PHÂT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ : Bài số 25 : TỊNH ĐỘ LÀ ĐÂY

TÂM MINH

Tịnh độ là đây


 

Kính thưa quí vị và các bạn,

Cách đây trên 10 thế kỷ, Lục Tổ Huệ Năng đã giải thích cho đồ chúng của Ngài về cõi Tịnh độ ở Tây phương vì có người thắc mắc rằng: “Chúng con nghe nói dù Tăng hay tục, nếu thường niệm A-di-đà Phật và nguyện vãng sanh Tây phương thì khi lâm chung sẽ được vãng sanh, điều này có thực hay không? Xin Đại sư giải mối nghi cho chúng con”.

Lục Tổ đáp: đức Thế Tôn lúc ở nước Xá-vệ, đã thuyết giảng về Tây phương Cực Lạc để giáo hóa chúng sanh. Kinh văn đã nói rõ ràng, “từ quốc độ này hướng về phương Tây qua 10 vạn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc”. Các ông có biết rằng trừ được 10 điều ác tức là đã đi được 10 vạn ức cõi Phật, diệt được 8 điều tà là đã vượt qua được 8 muôn ức cõi Phật, v.v… hay không? nhưng nếu tu hành với chân tâm thì sẽ đến Tây phương trong chớp mắt! Còn trái lại, nếu các ông không đoạn cái Tâm làm 10 điều ác, thì Phật nào đến đón ông đây!! Cho nên đức Phật mới nói, “Tâm tịnh là Phật độ tịnh”.

Như vậy, từ ngàn xưa, đã có Thiền trong Tịnh độ và Tịnh độ không khác Thiền, chỉ có Tâm chúng ta là phân biệt búa xua, chia chẻ đủ điều rồi khi thì khen Thiền chê Tịnh, khi lại khen Tịnh chê Thiền… loay hoay chọn pháp môn hoài mà cuối cùng không tu theo pháp môn nào cả!! Chỉ hăng say cãi nhau về các pháp môn thôi!☺☺!!

Cụ thể, một vài Anh Chị Em chúng ta chưa hề đọc qua kinh A-di-đà; kinh Pháp Hoa thì có đọc được vài phẩm và có khi không biết kinh Hoa Nghiêm nói cái gì trong đó; vì vậy các huynh trưởng trẻ hôm nay muốn tìm hiểu về kinh A-di-đà, một bộ Kinh mà hầu hết các Chùa đều sử dụng trong buổi công phu chiều.

Xin mời quí vị và các bạn theo dõi với tấm lòng bao dung và chỉ bảo cho những chỗ còn sai sót trong cuộc hội thoại bỏ túi này.

Xin chân thành tri ân.

A: Hôm nay chúng ta tìm hiểu kinh A-di-đà phải không các bạn?

B: Phải đó! Mà các bạn có để ý không? Chương trình tu học Phật pháp của huynh trưởng qua các bậc Kiên, Trì, Định, Lực, đâu có kinh A-di-đà?

C: Ừ, thật lạ quá, hay là chúng ta đọc sót chăng?

A: Không đâu, vì từ bậc Trì trở lên mới có các bộ Kinh; này mình đọc tên các kinh nha: Đại phương tiện Phật báo ân, Thiện Sinh, An ban Thủ Ý, Di Giáo, Bát Đại Nhân Giác, Hiền Nhân, Pháp Bảo Đàn, Thắng Man, Duy-ma-cật, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm, Kim Cang, Hoa Nghiêm, v.v…

B: Có lẽ vì Kinh này đặc biệt, toàn là do đức Phật thuyết từ đầu tới cuối, tôn giả Xá-lợi-phất và đại chúng lắng nghe chứ không hề nêu câu hỏi để đức Phật giải đáp thắc mắc như các Kinh khác.

C: Cũng có thể vì chùa nào cũng tụng kinh A-di-đà trong buổi công phu chiều nên ACE chúng ta ai cũng được nghe, vì vậy không đưa vào chương trình tu học huynh trưởng.

A: Đó là lý do hôm nay chúng ta tìm hiểu về kinh A-di-đà đây nè!

B: Chúng ta cũng đi theo trình tự như một buổi học kinh nha; nghĩa là chúng mình phân công trình bày, giới thiệu từng đoạn kinh cùng với những thắc mắc cũng như những bài học tâm đắc của mình…

C: Đồng ý, bây giờ bạn A bắt đầu đi nha, vì mình chỉ biết sơ sơ không thể bắt đầu giới thiệu bao quát được.

A: Kinh A-di-đà mà chúng ta đang có trong tay là cuốn Kinh phổ biến nhất trong các Chùa, đó là bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva), mở đầu là Kỳ-viên đại hội, giới thiệu đức Phật và thính chúng của Ngài gồm 1250 vị đều là các bậc A-la-hán nổi tiếng. Ngoài ra còn có các vị Bồ-tát, và cả các vị Vua Trời, v.v… đều đến tham dự nghe Kinh.

B: Một điều đáng chú ý là niềm tin vào đức Phật A-di-đà cũng tồn tại trong Mật giáo nữa (có bài chú tên là A-di-đà Như Lai Căn bản Đà-la-ni).

C: Chỉ phần giới thiệu này không thôi, chúng ta đã có biết bao nhiêu bài học rồi, ví dụ về ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên, ngài Ca-diếp…

A: Đúng vậy, nhưng chúng ta đâu có dừng lại như vậy, chúng ta phải giới thiệu tiếp về các phần của Kinh chứ! Phần thứ hai là phần Y báo – Chánh báo; đức Phật mô tả cõi nước Cực Lạc của đức Phật A-di-đà, được trang nghiêm bằng những hồ sen hoa nở đủ màu, rất đẹp; ở đó không có khổ mà chỉ có an lạc và hạnh phúc.

B: Phần thứ ba là Y báo trang nghiêm; phần này mô tả cảnh vật ở cõi Cực Lạc vô cùng thù thắng: Ở cõi Phật đó thường nghe tấu nhạc Trời, và ngày đêm 6 lần có mưa hoa mà hoa tên là Mạn-đà-la. Phần thứ tư là Chánh báo Vô lượng Thù thắng, đức Phật cho biết chúng sanh trong cõi nước đó mỗi buổi sáng sớm đều đi hái những bông hoa tươi đẹp cúng dường vô số Phật ở các thế giới khác, rồi buổi trưa đến giờ ăn thì trở về quốc độ của mình dùng cơm và đi kinh hành.

C: Trong phần trang nghiêm cõi Phật còn có các giống chim quý như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vũ… ngày đêm 6 thời tập họp nhau lại cùng cất tiếng hót; trong âm thanh đó, người ta nghe được những bài Pháp về Năm Căn, Năm Lực, Bảy Bồ-đề phần, Tám Thánh Đạo, v.v… Chúng sanh ở trong quốc độ ấy khi nghe tiếng chim hót liền phát khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng…

A: Điều vi diệu là những loại chim này không phải là súc sanh do nghiệp báo sinh ra vì ở cõi Cực Lạc không có ba đường ác (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) mà chính là do đức A-di-đà biến hóa để diễn nói Pháp Âm.

B: Thiên nhiên (Y báo) ở cõi nước đó gồm những hàng cây báu, những lưới có mắc chuông báu, lay động trước gió phát ra những âm thanh vi diệu, tuyệt vời không khác gì nhạc Trời do thiên thần hòa tấu.

C: Chúng sanh ở cõi Cực Lạc khi nghe được những âm thanh vi diệu ấy liền khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

A: Trong phần Chánh báo vô lượng thù thắng, đức Phật còn dạy rằng số lượng tuổi thọ của đức Như Lai ở cõi nước Cực Lạc cũng như chúng sanh trong cõi nước ấy không thể tính đếm được, vì vậy mà danh hiệu của đức Như Lai ấy là Vô Lượng Thọ.

B: Phần thứ 5 của Kinh là Nhơn Hạnh Vãng Sanh, nghĩa là do nguyên nhân gì mà được vãng sanh về Cực Lạc; đức Phật dạy: Những chúng sanh đã sanh về cõi nước đó đều là những bậc thanh tịnh Bồ-tát không còn thối chuyển, và số lượng những vị ấy rất đông, không thể đếm được, chỉ có thể nói là vô lượng vô biên mà thôi!

C: Đức Phật cũng dạy: nếu có chúng sanh nào nghe nói đến đức Phật A-di-đà mà phát khởi lòng tin, niệm danh hiệu Ngài từ 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, v.v… với nhất tâm bất loạn và khi lâm chung, tâm người ấy không điên đảo thì cũng được vãng sanh về cõi Cực Lạc, có đức Phật A-di-đà đến đón.

A: Phần thứ sáu của Kinh là sáu phương chư Phật đều khuyến tu. Đức Phật cho biết trong khi đức Phật đang tán thán công đức các việc “không thể nghĩ bàn” như thế thì chư Phật ở sáu phương khác (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới) cũng làm như vậy. Nên đức Phật khuyên chúng ta nên tin tưởng vào lời Phật dạy, đừng nên nghi ngờ.

B: Kinh này còn được gọi là “Kinh được tất cả chư Phật hộ niệm” vì bất cứ chúng sanh nào nghe tên Kinh này và danh hiệu của các Như Lai ấy thì sẽ được tất cả chư Phật hộ niệm và đạt được quả vị bất thối chuyển nơi tuệ giác vô thượng.

C: Mình thấy danh hiệu của chư Phật trong Kinh thật là hay và nhiều, hình như đều có ý nghĩa biểu tượng hết; ví dụ ở thế giới phương Tây thì có các đức Phật Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Tướng, Vô Lượng Tràng… phương Trên thì có các đức Phật Hương Thượng, Hương Quang, Phạm Âm, Tú Vương, Như Tu Di Sơn… Nếu chúng ta biết rõ hơn về công hạnh của các đức Phật đó thì hay quá hở các bạn?

A: Nếu vậy thì bạn phải ở lại ít nhất là một kiếp nữa để nghiên cứu đầy đủ về vấn đề bạn muốn biết! Bây giờ mình tiếp tục phần cuối của Kinh là “Thuyết kinh rất khó.” Đức Phật nói: việc mà ta đã làm ở cõi Ta-bà này cũng là một việc khó làm, đó là khi ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà thuyết Pháp khó tin này trong đời ác ngũ trược này (kiếp trược, kiến trược, mạng trược, chúng sanh trược, phiền não trược).

B: Như vậy là chúng mình cũng nắm được đại ý kinh A-di-đà và nội dung qua bảy phần vừa trình bày rồi; từ đây ai hỏi mình có thể nói lại được chứ không để bị bối rối vì chỉ nghe được những câu đức Phật gọi “này Xá-lợi-phất”, “lại nữa Xá-lợi-phất”, v.v… đó nha!

C: Nhưng các Bạn hãy kết luận giùm mình đi: Tịnh độ là đây hay ở phương Tây? Mình rất phân vân vì trong Pháp Bảo Đàn thì chúng ta có thể đến Tây phương Cực Lạc trong chớp mắt còn ở đây thì phải là Bồ-tát bất thối chuyển, tâm hoàn toàn thanh tịnh, không chút nhiễm ô.

A: Thì bạn cứ xem như vấn đề gì cũng có hai mặt: Lý và Sự; khi chưa đủ trình độ để hiểu rốt ráo nghĩa Kinh, chúng ta hãy hiểu phần Lý. Trong cuộc sống đời thường này, thỉnh thoảng bạn cũng có những lúc thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng, nhất là những lúc một mình mình được đối diện với thiên nhiên: trời, biển, núi, cỏ cây, v.v… Bỏ tất cả những lo âu lại phía sau, mình ngắm trăng, sao, mặt trời, núi đồi, nghe chim hót… mình cảm thấy như tan vào không gian rộng lớn, mình với vũ trụ là MỘT và cái cảm giác ấy chính thực “Đây chính là Tịnh độ” – tất nhiên giây phút ấy rất nhanh chóng qua đi để trả lại mình với đời thường, tâm lại bị phiền não làm ô nhiễm… khó thấy Tịnh độ, Tây phương, Cực Lạc được.

B: Ngoài ra, có đôi khi trong cuộc sống, mình đã làm được những “việc thiện to lớn” như thay đổi được cái nhìn của một người nào đó, họ trở nên cởi mở hơn, và từ đó hạnh phúc hơn… họ đến cảm ơn mình. Trong giây phút đó, mình cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn họ nữa, mình mới là người phải cảm ơn. Ngay lúc ấy chính là mình đang sống ở cõi Tây phương Cực Lạc vì Cực Lạc là cực kỳ an lạc, hạnh phúc, phải không các bạn?

C: Mình hiểu rồi, và mình cũng hiểu rằng muốn đến cõi Tây phương Cực Lạc trong nháy mắt thì phải niệm Phật nhất tâm chứ không phải dễ đâu!☺☺!!

A: Như vậy cũng tạm đủ cho buổi hội thoại hôm nay rồi nha! Hẹn gặp lại các bạn! Tạm biệt!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb