CẦU NGUYỆN

TRUNG ĐẠO

Khi mới một thân một mình đặt chân đến Úc Đại Lợi định cư, tôi thật may mắn được một gia đình người bản xứ bảo trợ, nhận làm con nuôi. Đây là một gia đình người Úc gốc Anh, theo Ky Tô giáo. Ông Bà đã lớn tuối, về hưu từ lâu. Ngày xưa ông là Đại tá Không quân trong quân đội hoàng gia Anh, và bà là một Nữ y tá trong quân đội Úc. Họ có với nhau năm người con đều là gái, nay đã trưởng thành. Ngoài sự giúp đỡ về vật chất hết sức chu đáo để giúp tôi sớm vượt qua những khó khăn lúc ban đầu, nhanh chóng hội nhập vào cuộc sống mới, họ còn dành cho tôi rất nhiều thương yêu, tận tình săn sóc, an ủi, để giúp tôi quên đi nỗi phiền muộn và niềm cô đơn vì phải lìa xa gia đình, rời bỏ quê hương, một thân một mình bơ vơ lạc lõng nơi đất khách quê người.

Dù thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội, trí thức và giàu có, họ vẫn sống đạm bạc, khắc kỷ, chẳng khác gì những người Phật tử tại gia mẫu mực: thiểu dục, tri túc, không uống rượu, không hút thuốc, không xem phim tivi, vô cùng yêu mến thiên nhiên, cây cỏ, thương yêu thú vật, và biết quý trọng sự sống chung quanh. Lúc nào họ cũng tìm cách nào đó để chia sẻ sự bất hạnh và thông cảm cho những nỗi khổ đau của người khác. Trong năm cô con gái, hai cô đầu đều là Bác sĩ, hai cô con gái kế tiếp là Nữ hộ sinh (Midwife). Còn cô con gái út, kém tôi hai tuổi, là Giáo viên dạy sinh ngữ và văn hóa. Cô làm việc thiện nguyện trong các trung tâm tiếp cư do Bộ Di Trú lập ra, để hướng dẫn cho những người “tầm trú” mới đến Úc định cư, nhằm giúp họ dễ hội nhập vào cuộc sống mới. Cả năm cô đều dùng khoảng thời gian được xem là xuân sắc nhất trong đời người con gái của mình để phụng sự tha nhân và phục vụ  xã hội. Bốn cô con gái đầu, họ tình nguyện qua làm việc thiện nguyện nơi những làng mạc hẻo lánh mãi tận Phi Châu xa xôi. Họ đi mở trường học, đào giếng, lập trạm y tế, mở nhà hộ sinh, hướng dẫn sinh đẻ có kế hoạch và cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh qua đường tình dục… Nhiều khi được xem những tấm hình họ chụp gởi về cho gia đình, trong lòng tôi hết sức ái ngại cho hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nơi họ đang sống, và trong đầu cứ lấy làm thắc mắc: họ còn trẻ và có quá nhiều điều kiện để hưởng thụ. Điều gì đã khiến họ từ bỏ cuộc sống ấm êm đầy tiện nghi sung sướng để đi làm việc “không công” cho những người hoàn toàn xa lạ ở một nơi “tận cùng trái đất”, “khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối”, thiếu thốn mọi tiện nghi và đầy bất trắc như vậy? Đồng thời tôi cũng cảm thấy hỗ thẹn trong lòng, bởi vì mình rất hay “giảng” về tâm từ bi “ban vui cứu khổ”, về tính vô ngã, về lòng vị tha, thương người, giúp đời, về sứ mạng “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, nhưng thật sự đem so với “công đức” mà họ đã và đang làm, việc của mình xem ra quá khiêm tốn và quá nhỏ nhoi nếu không muốn nói là mình chưa làm được gì cả.

Nếp đặc biệt trong sinh hoạt của gia đình họ là đến bữa ăn, sau khi đã yên vị, mọi người đều ngồi yên lặng thật lâu, rồi tiếp sau đó là bắt đầu cầu nguyện. Khi cầu nguyện đã xong, họ mới bắt đầu dùng bữa. Những lúc như vậy, tôi “bị bắt buộc” phải ngồi yên “trầm tư” để chờ. Rồi tiếp theo những khoảng tháng ngày sau đó, vì thấy bữa ăn nào cũng phải ngồi chờ đợi lâu quá, tôi bắt đầu niệm Phật. Tôi chỉ niệm Phật theo thói quen vậy thôi, chứ thật sự chưa hiểu lý do tại sao trước khi ăn lại phải niệm Phật.

Một thời gian sau, vốn liếng tiếng Anh đã khá hơn, tôi bắt đầu lờ mờ hiểu được ý nghĩa, nội dung những lời họ cầu nguyện. Và từ đó tôi cũng thôi, không còn niệm Phật trước mỗi bữa ăn như trước nữa. Ở đời, phàm việc gì nếu chỉ được làm theo thói quen nhưng thiếu ý thức, thì thường không được bền là do như thế.

Những lúc phải ngồi yên trầm tư như vậy trước khi ăn, nếu vào những lúc đang đói bụng, tôi chỉ để ý đến những thức ăn ngon đang được bày ê hề trước mặt. Bằng không, tâm trí tôi thường hay nghĩ đến nhiều người, nhiều thứ. Tôi thường nghĩ đến những người thân và những người “không thân”, những người còn sống hay đã chết, dù họ ở thật xa hay đang ở quanh đây, hay bây giờ trong ký ức của mình họ chỉ còn lại cái tên với những kỷ niệm yêu, ghét, vui, buồn… Có khi tôi suy nghĩ và hối hận với những hành động lỡ lầm mà mình đã làm, ăn năn về những lời lẽ vụng dại mà mình đã nói. Có lúc tôi lại nghĩ đến những “đoạn phim” của cuộc đời mình với những may mắn, no đủ trong hiện tại, rồi đem so sánh với những lúc thiếu thốn, đói khát trong quá khứ… Từ những lúc suy tư như vậy, tự nhiên trong lòng tôi “bật” ra những lời cầu nguyện như thể một nhu cầu.

Tôi nhận thấy người Phật tử tại gia chúng ta, rất ít người và rất ít khi cầu nguyện trong mỗi bữa ăn hàng ngày. Tại sao vậy??? Ngoài sự giúp ta giữ được chánh niệm trong khi ăn, có ý thức về những gì mà mình đang thụ dụng, nó còn giúp ta kiểm soát được thái độ sống và hành vi của mình (ít ra là trong khoảng thời gian ngắn trước mỗi bữa ăn). Từ khi suy nghĩ và nhận ra như vậy, thay vì ngồi yên lặng để chờ đợi mọi người trong nhà cầu nguyện, và thả cho đầu óc “vẫn vơ” như trước đây, tôi tự đặt ra cho riêng mình một lời cầu nguyện trước khi cầm đủa. Tôi chậm rãi đọc thầm trong lòng như sau:

–      Trước bữa ăn, chúng tôi xin nguyện biết ơn những ai đã bỏ công khó nhọc để làm ra những thức ăn nầy.

–      Nguyện cho tất cả chúng sanh đang đói lòng, đều được no đủ như chúng tôi hôm nay.

–      Và khi thọ dùng những thức ăn nầy, chúng tôi nguyện sống không gây khổ đau cho người khác.

Khi đọc câu thứ nhất, tôi suy nghĩ về nhân duyên, “thấy” được sức lao động, thấy được bàn tay và tấm lòng của biết bao người đã đổ ra, để cho tôi có được những thức ăn được bày ra trước mặt. Cho đến kể cả sau nầy, khi đã được sum họp với gia đình, đến mỗi bữa ăn, cho dù cơm có lỡ sống, thức ăn có thể không vừa miệng, nhưng tôi vẫn bằng lòng, vì thấy được trong đó ngoài công sức của biết bao người, còn có cả tấm lòng của người vợ hết lòng lo lắng, săn sóc cho chồng… Nếu đã có được ý thức như vậy thì mọi sự “không vừa ý”, những hờn giận, trách móc, phiền muộn trong lòng sẽ tan biến hết. Tôi thấy quý từng hạt cơm, từng sợi mì trong chén của mình và ăn cơm lúc nào cũng cảm thấy ngon, cho dù là cơm có sống.

Khi đọc câu thứ hai, tôi thấy được thế giới xung quanh mình còn có biết bao người bất hạnh. Họ đang chết vì đói, đang chết vì lạnh, đang chết vì không có nước sạch để uống, đang chết vì đau đớn, bệnh tật, đang chết vì sợ hãi và thiếu thốn… Tôi nguyện cho họ được no đủ và tôi cũng nguyện với lòng mình nên sống tri túc, biết bằng lòng với hiện tại và cố gắng tu tập.

Khi đọc sang câu thứ ba, tôi kiểm soát lại hành vi của mình từ bữa ăn trước tới bữa ăn nầy, xem thử có nói hay có làm điều gì sai quấy, và nguyện không làm điều gì khiến cho người khác phải phiền muộn, đau khổ vì mình.

Sau nầy, khi được học hỏi nhiều hơn về những phương pháp tu tập, tôi mới nhận ra rằng: khi đã khởi tâm (sơ phát tâm), lập hạnh, cần phải nên phát nguyện. Vì khi phát nguyện tức là đã xác lập, đã khẳng định cho mình một ý chí, một thái độ hành động, một quy hướng để đi, về. Và quan trọng hơn, những lúc lập lại lời phát nguyện, đó chính là lúc mà mình từ bỏ sự quên lãng, dừng lại các niệm ác, buông bỏ các tham đắm, thấy rõ các lỗi lầm, quên đi những giận hờn, ganh ghét, đố kỵ, hơn thua… để quay về với sự tịch tĩnh, bình an trong tâm hồn.

Từ lúc đó cho đến bây giờ, dù là cả gia đình cùng ngồi ăn chung trong một bữa, hay mỗi người tự ăn riêng ở nơi làm việc, vợ chồng và con cái chúng tôi đều đọc lên những lời cầu nguyện như vậy trước khi ăn.

Bạn có muốn cùng chúng tôi cầu nguyện trước khi dùng bữa hay không?

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb