LỄ CHU NIÊN GIA ĐÌNH

TRUNG ĐẠO

( Ảnh GĐPT Đức Vân . BHD Gia Định )

LỄ CHU NIÊN GIA ĐÌNH

Những điều sau đây được học hỏi từ kinh nghiệm trong những năm sinh hoạt, nhằm góp thêm ý kiến với các Huynh Trưởng mới cầm Đoàn, nhưng đây không phải là khuôn mẫu. Tùy theo hoàn cảnh và thời gian tổ chức mà có thêm sáng kiến hay thay đổi để buổi lễ thêm phần sinh động và lợi ích.

***

Một buổi lễ quan trọng hằng năm các Gia Đình đều có tổ chức để kỷ niệm ngày thành lập, đánh dấu từng bước xây dựng và phát triển, cũng như để tổng kết thành quả sau một năm sinh hoạt, đó là Lễ Chu Niên Gia Đình.

Để tổ chức cho được chu đáo, Lễ Chu Niên được chia làm 4 phần như sau:

PHẦN I: PHIÊN HỌP CUỐI NĂM CỦA BAN HUYNH TRƯỞNG.

Phiên họp nầy được tổ chức thay vào phiên họp định kỳ hằng tháng của Ban Huynh Trưởng Gia Đình trước Lễ Chu Niên.

1. Thời gian: Kéo dài 1 ngày. Phải có chương trình họp thật cụ thể.

2. Thành phần tham dự phiên họp gồm:

–      Cố Vấn Giáo Hạnh của Gia Đình (Chứng minh).

–      Ban Bảo Trợ.

–      Toàn Ban Huynh Trưởng. Có thể mời thêm Đội, Chúng trưởng, Phó cùng tham dự.

Phiên họp nầy do Bác Gia Trưởng làm Chủ toạ, Liên Đoàn Trưởng làm Thuyết trình viên, Thư Ký của Gia Đình làm Thư ký cho phiên họp.

3. Nội dung:

a/ Tổng kết thành quả sinh hoạt trong năm qua:

–      Căn cứ vào kế hoạch đã đề ra từ năm trước để tổng kết xem trong năm qua, Gia Đình đã thực hiện được những gì, đạt bao nhiêu phần trăm kế hoạch, lý do, rút ưu khuyết điểm (HTr. Liên Đoàn Trưởng).

–      Tổng kết chi thu tài  chánh, kế toán (HTr. Thủ Quỹ).

–      Kiểm tra hành chánh, sổ sách của Gia Đình, sổ sách của các Đoàn (HTr. Thư Ký).

–      Kiểm tra lại toàn bộ tài sản của Gia Đình (căn cứ vào Sổ Khí Mảnh).

–      Kiểm tra lại nội dung, chương trình, giờ giấc sinh hoạt.

–      Kiểm tra lại hình thức sinh hoạt ( như hàng đội, cờ, đồng phục, phù hiệu, cấp hiệu… ).

b/ Đề ra kế hoạch cho niên khóa tới:

–      Bổ sung, hoán chuyển, sắp đặt lại nhân sự điều hành nếu xét thấy cần thiết.

–      Thảo luận Ðề án, kế hoạch cho niên khóa tới.

Phiên họp nầy được xem như tất niên của Gia Đình. Trong giờ ăn trưa nên tổ chức một bữa cơm chay thân mật chung cho mọi người để tạo thêm tình thân ái, gắn bó giữa tất cả anh chị em đồng sự, những người có trách nhiệm đối với sự thịnh suy của Gia Đình.

PHẦN II: TRÌNH BÀY SỨC SỐNG.

Trình bày sức sống là triển lãm để giới thiệu cho mọi người đến xem nội dung, hình thức cùng thành quả sinh hoạt của Gia Đình trong suốt năm qua, do đó phần nầy rất phong phú, đa dạng, nhưng tựu trung gồm có 3 phần:

1. Cắm trại: Theo chủ đề. Ðể cho ngày chu niên được phong phú và lợi ích, mỗi năm Gia Ðình nên chọn cho ngày chu niên một chủ đề ( ví dụ như chu niên của GÐPT Pháp Hoa năm nay mang chủ đề Uống Nước Nhớ Nguồn; Chu niên của GÐPT Quảng Ðức năm nay mang chủ đề Hướng Về Quê Hương…) và mọi nội dung của các hoạt động, tổ chức trong ngày chu niên nên hướng về chủ đề đã được nêu ra.

2. Thi đua: nhằm mục đích khích lệ tinh thần tu học và tạo sinh khí trong sinh hoạt

–      Tùy theo phái tính, hạng tuổi và thời điểm tổ chức mà đề ra các bộ môn thi đua cho phù hợp.

–      Phát động rầm rộ và khuyến khích mọi người cùng tham dự. Cuộc chơi chỉ thật vui khi được tất cả mọi người cùng tham gia và nhiệt tình hưởng ứng.

–      Công bố tiêu chuẩn thi thật rõ ràng, chấm điểm công bình, hợp lý.

–      Nên phát động thi đua trước Lễ Chu Niên ít nhất là 3 tháng (để kịp tổng kết, phát thưởng và triển lãm trong Lễ Chu Niên).

Một số gợi ý:

–      Với Ngành Oanh Vũ: Thi đua làm việc thiện, thi đua báo hiếu, thi đua thực hành 3 điều luật, thi đua học giỏi, thi vẽ, viết văn, đố vui để học, làm lồng đèn trung thu, xếp giấy thành hình thú vật (để trang trí) và các bộ môn thủ công khác.

–      Với Ngành Thiếu: Thi đua về kỷ thuật trại, vẽ mẫu cổng trại, thực hiện mô hình, sa bàn, thi vẽ mẫu phù hiệu trại, báo tường, viết văn, làm thủ công, hoa vải, hoa giấy, cắm hoa, gói quà, điêu khắc, hội hoạ, chụp ảnh nghệ thuật, thi đua làm công tác từ thiện, xã hội, bảo vệ môi trường…

–      Với Thiếu Nữ: Thi đua về nữ công ( như thêu huy hiệu Hoa Sen, thêu mẫu phù hiệu, cấp hiệu, bảng tên, cờ lưu niệm, may đồng phục, đan áo… ) và gia chánh…

3. Triển lãm: Được trưng bày suốt ngày tại khu vực trại hay ở Đoàn Quán Gia Đình (nơi sẽ được tổ chức Lễ Kỷ Niệm) để quý vị trong Giáo Hội, quý Phụ Huynh và Quan khách đến xem.

Các hiện vật có thể dùng để trưng bày, triển lãm như:

–    Hình ảnh sinh hoạt.

–     Các bảng thống kê, biểu đồ thành tích sinh hoạt.

–     Học cụ, trợ huấn cụ (như các bảng gút, morse, dấu đi đường… )

–     Kỷ thuật trại.

–     Mô hình trại, mô hình cổng trại, mô hình chùa, công viên, khu phố, mô hình đoàn quán Gia Ðình.

–     Vật lưu niệm.

–     Cờ lưu niệm.

–     Tặng vật ( như cup tranh giải thể thao… )

–     Các vật thủ công do các em thực hiện trong thi đua.

–     Điêu khắc, tranh ảnh nghệ thuật, hội hoạ…

–     Bánh mức, thức ăn do lớp gia chánh thực hiện.

–     Các mẫu đồng phục, may, đan, thêu thùa do lớp nữ công thực hiện.

–     Sách báo, Kỷ Yếu…

–     Tranh vẽ.

–     Báo tường.

PHẦN III: LỄ KỶ NIỆM.

Lễ Kỷ Niệm là phần chính thức, được tổ chức trong ngày chu niên Gia Đình. Chương trình buổi lễ gồm các chi tiết sau đây:

–      Cung nghinh chư Tôn đức giáo phẩm.

–      Tiếp đón quan khách.

–      Lời chào mừng của Ban Tổ Chức.

–      Tuyên bố lý do buổi lễ.

–      Thông qua chương trình.

–      Giới thiệu thành phần tham dự.

–      Lễ chào cờ và tưởng niệm chư Thánh Tử Đạo, chư Trưởng lão tiền bối hữu công sáng lập, chư Gia Trưởng, Bảo trợ, chư Huynh Trưởng, Đoàn viên quá vãng. (Khi chào cờ chỉ cần hát bài ca chính thức là đủ).

–      Diễn văn khai mạc của Bác Gia Trưởng.

–      Tường trình tổng kết thành quả sinh hoạt trong năm qua (Huynh Trưởng Liên Đoàn Trưởng).

–      Phát biểu cảm tưởng của đại diện Phụ huynh.

–      Chúc từ của các đơn vị bạn.

–      Cảm từ của Ban Bảo Trợ.

–      Khuyến từ của Ban Đại Diện Miền.

–      Huấn từ của Ban Hướng Dẫn.

–      Giáo từ của Thầy Cô Cố Vấn Giáo Hạnh.

–      Đạo từ của chư Tôn đức chứnh minh.

–      Phát phần thưởng cho Huynh Trưởng, Đoàn Sinh xuất sắc, phát thưởng thi đua.

–   Chụp hình lưu niệm toàn Gia Đình. Có thể chụp trước hoặc sau buổi lễ. Khi chụp hình nên thông báo trước để mọi người chuẩn bị y phục chỉnh tề và có mặt đông đủ.

PHẦN IV: LIÊN HOAN, VĂN NGHỆ:

Phần nầy được tổ chức cùng Lễ Kỷ Niệm.

1. Phần văn nghệ:

–      Nội dung cố gắng trình bày cho được mục đích giáo dục của tổ chức GĐPT.

–      Khuyến khích tự biên tự diễn để phát triển óc sáng tạo của các em.

–      Nên đặt trọng tâm ở Ngành Oanh và Ngành Thiếu.

–      Tiết mục có nhiều diễn viên vẫn tốt hơn tiết mục chỉ có một diễn viên.

–      Chú ý ở phần tổng dợt để kịp thời loại bỏ những sai sót ngoài ý muốn.

2. Phần liên hoan:

Tùy hoàn cảnh tổ chức, có thể là tiệc trà và ăn bánh ngọt (trong lúc xem văn nghệ?), một nồi chè hay một bữa cơm chay chung cho tất mọi người.

Cuối chương trình đừng quên phần Lời Cảm Tạ của Ban Tổ Chức.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb