PHẬT PHÁP VỚI TUỔI TRẺ: Bài số 16: 12 LỜI KHẨN NGUYỆN DÂNG LÊN ĐỨC QUÁN THẾ ÂM

TÂM MINH

12 lời khẩn nguyện
dâng lên đức Quán Thế Âm

Kính thưa quí vị và các bạn,

Nói về đức Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara Bodhisattva) thì có thể nói là đã có hằng bao nhiêu tủ sách rồi. Trên thế giới, từ Đông sang Tây, từ Ấn Độ đến Tây Tạng, từ Trung Hoa qua Nhật Bản, v.v… rất nhiều kinh sách nói về Mẹ hiền Quán Âm. Về hình tượng của Ngài, cũng vô số; có chỗ Ngài đứng một mình trong phong ba bão táp giữa biển lớn, có khi với bình nước cam lồ và nhành dương liễu, có khi có thêm cậu bé sau lưng, có khi cỡi con cá thật to, v.v… Chúng tôi không có tham vọng trình bày những hình tượng đã thấy cùng ý nghĩa vì không am hiểu hết những sự tích, những câu chuyện dân gian hay những chuyện tiền thân, những mẫu chuyện đạo, v.v… Chúng tôi chỉ xin nói một chút về việc giáo dục môn Phật pháp trong GĐPT nói chung, về lịch sử đức Quán Thế Âm Bồ-tát với 12 lời nguyện nói riêng.

Kính thưa quí vị,

Phật pháp không bao giờ cũ; vì chân lý không thể thay đổi theo thời gian hay không gian nhưng những bài học về Phật pháp (nói riêng), hay về đạo đức (nói chung); những lời dạy của đức Phật, của các bậc Thánh, những nhà hiền triết… (Khổng Tử, Lão Tử, Socrate, Platon, v.v…) phải được “update” (cập nhật) trong khi truyền đạt để thanh thiếu niên có thể hiểu và chấp nhận được. Xin nêu lên một ví dụ vui: Một mùa Vu Lan nọ, có một huynh trưởng kể chuyện trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” (24 người con hiếu thảo nổi tiếng) cho các em nghe. Khi nghe kể chuyện người con cởi hết áo quần xuống giường nằm để cho muỗi bu lại cắn mình, cho cha mẹ yên giấc ngủ, các em đều nhao nhao cười nói “stupid” (ngu ngốc)!!☺☺!! chứ không cảm động như cách đây mấy chục năm chúng ta đọc những câu chuyện này. Vì sao? Xin thưa, vì bây giờ người ta dùng thuốc xịt muỗi, hương đốt lên để đuổi muỗi, v.v… đâu có ai hành động như chàng thanh niên ngày xưa kia!? Hay là quan niệm “Cha bảo con đi chết mà con không chịu là con bất hiếu” thì tuổi trẻ hôm nay không thể nào chấp nhận, v.v… Vì vậy, chúng ta cần lưu ý một chút về điểm khác biệt tâm lý này. Đó chính là ý nghĩa của “update” phương pháp truyền đạt.

Xin cống hiến quí vị một ví dụ nhỏ cụ thể trong việc “update” sự truyền đạt Phật pháp cho tuổi trẻ, đặc biệt là tuổi trẻ Phật giáo VN tại Hoa Kỳ nói riêng, hay tại hải ngoại nói chung qua cuộc đối thoại của các Huynh trưởng A, B, C quen thuộc.

A: Chào các bạn, hình như sắp đến Lễ hội Quán Âm rồi phải không?

B: Phải rồi, hôm nay sắp hết tháng Giêng Âm lịch, mà qua tháng 2 thì ngày 19 là ngày Vía đức Quán Thế Âm rồi!

C: Nói đến đức Quán Thế Âm mới nhớ ra, 12 lời nguyện của đức Quán Thế Âm có mấy chữ khó hiểu quá hở các bạn?

A: Đối với các em thì đúng rồi chứ, đối với bạn thì làm sao mà gọi là khó được?

B: Bạn C nói đúng đó, mình cũng thấy nhiều chữ Hán khó hiểu.

C: Ví dụ như “già tỏa”, “sái tâm”, “diệt tam đồ”, v.v…

A: Như vậy các bạn đâu cần dạy các em đọc 12 lời nguyện ấy bằng chữ Hán làm gì?

B: Phải rồi, mình chỉ giảng đại ý cho các em hiểu thôi và cho các em học 12 lời khẩn nguyện của Phật tử dâng lên đức Quán Thế Âm.

C: Mình cũng vậy, mình thấy cần dần dần đưa tiếng Việt thay thế những tiếng Hán Việt chứ các em thế hệ sau mình chắc chắn là không hiểu và không thể sử dụng được những từ Hán Việt ấy!

A: Đúng vậy! Các bạn có đầy đủ 12 lời nguyện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh (song ngữ) thường dùng trong các khóa tu học đó phải không?

B: Chắc là đúng rồi, chúng ta hãy lần lượt nhắc lại thử coi! Mình nhận được từ chùa Viên Thông của Sư cô Thanh Lương.

C: Tài liệu song ngữ này chắc là xuất phát từ Sư ông Nhất Hạnh hay thầy Nguyên Hạnh, thầy Tịnh Từ, Sư cô Thanh Lương, v.v… cũng giống nhau, quí vị này đều là đệ tử lớn của Làng Hồng.

A: Mình nghĩ xuất phát từ đâu không quan trọng, quí hồ là mục đích và nội dung những lời khẩn nguyện đúng Phật pháp là tốt rồi, phải không các bạn?

C: Phải! Phải! Và quan trọng là thực hành những lời phát nguyện đó!

A: Nhất định rồi, bất cứ bài Phật pháp nào chúng ta cũng dạy các em tinh thần ấy: Học và hành phải đi đôi! Tự phát nguyện lại cần phải nỗ lực thực hành hơn nữa!

B: Riêng những lời phát nguyện này còn có tính cách lời hứa, nên mình còn dạy các em chúng ta có thể chỉ “phát” một vài lời nguyện – Những lời nguyện nào mà ta nhắm có thể thực hiện được – chứ không cần phải phát hết 12 lời khẩn nguyện này.

C: Mình cũng dạy các em mỗi lần thực tập, lạy nhiều hay ít là do sự phát nguyện của mình; phát xong một lời khẩn nguyện thì lạy xuống một lạy.

A: Mình bắt đầu trước nha! Lời nguyện thứ 1: Con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống, niềm tin của mọi người, mọi loài. (I pray and vow to open my heart and find ways to protect life anh faith for everyone and every living beings).

B: Thứ 2: Con xin mở rộng tầm hiểu biết, để có thể thấu rõ gốc rễ khổ đau của kẻ khác mà tìm cách chuyển hóa, nâng đỡ và hộ trì. (I pray and vow to extend my understanding, so as to be conscious of the roots of sufferings of others, in order to find ways to transform, support and assist them).

C: Thứ 3: Con xin nguyện từ bỏ những tập khí tham ái, hờn giận, trách móc, để con có thể vui sống với mọi người trong gia đình và chung quanh con. (I pray and vow to restrain from greed, anger, and blame, so as to live happily with everyone in the family and those around me).

A: Thứ 4: Con xin nguyện cho tự thân, gia đình, thân bằng quyến thuộc con và mọi người, mọi loài được sống trong an toàn, hòa thuận và thảnh thơi. (I pray for myself, my family, my relatives and friends, and all beings so that they will live in peace, harmony and comfort).

B: Thứ 5: Con xin nguyện ngồi vững chãi để lắng nghe người khác nói năng, tâm sự. Dù cho những lời nói ấy có xúc phạm đến cá tánh của con, con nguyện không đối đáp bằng những lời thiếu từ hòa, khiếm nhã. (I pray and vow to be impartial and composed, in order to mindfully listen to expressions and feelings of others. Even if those words may harm my nature, I vow not to reply with words that lack harmony and humility).

C: Thứ 6: Con xin nguyện thường xuyên trở về với hơi thở, tập dừng lại sự suy nghĩ, nói năng, để lắng nghe tiếng chuông tỉnh thức và mọi âm thanh. Con biết rằng mỗi âm thanh đều có mang thông điệp của sự yêu thương và năng lượng tuệ giác mầu nhiệm. (I pray to be mindful of my breathing, silence my thoughts and speech, so as to hear the awakening bell and each sound-wave. I know that each sound-wave carries the message of love and the wondrous energy of wisdom).

A: Thứ 7: Con xin nguyện cho người đau chóng lành bệnh, người già được săn sóc, người mệnh chung có đủ duyên lành sanh về cảnh giới an vui, trong sáng của đức Phật A-di-đà. (I pray for speedy recovery of the sick, the caring for the old, and for the deceased to have the good affinity to be reborn in the land of bliss – the realm of Amitabha Buddha).

B: Thứ 8: Con xin nguyện cho kẻ nghèo đói được no cơm ấm áo, kẻ tội lỗi sớm biết ăn năn, kẻ tù đày mau thoát ngục tối, kẻ tàn tật được thân tướng tốt đẹp, kẻ nghiện ngập được tỉnh cơn mê, kẻ sát nhân tự buông khí giới. (I pray for the poor and hungry to have food and clothing, the sinful to be remorseful, the emprisoned to soon be free, the crippled to have restored features, the addicted to be rehabilitated, and the murderers to surrender their weapons).

C: Thứ 9: Con xin nguyện cho mọi người và mọi loài sớm nhận ra tự tánh thương yêu, bình đẳng của nhau. Đừng ai xem nhẹ tánh mạng của ai, đừng ai vì oán thù, ganh tị, ích kỷ mà gây khổ đau cho nhau. (I pray that all beings may soon recognize the innate nature of love and equality embedded within them. No one should undermine the life of others, and no one should cause harm to others, because of hartred, jealousy, and selfishness).

A: Thứ 10: Con xin nguyện cho hành tinh xanh này, muôn đời là trái đất xinh tốt. Phương nào cũng sản sinh nhiều dòng sông tươi mát, nhiều loại dược thảo ngũ cốc, hoa trái thơm ngon để dâng hiến cho con người và muôn loài no đủ. (I pray that this blue planet, forever and ever, be a healthy and glorified world. Fresh streams will flow all directions; fine herbals, good grains, and high-quality fruits will be plentiful to nuture mankind and all other beings).

B: Thứ 11: Con xin nguyện cho mọi người và mọi loài sớm thành tựu được giới đức thanh tịnh, định lực vững chãi, trí tuệ sáng suốt. (I pray for everyone and every beings to soon achieve serenity, strength of determination, and wisdom).

C: Thứ 12: Con xin ngưyện cho mọi người và mọi loài sớm có đầy diệu lực, ngàn tay ngàn mắt và tự tại vào ra ba cõi để cứu độ chúng sanh trong mười phương thế giới. (I pray for everyone and every being to soon have subtle energy, thousand arms, thousand eyes, and to be at ease to move about in the three realms, so as to deliver all beings from suffering in the ten directions of the universe).

A: Như vậy là anh chị em mình không hẹn mà gặp, đều đã tự biết làm sao để “update” cách truyền đạt, làm sao cho các em dễ hiểu, dễ thấm Phật pháp, như vậy các em mới có thể áp dụng được vào đời sống hằng ngày.

B: Đúng vậy, và chính các em là những người hoằng dương chánh pháp thật sự, các em chính là “ngàn mắt ngàn tay” của ACE huynh trưởng chúng ta, phải không các bạn?

C: Phải, mình hiểu rồi! Những người các em trao truyền trước hết là phụ huynh các em, những người trong gia đình các em; chính có bác phụ huynh đã nói với mình là nghe con học Phật pháp, kể chuyện về Luật GĐPT, v.v… mới biết điều này điều nọ, chứ trước đây đâu biết!

A: Đúng rồi! Trở về với 12 lời khẩn nguyện, các bạn có nhận thấy rằng có những chỗ, đọc lời tiếng Anh mình thấy dễ hiểu hơn phần tiếng Việt không?

B: Chính thế! Ví dụ như tiếng Việt câu nào cũng “con xin nguyện”, chữ nguyện làm mình lúng túng và “bối rối” (confused) như đã từng bối rối khi đọc 4 lời nguyện rộng lớn (chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, v.v…) nhưng qua tiếng Anh, chúng ta thấy rõ có hai ý “pray” và “vow”, tức là “cầu nguyện” và “thề nguyện”. Cái gì mình làm được mới dám thề nguyện, có nghĩa là “xin hứa” còn cái gì ngoài tầm tay mình, chỉ có thể cầu nguyện một tha lực nào đó.

C: Mình hoàn toàn đồng ý với bạn B; không phải vì mình quên tiếng Việt nhưng rõ ràng tiếng Việt có vài trường hợp đối với mình tối nghĩa hơn tiếng Anh. Còn nữa, lúc đọc lời nguyện cho “… kẻ tù đày mau thoát ngục tối…” mình nghĩ bụng: làm sao đây? Làm sao các nhà tù trên thế giới có thể dẹp bỏ được? Thế nhưng mới đây Tổng thống Obama đã ra lệnh đóng cửa nhà tù nào đó, thật như là một “phép lạ” cho lời cầu nguyện thứ 8 này! Chỉ có ổng mới cho phép họ thoát ngục bằng một đạo luật chứ chúng ta làm sao được??☺☺!!

A: Bạn C nói rất đúng, khi mới đọc câu “con xin nguyện ngồi vững chãi…” (lời phát nguyện thứ 5) các em cười vì không hiểu, nhưng khi đọc bên phía tiếng Anh, các em hiểu ngay là “ngồi vững chãi” có nghĩa là “vô tư, công bằng và bình tĩnh” (impartial and composed).

B: Đúng vậy, các em mình cũng phản ứng như thế và mình nhân tiện nói về cái hay của ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ biểu tượng (symbolic language) dùng hình ảnh để nói lên một tư tưởng, quan điểm hay chủ trương một cách ngắn gọn, súc tích và đầy thi vị, v.v… chứ không phải chỉ hiểu theo nghĩa đen; ví dụ trong kinh Pháp hoa có rất nhiều biểu tượng (chàng cùng tử, viên ngọc trong chéo áo, v.v…) và nhiều Kinh khác cũng thế.

C: Mình nghĩ cái đó có hơi cao đối với các em, nhưng cụ thể như mấy chữ “chuyển hóa, nâng đỡ, hộ trì…” và “tập khí”… các em có thể lúng túng, không hiểu là gì, nhưng khi đọc qua tiếng Anh (to tranform, support and assist – và “to restrain from…”) thì không còn gì thắc mắc nữa.

A: Các bạn nói thật là đúng, tóm lại, dùng song ngữ là một trong những cách tối ưu để truyền đạt cho các em, không chỉ Phật pháp mà cả các môn học khác trong GĐPT nữa.

B: Mình nghĩ rằng chừng 5,10 năm nữa, huynh trưởng GĐPT/VN tại hải ngoại sẽ phải giảng dạy cho đoàn sinh của mình bằng tiếng bản xứ nơi mình cư ngụ (Anh, Pháp, Đức, v.v…)

C: Phải rồi, thì con cái chúng ta bây giờ sau khi đến tuổi đi học không phải đã nói tiếng Anh dễ dàng và thoải mái hơn nói tiếng Việt rồi sao? Mà các em đang là Oanh Vũ đó chứ ai☺☺!!

A: Không sao cả, nói tiếng gì cũng được, các bạn không nhớ là khi đức Phật còn tại thế (và ngay bây giờ), đức Phật đã thuyết Kinh cho mọi loài, nhơn và phi nhơn nữa hay sao? Bây giờ chúng ta lại ngồi đây bàn về tiếng Anh hay tiếng Việt?

B: Cảm ơn bạn đã nhắc nhở; phải rồi, chúng ta cứ làm việc của chúng ta, song song với việc dạy Phật pháp, chúng ta vẫn dạy tiếng Việt, vẫn gìn giữ và trao lại cho các em những truyền thống tốt đẹp của dân tộc những nét đẹp Đông phương, v.v…

C: Đúng vậy, chúng ta sống tốt, làm việc tốt, phục vụ tận tâm việc giáo dục đàn em, v.v… là đúng rồi! Việc đào tạo huynh trưởng, hướng đi của GĐPT tại hải ngoại, v.v… đã có Ban hướng dẫn GĐPT thế giới đảm trách.

A: Phải rồi, mà các bạn có nhận thấy các em của chúng ta ở lứa tuổi Oanh Vũ (6,7 tuổi) tuy không nói rành tiếng Việt nhưng cũng ham coi phim Hàn quốc, Trung Quốc, Hồng Kông… những phim nói tiếng Việt, cùng với bà nội, bà ngoại, v.v… của mình mà vẫn hiểu như thường, còn có thể kể lại vài đoạn nữa! Cho nên đừng lo gì về vấn đề ngôn ngữ hết!

B: Không ngờ hôm nay chúng ta đã có một buổi hội luận thật hứng thú!

C: Đúng thế, cảm ơn các bạn thật nhiều! Xin tạm biệt!

A và B: Tạm biệt! Tạm biệt! ■

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb