XÂY DỰNG GIA ĐÌNH

XÂY   DỰNG   GIA   ĐÌNH

———****——–

Gia đình là môi trường hoàn hảo nhất để xây dựng đời sống tình cảm của con người; vậy nên tạo cho gia đinh một không khi đầm ấm hạnh phúc tức cũng là đào tạo nên những con người có trái tim biết yêu thương, biêt trách nhiệm.  Có biêt bao nhiêu gia đình đã là địa ngục trần gian khó thở và khó sống.   Ta quyết phải làm đủ mọi cách cho gia đình ta trở nên  ấm cúng và đầy thương yêu.

Chúng ta biết rằng con người không có tình cảm thì không phải là con người.  Không biết yêu thương cha mẹ mình và anh chị em mình thì sẽ khó mà yêu thương được nhân loại.  Vì vậy cho nên người Phật tử phải áp dụng phương pháp đạo Phật trong sự xây dựng gia đình mình thành một cộng đồng êm ấm và hạnh phúc.  Giáo lý duyên khởi, tứ diệu đế và bát chánh đạo cũng có thể áp dụng rất thích hợp vào đời sống gia đình.  Những Phật tử nào sắp lập gia đình hay vừa mới lập gia đình chớ nên khinh suất trong công trình xây dựng nầy, nếu không muôn tình trạng trở nên khó khăn về sau.

Tôi có người quen mới lập gia đình cách đây bốn năm, anh ây đã có một cháu gái hai tuổi tên là bé Phương.  Là một giáo viên tiểu học, lương tháng không lấy gì làm to, nhưng anh ấy không nghĩ đến cách đổi nghề để làm ra tiền nhiều hơn.  Trái lại anh ấy yêu nghề và quyết tổ chức đời sống gia đình mình theo những nguyên tắc đạo Phật, đem thì giờ và năng lực thực hiện hạnh phúc cá nhân và gia đình theo giáo lý Phật Giáo.  Vợ anh không phải là người sống trầm tĩnh nhiều nội tâm như chồng; Cô ấy còn trẻ mới hai mươi bốn tuổi, rất đảm đương, hoạt bát, ưa chuộng hành động hơn tri thức.  Anh ấy không buộc vợ làm giống như mình; trái lại, anh ây tôn trọng cách sống của vợ và tìm cách bổ túc cho vợ nữa.  Niềm vui của cô vợ không những chỉ là chăm sóc bé Phượng, chăm sóc cửa nhà vườn tược mà còn lo lắng cho các gia đình những trẻ em nghèo trong xóm.  Anh ấy khuyến khích vợ và giúp vợ trong công việc nầy.  Chính vì thái độ ấy của chồng mà cô vợ vừa biết ơn vừa thương kính chồng hơn.

Có một hôm hai vợ chồng bất đồng ý nhau về một chuyện nhỏ liên hệ về giáo dục học đường, cô vợ làm chồng giận vì nói năng vô ý.  Anh ấy biết mình giận nên ra đi bách bộ ngoài bờ sông tới hai giờ đồng hồ.  Trong hai giờ đồng hồ ấy, anh ta tĩnh tâm và thấy đươc rằng lổi của vợ rất nhỏ, so với đức hạnh và con người đẹp đẻ cả tinh thần lẫn thể chất của vợ và anh ấy thấy mình cần phải đem tình thương yêu để sửa chữa lại cái lỗi bé nhỏ của vợ hơn là giận dỗi trẻ con.  Thế là anh ấy về nhà với tâm trạng bình tĩnh, an lạc và nụ cười trên môi.  Hai vợ chồng thương mến nhau, kính trọng nhau, nhờ vậy mà hạnh phúc lứa đôi rất bền vững.

Ngược lại cũng có những gia đình sống bất hòa với nhau, chồng đối vợ, vợ đối với chồng, cha mẹ đối với con cái không tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt đối với con cái cha mẹ thường hay băt buộc con cái làm theo ý mình.  Họ không hiểu cho rằng thời bây giờ ta không thể xem con cái như vật sở hữu của ta nữa.  Ta không nên nghĩ là ta có quyên băt chúng phục tùng theo tất cả mọi ý muốn và sở thích của ta.  Giáo dục học đường đã thôi dùng roi vọt và quyền uy của vị thầy giáo rồi.  Giáo dục học đường đã được cách mạng; thầy gíao chỉ là người hướng dẫn, làm hiển lộ và phát triển khẳ năng của học trò mà thôi, chứ không còn là người có thể bắt buộc học trò phải nghĩ như mình nghĩ và làm như mình làm.  Bậc cha mẹ có ảnh hưởng lớn lao tới con cái , và ảnh hưởng nầy được thực hiện bằng tình thương yêu chứ không phải bằng uy quyền.

Luân lý của đạo Phật không phải là một mớ giáo điều chắc nịch mà là những nguyên tắc linh động phù hợp với sự sống và sự sáng tạo.  Đạo Phật chống lại thái độ cố chấp và gíao điều.  Nguyên tắc đầu tiên của luân lý đạo Phật là thái độ cởi mở; phải bỏ hết mọi thành kiến, phải có óc cởi mở để hiểu được kẻ khác, phải biết đứng vào hoàn cảnh của kẻ khác để mà hiểu được kẻ khác.  Mục đích của luân lý đạo Phật là để gây nên hiểu biết cảm thông và hạnh phúc, chớ không phải là để gò bó con người trong sự chịu đựng khổ cực và đầy dẫy phiền muộn căng thẳng.  Nếu đạo đức mà chỉ gây nên phiền não, căng thẳng và khổ đau thì đó không phải là đạo đức mà là sự cố chấp.  Đừng vì sự cố chấp vào những thành kiến và những thói quen mà làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Con cái cũng nên biết rằng cha mẹ thuộc vào thế hệ xưa hơn mình, cha mẹ đã chịu nhiều khổ đau, khó khăn và va chạm trong thời niên thiếu trong công cuộc mưu sinh nên dễ trở nên khó tính và cáu kỉnh.  Con cái nên cư xử thế nào để mình trở thành niểm vui và tự hào của cha mẹ, phải tham dự vào những lo lắng buồn vui của cha mẹ.  Con cái phài chia xẻ những lo âu nặng nhọc của cha mẹ, con cái phải ân cần thăm hỏi, trước hết là để hiểu những lo âu khó khăn đó, sau là để tìm cách chia xẻ bằng sự lưu tâm của mình.

Sau cùng, phải cố gắng tạo ra những cơ hội đầm ấm để mọi người trong gia đình có thể chia xẻ với nhau về quan niệm về hạnh phúc, về lý tưởng cũng như để chia xẻ những lo âu những hy vọng của nhau.  Những cơ hội nầy chính là biểu hiệu cụ thể nhất của hạnh  phúc gia đình.

Đức Phật Thích Ca tại thế, Ngài có thiết lập sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp cho đoàn thể tăng sĩ của Ngài.  Sáu nguyên tắc nầy có thể làm căn bản cho một đời sống gia đình hạnh phúc nhât, tiến bộ nhất.  Đó là :

-Thân hòa đồng trú – Giới hòa đồng tu – Kiến hòa đồng gỉải – Lợi hòa         đồng quân – Khẩu hòa vô tránh – ý hòa đồng duyệt.

Sáu nguyên tắc sống chung gọi là LỤC HÒA nầy được ảp dụng cách đây trên 2500 năm, bây giờ nghĩ lại vẫn có thể là căn bản để thiết lập một đời sống cộng đồng rất thích hợp.  Không những ta có thể ảp dụng LỤC HÒA vào đời sống gia đình, ta cũng có thể áp dụng LỤC HÒA trong đời sống học đường, làng mạc và quốc gia nứa.  Áp dụng vào đời sống làng mạc va quốc gia ta có thể thiết  lập một thể chế xã hội nhân bản cộng đồng và tự do, biểu lộ được tinh thần TỪ BI và bình đẳng của đạo PHẬT.

Từ ý thức xây dựng gia đình an vui và hạnh phúc dẫn đến sự đóng góp  một nền trật tự và một đời sống lành mạnh cho mọi người sống trong quốc gia, xã hội, làng mạc và thôn xóm… Thật tuyệt vời, hãy cùng nhau bắt tay XÂY DỰNG GIA ĐÌNH.

California,ngày 1 / 1 / 2012

Tâm Hòa Lê Quang Dật

( sưu tập và lược biên)

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb