PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 34: GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN PHẬT TỬ TRONG XU HƯỚNG TOÀN CẦU HÓA

TÂM MINH

Giáo dục thanh thiếu niên Phật tử trong xu hướng toàn cầu hóa

Vấn đề giáo dục thanh thiếu niên Phật tử, tức tuổi trẻ Phật giáo Việt Nam (PGVN) ở hải ngoại, cũng giống như vấn đề giáo dục tuổi trẻ Phật giáo ở trong nước trong xu hướng “toàn cầu hóa” thật ra không phải là vấn đề mới được đặt ra, mà là một vấn đề thời sự cách đây hơn 30 năm khi Gia đình Phật tử Việt Nam (GĐPT) có mặt tại Hoa kỳ và tại các nước Tây phương như Canada, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Úc-đại-lợi, v.v… mặc dù tuổi trẻ PGVN trong nước có hơi khác với tuổi trẻ PGVN ở hải ngoại một chút.

Những người huynh trưởng trẻ của GĐPT ở hải ngoại, vào độ tuổi 40 hôm nay chính là những người đã xa quê hương từ khi 9, 10 tuổi hay lớn hơn một chút. Bản thân các huynh trưởng ấy có người còn chưa được học về lịch sử nước Việt Nam từ thời Hồng Bàng, chưa biết được rõ ràng về các vị vua thời Đinh, Lê, Lý, Trần, các vua nhà Nguyễn, về anh hùng Nguyễn Huệ, về lịch sử nước nhà giai đoạn 54-75, cả về những giai đoạn lịch sử sáng ngời của dân tộc khi Phật giáo là quốc giáo, v.v… nói gì đến giáo dục văn học sử Việt Nam hay giáo dục Phật giáo! Vì vậy, chương trình tu học của GĐPT từ đó đến nay ngoài những môn học như Phật pháp, hoạt động thanh niên, văn nghệ – giống hệt những môn học truyền thống của GĐPT từ khi còn ở trong nước – còn có thêm môn tiếng Việt (Việt ngữ) bao gồm lịch sử, địa lý, văn học sử, v.v… để các em biết được cội nguồn của ông bà tổ tiên mình, cảnh đẹp của giang sơn gấm vóc, v.v… và những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.

Tuổi trẻ Việt Nam nói chung thích học hỏi cái mới, dễ hội nhập với cái mới, nhưng cũng dễ hư hỏng vì chạy theo những cái mới sai trái, quá khích, phóng đãng, v.v… Vì vậy, tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại có nhiều em rất xuất sắc, rất giỏi, rất thành công, nổi tiếng, giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ, đã trở thành những nhà văn, nhà khoa học, nhà chính trị, v.v… làm rạng rỡ gia đình, dân tộc mình; nhưng hư hỏng, tham gia băng đảng, làm những việc phi pháp làm hại thanh danh người Việt trên đất người cũng không phải là không có! Song song với hải ngoại, trong nước cũng vậy, có những người trẻ rất giỏi, rất anh hùng nhưng cũng có những người rất hư hỏng. Sự thật có phải vì người Việt ở hải ngoại “choáng ngợp” trước tiện nghi vật chất hay người trẻ trong nước choáng ngợp trước sự xa hoa, văn minh khi Việt Nam vừa mở cửa theo “xu hướng toàn cầu hóa” mà quên đi những truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung, của tinh thần giáo dục Phật giáo nói riêng hay không? Xin thưa, không hẳn là như thế!

Nói đến những giá trị truyền thống của văn hóa Phật giáo tức là nói đến những giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam, vì Phật giáo khi được du nhập vào một đất nước nào thì tự nhiên hội nhập ngay vào nền văn hóa và truyền thống của nước ấy. Ví dụ, thử so sánh Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ những điểm tương đồng và dị biệt. Vì Phật giáo ở mỗi nước mang một sắc thái riêng, nhưng lại có chung một lý tưởng giác ngộ và giải thoát, nên qua đó, người ta có thể phân biệt ngay, đó là Phật giáo chứ không phải Cao Đài hay Thiên Chúa giáo… Tương tự như vậy, GĐPT tại Hoa Kỳ cũng mang nét đặc thù riêng, khác với GĐPT ở Pháp, ở Úc, và cũng khác với GĐPT ở trong nước, mặc dù huy hiệu hoa sen trắng và trang phục giống nhau! Và tất nhiên, không ai có thể nhầm lẫn rằng đây là những tổ chức khác nhau được. Sự tương quan giữa những giá trị của văn hóa Phật giáo với các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như thế.

Những phẩm hạnh cao đẹp của một mẫu người lý tưởng như lòng từ bi, đức nhẫn nhục, tâm hiếu hạnh, tinh thần hy sinh và phụng sự tha nhân, v.v… mà kinh điển Phật giáo thường giảng dạy luôn được đề cao trong nền luân lý Việt Nam thông qua những bài ca dao. Những câu tục ngữ phổ biến rộng rãi trong dân gian; không hiếm gì những lời ca dao, tục ngữ chứa đựng nội dung luân lý hay Phật pháp về tinh thần hiếu đạo như:

Tu đâu cho bằng tu nhà,

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.

hay:

Thứ nhất là tu tại gia

Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa

Về đức nhu hòa:

Một sự nhịn bằng chín sự lành

Về lòng vị tha:

Dẫu xây chín bậc phù-đồ

Sao bằng làm phước cứu cho một người.

v.v…

Đó là vì đạo Phật đã đi sâu vào lòng dân chúng Việt Nam đến nỗi có nhiều phong tục, tập quán không còn phân biệt được đâu là Phật pháp hay là nền luân lý Á Đông, thậm chí, có nhiều người còn nhầm lẫn Nho giáo với Phật giáo và Phật giáo với Lão giáo nữa.

Vậy, chúng ta hãy đi sâu vào xem xét một cách cụ thể, khi thanh thiếu niên Việt Nam tiếp xúc với nền văn minh văn hóa Âu Tây, họ đã tiêm nhiễm những điều xấu tốt gì và đã đánh mất đi những truyền thống tốt đẹp nào.

Về hình thức, thời trang (model) được xâm nhập trước nhất và mạnh mẽ nhất. Sau khi Việt Nam “mở cửa”, nhiều thanh niên nam nữ Việt nam đã “học đòi” cách ăn mặc hở hang, lố lăng của những “hippies” nước ngoài, thậm chí đi vào những nơi tôn nghiêm như chùa, đền thờ… mà cũng có thể mặc những “mini jupe” báo hại quý Thầy, quý Sư cô phải “cho mượn” áo tràng để vào chánh điện lạy Phật! Điều rất đáng ngạc nhiên là ngay sau năm 1975, tà áo dài được coi như là “tiểu tư sản”, nữ giáo viên miền Nam đi dạy vẫn còn mặc áo dài là bị phê bình nặng nề. Nhưng sau năm 94, 95 thì sao? Tất cả nữ giáo viên và nữ sinh của các trường đã được mặc áo dài lại. Như vậy đủ thấy những truyền thống tốt đẹp tuy có thể bị bài bác, xuyên tạc bởi những phần tử cực đoan ở một giai đoạn nào đó, nhưng rồi sẽ được phục hồi và tồn tại với thời gian, ngược lại những gì kịch cỡm, nhố nhăng, trước sau gì cũng bị đào thải!

Về tinh thần, những cái “mới” cũng có khác trong nếp sống, trong các mối quan hệ giữa cha mẹ con cái, thầy trò, vợ chồng… Chúng ta có thể nhận ra từ kinh nghiệm thực tế của bản thân và của các em đoàn sinh thanh, thiếu, oanh vũ của chúng ta trong các mối quan hệ bình thường đó.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì theo phong tục tập quán Việt Nam nói chung, trong giáo dục Phật giáo nói riêng, con cái có hiếu với cha mẹ, kính trọng cha mẹ, vâng lời cha mẹ hơn là theo văn hóa phương Tây. Con cái người Việt Nam sống với cha mẹ ít nhất là đến khi có gia đình riêng mới độc lập, tách ra khỏi đại gia đình. Còn ở các nước phương Tây, con cái trên 18 tuổi không phân biệt nam nữ, thường “thoát ly gia đình” sống độc lập với cha mẹ. Điều này có cái hay cũng có cái không hay. Nếu con cái cứ sống bám vào cha mẹ thì cũng mất đi ý chí tự lập. Tuy nhiên phải công nhận trong gia đình Việt Nam theo truyền thống Á Đông, nếp sống chung theo chế độ đại gia đình thì anh chị em gắn bó nhau hơn.

Còn đối với cha mẹ già yếu, nếu theo truyền thống PGVN thì con cái vẫn phụng dưỡng cha mẹ, nhưng những gia đình theo văn minh Âu Mỹ thì gởi cha mẹ vào nhà dưỡng lão, để có tự do cho tiểu gia đình của mình, thỉnh thoảng mới vào thăm viếng, mặc dù cách này tốn kém hơn rất nhiều nhưng họ vẫn chọn.

Nói gần hơn, các em ở độ tuổi oanh vũ của chúng ta, rất giống với người bản xứ, đối với cha mẹ thì xem như bạn bè, có em không biết đi thưa về trình hay chào hỏi bạn bè của ba má. Tất nhiên ở GĐPT, chúng ta có dạy các em rất kỹ về những điều này; chúng ta dạy cho các em hiếu thảo với cha mẹ, chọn ngày truyền thống của oanh vũ GĐPT là Ngày Hiếu, tức là ngày Lễ Vu Lan. Ngay từ tuổi ấu thơ, chúng ta đã dạy các em thực hành hạnh hiếu và phát huy tình gia đình, tình thương yêu ông bà, cha mẹ và anh chị em. Hằng năm, chúng ta đã tổ chức Ngày Mẹ với lễ bông hồng cài áo rất trọng thể, mời phụ huynh các em đến và các em trao tận tay ba mẹ mình những món quà tự tay mình làm với những lời nói lên lòng biết ơn của cha mẹ… Những điều này làm cho các bậc cha mẹ rất cảm động, đặc biệt là những phụ huynh người Mỹ (có những em oanh vũ có cha hay mẹ là ngưòi Mỹ hay Pháp) đánh giá rất cao ngày lễ này… Họ bảo rằng, chưa từng thấy như vậy trong các đoàn thể thanh niên khác.

Ngoài ra, trong các gia đình theo truyền thống Việt Nam, sự giao thiệp của con cái cũng được cha mẹ quan tâm hơn nên tuy không đến nỗi còn có quan niệm “nam nữ thọ thọ bất thân”, nhưng sự giao du giữa bạn trai bạn gái đều phải có sự kiểm soát và hạn chế của cha mẹ, không để các em quá tự do phóng túng như ở những gia đình giáo dục con cái theo “kiểu Mỹ” để rồi các em không may bị vướng vào những quan hệ xấu hay gia nhập các băng đảng mà không biết. Hiện tượng này không chỉ ở hải ngoại mà cả ở trong nước cũng có. Chúng ta dùng chữ “theo kiểu Mỹ” cho dễ hiểu, chứ sự thật, nhiều gia đình người Mỹ rất bảo thủ, rất “xưa” vẫn rất quan tâm theo dõi sự quan hệ bạn bè của con cái họ không khác gì người Việt Nam chúng ta, để tránh những phiền phức lớn do hậu quả việc quan hệ nam nữ không chân chính.

Về mối quan hệ thầy trò ở Mỹ và Việt Nam, nhất là Việt Nam trước 1975, thì thật là hoàn toàn khác biệt. Ở hải ngoại, với những đất nước có nền tự do dân chủ lâu đời, nền giáo dục của họ không khắt khe như quan điểm “quân sư phụ” của nước ta ngày xưa ; quan hệ thầy trò không khác quan hệ bạn bè là mấy! và người học trò ở đây gần như không có dịp nào để bày tỏ lòng biết ơn của mình đến thầy cô giáo. Có người học xong là quên tên thầy cô ngay! Ở Việt Nam, sau 1975 hằng năm có “Ngày thầy cô giáo” là ngày 20/11; vài người cho rằng một năm mà chỉ có một ngày để quan tâm đến thầy cô giáo, đi mua hoa, mua quà tặng thầy cô, những ngày khác không bao giờ nhớ để làm tốt quan hệ thầy trò, e là quá ít chăng? Xin thưa “có còn hơn không”! Trước năm 1975 tuy không có “Ngày thầy cô giáo” nhưng tình cảm thầy trò rất đậm đà. Thầy không tố cáo trò, trò không tố cáo thầy mà thầy luôn coi học trò là “đàn em thân yêu” còn trò coi thầy như cha mẹ, như huynh trưởng. Không chỉ học sinh mà phụ huynh học sinh cũng quí thầy cô giáo của con mình nữa. Sau năm 1975, ngay trên đất nước Việt Nam cũng có chuyện học trò đánh thầy hay cầm dao rượt thầy chạy… Các bạn biết không? Phải chăng đó là ảnh hưởng của nhiều nền văn minh Âu Mỹ đang du nhập vào Việt Nam? Xin thưa, không phải như vậy. Những trường hợp này ở đâu cũng có thể xảy ra, đặc biệt là do cái tâm quá hung hăng, quá nóng nảy, đầy sân hận… chứ không hẳn là do một nền giáo dục sai lầm. Ở Mỹ cách đây không lâu, đã có lần một em bé học sinh đem súng đến trường bắn thầy cô giáo và các bạn, chết hết hơn cả chục người.

Ngoài ra, ở Âu Tây người ta coi trọng đứa trẻ hơn ở Việt Nam mình nhiều. Những gì một đứa trẻ, một học sinh nói, trước hết được coi là sự thật cho nên có nhiều thầy cô giáo cũng như cha mẹ bị học trò hay con cái tố cáo là “quấy nhiễu” (harash) nó, họ có thể bị đưa ra tòa xét xử, thậm chí có thể bị ở tù nếu sau khi điều tra đó là sự thật! Người ta dạy cho đứa trẻ biết rất nhiều cách để thông tin với bên ngoài, học thuộc nhiều số phone để khi hữu sự phải dùng đến. Cách giáo dục này cũng có cái hay là đứa trẻ ở đây khôn lanh hơn trẻ em ở Việt Nam nhưng có cái dở là nếu cha mẹ hay thầy cô giáo làm “mất lòng” nó, nó sẽ đưa họ ra “pháp luật” mà không hiểu hết những hậu quả tai hại do nó gây ra cho những người thân của mình.

Như vậy, bất cứ một nền giáo dục nào, cho dù được gọi là nền giáo dục toàn diện, cũng vẫn có hai tác dụng tích cực và tiêu cực, đó là vì còn tùy theo tính tình, hoàn cảnh… của đối tượng được giáo dục nữa.

Lứa tuổi ngành thanh là lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân nên chúng ta đã tổ chức những buổi hội thảo về “hạnh phúc gia đình” hay về “hôn nhân dị giáo” v.v… cho các em ngành thanh và các huynh trưởng trẻ tham dự. Đó là những vấn đề mà những bậc cha mẹ, những người huynh trưởng cần phải bồi dưỡng cho các em của mình vì gia đình chính là nền tảng của xã hội, của cộng đồng, của tổ chức. Chúng ta phải thấy rằng ở những đất nước tự do, con người được tự do luyến ái, nam nữ bình đẳng, người ta có quyền kết hôn, ly hôn, v.v… bất cứ lúc nào, ở đâu tùy thích. Có những cặp thanh niên vừa kết hôn tháng trước tháng sau ly hôn cũng chẳng sao, luật pháp vẫn tôn trọng ý kiến của họ miễn là có sự đồng ý của đôi bên. Điều này có thể là hay chứ không phải dở, vì cuộc sống đôi lứa có hạnh phúc mới duy trì hôn nhân nếu không thì chỉ là “địa ngục” thôi. Có phải không các bạn?

Tuy nhiên cũng còn tùy theo quan niệm của mỗi người, điều quan trọng là chúng ta phải dạy các em rằng nên thận trọng tối đa trước khi quyết định kết hôn, rằng trong truyền thống Á Đông và theo tinh thần Phật giáo, hôn nhân không phải trò đùa, không phải là chuyện riêng của hai người, mà là chuyện chung của hai họ, không phải tự ý hai người muốn kết là kết, muốn ly là ly! Bởi vậy, hôn nhân của một cặp thanh niên nam nữ Việt Nam không chỉ đơn thuần đưa nhau đến tòa án ký tên là xong, mà còn phải cáo tổ tiên, phải trình diện hai bên cha mẹ, họ hàng bà con và bạn bè… nữa!

Riêng với người huynh trưởng GĐPT chúng ta lại càng phải thận trọng hơn vì nhất cử nhất động của chúng ta đều được đàn em âm thầm chú ý quan sát, thậm chí còn để noi gương hay ngưỡng mộ, hay thất vọng… nữa. Cho nên, chúng ta càng không thể tùy tiện hay xem đó là vấn đề riêng tư của chúng ta, không liên quan gì đến ai được! Đó là chưa nói con cái của hai người có thể sẽ trở thành những chim non, những oanh vũ của GĐPT sau này!

Về hôn nhân dị giáo thì đây là những “trường thiên tiểu thuyết”. Trong GĐPT đã có nhiều trường hợp như vậy, kết quả hay có, dở cũng có. Chúng ta đã tham dự bao nhiêu cuộc hội thảo về vấn đề này rồi mà đến nay vẫn chưa có “đáp số” thỏa đáng!!! Đây quả là vấn đề của duyên nợ, của nghiệp báo lành hay dữ của nhiều đời nhiều kiếp chứ đâu phải hoàn toàn do chúng ta chủ động đâu! Phải chăng vì thế mà người ta thường nói: “Con là nợ, vợ là oan gia, chồng là nghiệp báo”! Cho nên, dù sống trên một xứ sở theo “chủ nghĩa cá nhân”, chúng ta vẫn phải giáo dục con em chúng ta và tự nhắc nhở mình, phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp về quan hệ vợ chồng, đó là thủy chung, nhẫn nhục, hiểu biết và thương yêu.

Về những mối quan hệ bạn bè, bà con và quan hệ giữa chủ nhân và công nhân, v.v… chúng ta có thể bàn chung vào một mục nhưng không phải là không quan trọng vì nó cũng ảnh hưởng lên đời sống hằng ngày của chúng ta không ít. Thời đại “mở cửa” không chỉ đất nước mở cửa, con người cũng “cởi mở” hơn xưa, nhất là những người luôn muốn “chạy theo cái mới”.

Về bạn bè, Ca dao, Tục ngữ ta có câu “thói thường gần mực thì đen, anh em bạn hữu phải nên chọn người” nên phải dạy các em chọn bạn tốt đừng chọn những người bạn có vẻ “sành đời” hơn mình, “văn minh” hơn mình… vì chính họ có thể đưa mình vào con đường xấu như uống rượu, cờ bạc, ma túy, v.v… Thật ra ban đầu đâu có ai biết người bạn thân của mình là “xấu” đâu! Đó là chưa nói nếu ai cũng đòi chọn bạn tốt hết thì những người xấu bị xa lánh, không có bạn bè hay sao? Đức Phật cũng dạy phải quan tâm bạn bè, phải để ý đến ưu điểm của họ vì không có ai hoàn toàn xấu. Tuy nhiên, chúng ta phải tự lượng sức mình, nếu chúng ta có khả năng chuyển hóa được người bạn của mình thì tốt, nếu thấy không những không chuyển hóa được mà còn bị bạn lôi kéo vào những tật xấu thì phải tránh xa!

Đối với các em Oanh vũ thì nhẹ nhàng hơn vì thế giới các em là thế giới tuổi thơ, hầu hết các em đều trong sáng nhưng với các em ngành Thiếu thì rất nghiêm trọng. Tuổi teenagers rất là kinh khủng (terrible teenagers) đối với các bậc phụ huynh. Có nhiều em rất ngoan ở lớp 7 lớp 8 nhưng lên lớp 9 tự nhiên thay đổi, quay một góc 180 độ, không còn thích thú với nhà trường, với sách vở nữa mà học đòi những thói hư tật xấu, giao du với bạn bè “bụi đời”, đi sớm về khuya… cha mẹ không kiểm soát nổi! Phần đông đó là trường hợp con nhà giàu, còn con nhà nghèo, phải vừa học vừa đi làm kiếm tiền ăn học làm sao có thì giờ mà đi hoang. Ở Việt Nam cũng vậy mà ở hải ngoại cũng vậy, hiện tượng “chạy theo cái mới” sống buông thả, bỏ học, bỏ nhà đi rong, dính vào xì ke, ma túy hay băng đảng… hầu hết đều rơi vào con nhà giàu hay con nhà không giàu nhưng được cha mẹ quá nuông chiều, muốn gì được nấy mới sinh ra cái họa này. Vì vậy, việc quan trọng của người Huynh trưởng chúng ta là quan tâm đến các em nhiều và khi thấy có hiện tượng “bạn xấu” nên thông báo cho phụ huynh biết bởi vì chúng ta chỉ gặp các em trong ngày Chủ nhật, làm sao theo dõi, kiểm soát các em như gia đình các em được. Nói cho chính xác, việc chọn bạn bừa bãi không phải do thời thế hay xã hội tạo ra mà do chính bản thân mỗi người, hoàn cảnh xã hội chỉ là những tác động phụ mà thôi. Đối với lứa tuổi thanh, thiếu, cuộc sống có nhiều lúc quá căng thẳng (stress) làm cho các em phải mượn rượu giải sầu, và chính trong những môi trường này (quán rượu, vũ trường, sòng bài…) các em đã gặp phải những người bạn xấu thuộc “xã hội đen” (chữ này chỉ có nghĩa là những thành phần không được lương thiện lắm) đã gây ra rất nhiều phiền não, phức tạp trong cuộc sống.

Nói tóm lại, trước những trào lưu “mới” nhưng không lành mạnh, đầy cạm bẫy đối với lứa tuổi thanh, thiếu niên, chúng ta phải nỗ lực vận dụng từ bi và trí tuệ hay tình thương và sự tỉnh thức để giáo dục, chăm sóc đàn em của chúng ta trong nước cũng như ở hải ngoại, để có thể đề phòng, ngăn chận những làn sóng có tính cách phá hoại, kéo trôi những phẩm chất tốt đẹp và nhận chìm tương lai những con người trẻ mà thiếu kinh nghiệm, thiếu sự quan tâm của người lớn. Tuy nhiên, giáo dục Phật giáo nói chung, giáo dục GĐPT nói riêng quá hạn hẹp về thời gian và phương tiện cho nên vấn đề tự thân vẫn là chính yếu. Đó là lý do chúng ta tích cực trong trách nhiệm của mình nhưng thành công hay không vẫn còn là dấu chấm hỏi.■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb