mà mọi người trên thế gian này không ai có thể từ bỏ! Lần đầu tiên được làm cha, dù là một người đàn ông dân dã cũng tự hào, mãn nguyện nhưng với Ngài là một “ràng buộc” (Rāhula) mà Ngài phải cắn răng khước từ để dấn thân vào một nơi vô định, tìm phương thuốc cứu khổ cho đời. Cái cao cả là ở chỗ đó, sự hy sinh độc đáo là ở chỗ đó, lòng từ bi của Ngài bao la cũng được bộc lộ ở đó… không ai đọc qua lịch sử đức Phật mà không xúc động mãnh liệt khi hình dung Tất-đạt-đa tuổi trẻ dùng dằng trước lúc ra đi!

Ấn tượng sâu đậm về đêm xuất gia của Thái tử Tất-đạt-đa (Prince Siddhatta) đối với anh chị em huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT là bài hát được lấy ý từ đoạn văn trong Ánh Đạo Vàng “…đêm đến đã lâu rồi, đã lâu rồi, Ngài hãy chọn đường đi, đường từ bi…” là những lời thúc giục thái tử lên đường, xuất gia, tìm con đường giải thoát cho tất cả chúng sanh “…ba lần Ngài ra đi, ba lần Ngài trở lại…” vì vợ trẻ con thơ níu kéo Ngài, vì tình gia đình, tình cốt nhục cầm chân Ngài ở lại… nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng được “cái tôi” và “cái của tôi” để dâng hiến cuộc đời mình cho cái “của chúng sanh” và “vì chúng sanh”.

Thật vậy, cùng thời với Ngài, và có khi trước ngài nữa, đã có rất nhiều thiền sư đạo cao đức trọng, đạt đến những tầng thiền tối cao, nhập diệt thọ tưởng định, v.v… nhưng họ không thành Phật vì chưa đạt đến vô ngã. Đức Phật của chúng ta ngay từ hồi còn là một cậu bé, đã khác người vì lòng vị tha, tình thương đối với một con ngỗng trời, cậu bé thái tử ấy đã biết thiền định từ năm mới lên 7, 8 tuổi. Cậu bé thái tử ấy đã trầm tư hàng giờ vì nhìn thấy cảnh đời đau khổ, loài người cũng như loài vật, vì tranh ăn, giành mồi mà tiêu diệt lẫn nhau: con giun bị con chim mổ, con chim bị người thợ săn bắn chết…

Ngày nay, dạy Phật pháp cho các em, người huynh trưởng GĐPT phải dựa vào những sự kiện (facts) mà không phải là quan niệm, cái nhìn (opinion) của người Phật tử đối với đấng Thế Tôn của mình. Các anh chị phải trình bày đức Phật Thích-ca như là một nhân vật lịch sử chứ không phải là một nhân vật thần thoại, cho nên những bài học về Đêm xuất gia với tiếng kêu gọi của gió, những tiếng mà Thái tử “nghe” trong hư không, trong tâm tư, tình cảm và tưởng tượng của Ngài, do tình yêu thương nhân loại mãnh liệt của Ngài… chỉ là để tham khảo thêm mà thôi! Tất nhiên là đối với các em lớn hơn ví dụ như ở bậc Trung thiện, đã biết về Tâm lý học thì các em sẽ hiểu nhiều hơn và việc giảng dạy dễ dàng hơn.

Ngoài ra, những sự kiện lịch sử như Thái tử Tất-đạt-đa đã có một đời sống vương giả, với các cung điện mùa Hè, mùa Đông… không hề biết đến thế giới bên ngoài. Để rồi một ngày kia tình cờ tiếp xúc được với những nỗi khổ triền miên của sinh, già, bệnh, chết, Ngài xúc động mãnh liệt, và đây chính là động cơ để Ngài từ bỏ tất cả, ra đi tìm chân lý vì Ngài có một trái tim rộng lớn, yêu thương mọi người, mọi loài như yêu bản thân mình… Những chi tiết đó các em không hề thắc mắc, lại thắc mắc những điều “mới lạ” đối với tâm trí các em… mỗi em mỗi kiểu; vì vậy anh chị huynh trưởng phải cập nhật hiểu biết cũng như cách truyền đạt của mình để các em nắm được ý chính của những bài học Phật pháp.

Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng A, B, C bàn về việc dạy bài “Lịch sử đức Phật Thích-ca từ sơ sanh đến xuất gia”, trong đó có đoạn Thái tử Tất-đạt-đa rời khỏi hoàng thành Ca-tỳ-la-vệ để ra đi tìm Đạo cứu chúng sanh.

A: Xin chào các bạn, hôm nay chúng ta thảo luận về đề tài gì vậy hả?

B: Là bài “Lịch sử đức Phật Thích-ca từ sơ sanh đến xuất gia” của bậc Cánh mềm (ngành Oanh Vũ) và của bậc Hướng thiện (ngành Thiếu).

C: Theo các Bạn, có sự khác biệt gì trong cách truyền đạt của chúng ta cho các em ở hai bậc học ấy?

A: Tất nhiên là có rồi; ngay trong tài liệu giáo khoa cũng cho ta thấy điều đó, có phải không?

B: Đúng vậy, đối với bậc Cánh mềm (8-9 tuổi) chúng ta chỉ kể chuyện như là sự tích đúng hơn là lịch sử.

C: Mình biết rồi, còn đối với các em bậc Hướng thiện (13-14 tuổi) thì bài học đã gồm 3 phần: “em nghe”, “em suy nghiệm” và “em tu tập” đó có phải không?

A: Phải rồi, phần “em nghe” là phần thuần túy chuyện kể về thân thế đức Phật, Ngài sinh ra ở đâu, con cái nhà ai, lớn lên như thế nào, được giáo dục ra làm sao, tại sao Thái tử xuất gia…?

B: “Em suy nghiệm” là sau khi nghe anh chị trưởng kể câu chuyện về Thái tử Tất-đạt-đa từ sơ sinh đến xuất gia – rời cung điện giữa đêm khuya – các em có suy nghĩ như thế nào về chuyện kể.

C: Chỗ này rất nhiều em có ý kiến, có suy nghĩ… không giống nhau đâu nha! Có khi còn trái ngược nữa.

A: Đúng vậy, nhất là câu chuyện tranh chấp con ngỗng trời giữa Thái tử và Đề-bà-đạt-đa.

B: Có điều lạ là các em của mình không có em nào đứng về phía Đề-bà-đạt-đa hết hở các bạn?

C: Vì các em luôn đứng về phe người tốt, nhân chi sơ tánh bổn thiện mà!

A: Mình thì gặp các em thích nghe về buổi lễ hạ điền mà Thái tử lúc đó chỉ bằng tuổi các em Oanh Vũ đã biết ngồi thiền, lại ngồi say mê nữa!

B: Mình cũng còn say mê đoạn đó nữa huống gì các em! Thật là một sự kiện lạ lùng đối với một cậu bé 7,8 tuổi. Từ hiện tượng này chúng ta có thể đã thấy được trong tương lai, Ngài sẽ xuất gia để tìm chân lý mà sự trầm tư (meditation) đã gợi ra cho Ngài, phải không?

C: Phải rồi! Kinh Trung A-hàm nói sự kiện ấy chính là cái chìa khóa mở đường cho Ngài tiến đến giác ngộ sau này. À, nhưng mà các bạn này, lễ hạ điền là lễ gì vậy? Nước ta có lễ này không?

A: Đó là một buổi lễ do đức vua Tịnh Phạn (King Suddhodana) tổ chức: đây là cơ hội để cho tất cả mọi người không phân biệt giai cấp, đều ăn mặc đẹp đẽ, vui chơi thỏa thích một bữa trước khi bắt tay vào công việc đồng áng (lễ hạ điền = Ploughing Festival). Trong không khí vui nhộn ấy mà một đứa trẻ như Thái tử lại không thấy hứng thú trong cuộc lễ, lại tìm đến một nơi vắng vẻ, dưới bóng một cây hồng táo (rose apple) ngồi tréo hai chân lại (kiết già), trầm ngâm lặng lẽ, một mình chăm chú theo dõi hơi thở vào ra, tâm an trụ định vững chắc… Ngài đã đắc Sơ thiền ngay từ tuổi ấu thơ.

B: Khi tìm thấy Thái tử ngồi tĩnh lặng hành Thiền, đức Vua phải kinh ngạc thán phục. Vua đến trước mặt Thái tử xá chào và nói với con trai của mình: “con yêu quí, đây là lần thứ hai phụ vương đảnh lễ con”.

C: Các em của mình nói bây giờ các em Oanh Vũ cũng ngồi thiền 5 phút trước khi lễ Phật.

A: Chúng ta phải nhắc các em một điều là Thái tử lúc ấy ngồi thiền mấy tiếng đồng hồ lận!☺☺!! Còn các em ngồi bình thường cũng không giữ yên lặng được đến 5 phút, đừng nói là ngồi thiền!☺☺!!

B: Các em của mình thì đọc ở đâu không biết nói rằng: Thái tử Tất-đạt-đa kết hôn năm 16 tuổi và xuất gia năm 29 tuổi, nghĩa là sau 13 năm sống cuộc đời vương giả, có vợ con, không hay biết gì đến nỗi thống khổ của bệnh tật, già yếu và chết chóc cả… còn theo các anh chị dạy em thì Thái tử kết hôn năm 17 tuổi, xuất gia năm 19 tuổi, nghĩa là chỉ 2 năm sau khi kết hôn.

C: Nếu bạn chịu khó xem kỹ một chút thì điều này là ở trong Đức Phật và Phật Pháp (The Buddha and His Teachings) của ngài Narada Maha Thera chứ đâu có “bí mật” như bạn nói “đọc ở đâu không biết”!☺☺!! Cái chính là mình nên giải thích cho các em như thế nào để các em khỏi thắc mắc với những cái “râu ria” đó.

A: Phải rồi, ở cái tuổi của ngành Thiếu, các em ưa lý luận, ưa “chính xác”, nói “một là một, hai là hai” nên khó có thể chấp nhận du di, vì thế chúng ta phải cho các em thấy rằng các em còn rất nhiều điều chưa biết; ví dụ như đức Phật sinh ra ở Ấn Độ, có một nền văn minh khác với Tây phương đã đành, còn khác với Trung Hoa nữa; mà Việt Nam chúng ta thì chịu ảnh hưởng văn minh Trung Hoa, lại còn chịu ảnh hưởng của Pháp nên lịch thì vừa dùng theo âm lịch vừa theo tây lịch.

Thế cho nên chỉ nói về lịch thôi cũng đã phải đối chiếu búa xua mới suy ra được ngày tháng năm sinh… của một người ở Ấn Độ là ngày nào trong Âm lịch hay Dương lịch; đừng nói là các chi tiết khác! Chúng ta còn có thể lấy ví dụ cho các em thấy: ngay ở Mỹ, những ngày lễ đôi khi người ta không tính được đúng ngày nào của Tây lịch mà chỉ ghi là “ngày thứ năm của tuấn thứ 3 của tháng 11” chẳng hạn.

B: Đúng vậy! Chúng ta có thể cho các em biết rõ ràng Lịch Ấn Độ cũng chia làm 12 tháng trong năm với 3 mùa rõ rệt: mùa nắng, mùa mưa và mùa lạnh; các tháng có tên gọi riêng và cũng dạy cho các em tên của các tháng của âm lịch nữa đó nha!

C: Ủa, chứ không phải cũng gọi như dương lịch, tháng 1, tháng 2… sao?

A: Tất nhiên là không! Bạn thật vô ý quá!

B: Rất nhiều người không nhớ hay không biết chứ không chỉ một mình bạn đâu! Ví dụ tháng January thì âm lịch không gọi là tháng Một mà gọi là tháng Giêng, tháng Mười một của âm lịch là tháng November của dương lịch, còn tháng December của dương lịch thì âm lịch gọi là tháng Chạp đó! Những tháng khác (tháng 2, tháng 3, tháng 4… tháng 10) thì không có tên riêng, trái lại ở Ấn Độ, tháng nào cũng có tên riêng cả.

C: Các bạn thật biết nhiều hơn mình quá, cho mình biết tên các tháng của Ấn Độ đi, để mình nói cho các em biết.

A: Mùa Nắng ở Ấn gồm 4 tháng: Tháng 1 có tên là Citta (nhằm tháng ba ÂL); tháng 2 có tên Vesākha (nhằm tháng tư ÂL); tháng 3 có tên Jetiha (nhằm tháng năm ÂL); tháng 4 có tên Asalha (nhằm tháng sáu ÂL); Mùa Mưa gồm 4 tháng: tháng 5 có tên là Savana (nhằm tháng bảy ÂL); tháng 6 tên là Pothapada (nhằm tháng tám ÂL); tháng 7 tên là Assayuja (nhằm tháng chín ÂL); tháng 8 tên là Katika (nhằm tháng mười ÂL); Mùa Lạnh gồm 4 tháng: tháng 9 có tên là Meggasira (nhằm tháng một ÂL); tháng 10 tên là Phussa (nhằm tháng chạp ÂL); tháng 11 tên là Magha (nhằm tháng giêng ÂL); tháng 12 tên là Phaggunra (nhằm tháng hai ÂL).

B: Vì vậy, chúng ta biết đức Phật sinh nhằm ngày trăng tròn của tháng Vesakha nên “dịch” ra ÂL là ngày rằm tháng tư, cũng như ngày đức Phật xuất gia, nhằm tháng Phaggunra (vào một đêm đầy sao, không phải ngày trăng tròn) nên “dịch” ra là mồng 8 tháng 2 ÂL, tương tự như vậy ngày Thành Đạo vào tháng Phussa và cũng không phải là ngày trăng tròn, nhằm ngày mồng 8 tháng chạp ÂL và ngày đức Thế Tôn nhập diệt là ngày trăng tròn tháng Phaggunra, nhằm ngày rằm tháng hai ÂL.

C: Hèn gì Phật tử hành hương Ấn Độ đông đúc nhất là vào mùa lạnh; vì nghe nói khí hậu ở đó rất khắc nghiệt, mùa nắng thì nhiệt độ trong bóng râm của Ấn Độ thường nóng khoảng 40 độ C và chỉ mát lạnh ở 4 tháng cuối mà thôi!

A: Thật ra, từ lâu, Viện Hóa Đạo đã có phổ biến bản niên đại về lịch sử đức Phật Thích-ca để các tài liệu tu học được thống nhất nhưng anh chị em chúng ta có người không để ý và những người san định tài liệu thì không đưa vào nên có hơi khập khiễng.

B: Đúng vậy, vấn đề là phải thống nhất để các em khỏi thắc mắc thôi, chứ trong thời gian vô cùng và không gian vô tận, 100 năm cũng chỉ là khoảnh khắc, nói gì đến 10 năm hay 20 năm phải không các bạn?

C: Đúng vậy, chúng ta theo tư liệu của Viện Hóa Đạo đã phổ biến nha! Các bạn cho biết để mình ghi lại.

A: Theo đó thì đức Phật sinh năm 624 trước Tây lịch, kết hôn năm 17 tuổi (607), xuất gia năm 19 tuổi (605), 5 năm hỏi đạo (605- 600); 6 năm khổ hạnh (600-594), thành đạo lúc 30 tuổi (594); 50 năm hóa đạo (594- 544), từ 30 tuổi đến 80 tuổi, năm 544, Ngài nhập diệt (Phật lịch tính từ đây).

B: Trở lại với bài học của chúng ta đi nha! Về sự kiện xuất gia chúng ta cần nhấn mạnh cho các em Hướng Thiện những điểm nào, tất nhiên là hết sức đơn giản cho hợp với trí nhớ và hiểu biết của các em.

C: Chúng ta giải thích và phân tích cho các em biết tại sao thấy 4 cảnh tượng khổ ở 4 cửa thành, Thái tử Tất-đạt-đa không chịu nổi và quyết chí xuất gia.

A: Đúng vậy, vì đối với các em nhỏ bây giờ biết nhiều quá nên trở thành không biết gì cả!☺☺!! Thật vậy, các em xem TV, cảnh chết chóc xảy ra quá thường, đến nỗi các em nổi giận lên là xách súng bắn bạn, bắn thầy, các bạn không thấy sao? Không chỉ ở Mỹ mà ở Việt Nam cũng có nữa đó nha!

B: Còn nữa, thấy cảnh người bị thắt cổ chết thì tự mình cũng làm theo để coi thử cảm giác chết vì bị thắt cổ như thế nào! Thật không coi mạng sống của mình và của người ra cái gì cả!

C: Các bạn bi quan quá, các em của chúng ta đâu có vậy, đó chỉ là thiểu số và ít nhiều bị bệnh tâm thần đó, trí óc nó có vấn đề hay di truyền từ ông bà cha mẹ gì đó, mới có những hành động khiếp đảm như vậy! Bởi vậy mới nói phải qua lịch sử đức Phật từ sơ sanh đến xuất gia để giáo dục các em biết yêu quí sự sống, biết thương yêu và nghĩ đến người khác… như cậu bé Tất-đạt-đa vậy.

A: Phải rồi, chúng ta phân tích cho các em thấy tại sao Thái tử lại xúc động mãnh liệt như vậy (nếu các em hay chúng ta cùng chứng kiến với Thái tử, chúng ta có suy nghĩ, có đau khổ, v.v… như Thái tử không? Bằng cớ là Xa-nặc bên cạnh Thái tử đó).

B: Và chúng ta cũng phân tích cho các em biết ý nghĩa thật cao quí, sự từ bỏ vĩ đại của đức Phật; đây không phải là sự từ chối cuộc đời của một ông cụ già đã chán chường cuộc sống khổ hãi, cũng không phải từ bỏ cuộc đời của một người nghèo đói bần cùng đến phải tuyệt vọng… mà đây là sự từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con ngoan, quyền uy tột bực, sự khước từ của một vị thái tử trẻ măng đối với vương vị, hào quang và hạnh phúc… của riêng mình để dấn thân tìm chân lý, cứu độ nhân sinh… Còn bây giờ chúng ta đã có phương thuốc cứu khổ rồi nhưng có chịu tinh tấn tu học hay không?!☺☺!!

C: Đúng vậy, bây giờ nếu bảo các em cho bạn mượn cái computer của mình hay cái máy chơi game… coi thử các em có cho không đừng nói đến những chuyện to lớn hơn!

A: Như vậy là chúng ta đồng ý với nhau về những điều cần truyền đạt đến các em trong bài Phật pháp này rồi; mình cứ phải giải đáp những câu hỏi râu ria của các em nhưng đừng để các em quên ý chính (main idea) của bài Phật pháp và nhất là cho các em thấy học Phật pháp không chưa đủ, phải thực hành nữa, như vậy là được rồi! Tinh thần này áp dụng cho tất cả những bài Phật pháp

B: Có phải bạn muốn nhắc đến phần “em tu tập” của tài liệu giáo khoa không? Theo tài liệu bậc Hướng Thiện chúng ta có:

Không ăn chơi quá độ (Stop spending lavishly).

Không chạy theo tham dục (Stop having overwhelming desires).

Không ngủ quá mức (Stop sleeping long hours).

Không ganh ghét, thù hận (No envy, no hate, no hatred).

Sẵn sàng đòi lại lẽ phải cho mọi người (Stand up for the rights of everyone).

Luôn nghĩ đến đau khổ của người khác (Have sympathy for others’ suffering).

Thương người như thể thương thân (Love others as yourself).

Sẵn sàng giúp đỡ mọi người (Be ready to help those in need).

Tinh tấn trong công việc và tu học (Persevere in school as well as in practice Buddha’s Teachings).

Tôn trọng sự Thật (Respect the Truth).

C: Thật ra đây cũng không ngoài các Giới quy y của anh chị em chúng ta và Luật đoàn.

A: Đúng, nhưng chúng ta cũng phải luôn nhắc nhở các em và tự nhắc nhở mình; đó chính là học và hành Phật pháp chứ gì nữa.

B: Phải! Phải! Vậy thì buổi hội thoại của chúng ta hôm nay đến đây có thể kết thúc được rồi; xin tạm biệt nha!

C và A: Tạm biệt! Tạm biệt!■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb