PHẬT PHÁP: KẾT TẬP KINH ĐIỂN

TÂM LỄ

KẾT TẬP KINH ÐIỂN

Từ khi thành đạo cho đến lúc nhập Niết bàn, không có một lời dạy hay một giáo lý nào của đức Phật được ghi thành văn tự hay sách vở. Do đó, sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, các vị cao đồ đệ tử liền nghĩ ngay đến việc lưu truyền những lời dạy  của đức Thế Tôn bằng cách kết tập lại những điều giáo huấn của Ngài lúc còn tại thế.

  1. THỜI ĐỨC THẾ TÔN CÒN ĐƯƠNG TẠI THẾ:

Lúc đức Phật còn đương tại thế, Ngài thuyết pháp cho đủ hạng người, từ vua chúa cho đến hàng nô lệ, từ trí thức cho đến bình dân… Tùy theo căn cơ, trình độ, tùy theo đối tượng, hoàn cảnh mà hóa độ. Những lời dạy về giáo, lý, giải, hạnh do đức Phật thuyết cho hành giả theo đó tu tập để dứt trừ phiền não, đạt đến an lạc giải thoát gọi là Kinh (Tu đa la). Những giới điều do đức Phật chế định cho hàng đệ tử theo đó thực hành để ngăn ngừa phi hạnh, tu tập các thiện pháp gọi là Luật (Tỳ nại gia hay Tỳ ni). Những điều đối đáp, bàn luận, kiến giải do Ðức Phật hay do hàng đệ tử của Ngài thuyết để phát huy ý nghĩa nhiệm mầu trong kinh, luật gọi là Luận (A tỳ đàm, A tỳ đạt ma hay Đối pháp). Tất cả ba phần nầy được gọi chung là Tam tạng giáo pháp.

  1. LỊCH SỬ CÁC THỜI KỲ KẾT TẬP KINH ĐIỂN:

1. Kết tập kinh điển lần thứ nhất:

Bốn tháng sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, 500 vị Ðệ tử A La Hán do  Ngài Ma Ha Ca Diếp làm chủ tọa, họp tại hang Thất Diệp (Tất bát la) để kết tập giáo pháp. Vì có 500 vị A La Hán tham dự nên kỳ kết tập lần nầy được gọi là Ngũ bá kết tập. Trong lần kết tập nầy, Tôn giả A Nan trùng tuyên lại tạng Kinh, Tôn giả Ưu Ba Ly trùng tuyên lại tạng Luật. Riêng tạng Luận, có thuyết cho rằng lần kết tập nầy không có trùng tuyên tạng Luận (như trong bộ Tỳ Nại Gia Tạp Sự, Ma Ha Tăng Kỳ Luật), có thuyết cho rằng có (như trong Tây Vức Ký, Ngài Huyền Trang bảo rằng tạng Luận do Tôn giả Ca Diếp trùng tuyên, còn trong Bộ  Chấp  Luận  Sớ, Ngài Chân Ðế cho rằng tạng Luận do Tôn giả Phú Lâu Na trùng tuyên).

2. Kết tập kinh điển lần thứ hai:

Sau khi đức Phật nhập niết bàn khoảng 100 năm, tại thành Tỳ Xá Ly (Quảng Nghiêm thành, Vesàli) có Thầy Tỳ Kheo tên Bạt Kỳ (Vajji) chế ra 10 tịnh pháp có tính cách cởi mở, phóng khoáng khác hẳn với giới luật xưa. Lúc bấy giờ ở phía tây có Trưởng lão Gia Xá (Yasas) nhân đi hành hóa qua đó cảm khái giới luật của Phật chóng suy tàn, Ngài đi đến thành Tỳ Xá Ly câu hội cùng 700 vị danh tăng tài đức để giải quyết 10 điều kể trên và trùng tuyên lại giáo pháp của đức Phật. Cuộc kết tập kéo dài 8 tháng mới hoàn mãn.

Cuộc kết tập lần nầy tuy do 10 điều làm duyên khởi, nhưng chủ yếu là để kết tập lại giáo pháp của đức Thế Tôn và ngăn ngừa các điều phi pháp xen lẫn vào chánh đạo. Vì có 700 vị Thánh Tăng tham dự nên kỳ kết tập lần nầy được gọi là Thất bá kết tập. Cũng chính từ kỳ kết tập nầy, vì nguyên nhân có sự cải cách mà giáo đoàn của đức Phật bắt đầu chia làm hai, Thượng Tọa Bộ (Theravàda) chủ trương bảo thủ và Ðại Chúng Bộ (Mahasanghika) chủ trương phóng khoáng, canh tân, (gọi là Đại Chúng vì có số tham dự đông hơn).

3. Kết tập kinh điển lần thứ 3:

Sau khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn 218 năm, ở Ấn Ðộ có vua A Dục (Asoka) ra đời. Tương truyền khi mới lên ngôi, vua A Dục rất hung tàn, bạo ngược, nhưng sau khi đã quy y Tam Bảo, Ngài rất nhân từ và tích cực hoằng dương chánh pháp. Ngài đã tôn A La Hán Mục Liên Ðế Tu làm Quốc sư, lại cho hoàng đệ, hoàng nam và công chúa xuất gia.Trong cuộc đời hộ pháp đắc lực của vua A Dục có 2 sự kiện đáng nói: Thứ nhất là vua cho xây các bảo tháp khắp nơi trên xứ Ấn Ðộ để thờ xá lợi Phật và các trụ đá đánh dấu các thánh tích của Phật giáo. Chính nhờ đó mà khoa học ngày nay mới có cơ sở để làm sáng tỏ thêm về con người lịch sử của đức Phật. Thứ 2 là kỳ kết tập kinh điển lần thứ 3, lần kết tập nầy do vua A Dục thỉnh ngài Mục Liên Ðế Tu làm Thượng thủ, họp cùng 1000 vị Ðại Ðức Tỳ Kheo để kết tập giáo pháp, và kéo dài trong 9 tháng mới thực hiện xong.

4. Kết tập kinh điển lần thứ tư:

Sau khi A Dục Vương qua đời, các triều đại kế tiếp đi dần vào chỗ sùng tín ngoại đạo và sự cai trị chỉ hạn cuộc trong phạm vi Trung Ấn. Các bậc thạc đức Tăng già của Phật giáo lúc bấy giờ đều đi truyền đạo ở nước ngoài. Mãi cho đến thời gian 300 năm sau, ở miền bắc Ấn Ðộ có vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska) ra đời. Theo lịch sử, đây là một triều đại cực thịnh, chiếm lĩnh toàn xứ Ấn Ðộ, phía tây chinh phục nước An Tức (Iran-Iraq bây giờ), đông chiếm Ba Mễ La của Tây Tạng và chiếm luôn một phần lãnh thổ của nhà Hậu Hán (Trung Hoa ngày nay). Vua là người rất sùng tín đạo Phật và là một vị Hộ pháp đắc lực, đã cho xây nhiều tháp đền khắp xứ Ấn Ðộ để thờ xá lợi Phật và A La Hán. Nhưng đáng chú ý hơn cả là sự bảo trợ cho kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư tại thành Ca Thấp Di La (Kasmir), (600 năm, sau khi đức Phật nhập niết bàn). Lần kết tập nầy có sự tham dự của 500 vị A La Hán, 500 vị Bồ Tát Tỳ Kheo và 500 vị Học giả Cư sĩ do ngài Thế Hữu làm Thượng thủ, họp tại tịnh xá Nhĩ Hoàn Lâm trong thành Ca Thấp Di La để kết tập lại giáo pháp của đức Phật. Kỳ kết tập nầy, Tam tạng đều được khắc vào bảng đồng và đã thực hiện trong suốt 12 năm mới hoàn mãn.

  1. KẾT LUẬN:

Giáo pháp của đức Thế Tôn giảng dạy rất nhiều, nhưng không ngoài Tam tạng và 12 phần giáo. Trong hai lần kết tập đầu tiên, chư Tăng kết tập theo thể thức hội tụng chứ chưa dùng cách ghi chép. Mãi cho đến lần kết tập thứ 3 và thứ 4, ngoài cách hội tụng còn được ghi chép lại bằng văn tự. Tăng già phía bắc ghi chép bằng chữ Phạn (Sankrit). Tăng già phía nam ghi chép bằng chữ Pàli. Từ đó giáo pháp bắt đầu chia thành hai đường truyền bá. Nếu lấy Trung Ấn làm tâm điểm thì kinh điển Pàli được truyền qua Nam Ấn đến Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Lào, Cao Miên, Việt Nam (Nam truyền). Kinh điển bằng tiếng Phạn được truyền qua Bắc Ấn đến Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam (Bắc truyền). Phật giáo được du nhập vào Việt Nam bằng cả hai đường phía bắc và phía nam.

Một điều cần lưu ý là danh từ Nam truyền hay Nam tông, Bắc truyền hay Bắc tông là để chỉ cho hai hệ thống truyền thừa kinh điển bằng tiếng Pàli hay Phạn ngữ, chứ không phải để chỉ cho Ðại thừa hay Tiểu thừa.

Chính nhờ ở các kỳ kết tập kinh điển mà giáo pháp của đức Thế Tôn mới còn tồn tại và được truyền bá cho đến ngày nay.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb