Ý Nghĩa CỜ PHẬT GIÁO

Ý nghĩa CỜ PHẬT GIÁO

( Bài soạn lại cho Chương trình Tu học Bậc KIÊN )

LỊCH SỬ LÁ CỜ PHẬT GIÁO:

Từ xa xưa, các tổ chức Phật giáo chưa có lá cờ để dùng làm biểu tượng chung. Mãi cho đến năm 1885, có một người Mỹ tên HENRY STEEL OLCOTT đã dựa vào ý nghĩa giáo lý mà Ðức Thế Tôn tuyên thuyết để phát họa nên lá cờ năm sắc. Lá cờ nầy sau đó, năm 1889 được Giáo hội Tăng Già Tích Lan chọn làm biểu tượng cho Giáo Hội Phật giáo Tích Lan.

Năm 1950, Hội Tăng Già Bắc Việt cử Thiền sư Tố Liên (vào lúc đó đang trú trì chùa Quán Sứ, Hà Nội) làm Trưởng phái đoàn (và ông Phạm Chữ, công chức Bộ Ngoại Giao Việt Nam tháp tùng, làm Thông dịch viên), cùng 26 phái đoàn đại diện cho các nước Phật giáo tham dự hội nghị thành lập Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới (World Fellowship of Buddhism) được tổ chức lần đầu tiên tại thủ đô Colombo, Tích Lan từ ngày 25/5 đến 27/6/1950. Tổ chức nầy đã công nhận lá cờ của Phật giáo Tích Lan làm biểu tượng chung cho Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới.

Tại Việt Nam, trong phong trào chấn hưng Phật giáo, 6 phái đoàn gồm Tăng già và Cư sĩ đại diện cho Phật giáo đồ Trung, Nam, Bắc, nhóm họp tại Chùa Từ Ðàm, Huế từ ngày 06/5 đến ngày 09/5/1951 để thống nhất Phật giáo trong cả nước, thành lập nên Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Tại hội nghị nầy, lá cờ của Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế Giới được công nhận làm lá cờ (Giáo kỳ) của Phật giáo Việt Nam.

Trong Hiến Chương được công bố ngày 04/1/1964 (tức ngày 20/11 âm lịch Pl.2507) thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lá cờ nầy được dùng làm giáo kỳ của GHPGVNTN.

Ý NGHĨA LÁ CỜ PHẬT GIÁO:

VỀ PHẬT PHÁP:

Lá cờ Phật giáo tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ của Chư Phật. Khi Ðức Thế Tôn thuyết pháp, trên đỉnh đầu phát ra hào quang năm sắc: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam.

Năm màu sắc trên lá cờ Phật giáo tượng trưng cho Ngũ Căn, là một phần trong 37 phẩm trợ đạo.

Tại sao gọi là căn? Căn là những gì có khả năng sinh ra, tăng lên hay phát triển gọi là căn.

Ngũ Căn (The five spiritual organs or positive agents) là 5 điều căn bản có năng lực phát sinh ra các thiện pháp đưa đến an lạc, giải thoát, niết bàn.

Ngũ Căn gồm có:

  1. Ðịnh căn: (màu Xanh-Visionary meditation): chuyên tâm vào pháp môn đang hành trì, tu tập. Không để bị loạn tưởng, tạp niệm chi phối.
  2. Niệm căn: (màu Vàng-Memory): luôn nhớ nghĩ đến chánh pháp.
  3. Tấn căn: (màu Ðỏ-Energy): siêng năng, tinh tấn tu tập, thực hành chánh pháp. Không làm biếng, thối thất, giải đãi.
  4. Tín căn: (màu Trắng-Faith): một lòng tin tưởng Tam Bảo, tin tưởng vào giáo pháp mà Ðức Phật truyền dạy có khả năng diệt được phiền não, khổ đau, đưa đến an vui, giải thoát.
  5. Huệ căn: (màu Cam-Wisdom): dùng lý trí sáng suốt để suy xét, tỏ ngộ chân lý.

Khi Ngũ Căn tăng trưởng sẽ phát sinh ra Ngũ Lực (Five powers or faculties) là năm sức mạnh giúp người tu hành vượt qua được tất cả mọi chướng ngại, đạt đến kết quả, cứu cánh giải thoát, an vui.

Ngũ Lực gồm có:

  1. Ðịnh lực: (force of concentration of mind or meditation). Khi định căn tăng trưởng có năng lực phá tan mọi vọng tưởng, điên đảo.
  2. Niệm lực: (force of mindfulness). Khi niệm căn tăng trưởng có năng lực phá tan tà niệm.
  3. Tấn lực: (force of energy). Khi tấn căn tăng trưởng có năng lực phá được sự lười biếng, giải đãi, thối thất.
  4. Tín lực: (force of  faith). Khi tín căn tăng trưởng có năng lực phá tan sự mê tín, dị đoan, tà ngụy.
  5. Huệ lực: (force of wisdom). Khi huệ căn tăng trưởng có năng lực phá tan sự u tối, ngu si, mê hoặc, nghi ngờ.

Riêng màu tổng hợp mang ý nghĩa là Ngũ căn và Ngũ lực không thể tách rời. Từ mười phần căn bản nầy mà các thiện pháp được sinh ra, có năng lực đưa một người từ phàm phu trở thành thánh nhân, xuất thế, giải thoát.

VỀ THẾ PHÁP:

Năm màu trên lá cờ Phật giáo (màu tổng hợp) mang ý nghĩa đoàn kết Phật giáo đồ khắp năm châu thành một khối thống nhất, không phân biệt màu da, chính kiến, chủng tộc, giai cấp hay biên giới quốc gia, để phụng sự chánh pháp. Màu tổng hợp còn tượng trưng cho tinh thần từ bi, bình đẳng, hội nhập, chuyển hóa của Ðạo Phật để làm kiến tạo một thế giới hòa bình, xây dựng một xã hội hài hòa, an vui theo tinh thần Phật giáo.

NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG ÐỐI VỚI LÁ CỜ PHẬT GIÁO:

Lá cờ Phật giáo là biểu tượng tinh thần hòa hợp, thống nhất của Phật giáo đồ trên toàn thế giới dưới ánh sáng trí tuệ từ bi của giáo pháp mà Ðức Thế Tôn truyền dạy. Cho nên là Huynh Trưởng GÐPT, chúng ta phải bảo vệ giá trị tinh thần đó cho dù phải hy sinh thân mạng, để lá cờ Phật giáo được tồn tại và mãi mãi tung bay trong gió.

TÂM LỄ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb