LUẬN VỀ CHỮ MẠN

TRUNG ĐẠO.


LUẬN VỀ CHỮ MẠN

Tháng qua, học kinh Pháp Hoa, phẩm Thường-Bất-Khinh Bồ-Tát, theo ý của Thượng Tọa Giảng sư, trong Chúng có yêu cầu giải thích về nội dung của 7 thứ Mạn. Đó là nhân duyên để viết thành bài viết nầy.

Trước tiên, xin nói về chữ Ngã, vì hễ khi nói đến chữ Mạn thì thường có “dính” vô chữ này. Ngã là cái ta hay tôi, theo nghĩa Hán-Việt là tiếng tự xưng, để chỉ về mình (như chữ Ngã sở: thuộc về mình; Ngã kiến: ý kiến của mình; Ngã kim phát tâm: hôm nay tôi phát tâm; Như thị ngã văn: tôi nghe như vầy…). Còn theo nghĩa trong giáo lý, chữ Ngã chỉ cho cá thể, bản chất hay tự tánh, hay để chỉ chung cho một chủ tể mang tính chất vĩnh viễn, thường hằng, bất biến, tồn tại một cách riêng lẻ mà không cần dựa vào các yếu tố hay điều kiện nào khác.

Có nhiều tôn giáo trên thế giới chủ trương có một “tạo vật chủ” (hay thực ngã) thống ngự trên cao, tồn tại một cách độc lập, vĩnh hằng, “bất biến hoại”, là nguyên lý trung tâm để từ đó sáng lập ra vũ trụ.

Đạo Phật phủ nhận quan niệm về một cái “ngã” độc lập, thường hằng, bất biến như vậy, mà chủ trương tất cả các pháp đều vô ngã. Đây là một trong những giáo nghĩa căn bản nhất của Phật giáo (tức Tam pháp ấn: Nhất thiết hành vô thường ấn, gọi tắt là Vô thường ấn; Nhất thiết pháp vô ngã ấn, gọi tắt là Vô ngã ấn; và Tịch diệt niết-bàn ấn, gọi tắt là Niết-bàn ấn). Hãy nghe lại đoạn đầu của Tâm Kinh: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không…” (Bồ-tát Quán Tự Tại khi quán chiếu thâm sâu Bát-nhã ba-la-mật, bỗng soi thấy năm uẩn đều không có tự tánh…).

Theo giáo lý mà đức Phật đã dạy về vô ngã thì trên thế gian nầy không có bất kỳ một pháp nào tự mình có mặt (tự tánh) mà không nhờ đến một hoặc nhiều yếu tố hay điều kiện khác, để từ đó xác định: “Chư pháp tùng duyên sanh, diệc phục tùng duyên diệt…”, muôn pháp đều do nhân duyên, giả hòa hợp mà sinh ra, người cũng không (Nhân vô ngã) mà pháp cũng không (Pháp vô ngã). Từ những thứ to lớn như thế giới, biển cả, sơn hà, đại địa… cho đến những thứ nhỏ như cái nhà, chiếc xe, cây kim sợi chỉ hay con người (kể cả thân và tâm)… đều là sự kết hợp của nhiều yếu tố không phải là cái nhà, chiếc xe hay con người, giả hòa hợp với nhau mà tạo thành. Nhưng vì chúng ta vô minh, do bởi vọng tưởng, điên đảo, mê chấp, thấy giả tướng (giả ngã) của các pháp hiện ra rồi y cứ vào đó mà cho là có thật: bên trong thì chấp thân nầy là có thật (Nhân ngã kiến hay ngã chấp: thấy thân mình là có thực ngã), bên ngoài thì chấp vạn pháp là có thật (Pháp ngã kiến hay pháp chấp: thấy rằng các pháp đều có thể tánh thực tại riêng). Từ những nhận thức sai lầm nầy mà con người cứ mãi lẫn quẫn trong vòng đối đãi, tranh đấu, mất còn, đẹp xấu, yêu ghét, phải trái, sai đúng, cao thấp, hơn thua… của cuộc đời.

Thông thường ở đời, khi đã chấp cái “tôi” là có thật (ngã chấp) thì đưa đến sự yêu thích, quý trọng, trìu mến, say đắm cái tôi (tức ngã ái, chúng ta thường gọi là tự ái), tìm mọi cách để níu kéo những thứ sở hữu, tôn vinh cái “của tôi”, bảo vệ cái “ta” (thân thể của tôi, tâm thức của tôi, gia đình của tôi, con của tôi, năng lực, trình độ của tôi, kiến thức và sự hiểu biết của tôi, ý kiến của tôi, tài sản của tôi, sắc đẹp của tôi, danh tiếng của tôi, công đức của tôi, tổ chức của tôi, chùa của tôi, đạo của tôi… ). Chính do ngã ái mà con người đau khổ. Cũng chính do ngã ái mà đưa đến ngã mạn (là nguồn gốc, căn bản, trung tâm để từ đó phát khởi các thứ Mạn khác).

Trên kia đã nói về chữ Ngã, bây giờ thử bàn qua chữ Mạn.

Mạn là sự kiêu ngạo, tính hay khoe khoang, tự cao tự đại, ỷ vào năng lực, tài cán của mình để từ đó xem thường, khinh miệt người khác. Đây là một trong sáu thứ căn bản phiền não. (chữ Căn bản nghĩa là gốc rễ. Từ gốc rễ phiền não nầy mà sinh ra các điều phiền não khác, tức Tuỳ phiền não, nên gọi nó là căn bản phiền não).

Hãy thử kể ra các thứ mạn: trong sách học Phật có liệt kê 7 thứ mạn (Thất mạn):

  1. Mạn: sự cao ngạo, đối với người kém mình thì chấp rằng mình cao hơn, còn với người ngang với mình thì chấp rằng mình bằng.
  2. Quá mạn: đối với người bằng thì cho là mình hơn, còn đối với người giỏi hơn thì cho rằng mình bằng.
  3. Mạn quá mạn: người ta thực sự hơn hẳn mình nhưng lại lúc nào cũng nghĩ rằng mình vượt trội hơn người ta.
  4. Ngã mạn: cố chấp vào mình và ỷ vào sở hữu, tài sức của mình rồi sinh tâm kiêu ngạo, khoe khoang, coi thường người khác.
  5. Tăng thượng mạn: chưa đạt được mà tự cho rằng mình đã đạt, chưa hiểu mà nghĩ mình đã hiểu, chưa chứng mà cho rằng mình đã chứng.
  6. Ti mạn: đối với người vượt trội thì cho rằng mình chỉ kém họ chút đỉnh, hoặc là thừa nhận họ có hơn mình, nhưng lại không chịu nghe, không chịu hạ mình để học hỏi theo họ.
  7. Tà mạn: không có công đức mà tự nghĩ rằng mình có công đức, chấp trước tà kiến, chẳng kính Tam Bảo, chẳng lễ tháp miếu, chê Giảng sư, Thiện tri thức là  yếu kém, tầm thường, nên chẳng chịu nghe thuyết pháp, cho rằng kinh điển viết không trung thực nên chẳng chịu nghiên cứu, đọc tụng.

Trong 7 thứ mạn kể trên, Ngã mạn (do bởi chấp ngã) là nguồn gốc, là căn bản để từ đó sinh khởi các thứ mạn còn lại. Do đó, chúng ta nên thử xét vài mặt thô thiển của sự ngã mạn được biểu hiện như thế nào?

Trong sự xây dựng chùa viện làm chỗ tu học, có người khi cúng dường một món tiền lớn, thì muốn mình được nêu tên, được phân biệt đối xử, được chư Tăng trọng vọng (sự cúng dường để được trọng vọng, cầu danh, mưu lợi hay có dụng ý riêng, đây chỉ là hình thức buôn bán, là sự trao đổi, không thể gọi là tịnh tài được). Có vị khi đã vào làm trong ban đại diện chùa, trong khuông hội, trưởng/phó ban trị sự, thì tự cảm thấy mình là nhân vật quan trọng, là “tiên chỉ”,  là “khai quốc công thần”, bắt đầu chia “mâm trên chiếu dưới”, chỉ ngồi phòng khách để làm những việc “đại sự”, còn những việc chấp lao phục dịch như: hốt rác, rửa chén, bửa củi, nấu cơm, gánh nước, giã gạo, quét sân, chùi toilet, làm vườn… chỉ để dành cho những người “hạ căn ám độn”, mà không nghĩ rằng đối với người tu học, không có việc làm nào mà không tu được, “nhật dụng vô phi đạo” (không có việc làm nào là không phải đạo). Những công việc chấp tác đó (có người còn cố gắng làm những công việc “khổ hạnh” hơn) như một phương tiện tốt nhất để tập hạnh bình đẳng và phá đi cái tâm cống cao ngã mạn của chính mình.

Trong đạo tràng tu học, có vị luôn luôn nhắc nhở người khác là không nên nói chuyện thị phi thế sự, nhưng khi giới thiệu một đạo hữu mới nhập Chúng, thì cứ luôn miệng giới thiệu vị nầy là tiến sĩ, cô kia là luật sư, là giám đốc công ty, là chủ nông trại… (việc này thường tạo nên sự cống cao ngã mạn nơi người được giới thiệu) mà quên rằng ở nơi đạo tràng (trường học đạo) chỉ lấy giới đức, phẩm hạnh làm  trọng, chứ không coi trọng bằng cấp, địa vị, tài sản hay con số dài ngắn trong ngân hàng là những thứ vốn đang làm cho người ta trở nên khốn đốn ở ngoài đời.

Lại có những vị khi vào chùa, gặp các vị tăng, ni trẻ tuổi, gặp các vị thiện hữu tri thức, các bạn đồng tu, người thiếu học, kiến thức kém cõi, ăn nói ít ỏi, thậm chí nghèo  hơn mình… thì thiếu cung kính, gặp không chào, nếu chào không thèm đứng dậy, khi phải lạy thì không cúi đầu, khi nói pháp thì lấn lướt coi thường… mà không thấy rằng sự tu chứng không dính líu gì đến những thứ vừa kể.

Thông thường, chất chứa kiến thức (thế trí) càng nhiều, bằng cấp càng cao thì ngã mạn càng lớn. Đạo Phật chú trọng vào việc tu tập, thực hành giáo lý của đức Phật đã dạy để đạt đến sự an định và giác ngộ, tức trí tuệ và chứng đắc giải thoát hơn là kiến thức và bằng cấp (trí thức) cho dù đó là bằng cấp Phật học. Bởi vì cho dù có bằng cấp cao về Phật học đi chăng nữa thì cũng không có gì để bảo đảm, nếu không muốn nói rằng còn tạo thêm trở ngại, chướng duyên cho sự hành trì và tu chứng.

Chuyện kể rằng xưa có hai anh em theo thầy tu học, người em chỉ dong ruỗi theo kiến thức, ưa hý luận, được vua tôn làm Quốc sư, được xưng tụng là Giảng sư đệ nhất biện tài, được vua cúng dường chùa to, tòa sư tử kết bằng châu báu. Sau một thời gian dài, khi đã đạt đến tột đỉnh của vinh quang danh vọng, trở về lại am tranh nơi xó rừng để thăm anh mình. Anh em gặp nhau, sau khi đã khoe hết mớ kiến thức và danh vọng mà mình đã đạt được, người em mới hỏi anh mình rằng: “Sao rồi, sau bao nhiêu năm xa cách, anh đã tu học và đạt được những gì?”. Người anh trả lời: “Tôi chỉ chuyên trì niệm 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật”. Người anh đã chứng đắc ngay trong hiện tại bằng cách chỉ chuyên trì niệm hồng danh “Lục Tự Di Đà”; trong khi người em chỉ lo loanh quanh với danh vọng và mớ kiến thức của mình.

Chúng ta cũng thường gặp nhiều người rất uyên bác, họ có thể nói thao thao bất tuyệt về mọi đề tài, mọi pháp môn. Ví dụ khi nói về thiền, họ có thể nói rất rõ về hành trạng của chư Tổ thiền tông, về các dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo đường được truyền vào Việt Nam năm nào, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do ai làm sơ tổ, có thể giải thích làu làu các công án, đọc vanh vách các bài thơ của các Thiền sư, có thể viết nhiều cuốn sách khảo cứu về thiền nhưng, nhưng họ chưa bao hành trì hay tọa thiền. Trong giới tu học gọi “pháp môn” này là “khẩu thiền”. Hay khi nói đến kinh sách, họ có thể nói thao thao về kinh Pháp Hoa, Kim Cang, về Lý Bát Nhã, kinh Hoa Nghiêm, Viên Giác do ai dịch, dịch lúc nào, có bao nhiêu phẩm? Đó chỉ là mớ hý luận vô bổ! Sự hiểu biết đó có thể làm cho họ trở thành học giả, nhưng không giúp được gì cho họ trên hành trình tu chứng. Họ không phải là hành giả đích thực. Chúng ta nên nhớ rằng: “Học giáo lý để biết mà tu, chứ không phải học để biết mà hiểu”.

Lại có người lúc nào cũng nhận thấy mình là “yếu nhân”, ăn nói lớn tiếng, muốn được khen ngợi xưng tụng. Nhưng khi có điều gì không đúng theo ý mình, có người không thuận theo ý mình, bị người khác chê bai, góp ý hay chỉ trích thì tự ái nổi lên, thì sân giận đùng đùng, thì “không vui”, thì “bồ-đề gai” mọc ra tứ phiá, tìm cách cãi lại, tìm cách nói xấu, bươi móc, chống phá.

Lại có Huynh Trưởng có chút công đức xây dựng tổ chức thì bắt đầu có tư tưởng “công thần”, cảm thấy mình là nhân vật quan trọng, thấy công đức mình đóng góp là lớn lao, thấy không có ai bằng mình, bắt đầu “làm eo làm sách”. Trong sinh hoạt chung, hễ có ai góp ý xây dựng, hoặc ai nói ngược với quan điểm, ý kiến của mình, không thuận theo cách làm của mình, không nghe theo lời mình, không vỗ tay khen mình… là bắt đầu “kiếm chuyện”, tự ái, hờn giận, bất mãn, làm đơn từ chức, hay không “thèm” làm gì cả.

Nhìn quanh, trong các tổ chức tôn giáo cũng nhiều mà ngoài xã hội cũng chẳng phải là hiếm. Có nhiều người cho rằng khả năng và đức độ của họ là “bất khả thay thế”, cho nên lúc còn sống, còn đang “ngự” trên ngôi cao thì muốn “muôn năm trường trị”, chưa chết mà đã tính đến kế hoạch xây tháp, xây lăng, dựng tượng, viết sẵn tiểu sử… để lưu danh hậu thế, mà quên đi câu kinh “nhật tụng” hàng ngày: “… thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách…“. Mà đó chỉ là mới đề cập đến những thứ biểu hiện gọi là “thô thiển” như tài sắc danh lợi bên ngoài, chứ còn đối với sự ràng buộc, niú kéo, trìu mến, yêu thương hay những hệ lụy oán đối, hận thù chất chứa trong lòng, hay với đại sự mất còn giữa cái sống và cái chết, thì còn vi tế và khó đối phó, khó buông bỏ hơn gấp vạn lần. Người tu học, nếu không tập hạnh xả ly, không buông bỏ dần những tập khí vừa kể, thì khi sống làm sao có được tự tại, thong dong; khi mệnh chung làm sao được nhẹ nhàng siêu thoát.

Những tập khí, kiến chấp đó đều là nguyên nhân của khổ đau, là chướng duyên to lớn trên con đường tu tập, mà người tu học không thể không thường xuyên quán chiếu, chiêm nghiệm, kiểm soát, nghiêm khắc với chính mình nếu muốn cỡi trói mọi sự ràng buộc để được an nhiên tự tại, tiến mau trên con đường học đạo.

Sau đây, tôi xin kể ra 3 mẩu chuyện:

Chuyện thứ nhất: Tể tướng Quách Nghi đời nhà Đường được vua, các quan lại và dân chúng trong nước hết sức khâm phục, tôn sùng, ngưỡng mộ. Bởi vì ngoài khả năng về quân sự chinh đông dẹp bắc, mở mang bờ cõi, ông còn là một nhà chính trị giỏi và có tài kinh bang tế thế.

Trong những lúc rỗi việc triều chính, Quách Nghi thường hay đến hàn huyên, hỏi đạo nơi Thiền sư Bạch Vân. Một hôm Quách Nghi hỏi Thiền sư Bạch Vân rằng: “Bạch Thầy, Đạo Phật giải thích ngã mạn như thế nào?”

Thiền sư Bạch Vân trả lời rằng: “Đồ ngu, ông hỏi cái gì bá láp vậy?”

Dù có kính trọng Thiền sư Bạch Vân cách mấy đi chăng nữa, nhưng khi nghe câu nói khiếm nhã như vậy, trên gương mặt Quách Nghi cũng không dấu được nét nặng nề.

Lúc đó Thiền sư Bạch Vân mới từ tốn trả lời: “Thưa Ngài, ngã mạn là như vậy đó”.

Chuyện thứ hai: Tô Đông Pha (Tô Thức) là một vị quan lớn rất có tài và biết thương dân, đời nhà Tống. Ngoài ra ông còn là một thi sĩ lừng danh được xếp vào “Bát đại gia Đường Tống” và là một họa sĩ có tài chuyên vẽ trúc và núi. Tô Đông Pha có một người bạn rất tâm đắc là Thiền sư Phật Ấn. Cả hai sống ở bên bờ Dương Tử giang.

Một hôm Tô Đông Pha đến thăm Thiền sư Phật Ấn, gặp lúc Thiền sư đi vắng. Thấy trên án có để sẵn giấy bút, Tô Đông Pha bèn vẽ một bức tranh và bên dưới đề một bài thơ rằng:

“Khể thủ thiên trung thiên

Hào quang chiếu đại thiên

Bát phong suy bất động

Đoan tọa tử kim liên”

(Đảnh lễ bậc Giác ngộ

Hào quang chiếu tam thiên

Tám gió lay chẳng động

Ngồi vững tòa sen vàng)

Bát phong hay bát pháp là tám thứ thuận nghịch có thể làm mê hoặc, lay động lòng người thế gian, cho nên dùng gió để mà ví dụ (được đức Phật nói đến trong Tám giác pháp, kinh Tăng Nhất, Trường A Hàm), (lưu ý: kinh Tăng Nhất, thứ 11 của Trường A Hàm, chứ không phải kinh Tăng Nhất A Hàm). Tám thứ gió đó:

–      Lợi: những thứ có ích lợi và tiện cho mình, khiến sinh tâm tham, muốn.

–      Suy: những thứ thua thiệt, tổn hại, khiến tâm sầu não, bi lụy, luyến tiếc.

–      Hủy: lời báng bổ, chê bai, chỉ trích, khiến tâm thẹn thùng, khó chịu, xấu hổ.

–      Dự: lời khen ngợi, tiếng tốt, khiến tâm hãnh tiến, hài lòng, tự mãn.

–      Xưng: lời ca tụng, tán thán, khiến tâm, hả hê, cống cao, ngã mạn.

–      Cơ: lời nói xấu, ghen ghét, dèm pha, khiến tâm oán đối, giận hờn.

–      Khổ: gặp hoạn nạn, nghịch duyên, trái ý, khiến tâm sầu buồn, chán nãn, thất vọng, đau khổ.

–      Lạc: gặp thuận duyên, vừa ý, khiến tâm ham thích, vui sướng.

Buổi chiều, khi trở về thấy bức tranh trên án thư, Phật Ấn mới viết thêm vào bên dưới hai chữ: “Hạ phong” (đánh rắm), rồi cho tiểu đồng mang trả cho Tô Đông Pha.

Khi nhận được tranh, Tô Đông Pha rất giận dữ và mong cho trời mau sáng để qua gặp Phật Ấn hỏi cho ra lẽ. Đến khi sang sông, am tranh không người, Thiền sư đi vắng, nhưng trên án có để một tờ giấy đề rằng: “Tô Đông Pha, bát phong xuy bất động, nhất thí đã quá giang” (Tô Đông Pha, tám ngọn gió lay không động, nhưng một cái đánh rắm là đã sang sông).

Chuyện thứ ba: Có một ông vua, tuổi đã già mà không có con để truyền ngôi báu, nên ngày đêm lo lắng không yên. Một đêm trăng sáng, ông triệu tập các vị đại thần trong triều để yến tiệc đãi đằng. Sau khi mọi người đã rượu thịt no say, ông mới từ tốn phán rằng: nay ta đã già mà không con nối dõi nên không biết truyền ngôi cho ai. Các khanh đều là những bậc trung thần tận tụy, ta chẳng biết chọn ai cho khỏi mang tiếng là thiên vị. Thôi, ta ra điều kiện như thế nầy: kể từ bây giờ, ai mà nhịn đại tiện được 10 ngày là ta lập tức truyền cho ngôi báu. Các quan đại thần nghe vua nói vậy, ai cũng hớn hở và bắt đầu thi hành điều kiện mà vua vừa nói. Có người nhịn được 3 ngày, có người nhịn được 4 ngày, 5 ngày… Đến ngày thứ 7, hầu như tất cả đều bỏ cuộc, duy chỉ còn một người bắt đầu nhịn đại tiện qua đến ngày thứ 8 thì đành “đau khổ” tuyên bố chịu thua, phải chấp nhận cho “tuôn ra” tất cả.

Bỏ qua tính tiếu lâm, câu chuyện thuộc loại “ngụ ngôn” vừa kể, cho thấy sự buông xả vẫn thư thái, dễ chịu, sung sướng, an ổn, nhẹ nhàng, hơn là sự cố chấp, vướng mắc, chất chứa trong lòng, dù chất chứa để được làm vua.

Hằng ngày, thường quán sát về tánh vô ngã, đến đi đều được tự tại, thong dong…

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb