VAI TRÒ CỦA BAN BẢO TRỢ TRONG SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

TÂM LỄ

(Trong loạt bài hướng dẫn về điều hành của Ban Huynh Trưởng Gia Đình)

  1. 1. Định danh:

Bảo Trợ là những người đứng ra nhận lãnh trách nhiệm giúp đỡ hay tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Gia Đình Phật Tử (GĐPT) được phát triển vững mạnh.

2. Nguyên nhân hình thành Ban Bảo Trợ:

Bất kỳ một tổ chức nào, muốn các hoạt động được dễ dàng, thuận lợi, ổn định lâu dài và ngày càng phát triển vững mạnh cần phải có tài nguyên và phương tiện phong phú. Sự hình thành Ban Bảo Trợ trong tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng không ngoài nguyên nhân đó.

3. Vị trí của Ban Bảo Trợ trong hệ thống tổ chức GĐPTVN:

Được quy định ở Chương Thứ Hai, Điều 6, NỘI QUY GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM,  Ban Bảo Trợ ở bên cạnh Ban Huynh Trưởng, với mục đích tạo thêm điều kiện cho Ban Huynh Trưởng điều hành sinh hoạt Gia Đình được thuận lợi hơn.

4. Ban Bảo Trợ gồm những ai:

Nhân sự điều hành kể cả các thành viên của Ban Bảo Trợ được thỉnh mời từ:

– Chư Thiện Tri Thức.

– Phụ Huynh.

– Ân nhân.

– Thân hữu.

Nói chung, gồm những người có tấm lòng yêu mến tuổi trẻ, quan tâm đến trách nhiệm giáo dục thanh, thiếu, đồng niên để lấy đó làm nền tảng góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo, đặt niềm tin và chấp thuận đường hướng hoạt động của Gia Đình Phật Tử.

5. Trách nhiệm của Ban Bảo Trợ đối với sinh hoạt GĐPT:

5a.  Về tinh thần: Với bên ngoài, Ban Bảo Trợ tiếp tay quảng bá mục đích, lý tưởng GĐPT. Giới thiệu các sinh hoạt của GĐPT đến mọi giới trong cộng đồng. Vận động với thân nhân, bạn hữu đưa con em đến sinh hoạt với GĐPT.

Bên trong, Ban Bảo Trợ có thể đóng góp ý kiến với Ban Huynh Trưởng nhằm xây dựng cho chương trình sinh hoạt thêm phong phú, lợi ích (đúng theo tinh thần Nội Quy GĐPTVN).

Thêm vào đó, Ban Bảo Trợ cũng có thể góp ý để làm thăng tiến cá nhân Huynh Trưởng (qua 5 Điều Luật của Huynh Trưởng).

– Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.

– Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.

– Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.

– Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

– Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

5b. Về vật chất: Mục đính chính yếu của công tác bảo trợ là giúp tạo nguồn tài chánh, phương tiện, để điều hành sinh hoạt Gia Đình Phật Tử bằng cách:

– Vận động sự ủng hộ tài chánh định kỳ hay bất thường từ các nhà mạnh thường quân, hảo tâm, ân nhân.

– Vận động sự ủng hộ phương tiện từ Phụ huynh, thân hữu (như học cụ, trợ huấn cụ, thuốc men, thức ăn, đồ dùng nấu ăn như son, nồi, dụng cụ giữ lạnh thức ăn, đồ dùng cắm trại như lều bạt, dây, vải vóc để may áo quần…).

– Tổ chức các cuộc vui hay phương cách gây quỹ hợp pháp.

Khi Ban Bảo Trợ xúc tiến thực hiện các công tác nêu trên phải được sự đồng thuận và phối hợp của Ban Huynh Trưởng.

Ban Bảo Trợ không có ngân quỹ riêng. Các khoản chi, thu nhằm mục đích gây quỹ hay mua sắm phương tiện cho Gia Đình đều được trích từ quỹ điều hành sinh hoạt của GĐPT.

6. Sinh hoạt của Ban Bảo Trợ:

6a.  Ban Bảo Trợ không phải bầu lại cuối năm hay làm việc theo hạn kỳ. Khi có nhu cầu, chỉ cần thay đổi hay bổ sung nhân sự cho thích hợp.

6b. Ban Bảo Trợ có những sinh hoạt bất thường, hội họp định kỳ mỗi tháng hay hàng quý (mỗi 3 tháng). Tuy nhiên, việc sinh hoạt, hội họp định kỳ hoặc bất thường của Ban Bảo Trợ đều do thành viên Ban Bảo Trợ tự quyết định lấy.

7.  Sự liên hệ làm việc giữa Ban Bảo Trợ và Ban Huynh Trưởng:

7a.  Ban Huynh Trưởng có trách nhiệm thông báo đến Ban Ban Bảo Trợ các hoạt động của Gia Đình thông qua Bản Tin Gia Đình cứ mỗi 3 tháng.

7b. Ban Huynh Trưởng sẽ mời Ban Bảo Trợ cùng tham dự các phiên họp chung (thông qua vị Trưởng Ban Bảo Trợ) nhằm mục đích tiếp tay, giúp đỡ, chia xẻ công việc với Ban Huynh Trưởng Gia Đình, khi có yêu cầu cần thiết.

Trong các phiên họp chung giữa Ban Bảo Trợ và Ban Huynh Trưởng, mọi quyết định đều phải được ghi đầy đủ vào biên bản. Tất cả mọi thành viên liên hệ đều phải làm đúng theo nội dung mà biên bản đã ghi nhận. Nếu có thay đổi, với những việc nhỏ hay những chi tiêu giá trị dưới $50.00, chỉ cần thông báo cho Trưởng Ban Tổ Chức hay Gia Trưởng. Đối với những việc quan trọng hay những chi tiêu trên $50.00, cần phải thông qua Ban Huynh Trưởng trước khi xúc tiến thực hiện.

Tóm lại, sự liên hệ làm việc giữa Ban Bảo Trợ và Ban Huynh Trưởng Gia Đình cần nên gắn bó, gần gũi, thông cảm, để công tác bảo trợ mang lại hiệu quả thiết thực, hầu tạo thêm nhiều điều kiện sinh hoạt, vui chơi bổ ích cho thanh, thiếu niên và có thêm thuận duyên cho Gia Đình Phật Tử phát triển vững mạnh.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb