Tiểu Sử Cố Huynh Trưởng Cấp Dũng Nguyên Tín Nguyễn Châu

TIỂU SỬ

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVNNGUYÊN TÍN – NGUYỄN CHÂU
(1924 – 2023)

Vụ Trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ.
Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới.
Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam.
Nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Lạt – Tuyên Đức (Lâm Đồng).
——— oOo ———

1. DUYÊN LÀNH THỌ HUYỄN THÂN:

Anh Nguyễn Châu sinh ngày 20 tháng 8 năm Giáp Tý (1924) tại đất Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình thuần lương. Anh là con thứ chín trong gia đình mười anh chị em gồm bốn trai và sáu gái. Thân phụ là Cụ ông Nguyễn Cư, thân mẫu là Cụ bà Nguyễn Thị Tòng. Với tấm lòng hiếu học, nghị lực vươn lên từ nơi làng quê nghèo thiếu thốn về vật chất, anh sớm đã học hành xuất sắc; tuổi ấu thơ được lớn lên trong tình thương đầy ắp của gia đình với cha mẹ và anh chị em đã sớm hàm dưỡng nên tính cách thuần thiện của anh.

Để thuận duyên trong việc học hành, năm 1935 Anh theo Bào huynh vào Huế học trường Quốc Học. Đến năm 1940 đậu thủ khoa trong kỳ tuyển sinh của trường Kỹ Nghệ Thực Hành. Sau 3 năm dùi mài đèn sách, với thiên tư mỹ thuật, điêu khắc, Anh đã tốt nghiệp xuất sắc với tước hiệu Nghệ nhân Trắc họa Đồ bản, được bổ nhiệm về làm việc ở Sở Thủy Nông Đông Dương, Sài Gòn.

Rời gia đình với nổi lòng thương nhớ, hành trang mang theo là tình cảm với nơi chôn nhau cắt rốn, canh cánh bên lòng hiếu đạo chưa tròn, thổn thức tâm can khi khói lửa chiến tranh tàn phá quê hương, song đường mãn phần, anh chị em ly tán, cơ nghiệp gia đình chỉ còn là một gò đất hoang. Chính những nhân duyên này là động lực để Anh vươn lên an thân lập mệnh trong đời sống người Phật Tử chân chính, đóng góp xứng đáng cho đạo pháp, dân tộc và lý tưởng nhà Lam.

Đến năm 1946, Anh về Đà Lạt trong nhân duyên thuyên chuyển công tác và Anh nên gia lập thất. Suốt cuộc đời Anh dốc lòng chu toàn bổn phận, yêu thương, hết lòng nuôi dạy 10 người con 4 trai, 6 gái thành nhân với tâm lành kính tin Tam Bảo.

2. ẢNH HIỆN MỘT ĐÓA HOA LAM:

Vốn thiên tư thuần thiện, chủng tử Bồ-đề vô lượng kiếp huân tu, về Xuân kinh khi tuổi đồng niên, kết duyên Phật Pháp, thắng duyên thành tựu; ngày Rằm vía Phật đản sanh năm 1935, Anh là một trong 52 em Đồng Ấu đầu tiên tại Huế cầm đèn giấy vừa đi vừa hát “vui mừng gặp ngày nay, mùng Tám tháng Tư” trong lễ rước Phật từ chùa Báo Quốc về Diệu Đế. Đây là một mối nhân duyên lành đầu tiên trên con đường tu học và trở thành một Phật Tử thuần thành của anh.

Tháng ngày học tập lập thân, từ Huế đô đến Sài thành, Phật chất không hề phai nhạt, khi về Lâm Viên định cư, Anh tìm về chùa Tỉnh hội Linh Sơn, tham gia Đoàn Nhi Đồng Phật Giáo, đến năm 1949 thì thay đổi thành Gia Đình Phật Hóa Phổ Đà Lạt – Tuyên Đức mà Anh là một trong những thành viên đầu đàn.

Nơi xứ ‘ngàn hoa”, hạt giống lành năm xưa được tưới tẩm nảy mầm qua ấn tích quy y Tam Bảo, Anh phát nguyện nương tựa Phật – Pháp – Tăng, thọ trì năm giới, được Hòa Thượng bổn sư húy thượng Tâm hạ Thị, tự Trí Nghiễm, hiệu Thiện Minh truyền trao giới pháp, ban pháp danh là Nguyên Tín.

Với tinh thần thân cận thiện sĩ, thính văn chánh pháp, như lý tác ý, pháp tùy pháp hành, Anh đã nỗ lực hạ thủ công phu, nhiếp trì pháp môn Tịnh Độ, ngày ba thời sám hối sáu căn, tháng hai kỳ thanh tịnh Bố-tát, phát nguyện trường trai gần 60 năm, lập nguyện Bồ-tát hạnh; thọ Bồ-tát giới tại gia năm 2002 tại Quảng Hương Già Lam, được Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Đàn Đầu thượng Nguyên hạ Mỹ, tự Đức Chơn ban pháp tự Phước Nguyên.

3. TRĂM NĂM CHÍ NGUYỆN VỮNG BỀN

Huynh Trưởng Nguyên Tín – Nguyễn Châu có mặt cùng tình Lam từ những ngày tổ chức phôi thai trong danh xưng Đồng Ấu Phật Tử, Gia Đình Phật Hóa Phổ rồi đến Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Hơn 80 năm son sắc Lam tình, dù có khi cuồng phong thổi rát sức bình sinh nhưng chí nguyện vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, với hạnh nguyện cao khiết, đời sống mẫu mực, nhập thế tinh chuyên nêu rõ hạnh lành, xứng danh Phật Tử, nên năm 1956, Anh được Tổng Hội Phật Giáo Trung Phần trao cấp Tấn trong đợt đầu tiên. Đến năm 1974, được Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tấn phong cấp Dũng. Năm 2004 chính thức được Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chuẩn y đảm trách vai trò Vụ trưởng Gia Đình Phật Tử Vụ, ủy thác trách nhiệm gánh vác sự nghiệp giáo dục các thế hệ thanh, thiếu, đồng niên trưởng thành trong chánh pháp.

Ngọn đèn vô tận đã soi dẫn Lam nghiệp đời Anh. Tùy thuận nhân duyên Huynh Trưởng Nguyên Tín đảm nhận và chu toàn trách nhiệm với dấu ấn: 12 năm Phó trưởng ban, rồi 40 năm Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Lạt – Tuyên Đức, Lâm Đồng; 29 năm làm Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN tại Miền Khuông Việt; tròn 30 năm làm người thuyền trưởng lèo lái con thuyền Lam GĐPTVN đi qua giai đoạn thác ghềnh; 19 năm trong vai trò Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới; 7 năm duy trì pháp lý Vụ Trưởng trong vai trò Trưởng Ban Thường Trực Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Dũng GĐPTVN.

Anh có mặt ở tất cả các kỳ Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN trong vai trò thành viên Ban Tổ Chức, Chủ tọa, Thuyết trình viên của Đại Hội. Đặc biệt là sự đóng góp của Anh đối với hình thức GĐPTVN qua việc hoàn chỉnh hình thức, kỹ thuật, mỹ thuật, ý nghĩa Phật Pháp qua huy hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, kỳ hiệu của tổ chức GĐPTVN. Anh đảm nhận vai trò chủ đầu tư, Trưởng Ban Kiến Thiết, người thiết lập mô hình Trại trường GĐPTVN, biểu tượng thiêng liêng của tổ chức Áo Lam truyền thống.

Từng lớp đàn em trưởng thành qua sự trao truyền của Anh Nguyên Tín trong vai trò: Trại trưởng, Trại phó, Huấn luyện viên các trại từ Tuyết Sơn đến Vạn Hạnh. Anh trao truyền cho đàn em không chỉ là bài học giáo khoa, tinh thần, mà hơn hết là bài học thân giáo, khẩu giáo, ý giáo với nụ cười bao dung, yêu thương, tha thứ. Trong đó không thể không nhắc đến sự kham nhẫn, năng hành của Anh trong vai trò Trại trưởng Trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp III Vạn Hạnh 2/T.Ư trong giai kỳ khó khăn nhất của tổ chức. Với thời gian từ năm 1987 đến năm 2002, Anh un đúc nên một thế hệ Huynh Trưởng trụ cột đang gánh vác Phật sự duy trì mạng mạch GĐPTVN tại các cấp trên thế giới.

Với đôi tay khéo, tâm thuần chân, đời sống thiện lành, chủng tử nhiều đời hiện sinh, Anh đã góp phần trong việc điêu khắc tôn tượng Chư Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng, La Hán, giai thoại thiền…, biểu hiện pháp học, pháp hành qua từng bức phù điêu với họa tiết như tranh thủy mặc, pháp tướng uy nghi, từ bi hiển lộ. Những công trình của Anh được các trú xứ trân trọng giữ gìn tại: Thiền viện Thường Chiếu, Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, Vĩnh Minh Tự Viện, chùa Phật Ân, chùa Viên Minh, Bến Tre.

30 năm gánh vác trọng nhiệm, lèo lái thuyền Lam, lúc khó khăn này khi chướng duyên khác với tâm định tĩnh, đức hạnh cao dày, Anh đã dựng xây nhà Lam vững bền, lấy đời sống thuần chơn làm minh chứng, y chỉ Phật Pháp, mục đích GĐPTVN để hóa giải những nghi kỵ xung quanh. Anh lấy tình thương để hóa giải những nội kết; lấy hỷ xả để ôm ấp đàn em; lấy tùy hỷ để điều hành Phật sự.

Trăm năm chí nguyện vững bền nhưng thân tứ đại theo duyên suy giảm do tuổi hạc đã cao, lúc 13g30′ ngày 11 tháng 4 năm Quý Mão (nhằm ngày 29 tháng 5 năm 2023) sau khi được Thượng Tọa ân sư khai thị, gia quyến niệm Phật trợ duyên, Anh an nhiên xả báo thân, hưởng đại thọ 100 tuổi.

4. SỐNG MÃI TRONG TÌNH LAM GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM:

Công hạnh của Huynh Trưởng Nguyên Tín – Nguyễn Châu được Chư tôn đức Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống, Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, Hội Đồng Giáo Giới GĐPTVN truy tán công đức: “THỊ DANH VI BẤT THỦ”.

Nói về Anh, Thượng Tọa Nguyên Hiền cảm tác: “… Lão đã sống qua nhiều triều đại, trải bao thời cuộc. Duyên lành đã cho lão được gặp Phật Pháp, kính tín Tam Bảo, được đi theo lý tưởng của mình từ những ngày đầu mà tổ chức được thành lập. Lý tưởng của lão cũng đơn sơ thôi, bình dị thôi: ‘Giáo dục thanh thiếu đồng niên trở thành những người công dân tốt của xã hội theo tinh thần Phật Pháp’. Người chọn cho mình một lý tưởng để theo, một lẽ sống để cống hiến, rồi đi theo lý tưởng ấy suốt một đời, từ thuở đồng ấu hoa niên đến trăm năm tùng hạc như lão là hiếm có trên mãnh đất Việt Nam ngàn đời khổ luỵ này…”. Thực vậy, quê hương gầy gộc, dáng Anh cũng gầy; cả một đời tận hiến vì lý tưởng giáo dục con người, xây dựng quê hương tươi đẹp, Anh mãi hiện diện trong tình Lam, trong lý tưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Bởi lẽ, cuộc đời anh gắn bó vẹn nguyên với Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Anh là một phần của lịch sử tổ chức, âm thầm và lặng lẽ; kiên trung và tận tụy. Giờ đây, giữa dòng sinh diệt của thế gian, một nụ Lam chơn thường đang biểu hiện tròn đầy trong anh, trong chị và trong các em một cách bất diệt. Nguyện lực của anh, truyền trao cho đàn em nỗi niềm ước mong sâu sắc: “Yêu thương nhau, cùng tha thứ cho nhau, để hàn gắn những đổ vỡ, tinh tấn tu học, thực hành Bồ-tát hạnh qua việc giữ gìn lý tưởng truyền thống của Gia Đình Phật Tử Việt Nam”.

Trong tâm niệm tưởng kính về Anh, về một người Áo Lam đã đi một cuộc hành trình ngót đầy trăm năm với Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đàn em của Anh nguyện như lời anh dạy mà phụng hành không quên, để Anh mãi còn biểu hiện trong mỗi anh chị em Lam Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên toàn thế giới.

———=oOo=———

NGUỒN GỐC & XUẤT XỨ TÀI LIỆU:Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Dũng GĐPTVN
Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN
Biên soạn.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb