PHẬT PHÁP: LỜI KINH

TÂM LỄ VƯƠNG HỌC

LỜI KINH

Trên dòng phát triển tâm linh của nhân loại có rất nhiều tôn giáo xuất hiện. Hầu hết các tôn giáo đều có những bộ kinh riêng ghi lại những lời dạy hay hướng dẫn của vị Giáo chủ để tín đồ, đệ tử theo đó thực hành, như Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Tin Lành có kinh Thánh, kinh Cựu ước, kinh Tân ước, Hồi giáo thì có kinh Koran, Bà La Môn giáo thì có kinh Phệ Đà… Đạo Phật có rất nhiều bộ kinh lớn như A Hàm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã…

Bài viết này không nhằm tranh luận Đạo Phật có phải là môt tôn giáo hay không, mà để tìm hiểu xem chữ Kinh trong Đạo Phật mang ý nghĩa gì và khác với chữ Kinh của các tôn giáo khác như thế nào.

Tam thế Chư Phật đều thuyết ba tạng thánh giáo: Kinh, Luật, Luận. So với Tam vô lậu học thì tạng Kinh thuyết về Ðịnh học, tạng Luật thuyết về Giới học, còn tạng Luận thuyết về Huệ học). Từ đó hễ ai mà thông hiểu cả ba tạng thì được xưng tán là Tam Tạng Pháp Sư.

Chữ Kinh viết theo tiếng Phạn (Sanskrit) là Sũtra, dịch âm là Tu-đa-la, Tô-đát- la hay Tô-đát-lãm, Trung Hoa dịch nghĩa là khế kinh. Giáo lý mà kinh tuyên thuyết, xiển dương thì gọi là kinh pháp, kinh giáo. Thư tịch ghi chép, đúc kết kinh pháp, kinh giáo để lưu giữ và truyền bá được gọi là kinh điển.

Kinh do đức Phật tuyên thuyết, cũng có thể do đệ tử của Phật, các vị Bồ Tát,  hóa nhân hay chư thiên thuyết.

Để được gọi là kinh do Ðức Phật tuyên thuyết phải hội đủ 6 điều kiện: Tín, văn, thời, chủ, xứ, chúng.

Tín:       là tin đúng như vậy.

Văn:      là nghe rõ ràng y như vậy.

Thời:     là thời gian lúc kinh được thuyết giảng.

Chủ:      là người nói.

Xứ:       là chỗ, là nơi kinh được thuyết giảng.

Chúng:  là thính chúng lúc đó gồm có những ai, ai đã làm chứng.

Nếu có đầy đủ cả 6 điều như vậy thì gọi là Lục chủng thành tựu.

Ví dụ như trong kinh A Di Đà mở đầu bằng câu: “Như thị ngã văn nhứt thời Phật tại Xá Vệ quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên, dữ Đại Tỳ Kheo Tăng thiên nhị bá ngũ thập nhơn câu, giai thị Đại A La Hán chúng sở tri thức…”. Chữ “Như thị” là Tín thành tựu, “ngã văn” là Văn thành tựu, “nhứt thời” là Thời thành tựu (vì thời đó không có lịch ghi lại ngày tháng năm rõ ràng như bây giờ nên khi kết tập, Tôn giả A Nan thuyết là nhứt thời), “Phật” là Chủ thành tựu, “nước Xá Vệ, vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc” là Xứ thành tựu, và đại chúng lúc đó đến nghe pháp gồm có “một nghìn hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ Kheo đều là những bậc Đại A La Hán mà mọi người đều biết… hợp với các vị Đại Bồ Tát và chư thiên… cùng đại chúng đến tham dự” là Chúng thành tựu.

Khi Kinh hội đủ 6 điều kiện nêu trên thì sẽ đưa đến 3 điều thành tựu là:

  • Khác với kinh điển ngoại đạo, tà giáo. Bởi vì kinh điển của ngoại đạo không có 6 điều thành tựu nầy.
  • Đoạn lòng nghi hoặc. Bởi vì biết chắc rằng kinh nầy do chính kim khẩu của đức Thế Tôn tuyên thuyết.
  • Không còn tranh luận đúng sai.

Chữ Kinh trong Đạo Phật mang các ý nghĩa sau đây:

  1. Xuất sanh: như cỏ cây mọc lên từ lòng đất, những giáo pháp trong kinh làm cho thiện pháp được phát sinh.
  2. Dũng tuyền: như dòng suối mát chảy ra từ đỉnh núi, giáo lý trong kinh nuôi lớn những pháp lành, làm cho thiện căn ngày thêm tăng trưởng.
  3. Hiển thị: hiển là bày ra, thị là chỉ cho thấy. Lời kinh chỉ bày cho chúng sinh biết lý do và phương hướng tu hành.
  4. Thằng mặc: Như sợi dây dọi của người thợ mộc, giáo lý trong kinh chỉ cho ta tu đúng cách, đúng hướng, không đi lạc vào tà giáo, ma đạo.
  5. Quán: Kinh là sự nối kết những điều đã thuyết, những giáo lý đã dạy, liên kết lại với nhau có hệ thống như một xâu chuỗi. (Quán xuyên sở thuyết nghĩa).
  6. Nhiếp: Lời kinh khế hợp với nhân duyên, hoàn cảnh, căn cơ của mọi chúng sinh, từ bậc thượng căn, thượng trí cho đến hạng hạ căn, ám độn đều có thể thực tập, hành trì. Có khả năng thâu phục, dẫn dắt chúng sanh ở mọi căn cơ thực hành để đi đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát. (Nhiếp trì sở hóa cơ).
  7. Thường: Những điều trong kinh là những điều chân lý, cổ kim bất biến, quá khứ, hiện tại, vị lai đều đúng như vậy không thay đổi, nên gọi là thường (Cổ kim bất biến viết thường).
  8. Pháp: Tam thế chư Phật đều thuyết như vậy, chúng sanh trong đời quá khứ, hiện tại và vị lai đều tôn thờ và noi theo, y cứ vào đó mà tu hành nên gọi là Pháp (Tam thế đồng tuân viết pháp).

Trong mỗi bộ Kinh thường được chia ra làm 3 phần: phần tựa, phần chánh văn và phần lưu thông.

Phần tựa là phần giới thiệu hay mở đầu do Tôn giả A Nan thêm vào khi kết tập. Phần chánh văn là phần do chính đức Thế Tôn thuyết giảng về giáo, lý, giải, hạnh. Phần lưu thông là phần để truyền bá, lưu thông về sau.

Lấy thí dụ như kinh A Di Đà:

Phần 1. Bắt đầu từ chữ: “Tôi nghe như vầy, một thời đức Phật tại nước Xá Vệ, vườn kỳ thọ Cấp Cô Độc…” là phần tựa.

Phần 2. Bắt đầu từ chữ: “Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới bảo Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng từ đây đi qua phương tây hơn mười vạn ức cõi Phật có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong thế giới ấy có một vị Phật tên là A Di Đà hiện nay đang thuyết pháp…” là phần chánh văn.

Phần 3. Bắt đầu từ chữ: “Phật nói kinh nầy rồi, Trưởng Lão Xá Lợi Phất cùng chư vị Tỳ Kheo và mọi giới trong đời: Trời, Người, A Tu La… nghe lời Phật dạy hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận, đãnh lễ Đức Thế Tôn rồi lui về trụ xứ của mình” là phần lưu thông.

Kinh điển cũng thường được chia làm 3 loại:

  1. Loại chỉ để tụng như:

Kinh A Di Đà (tiểu bổn)

Kinh Phổ Môn

Kinh Dược Sư

Kinh Địa Tạng

Kinh Vu Lan, Kinh báo hiếu phụ mẫu

2. Loại vừa để tụng vừa để nghiên cứu như:

Kinh Kim Cang

Kinh Lăng Nghiêm

Kinh Bát Nhã

Kinh Pháp Hoa

Kinh Hoa Nghiêm

3. Loại chỉ để nghiên cứu như:

Kinh Bách Dụ

Kinh Pháp Cú

Kinh Di Giáo

Kinh Hiền Ngu

Kinh Bảo Tích

Kinh Vị Tằng Hữu

Kinh Duy Ma Cật

Sau khi được đức Thế Tôn tuyên thuyết và qua các lần kết tập, để dễ phân biệt và truyền bá, mỗi kinh văn được gọi theo một tên (đầu đề) khác nhau.

Có tám cách để lập đề Kinh:

  1. Đơn nhân lập đề: (lấy nhân làm đề) như Kinh A Di Đà, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Địa Tạng… (Phật A Di Ðà, Duy Ma Cật… là nhân).
  2. Đơn pháp lập đề: (lấy pháp làm đề) như Kinh Bát Nhã, Kinh Niết Bàn, Kinh Tứ niệm Xứ, Kinh Pháp Ấn, Kinh An Ban Thủ Ý… (Bát Nhã, Niết Bàn, Tứ Niệm Xứ, Pháp Ấn, An Ban Thủ Ý… là pháp).
  3. Đơn dụ lập đề: (lấy dụ làm đề) như Kinh Kim Cang, Kinh Phạm Võng, Kinh Thủy Dụ… (Kim Cang, Phạm Võng, Thủy… là dụ).
  4. Nhân pháp lập đề: (lấy nhân và pháp làm đề) như Kinh Phật thuyết Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Bát Đại Nhân Giác, Kinh Bồ Tát Ưu Bà Tắc Giới… (Phật là nhân, Tứ Thập Nhị Chương là pháp. Ðại nhân là người, tám điều giác ngộ là pháp. Bồ Tát là nhân, Ưu Bà Tắc Giới là pháp).
  5. Nhân dụ lập đề: (lấy nhân và dụ làm đề) như Kinh Như Lai Sư Tử Hống… (Như Lai là nhân, Sư Tử Hống là dụ).
  6. Pháp dụ lập đề: (lấy pháp và dụ làm đề) như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa… (Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là dụ).
  7. Nhân pháp dụ lập đề: (lấy nhân, pháp và dụ làm đề) như Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm… (Phật là nhân, Ðại Phương Quảng là pháp, Hoa Nghiêm là dụ).
  8. Nhân pháp xứ lập đề: (lấy nhân, pháp, và chỗ ở hay nơi chốn làm đề) như  Lục Tổ Pháp Bảo Đàn Kinh… (Lục Tổ là nhân, Pháp Bảo là pháp, Ðàn là xứ).

Trong 49 năm thuyết pháp độ sanh, các kinh pháp từ kim khẩu Đức Thế Tôn tuyên thuyết được chia làm 5 thời kỳ (gọi là Ngũ thời giáo).

Đầu tiên, sau khi thành đạo đức Thế Tôn thuyết Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm trong 21 ngày, sau đó thuyết Kinh A Hàm 12 năm (gọi là A Hàm thời hay Lộc Uyển thời) kế đến là Kinh Phương Đẳng 8 năm, tiếp theo là Kinh Bát Nhã 22 năm, kế tiếp là Kinh Pháp Hoa 8 năm và sau cùng là Kinh Đại Bát Niết Bàn một ngày một đêm. Ðể cho dễ nhớ, chư Cổ Đức Thiên Thai tông viết thành bài kệ như sau:

Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhựt

A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát

Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm

Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.

(Trước nói Hoa Nghiêm hăm mốt ngày

A Hàm mười hai, Phương Đẳng tám

Hai mươi hai năm nói Bát Nhã

Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm)

Lại căn cứ theo thể tài mà kinh văn được chia ra thành 12 bộ loại (thường được gọi là Mười hai phần giáo).

  1. Sutta (Tu-đa-la, Quán kinh hay Trường hàng): là thể văn xuôi, tản văn, dài không hạn chế số chữ, số câu mà Đức Phật thường dùng để thuyết kinh pháp.
  2. Geyya (Kỳ-dạ,Trùng tụng hay ứng tụng): là những đoạn lập lại, cô đọng lại của đoạn trường hàng. Lối văn nầy giống như toát yếu, thường lấy năm, bảy chữ làm một câu, bốn hay sáu câu thành một bài, tóm tắt lại đoạn trường hàng để thính chúng dễ ghi nhớ.
  3. Gãthã (Dà-đà, Kệ, Cô khởi hay phúng tụng): là những bài kệ riêng, mang ý nghĩa độc lập, không lập lại ý của đoạn văn trường hàng.
  4. Veyyekãrana (Hòa-ca-la-na,Thọ ký hay Ký biệt): là những đoạn văn ấn chứng, xác nhận cho những Ðệ tử có khả năng thành Phật trong tương lai, hoặc khi nào chứng thành đạo quả.
  5. Udãna (Ưu-đà-na, Pháp cú hay Tự Thuyết): là những đoạn kinh mà đức Phật sau khi đã dùng trí tuệ xem xét căn cơ của chúng sanh, Ngài tự thuyết ra chứ không do ai thưa thỉnh, yêu cầu (Vô vấn tự thuyết).
  6. Nidãna (Ni-đà-na, Thiên bản hay Nhân duyên): thuyết về nhân duyên thành tựu các pháp, hoặc do bởi có nhân duyên, hay có người thưa thỉnh Phật mới thuyết.
  7. Apadãna (A-ba-đà-na, Thí dụ): Bởi Phật pháp thâm sâu, vi diệu, người căn trí ám độn khó hiểu nên có những đoạn kinh đức Phật phải đưa ra những thí dụ để so sánh, khiến cho đại chúng dễ hiểu như pháp vũ (mưa pháp), hỏa trạch (nhà lửa), cây mọc bên bờ sông, dây leo trên miệng giếng (ngạn thọ tỉnh đằng), thị nhựt dĩ quá mạng diệc tùy giảm như thiểu thủy ngư tư hữu hà lạc (một ngày đã qua mạng sống theo đó giảm dần như cá ít nước đâu có vui gì)…
  8. Jãtaka (Xa-đà-dà, Bản duyên hay Bổn sanh): các đoạn kinh thuyết về sự thọ sinh trong hiện tại và tiền thân của đức Phật.
  9. Itivuttaka (Y-đế-mục-đa-dà, Tương ưng hay Bổn sự): các đoạn thuyết về Chư Phật trong đời quá khứ như Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp, hay chỗ tu nhân của các vị Bồ Tát, hoặc tiền thân của các Ðệ tử và các cõi nước khác.
  10. Vedalla (Tỳ-phật-lược, Quảng kinh hay Phương quảng): là các đoạn văn đặc biệt thuyết về giáo nghĩa Ðại thừa, nội dung cao siêu, rộng rãi.
  11. Adbhuta-dharma (A-phù-đà-đạt-ma, Vị tằng hữu): thuyết về thần lực của Bồ Tát, những công phu tối thắng, những pháp hy hữu, lạ lùng chưa từng có mà trí óc hạng phàm phu không thể tin hay hiểu được.
  12. Upadesa (Ưu-bà-đề-xá, Đại giáo hay Luận nghị): là những phần kiến giải, biện luận, vấn đáp (còn gọi là Ðối pháp luận) để giải rõ nghĩa lý trong Tu đa la, phân biệt lẽ chánh tà và tuyên dương tông yếu của kinh văn.

Trong mười hai thể loại nêu trên, chỉ có Tu-đa-la, Kỳ-dạ và Dà-đà là thông dụng, chín phần còn lại ít thấy dùng hơn.

Để việc học Kinh được dễ dàng, có hiệu quả và lợi ích, Tổ Trí Khải (Trí Giả Đại Sư, Sơ tổ Thiên Thai tông, Trung Hoa) đã đề xướng một cách học Kinh theo thứ tự 5 bước: Danh, thể, tông, giáo, dụng (gọi là Ngũ trùng huyền nghĩa).

  1. Danh (Thích danh): bước thứ nhất là giải thích cho rõ tên kinh. Khi hiểu tên kinh, ta có thể biết được phần nào nội dung của kinh văn.
  2. Thể (Biện thể): tìm hiểu phương pháp biện luận, lý giải và thể loại.
  3. Tông (Minh tông): là làm rõ tông thú, con đường, mục tiêu mà Kinh hướng đến (như quả vị, phương pháp thực hành…)
  4. Giáo (Phán giáo): xác định giáo tướng để hiểu được đường lối, mục đích, tiêu hướng mà kinh nhắm đến.
  5. Dụng (Luận dụng): luận giải và ứng dụng thực hành, đây là phần quan trọng nhất trong việc học Kinh.

Kết tập kinh điển:

Kể từ lúc thành đạo dưới gốc cây Tất Bát La bên bờ sông Ni Liên Thuyền, nước Ma Kiệt Đà cho đến khi nhập Niết Bàn trong rừng cây Sa La thành Câu Thi Na, không một lời dạy hay giáo pháp nào của đức Phật được ghi chép lại. Do đó, sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn, các cao đồ của Ngài liền nghĩ ngay đến việc kết tập kinh điển để lưu truyền cho hậu thế. Lịch sử truyền bá đạo Phật ghi lại 4 lần kết tập sau đây:

Lần thứ nhất: Bốn tháng sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn, 500 vị A La Hán, do Ngài Ma Ha Ca Diếp làm Thượng thủ, họp tại hang Thất Diệp, núi Linh Thứu để kết tập kinh điển. Lần “Ngũ bá kết tập” nầy kéo dài 3 tháng do vua A Xà Thế làm ngoại hộ, Tôn giả A Nan trùng tuyên tạng Kinh, Tôn giả Ưu Ba Ly trùng tuyên tạng Luật. Riêng tạng Luận có thuyết cho rằng lần kết tập này không có trùng tuyên tạng Luận (như trong bộ Tỳ Nại Gia Tạp Sự, Ma Ha Tăng Kỳ Luật), có thuyết cho rằng có (như trong Tây Vức Ký, Ngài Huyền Trang bảo rằng tạng Luận do Tôn giả Ma Ha Ca Diếp trùng tuyên, còn trong Bộ Chấp Luận Sớ thì Ngài Chân Đế cho rằng tạng Luận do Tôn giả Phú Lâu Na trùng tuyên).

Lần thứ hai: 100 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn. Do có một thầy Tỳ Kheo tên là Bạt Kỳ (Vajji) chế ra 10 tịnh pháp khác hẳn với giới luật do Đức Phật truyền dạy. Cảm khái giáo pháp của Đức Phật chóng suy tàn và để ngăn ngừa các điều phi pháp, tà giáo xen lẫn vào thánh đạo, Trưởng lão Da Xá (Yasas) đã triệu tập 700 vị Thánh tăng tại thành Tỳ Xá Ly (Quảng Nghiêm thành) để kết tập kinh điển. Lần “Thất Bá Kết Tập” này kéo dài trong 8 tháng.

Lần thứ ba: Khoảng 300 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn, do Ngài Mục Liên Đế Tu làm Thượng thủ họp cùng 1000 vị Thánh tăng tại thành Hoa Thị (Ba-tra-lỵ-phất, Patalipatra), xứ Ma Kiệt Đà để kết tập kinh điển. Lần kết tập này kéo dài trong 9 tháng do vua A Dục (Asoka) làm ngoại hộ.

Lần thứ tư: Khoảng 600 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn, do Ngài Thế Hữu làm Thượng thủ với sự tham dự của 500 vị A La Hán, 500 vị Bồ Tát Tỳ kheo và đặc biệt là có sự tham dự của 500 vị học giả Cư sĩ họp tại tịnh xá Nhĩ Hoàn Lâm trong thành Ca thấp di la (Kasmitra) để kết tập kinh điển. Lần kết tập này do vua Ca nị sắc ca (Kaniska) làm ngoại hộ và kéo dài 12 năm mới hoàn mãn.

Trong 4 lần kết tập kể trên, 2 lần đầu Chư Tăng kết tập theo thể thức hội tụng rồi sau đó nhập vào biên tế định, chứ chưa dùng cách ghi chép, mãi cho đến lần kết tập thứ 3 và thứ 4, ngoài cách hội tụng còn được ghi chép lại bằng văn tự. Tăng già phía Bắc ghi chép bằng Phạn ngữ (Sanskrit). Tăng già phía Nam ghi chép bằng tiếng Pa lỵ (Pali). Nếu lấy Trung Ấn làm tâm điểm thì kinh điển Pali được truyền qua Nam Ấn đến Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên. Kinh điển tiếng Phạn được truyền qua Bắc Ấn đến Nepal, Mông Cổ, Tây Tạng, Trung Hoa,  Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Nhờ những lần kết tập nêu trên mà giáo pháp của Đức Thế Tôn mới còn được tồn tại và lưu truyền cho đến bây giờ. Hiện nay nhờ vào nhiều phương tiện thuận lợi, Chư Tăng đem toàn bộ tam tạng thánh giáo, cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa hiệu đính, tổng hợp, phiên dịch, xếp đặt lại cho có hệ thống để giúp cho người học Phật dễ nghiên cứu, thâm nhập và hành trì. Đó là bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh ngày nay vậy.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb