CẢM NIỆM : LỄ TƯỞNG NIỆM ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH MINH CHÂU

CẢM NIỆM

Lễ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu

Chiều Chủ Nhật 16/9/2012

tại Chùa Pháp Bảo Sydney, Úc Đại Lợi


Nam Mô A Di Đà Phật.

Kính bạch Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Viện chủ Chùa Pháp Bảo,

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa Qúy vị quan khách, Qúy Đại diện các cơ quan đoàn thể,

Kính thưa Qúy Đồng hương, Qúy Phật tử,

Kính thưa Qúy Liệt vị,

Trong không khí trang nghiêm, đạo vị, nhiều cảm xúc, chúng con / chúng tôi xin thay mặt toàn thể Lam viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Úc Đại Lợi (GĐPTVN/UĐL), tâm thành đãnh lễ Chư Tôn Đức, kính chào tất cả Qúy vị có mặt trong lễ Tưởng niệm Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu hôm nay, kính chúc Qúy vị được dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc.

Chúng con / chúng tôi xin phép được trình bày sơ lược về tiểu sử và đạo nghiệp của cố Đại Lão Hòa Thượng, thượng Tâm hạ Trí, pháp hiệu Viên Dung, tự Minh Châu, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 43, s/n 20/10/1918 (Mậu Ngọ) tại Quảng Nam, VN, là một trong những thành viên sáng lập tổ chức GĐPTVN từ thập niên 1940 tại Huế, tỉnh Thừa Thiên, mà khởi đầu là tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ.

Hòa Thượng nguyên :

-Tổng Vụ Trưởng Tổng vụ Giáo dục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống  Nhất  trước 1975.

-Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, truớc năm 1975.

-Viện trưởng Học viện PGVN tại Sài Gòn trước năm 1975.

-Trú trì Tổ Đình Tường Vân, một Già Lam u tịch, ngoại ô Thành Phố Huế trước năm 1945.

Ngài đã thuận thế vô thường, an nhiên thâu thần thị tịch vào lúc 9 giờ sáng ngày 01/9/2012 (16/7 Nhâm Thìn) tại Tu Viện Vạn Hạnh Sài Gòn, thọ tuế 95 năm, hạ lạp 70.

Nhớ lại một thời gian dài gần 70 năm về trước, năm 1948, Đại Lão Hòa Thượng thời bấy giờ là một vị Sa Di, chúng tôi là một Đoàn sinh Thiếu niên 15 tuổi, sinh hoạt trong Gia Đình Phật Hóa Phổ Chơn Tri Huế.Tuy mới xuất gia nhưng nhờ lúc còn là cư sĩ, Chú đã có thiên chức thông minh, học rộng, biết nhiều, để tâm nghiên tầm kinh điển … lại nhờ được sự khuyến khích, chấp thuận của Chư Đại Đức Tăng thời bấy giờ, và nghĩ đến sự giáo dục tuổi trẻ là tương lai của Đạo pháp và Dân tộc, Chú đã cùng một số pháp hữu như Quý Chú Thiên Ân, Đức Tâm, Chân Trí nhất là  Bác Tâm Minh Lê Đình Thám cánh chim đầu đàn của Phong trào Thanh niên Phật học Đức Dục năm 1940, đã thành lập một tổ chức lấy tên Gia Đình Phật Hóa Phổ.Nhờ sự giảng dạy Phật pháp của Qúy Thầy, nhờ Tập  “Phật pháp” 4 cấp đầu tiên năm 1948 do Qúy thầy biên soạn, nhờ Qúy Thầy đã hoan hỷ nhận lãnh Cố Vấn Giáo Hạnh tại các đơn vị, hướng dẫn Phật pháp thường xuyên mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tại các Đơn vị nên chúng tôi đã hiểu được một phần Giáo lý Tứ Diệu Đế,  Giáo lý Duyên sinh Vô thường, Giáo lý Thiện Ác Nghiệp báo, dụng công tu tập thực hành 37 phẩm Trợ Đạo …, để quyết vượt thắng mọi chướng ngại nội tâm, ngoại cảnh, dũng tiến trên đường đạo.

Kính thưa Qúy vị,

Liên tưởng đến nhiều năm tháng kể từ 1952, Ngài là vị tăng sĩ đầu tiên xuất dương tu học tại Ấn Độ, tại Đại học Nalanda.Những dấu ấn của Ngài tại Ấn Độ khiến mọi người vị nễ Tu sỹ VN: đậu thủ khoa Cao học Pali và Phật học, là người VN đầu tiên đậu thủ khoa khóa Tiến sỹ tại Ấn Độ và chính Tổng Thống Ấn Độ đến trao bằng và phần thưởng đến Hòa Thượng tại Patna, Bihar ngày 16/12/1958.Luận án tiến sĩ của Hòa Thượng với 5 ngôn ngữ : Việt, Hán, Pali, Sanscrit, Pháp dày hơn 1,000 trang tựa đề “So sánh Trung A Hàm Hán Tạng và Trung bộ kinh Pali Tạng” là đúc kết của công phu tu học nghiên cứu sâu sắc hiện đang được trân trọng giới thiệu tại các thư viện và các nhà sách tại Ấn Độ.

Chúng ta cũng nên biết Nalanda, có nghĩa là truyền thừa trí tuệ, nơi làng của 2 vị đại đệ tử đức Phật là Tôn giả Xá Lợi Phất và Đại hiếu Mục Kiền Liên.

Xưa kia Đại Sư Huyền Trang cũng đã từng học, biện tài số 1, giảng dạy tại Đại Học Nalanda và mang kinh sách về dịch thuật tại Trung Hoa đời Đường, mở ra thời kỳ vàng son Phật pháp.

Tương tự một phần như vậy, Hòa Thượng đứng đầu về học vấn tại đây, đem kinh sách Pali về dịch ra Tạng kinh tiếng Việt.

Kính thưa Qúy vi,

Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu với 95 năm thọ tuế,  70 năm hạ lạp, dầu trải qua bao nhiêu chướng ngại, phiền não bủa vây, ngài luôn mang nguyện lực, thực hành tinh thần giáo lý Vô Lượng Tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”, “Mười điều tâm niệm của Luận Bảo Vương Tam Muội”, lấy Bi TRÍ DŨNG làm châm ngôn trong cuộc sống, và mãi nuôi dưỡng tinh thần thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.Vì thế suốt cuộc đời, ngài luôn luôn giữ thái độ hiền hòa, nhẫn nhục, với thấm nhuần giáo nghĩa ‘Bát phong xuy bất động” Hòa Thượng luôn tự nhủ phải vượt thắng mọi sự đối đải khen, chê, sai, đúng, bỉ thử … mà Phật sự nào nhận lãnh, Ngài cũng tinh tấn hoàn thành viên mãn.Có một lời dạy của Đức Phật Hòa Thượng thường nhắc như thổ lộ tâm sự và quan điểm sống của Ngài : “Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai”.

Hôm nay, trong lễ Tưởng niệm Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu vừa viên tịch ngày 01/9/2012 tại VN, Chư Tôn Đức và Phật tử VN đã mất đi một Thạch trụ già lam,  GĐPTVN đã mất đi một bóng mát che chở, thiếu vắng một vị Thầy kính mến dung dị, hết lòng thương tưởng giáo dục tuổi trẻ GĐPTVN hơn nửa thế kỷ qua.

Thương kính, tiếc thương vị Thầy khả kính, dung dị,  chúng con / chúng tôi nguyện tinh tấn tu học, thực hành lời Phật dạy “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, “Lấy giới luật làm thầy”, “Quay về nương tựa hải đảo tự thân” … luôn y cứ mục đích, châm ngôn, giới hạnh của tổ chức để tu học chuyển hóa thân tâm, tiêu trừ phiền não, sớm quay về bến giác, thoát kiếp sinh tử luân hồi”.Thập kỷ 40, nhờ Chư Tôn Đức Đại Tăng và Hòa Thượng cùng một số Cư Sĩ Phật tử khởi đầu từ thành phố Huế cổ kính tỉnh Thừa thiên, thiết tha với tiền đồ dân tộc và đạo pháp,  đã nhìn xa thấy rộng nên Gia Đình Phật Tử VN mới có mục đích “Đào tạo thanh, thiếu và đồng niên thành Phật tử chân chính.Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”, đã có mặt trên quê hương VN trên 70 năm nay và sau năm 1975, hình ảnh Hoa Sen trắng vô nhiễm biểu trưng GĐPTVN đó đã lan tỏa, hiện diện khắp mọi nơi tại các Châu lục, Quốc gia tại hải ngoại, nơi nào có chùa, có đồng bào Phật tử là nơi đó có bóng dáng Lam hiền, nhẫn nhục, ái ngữ, lợi sanh của GĐPTVN.

Cung tiễn giác linh Ôn Minh Châu mà ngày xưa chúng con / chúng tôi thường gọi  bằng tiếng Chú thân thương, gần gủi.

Ôn cười hiền như Bụt,

Ôn đi ai cũng thương.

Hương ôn tỏa muôn phương,

Lung linh vàng Tâm Phật.

Thời gian còn hay mất,

Ôn thì rảnh Tâm Không.

Cưỡi đại hạc thong dong,

Về Tây phương Tịnh Độ

Bậc xuất trần thố lộ,

Hoan hỷ nụ cười Thiền.

Gieo Bi – Trí mọi miền,

Bồ Tát Thanh Lương Địa.

(Huynh Trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ)

Giờ đây, chúng con / chúng tôi, toàn thể Huynh Trưởng và Đoàn Sinh GĐPTVN trên Thế Giới nói chung, GĐPTVN/UĐL nói riêng, nhất tâm chí thành dâng lời cầu nguyện lên chư Phật mười phương, chư Bồ tát Thánh hiền, Chư Lịch Đại Tổ Sư, thùy từ gia hộ giác linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu Cao Đăng Phật Quốc, và sớm hồi nhập Ta Bà từ bi hoằng khai phổ độ nhất thiết chúng sanh.

Trân trọng,

TM.Lam viên UĐL

H.Tr Nguyên Mẫn Lê Viết Lâm



digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb