“NƯỚC MẮT QUÊ HƯƠNG”

LỜI GIỚI THIỆU : BBT hân hạnh giới thiệu anh TRUNG ĐẠO, trong Ban Biên tập của Trang Nhà Hải Ngoại với Đề tài NƯƠC MẮT QUÊ HƯƠNG. Nội dung nghiên cứu sâu sắc một thực trạng Xã hội có liên quan đến đời sống của mọi người trong đó có Đoàn viên GĐPT chúng ta. Những nhận xét và đề nghị thiết thực rất hửu ích trong việc giáo dục và tu tập. Cụ thể là hành trì giới luật nghiêm minh để thân tâm thường an lạc. Bài viết khá dài nhưng có tác dụng sâu sắc và sẽ mang lại  nhiều lợi lạc cho chúng ta..Xin gởi đến quý anh (chị ) em Lam viên khắp nơi trên Thế giới … cùng thưởng lảm.

“NƯỚC MẮT QUÊ HƯƠNG”

Trung Đạo

Có một người bạn ngoại quốc, sau chuyến đi du lịch dài, thăm viếng các thành phố lớn từ bắc chí nam của Việt Nam trở về, đã “phán” một câu nghe (rất) hết hồn: “Today, Vietnam is a grandiose cabaret” (Việt Nam bây giờ là một quán nhậu vĩ đại). Nhận xét nầy trên một khía cạnh nào đó có phần đúng. Ngày nay, thường vào  buổi chiều, bất luận là ngày đi làm hay cuối tuần, cứ chạy xe qua những con đường trên khắp nẽo quê hương, chỗ nào cũng thấy quán xá mọc lên, đâu đâu cũng thấy có đông người tụ tập để ăn nhậu. Nhớ lại ngày xưa, nhìn vào bàn nhậu chỉ thấy toàn là mấy “hảo hán” thanh niên, họa hoằn lắm mới thấy có mấy “ông già gân” góp mặt. Ngày nay, không có chuyện “biệt đãi, kỳ thị giới tính” như thế nữa, việc nhậu nhẹt đã có sự hiện diện của tất cả mọi thành phần “nam, phụ, lão, ấu” trong xã hội tham dự, và đã lan tràn ra khắp cả nước, từ thành thị cho đến thôn quê, từ nơi rừng núi cao nguyên cho đến đồng bằng. Bây giờ, từ ông già bà cả cho đến đàn bà con gái đều có góp mặt trong bàn nhậu. Thậm chí mấy “đấng thiếu nhi” cũng biết nhậu và nhậu rất “tích cực, nhiệt tình”. Trên đất nước hình chữ S ngày nay, có thể nói chắc rằng ngoại trừ một số rất ít người vì lý do tôn giáo, không đụng đến rượu. Còn lại hầu hết thanh niên đều biết nhậu, có người nhậu vài lần trong tuần, nhưng cũng có người nhậu đủ cả bảy ngày, bất luận là bữa đó có đi làm hay không, chiều hôm đó đang có chuyện vui hay buồn, trời hôm đó đang mưa hay nắng. Chưa bao giờ việc rượu chè, nhậu nhẹt lại phổ biến và có khuynh hướng “trẻ hóa” đến mức báo động như bây giờ. Chưa bao giờ việc ăn nhậu lại được xem như là một nhu cầu bắt buộc, không thể thiếu trong quan hệ giao dịch, quán rượu được xem như là văn phòng để ký kết giao kèo. Thậm chí, trong mọi lãnh vực giao tế, trong quan hệ của mọi thành phần, mọi tổ chức xã hội, ngân sách lúc nào cũng cần phải có một khoảng tiền dùng để “bôi trơn” (tức để nhậu) như trong xã hội bây giờ.

Nhậu ư? Có cả ngàn lý do để nhậu: nhậu để bàn công việc làm ăn, nhậu để “deal” một “phi vụ” nào đó, nhậu vì “trúng mánh”, nhậu vì “bể mánh”, rồi thi đổ, thi hỏng, tiệc tùng, đám hỏi, đám cưới, đám ma, rồi đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, đoàn tụ, chia tay, lên chức, xuống chức, được việc, mất việc, nhậu vì bị “tình phụ”, nhậu vì bị “phụ tình”, nhậu vì vui, nhậu vì buồn, nhậu vì không vui không buồn… Thậm chí, chiều hôm nay “thất nghiệp”, rảnh rỗi, chẳng có việc gì để làm nên nhậu. Cứ như vậy, suốt bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, rượu “vô tư” chảy tràn. Trong chốn ấy, mấy trự bợm nhậu, đệ tử của Lưu Linh thường thích vin vào mấy câu chữ Nho, đại khái như: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” (đàn ông mà không uống rượu giống như cờ không có gió, ủ rũ như gà mắc mưa, gà nuốt dây thun, thứ “đồ gà mái”, là thứ “mụ dùng”, thứ xài không “dzô”), hay “Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm” (rượu vào là “hoành tráng” như hổ vào rừng)… để khích bác, ép uổng nhau “dô, dô…”, “một trăm phần trăm em ơi, một trăm phần trăm…”, “Dụng tửu phá thành sầu” mà, “uống rượu không say nào hay”… Nhưng xin có câu hỏi: Bạn đã có hiểu biết gì về rượu? Bạn có ý thức hết những nguy cơ tiềm ẩn trong việc “dô… dô… một trăm phần trăm” hay chưa???

Hôm nay, lúc “trà dư” (chứ không phải lúc “tửu hậu” à nghen), tôi muốn “tản mạn” đôi điều với bạn về việc uống rượu.

Rượu được mọi người biết đến như một loại thức uống có chứa cồn (alcohol), bao gồm cả bia, rượu thuốc và các loại nước ngọt có pha cồn, trong đó thành phần chính là Êtanol. Ngoài ra còn có một chuỗi dài các dư chất hóa học khác như Metanol (cũng gọi là cồn công nghiệp, được biết dưới tên Wood alcohol, vì phần lớn chất nầy được chiết xuất từ gỗ và các phế phẩm dầu mỏ), Pentanol (Amyl alcohol), Propanol (Glycerol), Butane (Xylitol), Hexane (Mannitol), Cyclohexane (Inositol), Methylcyclohexan (Methol), Furfurol… Nói theo cách thông thường dân dã, người ta gọi chung những thức uống có pha cồn là rượu.

Êtanol, còn có tên gọi khác là cồn, alcohol, hydroxyetan, rượu êtylic, công thức hóa học ghi là C2H5OH hay C2H6O, chất mà chúng ta thường gọi dưới tên phổ thông là rượu, là chất dùng để chế biến thành một thứ thức uống, gây cho con người cảm giác say. Đây là một chất hữu cơ lỏng, trong suốt, có mùi thơm dễ chịu, vị cay nồng, nhẹ hơn nước, dễ bay hơi, dễ cháy, khi cháy không có khói và cho ngọn lửa màu xanh da trời, dễ hòa tan trong nước, có tính sát trùng cao, sôi ở nhiệt độ 78,4°C, tự bốc cháy ở nhiệt độ 425°C (797°F), được chiết xuất từ những loại ngũ cốc có chứa nhiều tinh bột, sau khi đã ủ một thời gian cho lên men qua quá trình chuyển hóa thành đường. Trong công nghệ, người ta có thể chưng cất để tách Êtanol ra khỏi nước, tạo nên sản phẩm có chứa đến 96% Êtanol. Ở các nước tiến bộ, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu thụ, luật pháp quy định phải ghi rõ thành phần (Ingredients) sản phẩm. Bởi vậy, chẳng hạn như trên nhãn được dán bên ngoài chai rượu, khi bạn nhìn thấy có ghi là 39.0% alc/vol (alcohol volume), có nghĩa là rượu trong chai có nồng độ cồn là 39°, hay alcohol chiếm 39% thể tích dung dịch. Khi một lượng nhỏ Êtanol được đưa vào cơ thể có thể là không có hại, nhưng với số lượng lớn Êtanol khi được uống vào, và uống thường xuyên sẽ rất có hại cho cơ thể con người (sẽ nói thêm ở phần sau). Ngoài công dụng dùng làm thức uống, Êtanol còn được sử dụng rất rộng rãi trong công nghiệp và dược phẩm như dùng làm chất tẩy uế, thuốc sát trùng (ta thường gọi là ancol), gel kháng khuẩn, chế biến nước hoa, vẹt ni, sơn, xà phòng, pha chế vào xăng dầu… Nên phân biệt cho kỹ, Êtanol được chế biến để dùng làm thức uống là thứ được chiết xuất từ ngũ cốc (gạo, nếp, bắp…) lên men, tức là rượu tinh chất có thể uống được. Riêng loại Êtynol dùng trong công nghiệp thường được sản xuất bằng phương pháp hóa học từ nguyên liệu dầu mỏ, cỏ và ngay cả chất thải từ nhà hàng, là loại cồn công nghiệp, không thể dùng để uống. Còn lại các dư chất khác (tương tự) có trong rượu như Mêtanol, Furfurol, Propanol… đều là những chất rất độc, không được phép có trong thức uống. Các chất nầy, khi uống với số lượng ít có thể gây nên ngộ độc cấp tính, làm hỏng thị giác, hủy hoại thận, gan và tế bào não, rối loạn tiêu hóa, suy nhược thần kinh… Nếu uống với số lượng nhiều có thể đưa đến đột tử.

Từ ngàn xưa, người dân nước ta đã biết nấu rượu và uống rượu. Tập tục uống rượu đã trở thành một phong tục tập quán không thể thiếu để dùng trong giao tiếp, hội hè, lễ lạc, cưới hỏi, cúng tế, tết nhất… Thành ngữ nước ta có câu: “Vô tửu bất thành lễ” (không có rượu là lễ thiếu đi sự chí thành) đã nói lên điều đó. Ngày nay, rượu đã trở thành một loại thức uống hết sức phổ thông, len lỏi vào mọi “ngóc ngách, hang cùng, ngõ hẻm” của xã hội Việt Nam.

Nhớ lại giai đoạn Pháp thuộc, sau khi đã chiếm xong sáu tỉnh Nam kỳ, đặt nền bảo hộ lên toàn cõi Đông Dương, để dễ bề cai trị, người Pháp đã đầu độc dân ta bằng rượu và thuốc phiện. Để thực hiện chính sách nầy, một mặt họ ngang ngược ra sắc lịnh cấm người dân nước ta nấu rượu, nhưng lại bắt buộc dân chúng phải tiêu thụ thứ rượu do họ sản xuất và độc quyền phân phối. Trong bộ máy chính quyền thời đó, họ lập ra một bộ phận cảnh sát, quan thuế để đi thanh tra xóm làng, kiểm soát hết sức chặt chẽ, bắt và phạt rất nặng những người nấu “rượu lậu”, tức nấu rượu mà không xin phép. Dân ta gọi bọn nầy là “Tây đoan”. Cùng lúc đó, họ lập ra Công ty rượu Đông Dương (Société Francaises des Distilleries de l’Indochine) độc quyền sản xuất, phân phối và thu thuế rượu trên toàn cõi Đông Dương (dân ta gọi thứ rượu nầy là “rượu ty”, tức rượu do công ty của chính phủ bảo hộ sản xuất). Nhà nào muốn làm đại lý phân phối thứ rượu nầy phải xin môn bài của chính phủ, để được cấp một tấm bảng treo trước cửa, trên viết chữ “RA” (Régie d’Achool, Sở Rượu) mới được phép bán. Nhà nước bảo hộ lại căn cứ vào thống kê dân số của từng làng xã rồi chia bình quân số lượng rượu trên đầu người, giao cho quan lại địa phương bắt buộc dân ta phải tiêu thụ theo đúng quy định. Nghe người lớn kể lại rằng, ngày xưa muốn gả con, gia đình phải trình biên lai chứng minh đã mua đủ mười chai “rượu ty” thì mới được tổ chức đám cưới. Qua chính sách nầy, một mặt chính phủ bảo hộ thu được một nguồn lợi béo bở đánh trên thuế rượu. Mặt khác, họ khiến cho tầng lớp thanh niên, là tương lai của đất nước, là rường cột của nước nhà, say sưa trong men rượu, chìm đắm bên bàn đèn thuốc phiện, mất hết ý chí đề kháng chống ngoại xâm. Đây là dã tâm của thực dân Pháp vậy.

Để phản kháng lại chính sách của chính phủ bảo hộ, hơn nữa “rượu ty”, mà phổ biến nhất là hai loại: a-nít (Anises) và áp-xanh (Absinthe), được nấu bằng bắp, mía, có nồng độ thấp và tương đối nhạt, không thích hợp với khẩu vị người dân đã quen với thứ rượu cổ truyền của dân tộc, được nấu từ nếp hay gạo, cho vị cay nồng, có nồng độ cao, uống mau say, rẻ và ngon hơn, dân chúng thôn quê bắt đầu lén lút nấu rượu. Vì là rượu nấu lậu, phân phối “ngoài luồng”, tiêu thụ một cách lén lút, “đâm ngang” mà không đóng thuế, cho nên người Miền Bắc gọi loại rượu nầy là “rượu ngang” (để phân biệt với loại “rượu ty” do Công ty rượu Đông Dương của người Pháp sản xuất). Ở Miền Trung và Miền Nam tình trạng cũng giống y như vậy. Vì khi ủ men hay chưng cất, mùi thơm của bả rượu, hơi rượu lan tỏa rất xa, cho nên để tránh bị bọn “Tây đoan” khám phá, người dân quê chứa rượu trong hũ sành rồi đem dấu trong bụi lùm ngoài đồng, nơi những loại cỏ năng, cỏ lác, cây bần, cây đế… mọc cao lút đầu người. Từ đó, dân Miền Nam gọi loại rượu nầy là “rượu đế”.

Sau hiệp định Genève được ký kết năm 1954, chia đôi đất nước. Với chính sách tiết kiệm lương thực chống đói, chính phủ Miền Bắc cấm người dân nấu rượu. Khẩu hiệu được chính phủ đưa ra lúc đó: “Uống rượu là uống máu đồng bào” để ngăn ngừa việc nấu và tiêu thụ rượu lậu. Trong thời gian kháng chiến và giai đoạn tiếp theo sau đó, chỉ có nhà nước là được quyền sản xuất và phân phối rượu cho công nhân viên chức cũng như để bán cho dân chúng trong các cửa hàng thương nghiệp quốc doanh, cho nên người dân gọi loại rượu do nhà nước sản xuất và phân phối là “rượu quốc doanh”. Nhưng loại rượu nầy cũng được bán hết sức hạn chế, muốn mua phải có điều kiện và với số lượng rất giới hạn. Vì số lượng rượu do cửa hàng thương nghiệp quốc doanh cung cấp không đáp ứng đủ cho nhu cầu, bởi vậy mà người dân quê vẫn tiếp tục nấu rượu lậu và lén lút phân phối, tiêu thụ trong dân chúng. Vì là rượu lậu nên người bán, người mua, người uống đều phải trốn chui trốn nhủi để né tránh thuế vụ, công an cho nên tên gọi “rượu quốc lủi” được ra đời từ đó (để phân biệt với “rượu quốc doanh” do nhà nước phân phối). Trải qua một thời gian dài đất nước chiến tranh, cảm thương cho nỗi nhục nhằn của quê hương và thân phận, những người lính chiến xa nhà gọi những thức uống được xem là “quốc hồn quốc túy” của quê hương (National characteristic national soul) vừa kể trên đây dưới một tên gọi chung là “nước mắt quê hương”. Vì là đồ “nội hóa”, sản xuất theo lối thủ công, vừa có rượu để bán, vừa lấy hèm nuôi heo, phục vụ theo lối tự cung tự cấp, không phải đóng thuế cho nên giá thành của “rượu ngang”, “đế” hay “quốc lủi” hết sức rẻ so với “rượu ty”, “quốc doanh” hay “rượu nhập” (là thứ rượu được nhập cảng từ nước ngoài), và cũng chính vì quá rẻ cho nên được tiêu thụ tràn lan một cách “vô tội vạ”, không ai có thể kiểm soát được.

Ngày xưa ở nước ta, rượu được ủ và nấu theo phương pháp cổ truyền. Tùy theo từng loại rượu, thường được người dân ở thôn quê dùng các thứ nguyên liệu có chứa nhiều tinh bột như nếp bầu, nếp tẻ, nếp cẩm, nếp hương, nếp mù u, nếp mỡ, nếp than, nếp cái hoa vàng, nếp ngự, gạo trắng, gạo tẻ, gạo lức, mầm nếp, lúa mạch… còn người miền núi thì thường dùng gạo nương, bắp, hạt mít, khoai, sắn… đem nấu chín, khi còn ấm đánh cho tơi, sau đó rắc men vào rồi đem ủ kín. Riêng men rượu được chế biến từ các vị thuốc bắc như quế khâu, đại hồi, đinh hương, trần bì, quế chi, trầu hương, nhãn lồng… Rồi tùy theo thời tiết, nguyên liệu nầy được ủ từ vài ngày cho đến vài tuần chờ lên men, sau đó đem vắt lấy nước hay chưng cất theo lối thủ công. Tùy theo từng thứ nguyên liệu mà khi nấu, cho ra thứ nước rượu sủi tăm màu trắng đục, vàng ngà, hơi ngả sang nâu hồng hay trong suốt. Thêm vào đó, mỗi vùng dùng một kỹ thuật riêng, mỗi nhà lại có một “bí quyết gia truyền” để nấu rượu, tạo nên những loại rược đặc biệt nổi tiếng riêng cho từng địa phương, như ở miền Bắc có rượu Thanh Kim (Sapa), rượu Làng Vân (Hà Nội), rượu Kim Sơn (Ninh Bình)… Miền Trung có rượu Kim Long (Quảng Trị), rượu Đá Bạc (Thừa Thiên), rượu Hồng Đào (Quảng Nam), rượu Bầu Đá (Bình Định)… Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì có rượu Gò Đen (Long An), rượu Phú Lễ (Cần Thơ), rượu Xuân Thạnh (Trà Vinh)… Cầu kỳ hơn, có loại rượu được nấu bằng nếp than, sau khi ủ xong vắt lấy nước, rồi đem chôn dưới đất đúng 100 ngày, gọi là rượu Bách Nhật, để dùng trong những dịp trọng đại như cưới hỏi, tết nhất… Nói chung, tất cả những loại rượu vừa kể trên đây thường có nồng độ cồn thay đổi từ 39.0 đến 50.0% alc/vol. Đây là những thứ rượu truyền thống được phổ biến rộng rãi và lâu đời trong nhân gian nước ta. (Nên biết thêm: Bia có nồng độ là 4.5% alc/vol; Bia nhẹ (light beer) là 2.5% alc/vol; rượu Vang, Saké, Champagne… từ 12% – 15% alc/vol; Scotch Whisky, Cognac (Bisquit, Courvoisier, Camus, Dubouche, Hennessy, Martell, Rémy Martin, Armagnac…), Vodka, Rum, Gin… có nồng độ cồn khoảng từ 39% – 45% alc/vol).

Những loại rượu vừa kể ở nước ta ngày xưa được tạm xem là chứa ít độc chất, có thể mang lại một vài tác dụng tích cực cho cơ thể, hay không có tác hại nhiều đến sức khoẻ nếu như được uống một cách có chừng mực và không thường xuyên. Nhưng “lợi bất cập hại”, những lợi ích đó chẳng thấm vào đâu so với những tác hại và sự tàn phá của rượu trên cơ thể con người. Có người nói rằng: “Tự tử bằng rượu, cái chết đến từ từ nhưng chết chắc”. Nhưng lại có người không đồng ý như vậy, họ phản bác lại rằng: Cứ uống “vô tư”. Ra nghĩa địa đâu có thấy cái mả nào trên bia ghi là chết vì uống rượu. Đúng vậy, không có cái mả nào ngoài nghĩa trang ghi lý do “dĩ quy tam xích thổ” (xuống ba thước đất) của người dưới mộ là do nhậu nhẹt, nhưng thực tế những cái chết đó hầu hết đều có ít nhiều liên quan đến rượu.

Ai cũng biết “nhậu nhẹt” có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người, nhưng chính vì thiếu hiểu biết một cách thấu đáo, không hiểu cho đến nơi đến chốn, không ý thức hết những tai họa của việc “rượu chè”, thành thử mỗi ngày cứ “vô tư” lai rai, cứ vui với cái “thú đau thương” mà không hề biết e dè, kiêng sợ. Đề cập đến mấy trự “chưa thấy bóng đêm chưa biết sợ ma” nầy, người ta thường ví von bằng câu nói: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Nhưng bạn ơi! đợi cho đến lúc được thấy quan tài thì khi đó e rằng không còn lệ để nhỏ, vì đã quá muộn màng!

Tác dụng của rượu tùy thuộc vào thể trạng và trọng lượng cơ thể mỗi người. Những người trẻ tuổi, do có thể hình nhỏ nên khả năng hóa giải tác dụng của rượu kém hơn người lớn. Lại nữa, khả năng hóa giải rượu trong cơ thể phái Nữ kém hơn phái Nam. Thêm vào đó, vì chưa có kinh nghiệm và thiếu hiểu biết về những tác hại của rượu trên cơ thể con người, nên không biết cân nhắc, kềm chế hành vi của mình, vì thế cho nên khi đã uống rượu thì thường là uống cho đến khi “gục” mới thôi, do vậy mà cơ thể những người trẻ tuổi bị tổn hại nhiều hơn và nặng hơn người đã trưởng thành, những rủi ro từ việc nhậu nhẹt (như bạo hành, sử dụng ma tuý, tình dục bừa bãi, tai nạn giao thông… ) từ đó cũng cao hơn so với người lớn.

Sau khi uống rượu, sẽ có hai hiện tượng sinh lý cùng xảy ra trong cơ thể con người, đó là sự hấp thụ nhanh chóng chất cồn vào máu và sự nỗ lực của cơ thể để đào thải chất cồn ra bên ngoài. Từ lúc bắt đầu tiếp xúc với màng niêm mạc trong vòm miệng, rượu đã được hấp thụ một cách nhanh chóng, 25% ở dạ dày, 70% ở ruột non, và 5% ở các cơ phận khác, để đưa vào máu. Tốc độ hấp thu rượu vào máu nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nồng độ của rượu, lượng thức ăn đang có trong dạ dày (no hay đói), uống riêng hay uống chung với các thứ rượu khác, hoặc với các loại nước có chứa gas, thể trạng của mỗi người… Khoảng chừng 60 phút sau, số lượng rượu uống vào được cơ thể hấp thu hết, rồi theo máu phân tán đến khắp các mô tế bào, cùng các cơ quan nội tạng. Sau đó, rượu được chuyển hóa phần lớn tại gan (90%). Phần còn lại được thải qua các tuyến mồ hôi, hơi thở và thận. Đó là lý do sau khi uống rượu, nước tiểu của người say có mùi rượu, cũng như hơi thở của người say nồng nặc mùi rượu là do vậy.

Nói theo cách nhà quê dân dã, khi ngồi quanh bàn nhậu, người uống rượu ở vào một trong 4 trạng thái, gọi là công, sư, hầu, hợi. Khi uống chút đỉnh, rượu có tác dụng làm tăng hưng phấn và kích thích, do mạch máu ngoại biên giãn nở khiến cho da mặt ửng hồng giống như con công (peacock). Nếu cứ tiếp tục uống, trạng thái hưng phấn sẽ tăng lên, không còn khả năng ức chế, điều phục tâm ý, cho nên trở nên quá khích, thô bạo, dễ gây hấn, hung dữ như con sư tử (lion). Nếu vẫn còn uống thêm, đầu óc sẽ không còn tự chủ được nữa, trí nhớ trở nên mờ nhạt, lẫn lộn, cơ thể dễ mất thăng bằng, cử động vụng về, ý thức trì trệ lúc nhớ lúc quên lẫn lộn, không còn giữ được tư cách, cử chỉ hành động giống như con khỉ (monkey). Còn nếu uống thêm cho đến  lúc “say mèm”, khi đó thần kinh trung ương sẽ bị ức chế hoàn toàn khiến cho mất hẳn ý niệm, các hoạt động của cơ thể đều trong trạng thái vô thức, đầu óc không còn phân biệt được điều thiện ác, phải trái, đúng sai, đẹp xấu, dơ sạch… con người khi đó chẳng khác gì con heo (pig).

Còn “diễn tả” theo “triệu chứng lâm sàng”, tức những gì có thể quan sát được bằng mắt, thì người uống rượu được xếp vào ba giai đoạn sau đây:

–      Say “sơ sơ”, người ta thường nói là “mới ngà ngà”: Da mặt ửng đỏ, người uống có cảm giác hưng phấn, bay bổng.

–      Say “vừa vừa”, ngất ngây, chếnh choáng: Cồn đã tác động đến vùng sâu của hệ thần kinh, gây nên sự trì trệ của não bộ và các giác quan, khả năng nhận xét, ghi nhớ giảm, cử động vụng về, đi đứng lảo đảo dễ té.

–      Say “mèm”: người ta thường gọi là “xỉn”, tức đã quá say. Mất hẳn ý niệm, cơ thể hoạt động trong vô thức, mất dần cảm giác, có thể dẫn đến hôn mê hoàn toàn.

Theo khảo sát khoa học, sau khi uống rượu, tuỳ theo thể trạng của mỗi người và số BAC (tức lượng cồn có trong máu, blood alcohol concentration), cơ thể sẽ có phản ứng như sau:

–     BAC từ 0,03% – 0,12%:

–      Mặt ửng đỏ. Có cảm giác bay bổng

–      Trở nên hưng phấn, khích động, liều lĩnh.

–      Khó tập trung sự chú ý.

–      Khả năng nhận xét, phán đoán giảm dần.

–      Thường suy nghĩ mông lung, mơ mộng.

–      Khó khăn trong các cử động đòi hỏi sự chú ý và khéo léo cao.

  • BAC từ 0,09% – 0,25%:

–      Phản ứng bắt đầu chậm lại.

–      Gặp khó khăn trong nhận thức và ghi nhớ.

–      Vui buồn bất chợt. Khả năng ghi nhận của các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) giảm sút.

–      Buồn nôn; ói mửa; buồn ngủ.

  • BAC từ 0,18% – 0,30%:

–      Mất dần khái niệm và khả năng kiểm soát ý chí, hành vi của mình, lúc tỉnh lúc mê, ý nghĩ trở nên lộn xộn.

–      Thích nói nhiều nhưng không mạch lạc, giọng nói trở nên ngọng nghịu, lè nhè.

–      Hoạt động tay chân trở nên lọng cọng, vụng về, đi đứng lảo đảo, mất thăng bằng, dễ té ngã.

–      Mất cảm giác, khó cảm nhận được sự tiếp xúc ngoài da và ít cảm thấy đau đớn hơn người bình thường.

–      Có cảm xúc cực đoan: dễ nóng giận, gây gổ, hung dữ, hoặc nhút nhát, sợ hãi vu vơ, buồn quá hay vui quá…

  • BAC từ 0,30% – 0,40%:

–      Hành vi trở nên vô thức.

–      Phản ứng tự nhiên của cơ thể giảm mạnh. Đồng tử hầu như không còn phản ứng với ánh sáng.

–      Cảm thấy lạnh. Thân nhiệt xuống dưới mức bình thường (dưới 37°C) do khả năng tự động điều chỉnh nhiệt lượng của cơ thể không còn hiệu lực.

–      Nhịp tim chậm dần. Hơi thở ngắn và yếu. Có thể dẫn tới hôn mê.

  • BAC từ 0,40% – 0,50%: hôn mê, có thể dẫn đến đột tử.
  • Sau cùng, mặc dù Êtanol không phải là thuốc độc, nhưng khi lượng cồn trong máu (BAC) đạt đến mức 0,50%, chắc chắn người uống sẽ “bỏ mạng đương trường” (chết ngay tại chỗ).

Khi đọc đến đây, có thể bạn “mơ hồ” cảm thấy uống rượu có ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ của bạn, nhưng tác hại của rượu trên cơ thể con người cụ thể như thế nào? cơ phận nào bị ảnh hưởng nặng nhất? triệu chứng “lâm sàng”, cách thức “phát hiện”, ngăn ngừa, trị liệu ra sao???

Như bạn đã biết, sau khi uống, chất cồn sẽ được hấp thụ thẳng vào máu, rồi từ đó chuyển đến các mô tế bào và các cơ phận khác trong cơ thể, trong đó có tim, đóng vai trò như một máy bơm và các mạch máu có trách nhiệm chuyển tải. Do đó, khi uống rượu vào, tim mạch là bộ phận bị tác động đầu tiên. Rượu làm cản trở lượng  Oxy do máu cung cấp để nuôi các tế bào. Ở những người uống rượu nhiều và uống thường xuyên, luôn luôn có huyết áp cao hơn, nguy cơ về bệnh tim mạch cũng cao hơn rất nhiều so với những người bình thường.

Bộ phận bị tổn hại kế tiếp là não. Vì máu được tim bơm lên để nuôi các tế bào não, từ đó chất cồn cũng theo máu thâm nhập sâu vào hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương cho não bộ. Những người say rượu, góc nhìn của họ bị thu hẹp, phản xạ của cơ thể cũng chậm lại. Ở người uống rượu thường xuyên, tế bào não bị chết dần, khiến não “teo” lại, làm ảnh hướng đến trí nhớ, nhận thức của các giác quan trong cơ thể cũng theo đó giảm dần. Người nghiện rượu thường phải đối mặt với những chứng bịnh như mất dần trí nhớ, hoang tưởng, động kinh, tâm thần… Các nhà khoa học cho rằng, mỗi một lần say, người uống rượu sẽ bị mất đi khoảng 10 triệu tế bào não.

Kế đến là gan, và đây là cơ phận bị tổn hại nặng nề nhất. Trong cơ thể, gan đóng vai trò như một “nhà máy” để thanh lọc chất độc trong máu. Khi rượu được hấp thu vào máu, 90% chất cồn được chuyển hóa tại gan để trở thành những chất không độc đào thải ra bên ngoài. Rủi ro cho con người, khả năng nầy của gan chỉ được thực hiện khi có mặt của một chất xúc tác được biết dưới tên là NAD (Nicotintamid adenin dinucleotid). Chất nầy do gan tạo ra với một số lượng rất giới hạn, chỉ đủ để hóa giải một lượng rất nhỏ chất cồn trong một thời gian ngắn (khoảng 7g cồn trong 1 giờ, tương đương với 1 ly bia tiêu chuẩn, hay một một chung rượu nhỏ). Do đó, khi số rượu được uống quá nhiều trong một thời gian ngắn, gan không kịp sản xuất đủ lượng NAD để hóa giải chất độc của rượu, khi đó rượu sẽ bị ứ lại, gây tổn thương nặng nề cho gan. Hễ uống rượu càng nhiều và uống càng thường xuyên thì hậu quả để lại trên gan càng thêm nghiêm trọng.

Sự tác hại của rượu trên gan được chia thành 3 giai đoạn:

–      Gan nhiễm mỡ: là tình trạng mỡ tích tụ quanh tế bào gan làm giảm chức năng của gan. Khi đó, chất độc được gan thanh lọc, thay vì hóa giải lại biến thành những mô mỡ, choáng chỗ của tế bào gan, khiến gan sưng lên (fatty liver). Trong giai đoạn đầu tiên nầy, thường không có triệu chứng nào rõ rệt, nhưng lại có thể khám phá một cách dễ dàng, thường là do tình cờ, bằng cách xét nghiệm máu. Ở vào giai đoạn nầy, gan có thể phục hồi hoàn toàn nếu người bịnh chấm dứt ngay việc uống rượu.

–      Viêm gan: rượu bắt đầu xâm nhập, gây hoại tử cho tế bào gan. Giai đoạn nầy cũng chưa có triệu chứng rõ rệt ngoài trừ những rối loạn nhỏ như mệt mỏi, ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu, đau tức vùng hạ sườn phải, đau khớp xương và bắp thịt, ngứa ngáy khắp người… Ngoài cách thử máu thông thường, giai đoạn nầy có thể được khám phá bằng cách siêu âm, hoặc sinh thiết gan. Và nếu ngưng ngay việc uống rượu cũng có thể giúp gan phục hồi được phần nào.

–      Xơ gan: ở giai đoạn đầu, các tế bào gan bắt đầu thay đổi cấu trúc bình thường, trở nên xơ cứng, và dần dần mất hẳn khả năng thanh lọc máu. Vào giai đoạn nầy, bệnh nhân có những triệu chứng lâm sàng rõ rệt như: da vàng và sạm đen, tròng mắt vàng, nước tiểu vàng, cơ thể suy kiệt, xuống cân, biếng ăn, ăn khó tiêu, đi cầu ra máu… Ở giai đoạn nầy, gan vĩnh viễn không còn có thể phục hồi được nữa, việc chữa trị cũng rất khó khăn. Tuy nhiên vẫn có thể hạn chế được những biến chứng gây nguy hiểm đến tánh mạng nếu được điều trị sớm và đúng mức.

Ở giai đoạn muộn hơn, được gọi là ung thư gan. Giai đoạn nầy các khối u phát triển trên nền gan bị xơ lớn dần, đưa đến các biến chứng như xuất huyết nội tạng, đông máu, chân sưng phù, suy thận cấp tính, bụng chướng to, máu nhiễm trùng (do gan không còn khả năng thanh lọc, hóa giải chất độc), ói ra máu, suy kiệt nặng dẫn đến hôn mê… Đến giai đoạn nầy thì kể như thầy thuốc bó tay, vô phương điều trị. Thường bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng trong vòng vài tuần cho đến vài tháng.

Ngoài 3 tác hại chính nêu trên, rượu còn gây ra vô số bệnh tật khác cho cơ thể con người như:

–      Rối loạn tiêu hóa.

–      Tác động tiêu cực đến các vi khuẩn trong đường ruột, làm giảm khả năng hấp thụ Protein, chất béo, Vitamin…

–      Làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể.

–      Suy thận cấp tính.

–      Suy dinh dưỡng.

–      Giảm thị lực, dẫn đến mù lòa.

–      Máu nhiễm độc.

–      Xơ mỡ động mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não…

–      Ung thư vòm miệng; ung thư thực quản; ung thư ruột.

–      Viêm loét dạ dày, tá tràng.

–      Teo tinh hoàn, rối loạn cương dương.

–      Gây ảo giác, hoang tưởng, động kinh, trầm cảm, tâm thần…

–      Co thắt ở ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim

–      Làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, sinh con dị dạng, trí óc đần độn, èo uột khó nuôi…

Phần trên đây là nói rõ về cái hại của rượu đối với cơ thể. Nhưng nếu khi đi tham dự tiệc tùng, đám cưới hay lễ lạc… bạn biết chắc chắn là không thể từ chối mà phải “cụng ly” vài lần để chung vui với mọi người gọi là “dzúp dzui dzăng nghệ”, hay để giữ phép lịch sự với gia chủ, thì nên ứng dụng những cách sau đây để làm giảm bớt tác hại của rượu trên cơ thể của bạn:

–      Tìm cách “hoãn binh” để có thể uống ở mức độ ít nhất và uống càng chậm chừng nào tốt chừng đó, để giúp gan và thận có đủ thời gian hóa giải và thải chất độc ra khỏi cơ thể. Xin hiến một kế mọn: Khi ly rượu của bạn  được rót đầy, lúc nâng ly, bạn chỉ nên nhấp môi thay vì uống cạn. Vì nếu bạn “uống cạn ly đầy”, người ta sẽ tiếp tục “rót đầy ly cạn”, cho nên nếu bạn chưa uống thì người ta không thể rót tiếp.

–      Không nên uống cho đến lúc say. Phải nhớ là một lúc không được uống quá nhiều, vì lượng cồn đưa vào cơ thể quá nhiều trong cùng một bữa sẽ khiến cho gan và thận bị bắt phải làm việc quá sức.

–      Kiếm chút gì đó “dằn bụng” trước khi uống. Dứt khoát từ chối, không “dzô” khi bụng đang đói. Khi bụng đang trống mà bạn cứ uống “vô tư”, rượu sẽ tiếp xúc trực tiếp trên thành ruột non và dạ dày, hấp thụ thẳng vào máu, “tàn phá” bao tử, gan và thận của bạn một cách “không thương tiếc”.

–      Chỉ nên uống thứ nào một thứ. Không nên uống “hằm bà lằn” nhiều thứ lẫn lộn trong cùng một lúc, nhất là không nên uống “nước mắt quê hương” chung với bia, các loại rượu sủi bọt (Sparkling wine) hay các loại nước ngọt có chứa gas (Carbonated) như Coca Cola, Soda… vì mỗi loại rượu đều có thành phần, nồng độ khác nhau. Uống lẫn lộn sẽ làm tiến độ hấp thu rượu vào máu nhanh hơn, khiến cho bạn mau say và gan khó “xử lý”. Nên biết, đường cũng làm cản trở việc phân huỷ cồn trong cơ thể, cho nên khi uống rượu chung với thức ăn ngọt hay các loại rượu ngọt như Champagne, rượu mùi… cũng sẽ khiến bạn mau say và nhức đầu nhiều hơn.

–      Sau khi uống rượu nêu uống thật nhiều nước, nhất là nước ép trái cây để làm trung hòa lượng cồn trong máu, giúp giải rượu mau hơn. Tránh uống trà cũng như các loại nước ngọt có gas. Cách tốt nhất là vừa uống vừa “chữa lửa” với nước đun sôi để nguội. Việc vừa uống rượu vừa uống nước sẽ giúp làm loãng nồng độ của rượu trong dạ dày và giúp thận đẩy nhanh chất độc ra ngoài.

–      Lúc đang uống rượu và ngay cả sau đó nên ăn thật nhiều rau xanh, trái cây. Tránh uống rượu cùng lúc với ăn quá nhiều chất béo, vì mỡ sẽ khiến cho sự hấp thụ cồn chậm lại, cản trở sự đào thải chất độc ra khỏi cơ thể.

–      Uống ấm tốt hơn là uống lạnh. Khi rượu được làm ấm, một vài chất độc trong rượu sẽ bốc hơi.

–      Không nên uống rượu thuốc cùng lúc với ăn nhiều thứ thức ăn có nguồn gốc từ động vật, vào buổi tối trước khi đi ngủ.

–      Không nên tắm sau khi uống rượu, nhất là trong lúc đang say. Nhiều người lầm tưởng rằng tắm cho dã rượu. Thật ra, tắm ngay sau khi uống quá nhiều rượu sẽ làm tuột huyết áp, giảm thân nhiệt, trụy tim mạch, khiến cho chức năng của gan bị rối loạn và rất dễ đưa đến đột quỵ.

–      Không nên kết hợp việc uống rượu với tình dục (sex). Nhiều người nghĩ rằng rượu làm tăng hưng phấn trong tình dục. Thật sự, rượu kết hợp với sex rất có hại cho tim mạch và dễ đưa đến đột tử. Nên biết, thụ thai trong tình trạng đang say rượu, hoặc người cha hay người mẹ nghiện rượu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi, có nguy cơ đưa đến sẩy thai, sinh con dị dạng, hay khi được sinh ra, cơ thể đứa trẻ sẽ còi cọc, bệnh hoạn, chậm lớn, trí óc đần độn. Những đứa trẻ có cha hay mẹ nghiện rượu thường có nguy cơ mắc bịnh tâm thần rất cao.

–      Sau khi uống rượu, không được tham gia các hoạt động đòi hỏi sự chú ý và kỹ năng cao như lái xe, vận hành máy móc, thể thao dưới nước, sử dụng vũ khí, chất nổ…

–      Đặc biệt, không nên uống rượu cùng lúc với việc sử dụng ma túy và các dược chất kính thích khác, vì khi làm như vậy, rượu và các dược chất sẽ có tác dụng nhanh hơn, gây tổn hại nhiều và nặng hơn đối với cơ thể của bạn.

Bạn nên biết rằng: tốc độ phân hủy cồn thường trong khoảng 1g cồn trên 10kg trọng lượng cơ thể trong thời gian 60 phút. Tốc độ phân hủy nầy không tăng lên do bởi được nhậu thường xuyên. Có những người uống rượu lâu say hơn những người khác chẳng qua vì máu, hệ thống thần kinh, gan, thận… của họ đã được tập cho quen với lượng chất độc cao hơn, nhờ đó họ có thể uống được nhiều và lâu say, nhưng cũng chính điều nầy sẽ tàn phá cơ thể họ một cách trầm trọng hơn, khiến họ chết mau hơn những người khác.

Lượng cồn trong máu được tính bằng miligam cồn có trong 1 gam máu (mg/g). Còn lượng cồn trong hơi thở được tính bằng miligam cồn có trong 1 lít hơi thở. Theo luật giao thông đường bộ Việt Nam hiện nay, để bảo đảm an toàn, người lái xe ôtô không được phép uống (bất kỳ) một giọt rượu nào. Riêng đối với người lái xe gắn máy, nồng độ cồn cho phép phải dưới 50 miligam cồn/100 mililit máu, hoặc phải dưới 0,25 miligam cồn/1 lít khí thở.

Để ước lượng được số rượu uống vào có thể chấp nhận được, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một đơn vị chuẩn có chứa 10 gam cồn. Đơn vị chuẩn nầy được xem là tương đương với 30 ml rượu đế có nồng độ 40% alc/vol, hay 100 ml rượu vang có nồng độ 13,5% alc/vol, hoặc 1 lon bia có dung tích 330 ml. Để đạt được tiêu chuẩn như vừa nói, đàn ông không nên uống quá 2 đơn vị chuẩn trong giờ đầu tiên, và 1 đơn vị chuẩn nữa trong giờ kế tiếp. Còn với phụ nữ, chỉ nên uống 1 đơn vị chuẩn trong giờ đầu tiên và không được uống quá 1 đơn vị chuẩn trong giờ sau đó.

Bạn thân mến, những gì tôi nói với bạn có liên quan đến “phẩm chất sản phẩm” trên đây, cũng chỉ là những điều nằm trong tiêu chuẩn “hồi xưa”, cái thời mà thứ gì cũng sạch (rau sạch, nước sạch, rượu sạch, thịt sạch…) Bây giờ lại có thêm thứ hàng “bẩn”, tức sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm phẩm chất, không an toàn cho người tiêu thụ. Hồi trước, một phần nào đó, người bán còn có lương tâm, người tiêu thụ còn có thể biết được được phẩm chất của từng thứ rượu mà mình chuẩn bị để uống vào người. Nhưng “thời vàng son” đó đã qua lâu rồi. Thực trạng hiện tại nghiêm trọng và thê thảm hơn nhiều, và đây mới chính thực là thảm họa.

Thảm họa đó bắt nguồn từ số lượng men Trung Quốc tuồn vào Việt Nam. Có thể nói, hiện nay hầu hết các lò nấu rượu thủ công trên cả nước đều sử dụng men Trung Quốc để nấu rượu. Đây là loại men sống rất mất vệ sinh và có chứa nhiều thứ vi khuẩn độc hại cho sức khoẻ con người.

Để bạn có cái nhìn đúng đắn về một vấn đề hết sức nghiêm trọng đang xảy ra trên đất nước mình, tôi muốn nói rõ hơn về vấn đề nầy.

Như đã giới thiệu ở phần trước, hồi xưa ở nước ta, trước tiên muốn nấu rượu thì nguyên liệu (nếp, gạo…) phải được nấu chín. Một ang gạo (khoảng 8 kg) đem nấu thành cơm. Lúc còn ấm trộn men (của người mình làm) vào ủ kín, chờ dăm bảy ngày cho lên men. Sau đó đem vắt lấy nước hay chưng cất, thu được 8 lít rượu. Bây giờ, nấu theo kiểu mới mau hơn, lấy được nhiều rượu hơn: đổ nước trực tiếp vào gạo (chứ không phải nấu thành cơm) cho ngập, ngay cả không cần phải vo, vì vo sạch sẽ mất đi nhiều cám, trộn men Trung Quốc vào (một lạng men Trung Quốc chỉ bán với giá 10 ngàn đồng). Ủ xong, đậy kín trong 3 ngày là gạo “sình lên”. Lúc đó mới bỏ vào nồi, đổ thêm nước vào quậy lên rồi đem chưng cất, thu được số lượng rượu cao hơn gấp 3 lần so với cách nấu theo lối cổ truyền trước đây, tha hồ mà kiếm lời. Chưa dừng lại ở đó. Vì hám lợi, những người nấu rượu, bán rượu, còn áp dụng nhiều thủ thuật kinh hoàng nhưng lại hết sức phổ biến như phun phân đạm (phân Urê) để nguyên liệu dậy men mau hơn, hoặc lấy mật mía ủ tiếp vào hèm để chưng cất tiếp, hay dùng thuốc trừ sâu chấm vào, để rượu trở nên trong vắt và tăng nồng độ. Trong khi đang chưng cất, họ có thể đổ thêm cồn công nghiệp vào hèm để thu được nhiều rượu hơn. Thậm chí, khi “hút hàng” (không đủ rượu để bán) họ còn có thể “hô biến” nước lã thành rượu, bằng cách pha nước vào cồn công nghiệp. Làm theo cách nầy sẽ cho ra một thứ nước rượu màu trắng đục. Muốn cho trong, họ nhỏ vào đó vài giọt thuốc trừ sâu, rượu trong bình sẽ trở nên trong vắt. Tiếp theo đó bỏ thêm hương liệu vào để tạo mùi (mùi nếp, mùi dâu, mùi Rum, mùi nho, mùi whisky…), và caramel để tạo màu, sau cùng bỏ thêm vào đó một viên đường hóa học để có thể trịnh trọng phán rằng: “100% rượu được nấu từ nếp nên rất ngọt”, rồi bán cho người tiêu thụ. Có thể nói, hầu hết các thứ rượu bán trong quán nhậu vỉa hè, ven đường đều là “rượu dỏm” được chế biến theo cách vừa kể, hay “có lương tâm hơn” bằng cách pha một phần rượu dỏm vào rượu thiệt. Và để có giá thành “cực” rẻ, dễ tiêu thụ mà lại lời nhiều, cách chế biến nầy đã trở nên “cực kỳ” phổ biến.

Có vô số trường hợp đã xãy ra. Một số người sau khi nhậu cảm thấy lạnh, thân nhiệt giảm đột ngột, nhức đầu dữ dội, nôn mửa, hơi thở chậm và ngắn, hôn mê, và rồi nạn nhân thường bị tử vong (đột tử) sau vài tiếng đồng hồ… Ở nhà quê, người ta thường kết luận là do bị “trúng gió”, và thường đem nạn nhân ra cởi áo để cạo gió. Khi cạo, tạo nên những vệt đỏ bầm, tím sẩm, lại cho rằng là do bị gió thâm nhập nhiều quá. Đây là một sự ngộ nhận hết sức tai hại. Sự thật, chỗ cạo bị đỏ bầm là do chất cồn trong rượu khiến cho các mạch máu giản nở, và khi cạo thì các mạch máu ngoại biên dưới da bị vỡ ra, tạo nên các vết bầm. Tất cả những trường hợp đưa đến ngộ độc, hôn mê hay đột tử vừa kể đều bắt nguồn từ nguyên nhân: trong rượu có quá nhiều Mêtanol. Và cũng xin được nhấn mạnh rằng: lượng Mêtanol khi uống vào nhiều quá, nếu không bỏ mạng ngay tại “đương trường” thì chắc chắn cũng sẽ chết từ từ sau đó, vì Mêtanol thật sự là một chất độc. Khi uống vào, Mêtanol sẽ gây nên tác dụng hết sức nghiêm trọng cho hệ thần kinh, làm teo não, làm hư thần kinh thị giác, rất hại cho tim mạch và mau chóng đưa đến ung thư gan. Ở các nước tân tiến, Mêtanol, Furfurol… là những chất tuyệt đối không được phép có trong thức uống.

Mới đây, ở phần Tin Thế Giới được phổ biến trong báo Việt Luận tại Úc Đại Lợi, số ra ngày 20.12.2011: tại Ấn Độ, trong một ngôi làng nhỏ nghèo nàn tên Sangrampur, nằm cách thành phổ Calcutta chừng 30 km về phía nam, sau một bữa tiệc, có 143 người bị thiệt mạng và mấy chục người khác được khẩn cấp đưa vào bệnh viện. Sau khi xét nghiệm, giới chức có thẩm quyền kết luận là do uống rượu có chứa quá nhiều Mêtanol và các chất hóa học độc hại khác, được người bán thêm vào nhằm làm tăng nồng độ rượu để bán có lời.

Hơn nữa, sự nghiêm trọng của thảm họa còn nằm ở mức độ phổ biến của nó. Thử lấy một địa điểm điển hình: huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Cả huyện có chừng bảy chục (70) lò nấu rượu, trong đó có chừng 10 lò có “công suất” mỗi tuần sản xuất ra 500 lít, nhưng chưa bao giờ có đủ rượu để bán. Tìm đến nguồn gốc, hỏi một người chuyên buôn men rượu từ Trung Quốc về Việt Nam, khu vực bỏ mối của ông trong vùng từ Quảng Bình cho đến Quảng Ngãi. Ông thố lộ : “Mỗi tháng tôi bỏ mối chừng 10 tấn men các loại, từ men rượu nếp cho đến men rượu gạo, rượu sắn, rượu mía… Trong đó, men rượu gạo chiếm khoảng 85%. Cứ một tấn men ủ được chừng trăm tấn hèm và cho ra chừng ba chục tấn rượu sử dụng. Như vậy, riêng khu vực miền Trung từ Quảng Bình vào đến Quảng Ngãi, có ba trăm tấn rượu, số lượng nầy tương đương với 300 ngàn lít. Và tổng cộng có 9 người bỏ mối như tôi, tức có chừng hai triệu bảy trăm ngàn (2,700,000) lít rượu được tiêu thụ ở miền Trung trong mỗi tháng. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì dân mình nghèo, nhiều người thất nghiệp, nên chuyện uống rượu nhiều là chuyện đương nhiên. Có khi như vậy mà hay, uống càng nhiều thì càng mau ngu, mau chết. Khổ quá, ngu khỏi phải đau đầu vì suy nghĩ, chết thì hết khổ, thế thôi”. Ông còn cho biết thêm, số lượng men Trung Quốc tiêu thụ ở miền Nam, nhất là vùng Sài Gòn có thể cao hơn gấp 3 lần ở miền Trung. Qua các “tiết lộ” nầy, nếu chúng ta cộng thêm vào số lượng rượu  do nhà máy của chính quyền ở mỗi tỉnh sản xuất (mà tỉnh nào cũng có) thì con số chính xác sẽ là bao nhiêu???

Theo thống kê của Bộ Y Tế Việt Nam cho biết, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 350 triệu lít rượu (đó là chưa kể đến 2,5 tỷ lít bia), trong đó 90% sản lượng là do nấu thủ công. Trên thế giới, dân Úc là những người lè phè, ham thích nhậu nhẹt, mà nghe nói đến con số vừa kể cũng cảm thấy hết hồn. Tiến sĩ Đàm Viết Cương, Viện trưởng Viện Chiến Lược và Chính Sách Y Tế Việt Nam lại còn cho biết: “Rượu tự nấu, bán với giá rẻ, được 95.7% dân nhậu lựa chọn, ẩn chứa rất nhiều nguy cơ có hại cho sức khoẻ. Nồng độ các chất độc trong rượu tự nấu cao hơn gấp 30-80 lần so với các loại rượu do nhà máy sản xuất”. Xin bạn lưu ý: những “tiết lộ động trời” vừa rồi là do cơ quan chính phủ và người của Nhà nước “bật mí”. Sự thật, con số thực tế và chính xác phải cao hơn rất nhiều. Và bạn thử nghĩ xem: những con số vừa kể có liên quan gì đến thống kê vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố: So với dân số, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người mắc bịnh ung thư gan cao nhất thế giới!

Bây giờ bạn đã thấy chưa? Chính sách ngu dân của người Pháp áp đặt trên đất nước Việt Nam trong thời còn là thuộc địa đã không thành công. Bây giờ, không hiểu sao người Trung Quốc lại dễ dàng áp dụng chính sách ngu dân đó trên đất nước của chúng ta đến như vậy? Và nếu đây không phải là một thảm họa thì nên gọi bằng gì???

Bạn hiền! Phần “luận” về rượu đến đây kể cũng khá đầy đủ và đã quá dài. Bây giờ mình nên nói qua khía cạnh khác: Rượu có liên quan gì đến việc tu học?

Khi đề cập đến sự tu học thì trước tiên phải nói đến Giới luật vì đây là cái gốc. Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật đều được đặt trên nền tảng Giới luật. Tu hành có nhiều cách nhưng nhờ được đặt trên nền tảng giới luật mà Phật sự được thành tựu, từ đó người tu học có thể tiến mau trên con đường giác ngộ và giải thoát. Nếu bạn gặp một người nào đó, họ có thể đạt đến mức vô ngại biện tài, “trên thông thiên văn dưới thông địa lý”, am tường hết thảy mọi pháp môn, thông suốt tất cả mọi kinh điển, nhưng không hiểu gì về giới, không tôn trọng và hành trì giới luật, thì nên biết rằng những điều họ nói chỉ là “nói để mà chơi”, con đường họ đang hướng dẫn, cho dù là có tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tọa thiền… đi chăng nữa cũng chỉ là con đường dẫn vào ma đạo, chứ chắc chắn đó không phải là con đường Phật đạo.

Giới, tiếng Phạm và tiếng Palỵ đều viết là Sĩla, dịch âm là Thi-la, dịch nghĩa là phòng hộ, ngăn ngừa, là những điều răn cấm, được Phật chế định cho người tu học, nhằm ngăn ngừa tội lỗi của thân và tâm. Giới có tính cách cấm đoán, được quy định rõ trong từng bộ Luật mà người thọ nhận không được vi phạm, cho nên thường được gọi chung là Giới cấm

Với hầu hết các tôn giáo có mặt hiện nay, giới luật thường được vị Giáo chủ “phán” ra và tín đồ có bổn phận phải tuân thủ, thi hành. Nhưng với đạo Phật thì khác. Khi còn tại thế, đức Phật không tự mình chế định ra giới luật, mà phải đợi cho đến khi trong hàng ngũ Tăng già có một sự kiện nào đó xảy ra, hay là có người phạm lỗi. Nếu xét thấy việc đó có ảnh hưởng đến sự tu tập, cản trở sự tiến tu trên con đường đi đến giác ngộ, giải thoát của hàng đệ tử, hay có thể tạo nên sự bất hòa, xáo trộn trong tập thể, hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của Tăng đoàn, thì khi đó đức Phật mới quy định ra một giới. Qua sự kiện đó, chúng ta thấy là dựa vào hoàn cảnh thực tế mà đức Phật chế định ra giới luật, chứ giới luật của đạo Phật không được đặt ra do bởi sự mặc khải từ thần thánh, áp đặt từ vị giáo chủ, hay từ ý thức suy luận.

Tóm lại, đức Phật chế định ra giới luật vì 3 mục đính sau đây:

–      Ngăn ngừa điều ác, tăng trưởng căn lành nơi hàng đệ tử để họ có thể tiến dần đến mục đích giác ngộ và giải thoát (chỉ ác trưởng tịnh, phòng hộ căn môn, đoạn trừ phiền não, phòng phi chỉ ác, chỉ ác tác thiện, trưởng dưỡng thiện căn tiến tu đạo nghiệp… đều mang ý nghĩa nầy).

–      Tránh sự cơ hiềm của thế gian.

–      Tạo sự hòa hợp và thanh tịnh, là bản thể của Tăng già (để duy trì mạng mạch Phật pháp).

Đến đây, bạn đã hiểu về mục đích của giới luật rồi. Bây giờ, mình xem thử những giới nào có liên quan đến rượu nhé.

Trước tiên, xin nói về Ngũ giới, bởi lẽ hầu hết Phật tử chúng ta đều đã quy y Tam Bảo và thọ nhận Ngũ giới.

Ngũ giới được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Ưu-bà-tắc-giới, Cận sự luật nghi, Ngũ học xứ, Ngũ đại thí, Thế gian giới, Tại gia giới… Đây là phần cốt lõi của Luật tạng, và là phần căn bản trong tất cả giới luật của đạo Phật, kể cả hai truyền thống Nguyên thủy lẫn Đại thừa.

Trong Ngũ giới, 3 giới đầu để ngăn ngừa sự phạm lỗi của thân, giới thứ 4 để ngăn ngừa sự phạm lỗi của miệng, còn giới thứ 5 để phòng hộ cho 4 giới trước, chung cho cả thân lẫn miệng. Lại nữa, 4 giới đầu không cần phải đợi Phật chế, bản chất của nó đã là ác, tự tánh của nó đã là tội (sát nhân, trộm cắp, tà dâm và vọng ngữ, dù ở đâu cũng được xem là xấu, ác) nên gọi là Tánh giới (thường là những trọng giới trong các bộ Luật). Riêng giới thứ 5, việc uống rượu bản chất của nó chưa phải là xấu, tự tánh của nó chưa phải là ác, nhưng nhằm tránh sự cơ hiềm của người đời và để ngăn ngừa những nguyên nhân có thể đưa đến việc vi phạm trọng giới, nên được gọi là Già giới, còn được gọi dưới nhiều tên khác như: Tức thế cơ hiềm giới, Tân giới, Khách giới, Ly ác giới… (thường là những khinh giới trong các bộ Luật). (Chữ “già” trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là ngăn đón).

Như thế nào gọi là để tránh sự cơ hiềm của người đời và ngăn ngừa những nguyên nhân có thể đưa đến sự vi phạm trọng giới?

Chẳng hạn như trong một buổi tiệc, có vài Huynh Trưởng thách đố nhau uống rượu cho đến say mèm, đầu óc không còn tỉnh táo, ăn nói lỗ mãng, cử chỉ thô tháu, quần áo xốc xếch, đi đứng nghiêng ngả, ói mửa dơ dáy, đánh mất tư cách, oai nghi Huynh Trưởng, khiến cho Phụ huynh coi khinh, các Đạo hữu trong Chùa chê cười, không còn tin tưởng vào đường lối giáo dục của Tổ Chức, không cho con em đến sinh hoạt. Và cũng chính vì đầu óc không còn tỉnh táo, các Huynh Trưởng nầy đã lái xe gây tai nạn chết người, sau đó còn cố nói dối với cảnh sát để chạy tội. Như vậy, rõ ràng chỉ vì say rượu, Huynh Trưởng nầy đã phạm giới nói dối, phạm giới giết người và đã khiến cho người đời coi khinh, chê cười, làm mất thanh danh, uy tín của Gia Đình Phật Tử. Hay là mắc lỗi “nhẹ” hơn, thì hay “huyên thuyên” những chuyện to tát trên trời dưới đất chẳng trúng trật vào đâu. Thông thường, khi đã say thì không còn có thể điều phục tâm ý, do vậy mà người uống rượu thường hay nói nhiều, “Tửu nhập ngôn xuất” mà (Rượu vào lời ra). Và cũng chính vì đầu óc không còn tỉnh táo cho nên thường “líu lo” những điều tầm bậy, trở thành trò cười cho thiên hạ. “Ở đời chẳng biết sợ ai, sợ người say rượu nói dai nói khùng”.

Thêm một chuyện khác: Ngày xưa, có một người tiều phu làm nghề đốn củi. Sau một ngày làm việc trong rừng, buổi chiều người tiều phu trở về nhà. Trên đường về, có một vị ác thần hiện ra đòi lấy mạng. Người tiều phu năn nỉ: xin tha cho tôi, tôi còn mẹ già, còn vợ con phải nuôi nấng. Nếu ngài giết tôi, mẹ và vợ con tôi sẽ chết vì đói. Vị ác thần bèn nói: thôi được, ta tha mạng cho ngươi, nhưng nhà ngươi phải chọn một trong ba điều kiện sau đây: giết mẹ, đốt nhà hoặc là uống rượu. Sau vài phút đắn đo, vì nghĩ rằng việc uống rượu chẳng có hại gì nên người tiều phu xin chọn điều kiện uống rượu. Thế rồi chuyện gì xảy ra sau đó, bạn đoán thử xem! Người tiều phu sau khi uống rượu đến say mèm, về đến nhà bị mẹ và vợ quở trách la rầy, người tiều phu đã không kềm được sự nóng giận, giết mẹ và vợ con, rồi đốt luôn cả nhà của mình. Đó là cái tai hại của việc say rượu.

Đức Phật chế định ra Già giới để ngăn ngừa những nguyên nhân có thể đưa đến sự vi phạm trọng giới và để tránh sự cơ hiềm của thế gian là như thế.

Nói tóm lại, vì hai lý do sau đây: Nhằm bảo toàn hạt giống trí tuệ, và để ngăn ngừa những nguyên nhân có thể đưa đến sự vi phạm những giới khác, mà đức Phật chế định ra giới cấm uống rượu.

Lúc còn đương tại thế, hóa độ cho chúng sanh ở cõi Ta-bà, thường những vấn đề hệ trọng đều được đức Phật lập đi lập lại rất nhiều lần. Việc uống rượu là một thí dụ. Vì sự uống rượu khiến cho con người “mê tâm loạn tánh”, thần trí hôn ám mê muội, ảnh hưởng tiêu cực đến trí tuệ giác ngộ, cản trở cho sự tu tập và thăng tiến tâm linh của hàng đệ tử, cho nên đã được đức Phật đề cập đến rất nhiều lần trong nhiều bộ kinh luận khác nhau, chẳng hạn như:

–      Kinh Thiện Sanh Tử, kinh số 17, Tập 2 Đơn Hành Bản, Trường A Hàm, ghi rằng: Phàm uống rượu có sáu việc nguy hiểm cần phải biết. Những gì là sáu?

  1. Làm tiêu hao tiền bạc.
  2. Đưa đến bệnh hoạn.
  3. Khởi tranh chấp.
  4. Khiến sân hận nhiều.
  5. Mất tiếng tốt.
  6. Hao tổn trí tuệ.

–      Phẩm Thọ Giới, kinh Ưu-bà-tắc giới nói thêm: Nếu có người ưa uống rượu, người ấy hiện đời hay mất của, thâm tâm có nhiều bệnh, thường hay tranh cãi, tiếng xấu đồn xa, hao mòn trí tuệ, tâm không còn biết hổ thẹn, sắc lực xấu xa ốm yếu, thường bị mọi người quở trách chê cười, người thân không muốn thấy, người ấy không thể tu các pháp lành, ấy là ác báo uống rượu hiện tiền, sau khi đã bỏ thân nầy rồi phải ở trong địa ngục, chịu nhiều đói khát, khổ não. Đời sau nếu được thân người, tâm thường tán loạn điên cuồng, không thể kế tục chánh niệm, suy nghĩ pháp lành, vì thế lực nhân duyên ác kia ảnh hướng đến tất cả ngoại vật, tài sản nuôi sống đều hư mục…

Không những ngăn cấm uống rượu, ở Phẩm kinh nầy đức Phật còn khuyên dạy thêm là không nên đến nơi quán rượu; không tự mình bán rượu; không nên kết bạn hay gần gũi người uống rượu.

–      Kinh Phân Biệt Thiện Ác Sở Khởi (Đại chính tân tu, q. 1) có nêu ra 36 lỗi của người say rượu như sau:

  1. Khiến cho con chẳng kính cha mẹ, cha con không có trên dưới.
  2. Nói năng bậy bạ.
  3. Nói lời chia rẽ và nói nhiều.
  4. Tiết lộ hết những điều cơ mật cho người khác biết.
  5. Mắng trời quở đất chẳng biết úy kỵ.
  6. Đánh mất đồ vật, hoặc nằm giữa đường chẳng biết lối về.
  7. Không thể đi đứng đoan chánh.
  8. Ngả tới ngả lui, hoặc rơi vào mương rãnh, hầm hố.
  9. Té lên té xuống vỡ cả mặt mày.

10. Mua bán lầm lộn, gây việc đụng chạm với người.

11. Chẳng biết lo làm ăn, sinh sống.

12. Khiến cho hao tổn tiền của.

13. Chẳng đoái hoài đến sự đói lạnh, thiếu thốn của vợ con.

14. Chẳng kể gì đến luật pháp.

15. Cởi quần cởi áo, thân thể lõa lồ không biết hổ thẹn.

16. Khi vào nhà người lôi kéo phụ nữ, nói bậy nói bạ.

17. Muốn gây gỗ, đánh người bên cạnh.

18. La lối om sòm làm kinh động hàng xóm.

19. Giết càn các loài trùng kiến.

20. Đập phá đồ đạc trong nhà.

21. Không biết suy nghĩ phải trái.

22. Kết bạn với những kẻ ác.

23. Không thể gần gũi người hiền.

24. Say rồi tỉnh dậy thân thể cảm thấy bệnh hoạn.

25. Ói mửa dơ bẩn, vợ con chán ghét.

26. Tâm ý buông lung, không biết phòng hộ.

27. Chẳng kính người hiền, chẳng kính Sa môn.

28. Dâm dật chẳng biết kiêng sợ.

29. Giống như người điên khiến mọi người xa lánh.

30. Giống như xác chết không còn biết gì cả.

31. Thân thể bệnh tật.

32. Trời rồng quỷ thần đều xa lánh.

33. Bạn tốt bỏ đi.

34. Say rượu quậy phá bị chính quyền bắt, hoặc bị đánh đòn.

35. Sau khi chết phải đọa địa ngục, uống nước đồng sôi.

36. Nếu được sanh làm người đầu óc ngu si, đần độn.

Còn trong luật, thì tất cả các giới luật của hàng Tiểu thừa (Ngũ giới, Bát quan trai giới, Sa Di giới, Tỳ-khưu giới… ) đều có giới cấm uống rượu. Riêng với giới luật của Bồ-tát, vì lấy sự thành tựu, lợi ích chúng sanh làm mục đích (nhiếp ích hữu tình giới) cho nên không những cấm uống rượu, giới Bồ-tát (kinh Phạm Võng, kinh Ưu-Bà-Tắc giới… ) còn cấm không cho làm rượu, bán rượu, đến chỗ trà đình tửu điếm (tức chỗ bán rượu, quán nhậu), mời người uống rượu, giao du đi lại với người hay uống rượu…  Tóm lại bốn điều kiện để có thể đưa đến sự phạm giới uống rượu: nhân, duyên, pháp, nghiệp, đều bị cấm chỉ.

Và còn rất nhiều kinh luận khác như: Luật Tứ Phần thì viết: “Rượu có ba mươi sáu lỗi, trước hết bất hiếu với Cha mẹ, không kính Tam bảo, chết rơi vào cảnh băng giá, đọa địa ngục thiêu đốt”. Hơn nữa, còn ghi thêm 10 lỗi của việc uống rượu: nhan sắc xấu xí, thể lực yếu kém, mắt nhìn không rõ, dễ nổi sân nhuế, hủy hoại sự nghiệp, thân thể bệnh tật, gây chuyện đấu tranh kiện tụng, tiếng ác lưu truyền, trí tuệ tổn giảm, sau khi chết bị đọa vào ba đường ác. Đại Trí Độ Luận thì ghi: “Uống rượu có 35 lỗi, trước hết hiện đời đói khát, đời sau không có trí tuệ, thân tâm tối dốt, thật là thuốc độc ở thế gian, ác liệt hơn chất đá độc và lông chim chẫm”…

Qua phần trình bày vừa rồi bạn đã biết, đạo Phật là đạo trí tuệ. Chính nhờ có trí tuệ mà hành giả đạo Phật đạt đến sự an lạc, giác ngộ và giải thoát. Khi uống rượu và nhất là uống thường xuyên, khiến cho sức khoẻ sa sút, đầu óc u mê, trí tuệ hôn ám, cản trở cho việc tu trì và thăng tiến tâm linh, không thể thành tựu tuệ giác. Còn ở hiện tại trong tổ chức GĐPT, việc nhậu nhẹt say sưa không những có hại cho sức khoẻ của cá nhân mình mà còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, làm mất tư cách con người, không còn có thân giáo để hướng dẫn cho các em, không đủ mẫu mực để dạy dỗ cho con cháu, tạo nên gánh nặng cho xã hội. “Một xị dụng phá thành sầu, hai xị mũi chảy đụng râu, ba xị nằm đâu ngủ đó, bốn xị cho chó ăn chè, năm xị làm xe lội nước, sáu xị làm thước đo đường, bảy xị xe chở nhà thương”, người ta thường nói vậy. Nhìn hình ảnh một người uống rượu say, đi đứng xiêu vẹo nghiêng ngả, không còn khả năng phòng hộ căn môn, cử chỉ, ngôn ngữ phóng túng, buông thả, không giữ được tư cách, không còn có oai nghi, những việc độc ác, hư đốn, bại hoại cách mấy cũng dám làm, không có một chút gì biểu hiện là người có tu học. Những hình ảnh đó không thể xảy ra và không thể nào chấp nhận được trong một tổ chức mang mục đích giáo dục thanh thiếu niên như tổ chức Gia Đình Phật Tử, bạn có đồng ý không? Đó là những lý do mà người Phật tử chúng ta không nên uống rượu.

Trên đây là nói về luật, tức những quy định mà người thọ nhận phải tuân thủ, thi hành. Nhưng Phật pháp nhiệm mầu. Bất cứ pháp nào lập ra cũng đều “khế lý, khế cơ”, thích ứng cho từng hoàn cảnh, phù hợp với từng hạng người, chứ giới luật không nhất thiết là “cứng ngắc” đến độ cực đoan, đến nỗi không ai có đủ can đảm để mà thọ nhận, không người nào có đủ khả năng để mà thực hành. Khi đức Phật quy định ra luật, có giới trọng giới khinh, có chỗ nhiều chỗ ít. Tùy theo tâm nguyện và khả năng mà mình phát tâm thọ nhận hành trì, như người có sức mạnh khuân được 20kg thì xin được vác 20kg, người thấy sức khoẻ mình yếu hơn thì nhận vác 10kg hay 5kg. Thêm vào đó, khi ứng dụng, giới luật còn bày ra phương tiện để mang lại nhiều lợi ích cho người thực hành, được gọi là khai, già, trì, phạm.

Vì nói đã dài, nên ở đây chỉ xin được giải thích vắn tắt về chữ Khai. Khai nghĩa là mở ra, cho phép làm. Tuy giới thì cấm làm nhưng lại tùy trường hợp, mở ra phương tiện cho phép làm mà không bị xem là phạm giới. Thí dụ như khi bịnh cần uống thuốc, nhưng thuốc đó phải hòa với rượu, khi đó người uống rượu để chữa bệnh kể như không phạm giới. Đó là đối với người xuất gia. Riêng với người Phật tử tại gia đã thọ Năm giới, có thể được uống rượu trong các dịp vui như tiệc tùng, cưới hỏi, lễ, tết… Việc nầy có thể chấp nhận được mà không kể là phạm giới, miễn là đừng lạm dụng để uống rượu thường xuyên và uống đến say sưa, có hại cho trí óc và sức khoẻ, gây ảnh hưởng đến sự tu học. Như vậy gọi là khai.

Bạn thân mến. Đọc Quy Sơn Cảnh Sách đến đoạn cuối, thấy có câu: “Vì biết rõ cái hại quá lớn, cho nên mới dám cùng nhau khuyên gắng hành trì. Nguyện cho trăm kiếp nghìn đời, sinh ra gặp Pháp cùng người kết thân” (Thậm tri quá hoạn, phương nãi tương khuyến hành trì. Nguyện bách kiếp thiên sanh, xứ xứ đồng vi pháp lữ). Ở đời, đối với người có ít nghị lực, những tật xấu bao giờ cũng có sức cám dỗ khó cưỡng, trong đó nhậu nhẹt là một. Bởi vậy người xưa mới liệt uống rượu vào “bốn món ăn chơi”, tức Tứ đổ tường, gồm: tửu (rượu chè), sắc (gái đẹp), tài (cờ bạc), khí (hút sách), khiến cho tan hoang sự nghiệp, sụp đổ cửa nhà, tan nát gia đình, thân bại danh liệt. Trong giao tiếp hàng ngày, có thể chúng ta thường xuyên tiếp cận với rượu. Nhận thấy việc “dụng tửu phá thành sầu” và cả khi không “phá thành sầu cũng dụng tửu” quả thật là quá tai hại cho sức khoẻ, làm mất nhân cách con người, đưa đến đau khổ cho gia đình, di hại đến con cháu, trở thành tệ nạn trong cộng đồng, tạo nên gánh nặng cho xã hội, cản trở cho sự tu học và thăng tiến tâm linh, tôi muốn chia sẻ những điều hiểu biết về rượu với bạn, với ước mong là bạn hiểu biết thấu đáo, để có ý thức rõ ràng về tai họa của rượu đối với thân tâm mình, từ đó mà tập luyện cho mình một “bản lĩnh” để biết trả lời “KHÔNG” khi có người mời bạn “dô… dô… một trăm phần trăm”. Và khi bạn đã có một “nội lực” vững vàng rồi, khi đó mới mong hướng dẫn lại cho bạn bè, giáo dục cho con cháu, để cùng nhau từ bỏ một tệ đoan, hủ tục có hại cho bản thân, gia đình và xã hội.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb