Ý NGHĨA BÀI CA CHÍNH THỨC

BẠCH LIÊN.

Ý NGHĨA BÀI CA CHÍNH THỨC

Thành kính tưởng niệm, tri ân các bậc Tiền bối hữu công:

Anh Lê Lừng, người đã vẽ ra huy hiệu Hoa Sen;

Bác Ưng Hội, Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán,

đồng tác giả bài Sen Trắng, bài ca chính thức của GĐPTVN.

Bạch Liên.

Trong một buổi họp Đoàn, có vài Huynh Trưởng hỏi rằng: Bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử quá trừu tượng, mang nhiều ẩn dụ, siêu thực, thật khó hiểu. Sao chúng em không thấy có tài liệu nào viết về ý nghĩa Bài ca chính thức, để giúp các anh chị em mới vào Đoàn dễ hiểu hơn. Đó là “nhân duyên” hôm nay tôi muốn viết về ý nghĩa Bài ca chính thức, để chia sẻ những suy nghĩ của mình với các bạn trẻ mới vào Đoàn.

Để giúp các bạn dễ hiểu ý nghĩa của Bài ca chính thức, bài viết xin được trình bày theo thứ tự qua 5 phần sau đây:

I. BÀI CA CHÍNH THỨC LÀ GÌ?

Thông thường, các tổ chức mang tầm vóc to lớn, các đảng phái hay các quốc gia… đều có chọn cho tổ chức hay quốc gia mình một bài ca đặc biệt, được gọi là Bài ca chính thức. Bài ca nầy chỉ dành riêng để cử lên trong những lúc chào cờ hay trong các buổi lễ lược quan trọng mang tính chất trang nghiêm, mà không được dùng để ca hát trong những lúc vui chơi bình thường.

Nội dung của Bài ca chính thức thường chuyên chở hầu hết nếu không muốn nói là tất cả mục đích, ý chí, nguyện vọng, nhằm khơi dậy lý tưởng, truyền thống, thú hướng mà thành viên trong tổ chức hay dân tộc đó nhắm đến. Chẳng hạn như:

–      Thế vận hội có bài ca chính thức là Bài Ca Olympic (Bài hát Thế vận hội).

–      Quốc tế Cộng Sản có bài L’Internationale (Quốc tế ca).

–      Tòa Thánh Vatican có bài Inno e Marcia Pontificale (Giáo Hoàng ca khúc).

–      Việt Nam Cộng Hòa có bài Tiếng Gọi Công Dân.

–      Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có bài Tiến Quân Ca.

–      Úc có bài Advance Australia Fair (Quốc ca Liên bang Úc Đại Lợi).

–      Pháp có bài La Marseillaise (Bài hát của người Marseille).

–      Hoa Kỳ có bài The Star-Spangled Banner (Lá cờ lấp lánh sao).

–      Anh có bài God Save the Queen (Chúa bảo vệ Nữ Hoàng).

–      Ấn Độ có bài Jana Gana Mana (Ngài ngự trong tâm của dân).

Tất cả các bài hát nêu trên đều được các tổ chức, quốc gia liên hệ công nhận là bài ca chính thức cho tổ chức hay quốc gia mình.

II. LUẬN VỀ HOA SEN.

Đối với người Việt Nam, hoa sen là một loài hoa bình dị, mộc mạc và hết sức gần gũi, nhưng cũng rất đặc biệt, hơn hẳn các loài hoa khác. Trong ca dao có câu:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng

Nhụy vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Hoa sen trắng ở Đồng Tháp Mười

Hoa sen là một trong bốn loài hoa quý (Tứ quân tử): lan mùa đông, sen mùa hạ, cúc mùa thu, mai mùa xuân. Vào những ngày nắng hạ, nếu có dịp đi về các tỉnh miền trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, nhất là khi vào thăm viếng lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn tại cố đô Huế… hay U Minh, Đồng Tháp Mười… ở miền tây Nam bộ, các bạn sẽ thấy rất nhiều sen, súng, hay những bè lục bình xanh ngắt mọc hoang trong những đầm lầy ven những đám ruộng quanh bìa làng, hoặc được trồng trong những ao hồ dọc theo ven đường. Sen, với dáng vẻ thanh thoát, màu hoa tươi sáng, sắc lá xanh mướt, mọc vươn lên khỏi mặt nước, khiến cho người bộ hành trong buổi trưa hè có cảm giác lắng sạch, thanh khiết, thoát tục.

Sen là loại cây có nguồn gốc từ phương Đông, có mặt trên địa cầu trong từ kỳ đồ đá (Pleistocene) cách nay khoảng 2.5 triệu năm. Hoa sen, nói theo chữ Hán-Việt là Liên hoa, gọi tắt là Liên; tiếng Trung Hoa là Lian; phát âm là “lìn” (một chữ rất phổ biến dùng để đặt tên cho con gái); tiếng Anh và tiếng Pháp đều gọi là Lotus; tiếng Phạn và Pali là Padma; tiếng Nhật là Renge… là loài thực vật thủy sinh sống lâu năm; thuộc giống túc căn thảo (loài cây nẩy mầm từ củ của năm trước); thuộc chủng loại Nelumbonaceae (tiếng Latin), bộ Proteales; có hai thuộc chi: loại có tên khoa học là Nelumbo aureavallis, được tìm thấy ở tiểu bang Dakota, Hoa Kỳ, nay gần như tuyệt chủng; loại còn lại có tên khoa học là Nelumbo nucifera, loại nầy mọc rất nhiều ở Trung Đông như Ai Cập, và các nước vùng Đông Nam Á như Ấn Độ, Nhật Bản, Đại Hàn, Trung Hoa, Thái Lan, Việt Nam… và miền Bắc nước Úc. Sen thường mọc trong những đầm lầy, ao hồ ngập nước; thích hợp với môi trường nóng và ẩm; có thể trồng từ hạt hay củ, rễ; thân cao trung bình khoảng 1.5m; rễ phát triển theo chiều ngang rộng đến 3m; ra hoa trong điều kiện thời tiết nắng ấm, nhiệt độ thích hợp từ 22°C đến 38°C; lá to, bề mặt có thể lên đến 60cm, lá và hoa đặc biệt khi nở, vươn lên khỏi mặt nước vài mươi cm. Ở miền Bắc Việt Nam, sen ra hoa vào mùa hạ, nhưng ở các tỉnh miền tây Nam bộ, đặc biệt là vùng Cà Mau, Đồng Tháp Mười, sen nở hoa quanh năm. Tuy sống trong đầm lầy là chỗ dơ bẩn nhưng sen có hoa rất đẹp và cho hương thơm thanh khiết. Từ ngàn xưa, hoa sen được người Ấn Độ và người Ai Cập cổ đại xem là loài hoa linh thiêng nên rất được tôn kính và thường được chưng bày trong các nghi thức tế lễ cũng như chạm khắc trên những nơi thờ cúng tôn nghiêm.

Sen Utpala

Người Ấn Độ chia hoa sen thành bốn loại:

–      Ưu-bát-la hoa (Utpala), cũng gọi là Ưu-bát hoa, Ô-đát-bát-la hoa, tên khoa học là Nymphaea tetragona, cho hoa màu xanh (thanh liên hoa).

–      Câu-vật-đầu hoa (Kumuda), tên khoa học là Nelumbonaceae Pers, loại nầy ngày nay mọc nhiều ở miền bắc và miền trung Châu Mỹ (nên thường được gọi là American Lotus), cho hoa màu vàng (huỳnh liên hoa).

–      Bát-đầu-ma hoa (Padma), cũng gọi là Bát-đàm-ma, Ba-đàm hoa, Ba-mộ hoa, tên khoa học là Nymphaea alba, cho hoa màu đỏ hồng (hồng liên hoa). Đây là loại dễ trồng và phổ biến nhất trong bốn loại sen. Loại nầy ngày nay gần như “tuyệt chủng” tại Phi Châu, nhưng lại mọc rất nhiều ở các nước Á Châu và miền bắc nước Úc.

–      Phân-đà-lị hoa (Pundarika), cũng gọi là Phân-đà-lợi, tên khoa học là Nelumbo lutea, khó mọc và cây lâu lớn, ít phổ biến hơn các loại trên, cho hoa màu trắng (bạch liên hoa).

Hoa Đại bạch liên (Pundarika)

Không biết các loài sen trên đây có phải là bốn loại sen mọc trong ao thất bảo nơi cảnh giới Cực Lạc, đã được đức Phật nói đến trong kinh A Di Đà hay chăng? Nhưng khi nói đến hoa sen, thường là để chỉ cho loại hoa sen màu trắng, bạch liên (Pundarika). Ở Ấn Độ, loại hoa nầy lại được chia làm ba thứ với tên gọi khác nhau: khi chưa nở gọi là Khuất-ma-la (Mukula); đang lúc nở đẹp thì gọi là Phân-đà-lị (Pundarika); và khi sắp tàn thì gọi là Ca-ma-la (Kamala). Để dễ phân biệt với các loại khác, hoa Pundarika được gọi là Đại bạch liên, vì loại nầy cho hoa màu trắng, lớn đến 20cm, mùi thơm thanh khiết và lan tỏa rất xa.

Về ý nghĩa, do sự tương phản giữa nguồn gốc, xuất xứ, tức mọc ra từ chỗ bùn lầy ô uế, dơ bẩn, để từ đó vươn lên, phô bày sự thanh cao, thuần khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, mà các dân tộc trên thế giới đều cho rằng hoa sen là loài hoa tượng trưng cho sự cao quý của đức hạnh, thánh thiện, vô nhiễm và thoát tục.

Sen là loài cây đặc biệt có nhiều dược tính trong y học: hột sen (liên nhục) vị ngọt, có tác dụng an thần, dùng để trị các bịnh viêm ruột, lỵ mãn tính, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng; tim sen (liên tâm) vị đắng, có tác dụng trợ tim, trị sốt cao mê sảng, hồi hộp, làm giảm huyết áp, trị bịnh mất ngủ rất có hiệu quả; lá sen (liên diệp) vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị cảm nắng, trĩ, tiêu chảy, xuất huyết do sốt cao, an thần; nhụy sen (liên tu) bổ thận, trị bệnh bạch đới, xuất tinh sớm, rối loạn tuyến nội tiết sinh dục; ngó sen và củ sen (thân rễ) có tác dụng dinh dưỡng cao, dùng làm thuốc bổ, trị các chứng đại tiện ra máu, tử cung xuất huyết kéo dài, khí hư, bạch đới, tiêu chảy, kiết lỵ; gương sen (liên phòng) trị các chứng băng huyết, tiểu ra máu; cuống hoa dùng để trị viêm loét dạ dày, rối loạn kinh nguyệt…

Sen là loại thực vật không mang độc tính, có giá trị dinh dưỡng rất cao, được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực: ngó sen là phần được sử dụng nhiều nhất để chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh, soup, xào, làm gỏi; cánh hoa và lá non có thể ăn sống; lá lớn hơn dùng để gói bánh; nhụy hoa phơi khô để ướp trà; củ sen, hạt sen dùng để làm mứt, làm bánh hay nấu chè ăn rất ngon và bổ dưỡng…

Gương sen

Thông thường, trong cuộc đời nầy lòng tham lam thường đi đôi với ý muốn sở hữu, chiếm đoạt. Nhưng đặc biệt khi bạn thấy một đóa sen trắng trong ngần, mộc mạc, bình dị, nhưng đầy vẻ thanh cao, thuần khiết, vươn lên giữa những chiếc lá xanh ngắt từ mặt hồ tĩnh lặng. Khi đó ý muốn chiếm hữu biến mất, trong lòng bạn tự nhiên cảm nhận được sự thanh thoát nhẹ nhàng, thánh thiện và thoát tục.

III. Ý NGHĨA HOA SEN TRONG ĐẠO PHẬT.

Khi đến viếng các cảnh chùa ở thôn quê Việt Nam, ngay cả các ngôi chùa ở các thành phố lớn, và cho đến bây giờ tại các ngôi chùa của người Việt ở Hải Ngoại, tùy theo điều kiện đều có đào ao hay làm non bộ để thả sen. Giống như ở Ấn Độ, ở Việt Nam, hoa sen cũng có nhiều loại, phổ biến nhất là loại có hoa màu đỏ hồng phơn phớt, có loại cho hoa màu vàng, có loại cho hoa màu xanh, có loại cho hoa màu trắng. Cũng có loại hiếm quý như Bách Diệp Liên (hoa trắng, có 100 cánh).

Đối với người Phật tử, hoa sen là một hình ảnh gần gũi, thân thiết, một biểu tượng mang ý nghĩa thiêng liêng, mầu nhiệm và vô cùng cao quý. Khi nói đến hoa sen là nói đến giáo lý của Phật giáo Đại thừa, và ngược lại khi đề cập đến Đại thừa thì thường liên tưởng đến hoa sen. Kể từ lúc đản sanh cho đến khi thành đạo, lúc thuyết pháp độ sanh, truyền trao tâm pháp, cho đến khi nhập Niết-bàn, những lời giáo hóa mà đức Thế Tôn giảng dạy đều gắn liền với hình tượng và ý nghĩa của loài hoa bình dị nhưng cao quý nầy.

Hoa sen vàng (Kumuda)

Trong giáo lý Đại thừa, hoa sen mang ý nghĩa “cư trần bất nhiễm trần”, thanh tịnh, thoát tục, vô nhiễm, giác ngộ viên mãn và hoàn toàn giải thoát. Trong Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (quyển 15) ghi rằng hoa sen có 4 đặc điểm là thơm tho, thuần khiết, mềm mại, khả ái, được dùng để dụ cho bốn đức: thường, lạc, ngã, tịnh của Niết-bàn. Ngoài ra, hoa sen còn là biểu tượng cho Pháp thân, Diệu tâm, Bản tâm hay Phật tánh trong mỗi chúng sanh. Phật tánh đó được biểu hiện qua ba trạng thái:

–      Khi hoa sen còn nằm trong lớp đất bùn, để dụ cho Phật tánh của chúng sanh còn bị lớp bùn vô minh, ái dục che lấp, chưa thể hiển lộ ra được.

–      Khi hoa sen nẩy mầm và lớn lên trong nước, để dụ cho quá trình tu tập của hạng phàm phu từ lúc sơ phát tâm đến các thứ bậc tu chứng của chư Hiền, Thánh trong Tam thừa.

–      Khi hoa sen vượt lên khỏi mặt nước, bừng nở, khoe sắc, tỏa hương, để dụ cho sự tu tập của hành giả đã đạt đến cứu cánh giác ngộ viên mãn và hoàn toàn giải thoát, viên thành Phật đạo.

Một người Nhật, Thiền sư Viên Thông Đại Ứng đã viết bài kệ để tả hoa sen trong ao:

“Liên hoa hà diệp ly nê thủy

Xuất vị xuất thời tuyệt điểm ai

Vô hạn thanh lương thâu bất đắc

Hòa phong đới vũ mãn trì khai”.

(Hoa sen cành lá lìa bùn nước

Ra với chưa ra bặt điểm trần

Vô hạn hương thơm thu chẳng hết

Theo mưa quyện gió nở đầy ao).

Vào chùa lễ Phật, các bạn sẽ thấy hoa sen được vẽ trên tranh ảnh trang trí, được chạm khắc trên các thân cột, trên đại hồng chung, trên các bức phù điêu trang nghiêm cổ kính; các bạn sẽ thấy các tôn tượng thờ tự đều đang đứng hoặc ngồi trên đài sen. Như trước sân chùa, tôn tượng đức Bồ-tát Quan Thế Âm được thờ lộ thiên đang đứng trên đài sen, tay trái cầm tịnh bình, tay mặt bắt ấn Vô úy. Trong chánh điện, tôn tượng Thái tử Tất Đạt Đa lúc đản sanh, đi bảy bước trên hoa sen; tôn tượng đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đang ngồi kiết già trong tư thế nhập định hay thuyết pháp trên tòa sen. Cũng có hình tượng Ngài đang ngồi trên bảo tòa, trong tay có cầm một nhành sen đưa lên. Hay tôn tượng đức Bồ-tát Chuẩn Đề, tay cầm một đóa sen; tôn tượng đức Phật A Di Đà, tôn tượng các đức Bồ-tát Đại Thế Chí, Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền… đều đang đứng hoặc ngồi trên tòa sen, hay trên tay có cầm cành hoa sen.

Khi đọc kinh luận, chúng ta cũng sẽ rất thường gặp các đoạn kinh văn có đề cập đến hoa sen. Như trong kinh A Di Đà, đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất rằng ở cõi Tây Phương Cực Lạc có ao thất bảo đầy nước đủ tám công đức… Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời phát ra ánh sáng màu xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm tinh khiết (Cực Lạc quốc độ hữu thất bảo trì bát công đức thủy sung mãn kỳ trung… Trì trung liên hoa, đại như xa luân, thanh sắc thanh quang, huỳnh sắc huỳnh quang, xích sắc xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết). Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có chép rằng: đức Phật A Di Đà cùng chư Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí đều ngồi trên tòa sen báu. Chúng sanh khi được sanh về cõi Tây Phương Tịnh Độ đều được đức Phật A Di Đà cùng chư Thánh Chúng cầm đài sen đến tiếp dẫn và đều được hóa sanh từ nơi hoa sen (Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu).

Tây Phương Tam Thánh

Trong kinh Lăng Nghiêm có ghi lại: lúc Tôn giả A Nan và Đại chúng trong Pháp hội đảnh lễ dưới chân đức Phật, thỉnh cầu Phật nói thần chú. Lúc đó từ đỉnh đầu đức Thế Tôn phát ra ánh sáng bách bảo, trong ánh sáng ấy lại hiện ra nghìn cánh sen báu, trong đó có hóa thân Như Lai ngồi trong hoa báu… tuyên thuyết thần chú (Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung dõng bá bảo quang, quang trung dõng xuất thiên diệp bảo liên, hữu hóa Như Lai tọa bảo hoa trung… tuyên thuyết thần chú).

Do đoạn kinh trên đây có đề cập đến đỉnh đầu của đức Thế Tôn, nên cần nói thêm: trên đỉnh đầu của đức Phật có một cục tròn nhô lên gọi là Nhục kế (Ô-sắc-nị-ca, Urna-kesa). Đây là đảnh tướng, tức tướng tốt thứ 32 trong 32 tướng tốt của Phật (Tam thập nhị hảo tướng), (Thế Tôn đảnh thượng Ô-sắc-nị-ca, Phật cao hiển châu viên, do như thiên cái, thị tam thập nhị). Ẩn bên trong Nhục kế nầy có Vô kiến đảnh tướng, là tướng không thể hiện ra nơi thể xác bên ngoài, dùng con mắt thường (nhục nhãn) không thể trông thấy. Đây là tướng tùy hình hảo thứ 66 trong 80 vẻ đẹp của Phật (Bát thập chủng hảo tướng). Vô kiến đảnh tướng được tả như một hoa sen ngàn cánh, biểu hiện cho trí tuệ viên mãn của Phật, chỉ những bậc Bồ-tát tu chứng từ Bát địa (Bất động địa) trở lên, dùng huệ nhãn mới có thể trông thấy được.

Hoa sen đỏ (Nymphaea alba)

Còn trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, phẩm thứ mười, phẩm Pháp Môn Tâm Địa, Phật thuyết rằng: khắp trong thế giới Phạm Võng là Thắng ứng thân của Phật Lô Xá Na, hóa chủ Hoa Tạng thế giới, tượng trưng bằng một hoa sen. Hoa tạng thế giới ấy có 1,000 Đại thiên thế giới như hoa sen có 1,000 cánh. Hóa chủ 1,000 Đại thiên thế giới nầy là 1,000 Liệt thắng ứng thân do Thắng ứng thân của Phật hóa hiện ra…

Trong kinh Hoa Nghiêm cũng nói đến Hoa Tạng thế giới như sau: “Có những biển hương thủy nhiều như bụi trần của mười bất khả thuyết cõi Phật. Từ biển ấy nổi lên hoa sen lớn tên Nhất thiết ma ni vương trang nghiêm… Đây là thế giới hoa sen”.

Rõ hơn nữa, trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, ở chương 29 (Quán tưởng chân chánh để thắng sắc dục), đức Phật dạy rằng: “Hãy thận trọng đừng nhìn ngó sắc đẹp của phụ nữ, cũng đừng nói năng với họ. Nếu phải nói chuyện với họ, hãy nên chánh tâm nhớ nghĩ: Ta là bậc Sa-môn sống trong cõi đời ô trược, phải như hoa sen chẳng bị bùn làm cho ô uế. Tưởng người già như mẹ, người lớn như chị, kẻ nhỏ như em, đứa bé như con; rồi sanh lòng độ thoát thì mới diệt được niệm xấu”.

Bạn có biết hay chăng? Chính từ ý nghĩa của chương 29 trong kinh Tứ Thập Nhị Chương nầy mà tại các tịnh thất, tăng phòng, tùng lâm, tịnh xá, nơi chư Tăng cư trú đều có chạm khắc hình ảnh hoa sen. Ngoài mục đích dùng để trang trí nhằm tăng vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh, hình ảnh hoa sen còn có tác dụng cảnh tỉnh, nhắc nhở lại lời dạy của đức Thế Tôn: “Ta là bậc Sa-môn đang sống trong cõi đời ô trược, phải như hoa sen, đừng để bị bùn làm ô uế”.

Cũng vậy, tuy không dùng hình ảnh hoa sen, nhưng điều thứ bảy trong kinh Bát Đại Nhân Giác cũng chuyên chở ý nghĩa giống y hệt như thế: “Ý thức rằng năm thứ dục vọng là nguồn gốc của tội lỗi, tuy là người thế tục nhưng không để mình bị cuốn hút vào những lạc thú thường tình của thế gian, thường quán niệm về ba y một bát, nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia, giữ gìn phạm hạnh và đời sống thanh bạch, dùng lòng từ bi để tiếp xử với mọi người” (Đệ thất giác tri: ngũ dục quá hoạn, tuy vi tục nhơn, bất nhiễm thế lạc, thường niệm tam y, ngõa bát pháp khí, chí nguyện xuất gia, thủ đạo thanh bạch, phạm hạnh cao viễn, từ bi nhất thiết).

Sau mỗi thời công phu, tụng kinh niệm Phật, ở phần Phục nguyện hồi hướng có câu: “Nguyện được hóa sanh nơi cõi Tây Phương Tịnh Độ, chín phẩm hoa sen là cha mẹ, khi hoa nở liền được thấy Phật, đắc vô sanh pháp nhẫn, và làm bạn đồng hành với các bậc Bất thối Bồ-tát (Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh, Bất thối Bồ-tát vi bạn lữ).

Có một sự kiện trong Pháp hội Linh Sơn được kể lại, như một bài pháp “vô ngôn”, được gọi là “Niêm hoa vi tiếu” mà Phật tử chúng ta ai cũng biết: Một hôm có vị Trời cúng dường Phật một cành sen. Trong pháp hội, Phật im lặng cầm cành hoa sen đưa lên, Đại chúng ngơ ngác, không ai hiểu được ý của đức Thế Tôn, duy chỉ có Tôn giả Ca Diếp là chúm chím cười. Đức Thế Tôn bảo rằng: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo lý truyền riêng, nay giao phó cho ông. Ông khéo giữ gìn chánh pháp nầy đừng để cho dứt. Đến sau truyền lại cho A-Nan”. Rồi đức Thế Tôn đến trước tháp Đa Tử gọi ngài Ma-ha Ca Diếp đến chia nửa tòa cho ngồi, lấy y Tăng-già-lê đắp lên mình ngài Ca Diếp, rồi nói bài kệ phó pháp:

“Pháp bổn pháp vô pháp

Vô pháp pháp diệc pháp

Kim phó vô phá thời

Pháp pháp hà tằng pháp”

(Pháp gốc pháp không pháp

Pháp không pháp cũng pháp

Nay khi trao không pháp

Mỗi pháp đâu từng pháp).

Ngài Ma-ha Ca Diếp được đức Phật phó chúc, từ đó trở thành Tổ thứ nhất trong lịch sử truyền bá Phật giáo. Cũng kể từ đó, cách phó pháp “tâm truyền tâm” trở thành truyền thống của Thiền tông.

Trên đây mới chỉ là đề cập đến hình tượng và ý nghĩa hoa sen trong những kinh luận mà chúng ta thường đọc tụng hàng ngày hay rất dễ tìm gặp trong giáo lý, kinh điển thuộc Đại thừa hiển giáo. Còn đối với giáo lý thuộc Kim Cang thừa (Đại thừa Mật giáo) như trong giáo lý của Phật giáo Tây Tạng thì hình tượng hoa sen còn rõ nét hơn nữa. Câu thần chú linh thiêng nhất của người Tây Tạng: “Om mani padme hum”, (câu nầy được dịch ra tiếng Anh là “Hail to the jewel in the lotus”, tức Lục tự đại minh chơn ngôn “Án Ma Ni Bát Mê Hồng” theo tiếng Việt), trong đó chữ Padme có nghĩa là hoa sen, là do đức Bồ-tát Quan Thế Âm ban cho dân Tây Tạng, nên được người Phật tử Tây Tạng hết mực sùng kính. Đối với họ, câu thần chú nầy linh thiêng và thông dụng còn hơn cả người Phật tử Việt Nam niệm lục tự Di Đà. Người Tây Tạng thường khắc câu thần chú nầy trên thành quả chuông, để mỗi khi đi ngang qua thì chạm tay vào đó cho các quả chuông xoay vòng và ngân lên, lúc đó hành giả nhiếp tâm vào câu thần chú “Om mani palme hum”, hoặc khắc câu thần chú nầy trên những tảng đá rồi cầu nguyện, sau đó họ xếp các tảng đá chồng lên nhau thành những bức tường cao và dài dọc theo lối đi, gọi là Tường ngọc (Mani wall).

Chúng ta hãy nghe câu chuyện được Lạt Ma Ngawong Kalzang (Tomo Geshe Rinpoche) kể lại, và được học trò của Ngài, Lạt Ma Anagarika Govinda ghi nhận trong cuốn du ký The Way Of The White Clouds (Đường Mây Qua Xứ Tuyết – Bản dịch của Nguyên Phong): “Khi Tomo Geshe bước chân đến đồi Tsaparang, Ngài chợt nhìn thấy một đám mây ngũ sắc lớn bao phủ xung quanh ngọn đồi. Chính giữa đám mây có một hoa sen với những cánh màu trắng tinh khiết, đang tỏa ra ánh sáng chói lòa như cầu vồng. Tomo Geshe bèn cho vẽ lại linh ảnh nầy trên bức tường chánh điện của ngôi chùa. Ngày nay, bức họa Hoa Sen và những đám mây ngũ sắc (Dharma megha – Pháp vân) là những bức họa nổi tiếng quý giá và linh thiêng nhất của Phật giáo Tây Tạng”.

Hoa sen hồng (U minh, Việt Nam)

Ý nghĩa “Thai cung” trong Tịnh Độ tông của hiển giáo và “Thai tạng giới” Mạn đồ la (cũng gọi là Mạn đà la, chữ Hán dịch là Đàn tràng hay Luân viên cụ túc) trong Mật giáo đều biểu tượng bằng hoa sen. Cả hai đều hàm chứa ý nghĩa che chở, giữ gìn, nuôi lớn pháp lành, phát sinh thiện căn, là nơi sinh của chư Phật và các bậc Hiền, Thánh.

Nhưng đặc biệt hơn hết là bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa (tiếng Phạn là Saddharma Pundarika-sitra), là bộ kinh Nhất thừa viên giáo, thâu tóm hết nội dung của giáo pháp, nhằm độ thoát cho tất cả chúng sanh, được đức Phật thuyết trong giai đoạn cuối của thời giáo hóa nơi cõi Ta-bà, có nhấn mạnh đến hoa sen. Trong đó, nghĩa của chữ Diệu Pháp để nói rõ nội dung của kinh nầy là pháp mầu cao tột bậc nhất, siêu việt thù thắng, vượt lên trên tất cả, không pháp nào ở thế gian có thể so sánh được, pháp mầu đó là Pháp thân, Diệu tâm, Phật tánh, Phật tri kiến hay Phổ quang minh trí (tức tuệ giác của Phật). Còn chữ Liên Hoa là dụ, để chỉ cho Diệu Pháp, vì khi đem so sánh với các loài hoa khác, hoa sen có 5 đặc điểm sau đây mà các loài hoa khác không thể có được:

  1. Có hoa là có gương, tức nhân quả đồng thời. Không giống như các loài hoa khác, sau khi hoa đã tàn mới kết thành trái; với hoa sen, bốn yếu tố: cánh, nhụy, gương, hạt đều hiện diện trong cùng một lúc. Gương sen, hột sen đã có sẵn trong hoa, chỉ vì hoa chưa nở nên gương, hột chưa lộ. Cũng vậy, Phật tánh đã có sẵn trong tâm của mỗi chúng sanh. Chỉ vì vô minh, ái dục che lấp nên Chân tâm chưa  hiển lộ ra được mà thôi.
  2. Sen không mọc nơi chỗ sạch sẽ. Sen chỉ mọc, phát triển và nở hoa trong chỗ ô nhiễm, bùn lầy. Nhưng dù mọc từ chỗ bùn lầy ô uế, dơ bẩn, hoa sen vẫn không vướng chất bẩn, không tanh mùi bùn, lúc nào cũng mạnh mẽ vươn lên, tỏa hương tinh khiết.

Thái tử Siddharta cũng đã được sinh ra trong cõi Ngũ trược ác thế nầy, nhưng Ngài đã không để mình bị ô nhiễm bởi lớp bùn dơ của thú vui ngũ dục, không để bị vướng bận bởi những tục lụy, phiền não của thế nhân, không để bị ràng buộc bởi quy luật của sinh tử luân hồi. Nhưng cũng chính từ những chất liệu của nhân thế ấy, Ngài đã tu tập vươn lên để đạt đến giác ngộ viên mãn và hoàn toàn giải thoát, giống như hình ảnh của một đóa sen tinh khiết mọc lên từ lớp bùn dơ nhưng không hề bị mảy may nhiễm bẩn. Kể cả giáo pháp được đức Phật tuyên thuyết cũng thế: vì sự khổ đau của con người mà có, không ngoài sự hiểu biết của thế gian, không đi tìm sự giải thoát ngoài thế gian. Nhưng cũng chính từ những chất liệu hệ lụy, phiền não, vô thường, khổ đau của thế gian nầy mà đạo Phật đã chỉ ra con đường giúp con người cởi bỏ mọi xích xiềng bởi vô minh, ái dục, vượt ra khỏi mọi hệ lụy của phiền não, khổ đau, thoát ra khỏi quy luật của luân hồi sinh tử để đạt đến an lạc và Niết-bàn.

Từ nơi ý nghĩa Giác tâm, Diệu tánh, Phật tánh, Phật đạo, đã có sẳn trong tâm của mỗi chúng sanh nơi cõi Ngũ trược ác thế, và cũng được thành tựu ngay nơi chốn uế nhiễm, vô thường nầy mà Thiền Sư Ngộ Ấn đã viết thành bài kệ, ghi lại trong cuốn Thiền Uyển Tập Anh, được Hòa Thượng Trúc Lâm dịch lại như sau:

“Diệu tánh hư vô bất khả phân

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan

Ngọc phần sơn thượng

sắc thường nhuận

Liên phát lô trung thấp vị càng”.

(Diệu tánh rỗng không chẳng thể vin

Rỗng không tâm ngộ việc dễ tin

Tươi nhuần sắc ngọc trong núi cháy

Lò lửa hoa sen nở thật xinh).

Còn Thiền sư Đạo Huệ thì viết rằng:

“Sắc thân dữ diệu thể

Bất hiệp bất phân ly

Nhược nhân yếu phân biệt

Lô trung hoa nhất chi”.

(Sắc thân cùng diệu thể

Chẳng hợp chẳng chia ly

Nếu người cần phân biệt

Trong lò một cành hoa).

3. Cọng hoa tách riêng, mọc thẳng từ gốc chứ không chung với cành lá. Có những hoa vượt lên khỏi mặt nước bày gương hạt, có những hoa còn đang ở trong nước, có những hoa mới vừa nhú ra khỏi bùn. Tất cả những hoa ấy trước sau gì rồi cũng nở hoa, tỏa hương tinh khiết, để dụ cho Phật tánh bình đẳng trong mỗi chúng sanh. Phật tánh ấy vắng lặng, tròn đầy, xa lìa mọi vọng tưởng, điên đảo, nhị biên, thường đoạn, cấu tịnh… Ví như trời, người, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, căn cơ có sai biệt, tu chứng có cao thấp, nhưng ai cũng có sẵn Phật tánh trong tâm (chỉ khác nhau ở chỗ biểu hiện). Nếu tu hành tinh tấn, công phu viên mãn cũng đều sẽ thành Phật.

4. Không bị ong bướm bu đậu. Tất cả các loài hoa đều bị ong bướm, côn trùng bu đậu để hút nhụy, duy chỉ có hoa sen là không bị ong bướm bu đậu.

5. Không “bị” người nữ dùng làm vật trang điểm trên cơ thể, hay để cài lên tóc. Phong tục từ ngàn xưa ở Ấn Độ, người đàn bà thường dùng hoa kết thành tràng để làm vật trang điểm, phong tục đó cho đến nay vẫn còn tồn tại, nhưng duy chỉ có hoa sen không bao giờ được dùng làm vật trang điểm.

Ngoài 5 đặc điểm nêu trên, khi còn trong dạng búp (chưa nở hoa), mùi hôi thúi và các chất dơ bẩn như bụi, đất, bùn, sình… không thể ảnh hưởng hay nhiễm vào bên trong búp sen. Điều nầy phù hợp với ý nghĩa Giác tánh (Như Lai tánh, Như Lai tạng, bản tánh của Phật, khả năng thành Phật, tính chất giác ngộ, bản tâm, Phật tánh, tánh Bồ-đề…) đã có sẵn trong tâm của mỗi chúng sanh, dù còn đang sống trong vòng tục lụy sinh tử luân hồi, giác tánh đó vẫn hằng cửu, không bị vô minh ái dục, phiền não, tham đắm của thế gian làm cho ô nhiễm. Thêm vào đó, sen thường chỉ nở hoa từ lúc quá nửa đêm cho tới rạng đông, phù hợp với lúc đạt tới cứu cánh giác ngộ, chứng đắc thánh trí (Lậu tận), viên thành đạo quả, thành bậc Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác của đức Phật từ đầu hôm cho đến khi sao mai vừa mọc.

Có thể nói, hoa sen có mặt trong tất cả các công trình của Phật giáo. Mà khi nói đến công trình của Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo nước nhà, chúng ta không thể quên không đề cập đến một công trình “độc nhất vô nhị”, đó là chùa Một Cột nằm trong quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Ngày xưa chùa có tên gọi là Diên Hựu tự (Phúc lành lâu dài) hay Liên Hoa đài, được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, 1049. Theo truyền thuyết và bia ký ghi lại: Vua Lý Thái Tông (1028-1054) nằm mộng thấy Phật bà Quan Âm ngồi trên đài sen, đưa tay dắt mình lên tòa. Khi tỉnh dậy, được sư Thiền Tuệ khuyên bảo, vua cho dựng lên ngôi chùa đúng theo những điều mình thấy trong chiêm bao. Chùa kiến trúc bằng gỗ, chỉ có một gian hình vuông, mỗi cạnh 3m, được dựng trên một cột đá hình trụ duy nhất cao 4m đặt giữa hồ sen (có tên là hồ Linh Chiểu), giống hệt như hình ảnh một đóa sen vươn lên giữa mặt hồ. Bên trong thờ đức Bồ-tát Quan Thế Âm. Chùa Một Cột không những là một kiến trúc nghệ thuật thuộc hạng “tuyệt tác” của Phật giáo, mà còn là một di tích lịch sử bậc nhất, một biểu tượng in đậm nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Chùa Một Cột (Diên Hựu Tự)

Trong sách Tánh Mạng Khuê có bài thơ về hoa sen thật hay:

“Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên

Xuất ố nê trung sắc chuyển liên

Hành trực ngẫu không bổng hựu thục

Tu hành diệu lý kháp như nhiên”.

(Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi

Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi

Thân ngay ngó rỗng gương đầy hột

Cái lý tu hành cũng thế thôi).

Tóm lại, hoa sen không những là loài hoa được người Ấn Độ, Ai Cập sùng kính, là loài hoa mộc mạc gần gũi, thể hiện cho nét đẹp bình dị, thanh cao trong tâm thức của văn hóa Dân tộc “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, mà còn là biểu tượng mang ý nghĩa vô cùng cao quý, thiêng liêng trong giáo lý của Đại thừa Phật giáo.

IV.Ý NGHĨA HOA SEN TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:

Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên, đặt nền tảng trên giáo lý Phật đà và tinh thần nhập thế của Đại thừa Phật Giáo. Do đó tổ chức Gia Đình Phật Tử chọn Hoa Sen Trắng làm biểu tượng cho tổ chức của mình cũng là điều dễ hiểu.

Trong giai đoạn phôi thai hình thành của tổ chức, chưa có một dấu hiệu nào để dùng làm biểu tượng dành riêng cho tổ chức GĐPT. Trong những ngày đầu bình minh ấy, anh Từ Mẫn Lê Lừng, một thanh niên trí thức, xuất thân từ Đoàn Hướng Đạo Đinh Bộ Lĩnh tại thành phố Huế, người đã hợp tác với Trưởng giả Tâm Minh Lê Đình Thám để thành lập đơn vị Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên tại cố đô Huế: Gia Đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh, do bác Lê Đình Thám làm Phổ Trưởng. Vì sự phát triển lớn mạnh của tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, cần có một biểu tượng riêng (logo) cho tổ chức của mình, lấy ý từ huy hiệu Bích Hợp (hoa huệ) của tổ chức Hướng Đạo, vào năm 1939-1940, anh Lê Lừng đã vẽ nên huy hiệu Hoa Sen, để dùng làm biểu tượng đeo trên ngực áo của Đoàn viên Gia Đình Phật Hóa Phổ mỗi khi phát nguyện vào Đoàn. Trong khoảng thời gian đó, huy hiệu nầy cũng được sử dụng rộng rãi trong các Đoàn Phật Học Đức Dục.

Bước sang giai đoạn phát triển. Trong Đại hội đầu tiên được tổ chức tại chùa Từ Đàm, Huế, từ ngày 24 đến 26 tháng 4 năm 1951, với sự tham dự của các phái đoàn đại biểu từ 9 tỉnh Miền Trung gồm: Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẳng, Bình Thuận, Đồng Nai Thượng, Di Linh, Lâm Viên, cùng các phái đoàn đại biểu từ Miền Bắc: Hà Nội, Hải Phòng. Đại Hội nầy đã thống nhất các tổ chức tiền thân như Gia Đình Phật Hóa Phổ, Đoàn Phật Học Đức Dục… thành một tổ chức duy nhất dưới danh xưng mới: Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Từ đó huy hiệu Hoa Sen chính thức trở thành huy hiệu và là biểu tượng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Hoa Sen Trắng

biểu tượng của tổ chức GĐPTVN

Biểu tượng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là Hoa Sen màu trắng, có 8 cánh, nằm trong vòng tròn trắng, trên nền màu xanh lá mạ.

–      Vòng tròn trắng tượng trưng cho sự viên dung vô ngại của đạo Phật.

Viên dung vô ngại ý chỉ cho giáo pháp của đức Phật, sự lý đều viên mãn, dung thông, tròn đầy, bao hàm cả tam giới, chu biến khắp mười phương, mà không chướng ngại, không một không hai, không phân biệt, không mâu thuẫn, không khiếm khuyết, thông suốt, tự tại vô ngại, xa lìa mọi vọng tưởng, xa lìa mọi điên đảo, không mê, không chấp, không có giới hạn, không còn dính mắc, không có chướng ngại, có khả năng nhiếp phục, chuyển hóa tất cả mọi chướng ngại của thế gian.

–      Màu trắng của hoa sen tượng trưng cho: – Ánh sáng trí tuệ: hoàn toàn giác ngộ. – Ánh sáng thanh tịnh: hoàn toàn giải thoát.

–      Nền màu xanh lá mạ, là màu của tương lai và hy vọng, tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và sự vươn lên của tuổi trẻ.

–      Tám cánh sen: 5 cánh trên tượng trưng cho 5 hạnh của chư Phật và Bồ-tát mà mỗi Đoàn viên phải cố gắng nương theo đó để trau dồi, tu tập. Từ ngoài nhìn vào: cánh ở giữa tượng trưng cho hạnh Tinh Tấn, biểu tượng cho đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni; cánh bên trái tượng trưng cho hạnh Hỷ Xả, biểu tượng cho đức Phật Di Lặc; cánh bên phải tượng trưng cho hạnh Thanh Tịnh, biểu tượng cho đức Phật A Di Đà; cánh bên trái ngoài cùng tượng trưng cho hạnh Trí Tuệ, biểu tượng cho Bồ-tát Văn Thù; và cánh bên phải ngoài cùng tượng trưng cho hạnh Từ Bi, biểu tượng cho Bồ-tát Quan Thế Âm.

–      Ba cánh dưới tượng trưng cho 3 ngôi Tam Bảo mà mỗi Đoàn viên phải quy hướng, nương tựa. Từ ngoài nhìn vào: cánh giữa tượng trưng cho Phật đà (Buddha), cánh bên trái tượng trưng cho Đạt ma (Dharma), cánh bên phải tượng trưng cho Tăng-già (Sangha).

Ở Ấn Độ, hoa sen được xem là quốc hoa. Có một điều thật lạ là hiện nay tại Ấn Độ  có một chính đảng lớn: Đảng Bharatiya Janata Party (BJP) với biểu tượng lá cờ có in hình hoa sen 8 cánh, gồm năm cánh trên và 3 cánh dưới, trên nền màu hổ hoàng, kết cấu tương tợ giống như huy hiệu Hoa Sen của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Cờ của đảng Bharatiya Janata Party

Khi nói đến Gia Đình Phật Tử là liên tưởng đến Hoa Sen Trắng. Người Đoàn viên chính thức của GĐPT, khi mặc đồng phục không quên đeo huy hiệu Hoa Sen trên áo, ngay nơi vị trí của trái tim mình. Cho dù lúc không mặc áo Lam, biểu tượng đó vẫn luôn luôn hiện hữu ở trong tâm thức của mỗi Đoàn viên như một “bài pháp không lời”, để làm tiêu chí cho sự tu tập, làm chỗ quy hướng, làm ánh sáng soi đường, nhằm cảnh tỉnh, nhắc nhở cho mỗi Đoàn Viên thường tâm niệm: “ta là một đóa sen, tuy đang sống trong bùn nhưng không để bị nhiễm mùi bùn”.

Lá xanh thăm thẳm lòng Bi

Cành Dũng vươn thẳng

thoát ly bùn sình

Nâng nụ sắc Trí kết tinh

Nở thành sen thắm lung linh giữa đời.

V. Ý NGHĨA BÀI CA CHÍNH THỨC CỦA TỔ CHỨC GĐPTVN:

“Kìa xem đóa sen trắng thơm,

nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn.

Hình dung Bổn Sư chúng ta,

lòng từ bi trí giác vô cùng…”

Trên đây là đoạn mở đầu của bài Sen Trắng, bài ca chính thức của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Âm hưởng lời hát đã ăn sâu vào lòng, in đậm trong tiềm thức, rung động tận đáy tâm hồn của bao thế hệ Đoàn viên, vang vang trên khắp các nẽo đường từ Quốc Nội cho đến Hải Ngoại, nơi có đội ngũ Đoàn viên áo Lam đang sinh hoạt, họp Đoàn. Để dễ theo dõi và hiểu được nội dung của bài hát, người viết xin được tạm chia toàn bài thành 3 phân đoạn, và xin lược giải đại ý như sau:

Phân đoạn 1: Quy hướng.

“Kìa xem đoá sen trắng thơm,

nghìn hào quang chiếu sáng trên  bùn.

Hình dung Bổn sư chúng ta,

lòng từ bi trí giác vô cùng”.

Về ý nghĩa của hoa sen, như đã được giải thích ở các phần nêu trên. Bây giờ, mỗi khi nghe câu hát trên đây vừa được cử lên trong lúc chào cờ, khi nhìn thấy biểu tượng hoa sen trắng trên nền cờ màu xanh đang tung bay trong gió, hoặc ngay cả khi trông thấy hình ảnh hoa sen ở đâu đó, tâm của ta liền tưởng nhớ Phật, quy hướng về Phật, quán tưởng đến Phật. Nương vào hình ảnh hoa sen để hình dung ra thân tướng oai nghi, đức tánh từ bi, trí tuệ của đức Phật. (Thuật ngữ trong Phật giáo gọi đó là Tùng tướng nhập tánh).

Tại sao khi thấy hoa sen lại hình dung ra thân tướng trang nghiêm của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, quán tưởng về trí giác và lòng từ bi của đức Phật? Bởi vì đức Phật đã tu tập, thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, giác ngộ viên mãn và hoàn toàn giải thoát ngay trong cõi Ta-bà ngũ trược ác thế nầy. Để rồi suốt 45 năm dài sau đó, với lòng từ bi vô lượng, với trí giác vô cùng, đức Phật đã đem giáo pháp mà mình đã chứng ngộ để giáo hóa, độ thoát cho chúng sanh. Giống như hình ảnh của hoa sen mọc từ chốn bùn lầy, ô uế, dơ bẩn mà vươn lên, nở hoa khoe sắc, tỏa hương thơm ngát cho đời.

Trong tác phẩm Con Đường Xưa (The Buddha’s Ancient Path) của HT Piyadassi Thera viết rằng: có lần một người ngoại đạo hỏi đức Phật: Vậy Ngài phải được hiểu như thế nào? Đức Phật đáp rằng: “Ví như hoa sen sinh ra và lớn lên trong nước, vươn lên khỏi mặt nước và không bị ô nhiễm bởi nước. Như Lai cũng vậy, sinh ra và lớn lên trong thế gian, sau khi khuất phục đời, ta an trú, không bị đời làm ô nhiễm”.

Sen không mọc nơi chốn sạch sẽ

Sen chỉ mọc ở chỗ ô uế, bùn lầy

Thêm vào đó, trong giây phút hình dung đến thân tướng trang nghiêm của Phật, quán niệm về đức từ bi, trí tuệ của Phật, những dục vọng xấu xa liền được tiêu diệt, trong tâm người quán niệm không còn những yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ và lo âu, tâm tư có được niềm vui, an trú hạnh phúc ngay trong phút giây hiện tại và đạt được tâm Tăng thượng thứ nhất (đệ nhất Tăng thượng tâm) một cách dễ dàng. Lời dạy nầy của đức Thế Tôn đã được ghi lại trong kinh Trung A Hàm: “Bạch y Thánh đệ tử niệm tưởng Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Nhớ nghĩ đến Như Lai như vậy rồi, nếu có những ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Bạch y Thánh đệ tử nương vào Như Lai, tâm tịnh được hỷ, nếu có những điều ác dục liền được tiêu diệt. Trong tâm có những điều bất thiện, nhớp nhơ, sầu khổ, âu lo cũng được tiêu diệt. Như vậy, bạch y Thánh đệ tử được tâm Tăng thượng thứ nhất, hiện pháp lạc trú, dễ được chứ không phải khó được”. (Tiểu Tạng Thanh Văn, Trung A Hàm, Kinh Ưu-Bà-Tắc, số 128, Tuệ Sỹ dịch và chú). Bạch y Thánh đệ tử được nói đến ở đoạn kinh trên đây để chỉ cho hàng đệ tử tại gia áo trắng của đức Phật. Đây chính là một pháp tu cho mỗi Đoàn Viên GĐPT vậy.

Phân đoạn 2: Phát nguyện.

“Đồng thề nguyện

một dạ theo Phật.

Nguyện sửa mình

ngày thêm tinh khiết”.

Sau khi đã nhất tâm quán tưởng, hình dung đến thân tướng trang nghiêm của đức Phật, quán niệm về trí giác và lòng từ bi của đức Phật rồi, tất cả Đoàn viên đều cùng thề nguyện một lòng một dạ theo Phật.

Thề nguyện một lòng một dạ theo Phật là thề nguyện quay về nương tựa nơi Phật, bậc Lưỡng Túc Tôn, đấng Đạo Sư tôn quý nhất của loài trời và loài người; nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y theo trời, thần, quỷ, vật.

Thề nguyện một lòng một dạ theo Phật là thề nguyện “Y giáo phụng hành”, tu học theo những lời Phật dạy, tập sống theo 5 hạnh, tuân giữ năm điều luật của tổ chức GĐPT, đặc biệt là phải nên tuân giữ những giới luật mà mình đã phát nguyện thọ nhận và hành trì, (để từ giới sanh định, từ định phát huệ, do nơi huệ mà có giải thoát, do nơi giải thoát mà có giải thoát tri kiến. Đây chính là 5 phần Pháp thân của Phật. Người Phật tử cần tu tập theo 5 phần pháp thân nầy để cúng dường Phật).

Thề nguyện một lòng một dạ theo Phật, tức đã xác định, đã dứt khoát bằng cách tuyên bố rằng: kể từ hôm nay tôi nguyện “thề tránh điều dữ, nguyện làm việc lành” để “sửa mình ngày thêm tinh khiết”. Từ vô lượng kiếp, đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cũng đã phát nguyện và đã thực hành một cách tinh tấn và giữ mãi y như vậy cho đến khi thành bậc Vô thượng chánh-đẳng chánh-giác, viên thành Phật đạo. Nay tất cả chúng ta đồng thề nguyện như vậy, tức đồng thề nguyện thực hành hạnh Tinh Tấn theo gương đức Phật.

Tinh Tấn, tiếng Phạn là Virya, còn được gọi dưới nhiều tên khác nhau như Tứ Chánh Cần (Prahâna); Tứ Chánh Đoạn; Tứ Ý Đoạn; Tứ Chánh Thắng… Đây chính là Chánh Tinh Tấn mà Phật đã nói trong Bát Chánh Đạo.

Tinh Tấn hay Tứ Chánh Cần, tức bốn sự siêng năng chân chánh cần nên thực hành, gồm những điều sau đây:

–      Siêng năng chân chánh không phạm vào các điều dữ trước đây chưa làm.

–      Siêng năng chân chánh đoạn trừ các điều dữ trước đây đã làm.

–      Siêng năng chân chánh khiến cho các việc lành trước đây chưa làm nay được phát sanh.

–      Siêng năng chân chánh khiến cho các việc lành trước đây đã làm mỗi ngày thêm tăng trưởng.

Đây chính là một pháp tu, và là pháp tu thiết yếu, quan trọng nhất đối với mỗi Đoàn Viên GĐPT vậy.

Phân đoạn 3: Thành tựu.

“Đến bao giờ được tày sen ngát,

Tỏa hương thơm từ bi tận cùng”.

Chữ tày trong tiếng Việt có nghĩa là ngang, bằng. Như người làm nên tội rất lớn, tội rất nặng thì nói là tội tày trời, ý nói tội lớn như trời.

Trên kia, các bạn đã biết là hoa sen khi nở, được ví như sự tu hành đã đạt tới cứu cánh viên mãn, thành tựu giác ngộ và hoàn toàn giải thoát; tức tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, thành Phật. Bây giờ chúng ta tin đức Phật là bậc Đạo Sư, quay về nương tựa nơi Phật, thề nguyện một lòng một dạ theo Phật, noi theo tấm gương tinh tấn của đức Phật mà  tu hành, để sửa mình ngày thêm tinh khiết. Cứ siêng năng thực hành như vậy, giữ tâm Bồ-đề kiên cố mãi như vậy, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù cho có ai rủ rê, lôi kéo, hứa hẹn, làm áp lực cưỡng bức, hay mua chuộc bằng tình, bằng tiền… cũng quyết không thay dạ đổi lòng, cho đến khi được tày sen ngát, tức tu tập cho đến khi thành tựu cứu cánh giác ngộ và giải thoát ngang bằng với Phật. Đến khi đó, như hoa sen mới có khả năng vượt lên khỏi mặt nước mà khoe sắc tỏa hương làm đẹp cho đời. Đến khi đó, người tu hành mới có đủ năng lực “tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, thập lực, tứ vô úy, tứ vô ngại, vô lượng bá thiên đà-la-ni môn… nhất thiết công đức giai đắc thành tựu”, để có thể “tỏa hương thơm từ bi tận cùng” mà giáo hóa, độ thoát cho chúng sanh.

Viết tới đây, người viết thấy tâm mình tự nhiên rúng động. Sao ý nghĩa nầy lại giống với ý nghĩa trong bài kinh Sám Hối mà mình thường đọc tụng như vậy: “… hàng ngày an vui tu tập, Pháp Phật nhiệm mầu, để mau ra khỏi luân hồi, minh tâm kiến tánh, trí tuệ sáng suốt, thần thông tự tại, đặng cứu độ các bậc tôn trưởng, cha mẹ anh em, thân bằng quyến thuộc, cùng tất cả chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.

Đọc xong cả 3 đoạn của bài hát trên đây, bạn có tìm thấy trong đó ý nghĩa của sự phát tâm Bồ-đề hay chăng? Người viết bài nầy không đủ khả năng để có thể khẳng định rằng khi viết nhạc và lời, tác giả: quý bác Ưng Hội, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán có căn cứ vào “phát Bồ-đề tâm văn” để soạn ra nội dung cho bài hát hay không? Nhưng có một điều hết sức rõ ràng: bài ca chính thức của GĐPTVN đã chuyên chở trọn vẹn ý nghĩa của sự phát tâm Bồ-đề.

Có hoa đã nở, có hoa còn ở trong bùn

nhưng “Phật tánh đều bình đẳng”

Như Phật đã thuyết trong kinh Phạm Võng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật, thường tác như thị tín, giới phẩm dĩ cụ túc” (Hết thảy chúng sanh đều có sẵn Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành. Thường tin như vậy thì giới phẩm đã thành tựu đầy đủ). Theo như đoạn kinh vừa dẫn thì Phật và chư Thánh Chúng đều đã tu tập viên mãn, thành tựu công đức trang nghiêm giống như hoa sen từ trong bùn vươn lên, tỏa hương thơm ngát. Mỗi người Đoàn viên GĐPT chúng ta cũng đều là một hoa sen, nhưng còn nằm trong lớp bùn vô minh, ái dục, luân hồi sinh tử. Nếu cứ giữ mãi “tâm Bồ-đề kiên cố”, cứ thực tập mãi “sửa mình ngày thêm tinh khiết” thì đến một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ “được tày sen ngát”, để “tỏa hương thơm từ bi tận cùng”.

Các bạn thân mến. Khác với nội dung của những bài hát ngoài đời thường duyên theo ngũ dục, ca ngợi những lạc thú của thế gian, khiến cho tâm con người trở nên ủy mị, mộng mơ, sầu muộn, đưa đến vướng mắc và hệ lụy. Vì là một tổ chức mang mục đích giáo dục, lấy giáo pháp của đức Thế Tôn đã dạy làm nền tảng, nên nội dung những bài hát trong tổ chức GĐPT thường chuyên chở ý nghĩa giống một bài pháp thoại, truyền đạt một pháp môn tu tập, như một lời hướng dẫn sách tấn, để mọi Đoàn viên nương theo đó mà tu tập hành trì, nhằm hoàn thiện nhân cách, thăng hoa đời sống con người. Bài ca chính thức trong GĐPT cũng không ngoại lệ. Trong GĐPT, hát cũng là một cách để tu.

Sau cùng, để kết thúc, xin được ghi lại lời nàng Tiểu Thánh đã phát nguyện trước đức Phật (được HT Thích Thiện Siêu lược giảng trong kinh Pháp Hoa):

“Khể thủ từ bi đạo sĩ tiền

Mạc sanh Tây thổ mạc sanh thiên

Nguyện vi nhất trích dương chi thủy

Sái tác nhân gian tịnh đế liên”.

(Trước đấng từ bi nguyện mấy lời

Chẳng sanh đất Phật chẳng lên trời

Xin làm giọt nước cành dương nhỏ

Sái rực đài sen sạch bụi đời).



digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb