GIA ĐÌNH VẠN HẠNH HẢI NGOẠI: Tiễn đưa người thân về cõi TỊNH

Tiễn đưa người thân về CÕI TỊNH

(Tiếp theo Cảm nghĩ sau một đám tang)


NGUYÊN MẪN

Theo thế gian thường tình, hầu như ai ai cũng vui mừng đón nhận sự việc em bé được sinh ra là niềm vui của cha mẹ, ông bà, họ hàng thân thích …, những lễ cổ truyền như ngày đầy tháng (khẩm tháng), ngày đầy năm (thôi nôi) đều được tổ chức ăn uống rộn ràng, với quà cáp trao tặng, chúc tụng, chụp ảnh, quay phim …nhất là cha mẹ ông bà thì vui mừng vô cùng khi có con, cháu trai nối dõi tông đường, giữ tròn đạo hiếu đối với tổ tiên; nhưng ngược lại khi có một người thân bệnh nặng được bác sĩ báo tin sắp chết hay vừa chết thì tỏ ra thương đau, sầu khổ, luyến tiếc, bi lụy, khủng hoảng tâm lý, đau đớn tận cùng …, thái độ nầy đã không giúp được gì cho người sắp chuyển nghiệp tái sanh hay vãng sanh, mà chỉ níu kéo thân trung ấm của người vừa từ giả cõi đời, làm cho thêm lúng túng, nửa muốn đi nhanh, nửa lại ngập ngừng quyến luyến người thân đang kêu gào khóc lóc, thương tiếc đớn đau trong cảnh “ái biệt ly khổ”.

Kinh Phật đã soi sáng cho chúng ta nhận thức đúng đắn về ý nghĩa cuộc sống vô thường qua Năm Điều Tâm Niệm :  Đã Sinh ra thì phải có Bệnh, Lão, Tử, Tất cả những người thân thương đều phải xa lìa, những gì quý báu nhất rồi cũng mất, chỉ còn Nghiệp lực do lúc sống chúng ta tạo tác thì lúc chết chúng ta phải mang theo mà thôi.Lời Phật dạy  không phải để chúng ta bi quan lo sợ mang tâm trạng thương khóc khổ đau hay chúng ta trở nên chán chường liều lĩnh hưởng thụ bất cần nhân quả nghiệp báo, mà cốt để chúng ta tu tập hành trì đúng chánh pháp, xả ly phiền não, cố chấp, vọng niệm, không vui mừng hay sợ hãi, vì theo tập khí thế gian như trên chỉ làm di hại mạng mạch cận tử nghiệp của người chết, vậy trên tinh thần đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của người thân sắp ra đi, là người con hiếu đạo, người Phật tử chân chánh, tiễn đưa người thân về cõi tịnh, chúng ta phải làm gì ?

Đang còn là kẻ phàm phu tiến bước trên đường tu tập từ thấp lên cao, từ bất liễu nghĩa qua liễu nghĩa, chúng ta phải sử dụng một số phương tiện và hình tướng để tùng tướng nhập tánh hầu giúp thiết thực lợi lạc trong tang lễ của người thân.

Trong thời gian biết được người thân sắp và sẽ lâm chung, chúng ta phải cố gắng sống hết sức thanh tịnh – an lạc – tỉnh thức, nên hiểu thâm sâu rằng an lạc của người sống cũng là an lạc của người chết. Con cháu giữ thân tâm thanh tịnh, nhiếp tâm hộ niệm, trai tịnh giữ giới, làm điều phước thiện như bố thí phóng sanh … là để tạo cơ duyên và căn bản tỉnh thức cho người nằm xuống.

Được Chư Tôn Đức chứng minh hộ niệm, con cháu, bà con, thân hữu, đạo tràng cùng hộ niệm là một phước duyên chuyển hóa nghiệp thức thuận duyên cho hương linh.Nghi thức nhập liệm, gia trí nước tịnh, một bát nước trong và một nhành dương liễu, nước trong tượng trưng cho định lực, nhành liễu tượng trưng cho trí tuệ để rưới lên nhục thân người quá cố và trên quan tài, đem lại sự tươi mát và thanh tịnh.

Nghi thức cúng thất có mục đích hộ niệm cho thân trung ấm sớm tái sinh hoặc vãng sinh.Trong thời gian nầy thân trung ấm chuyển sanh dài ngắn không giống nhau, ngắn nhất chỉ trong một niệm, dài nhất không quá bốn mươi chín ngày cho nên sự thành tâm trì tụng kinh cầu siêu, trai tăng, bố thí, in kinh, tạc tượng, giúp người nghèo khổ cơ hàn … làm phát sinh nhiều năng lượng yểm trợ cho sự chuyển hóa ấy một cách tích cực.Vì vậy mỗi bảy ngày nên thiết lễ một lần trì tụng kinh điển để cầu nguyện cho hương linh mau siêu thoát.Tuy nhiên sự siêu thoát của hương linh tùy thuộc chính yếu vào nhân quả nghiệp báo của tự thân hương linh, phần phụ là phần hộ niệm và tâm nguyện cầu chí thành của người xung quanh.

Nghi thức lễ Cầu Siêu, Sám Hối, Thuyết Linh không những có lợi lạc thiết thực cho sự chuyển hóa nghiệp thức người chết mà còn đem lại vô cùng lợi lạc cho những người sống nữa.

Có gia đình, tổ chức, doàn thể … lại dành ra vài giờ để ca hát, nói chuyện với hương linh , tạo ra một khung cảnh ấm cúng, thân mật, thật sự có cảm thông gần gũi hiểu biết, giúp nhau đồng hành Phật sự.

Theo thông lệ khi có người thân quá vãng, gia đình con cháu thường Cáo Phó đến những người thân sơ, bạn bè xa gần.Là người Phật tử chúng ta chỉ nên sử dụng ngôn từ hết sức thanh tịnh, không “đau đớn báo tin buồn “ mà chỉ mong nguyện cầu sự gia bị tiếp dẫn vãng sanh của Tam Bảo và sự hộ niệm của mọi người. Cáo Phó có khi ghi rõ không nhận Vòng hoa và phúng điếu, và xin đem tiền bạc đó cúng dường vào bệnh viện hay bố thí cho người khó khăn ngặt nghèo.

Về phần người nhận được Cáo Phó, thông thường có Thư Phân Ưu hay Chia Buồn, trong đó có khi viết lên những dòng chữ cầu nguyện trang nghiêm, nhưng cũng có thư mang tinh thần bi lụy không nói lên được giáo lý vô thường, nhân quả nghiệp báo, rằng người chết lúc sống gieo trồng nhân lành, làm việc phước đức, thì nhân nào quả nấy, sống AN thì chết cũng AN, vì đã xả báo Ta Bà khổ.Theo tinh thần liễu nghĩa các chữ “phân ưu” hay “chia buồn” cũng không được ổn, không thể hiện được sự xả ly, rời bỏ nghiệp chướng nặng nề đi về cõi tịnh mà chỉ nặng phần dính mắc tục lụy, thay vì chúng ta nên viết Lời Cầu Nguyện hay Hộ Niệm.

Theo Giáo lý Duyên Sinh, vì Vô Minh duyên Hành, Thức, Danh Sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ai, Thủ, Hữu nên cuối cùng là duyên Lão, Tử và cứ theo vòng tròn duyên nghiệp đó mà trở lại Vô Minh và Sinh, Lão, Bệnh, Tử.Như vậy sự sống và chết không phải là hai thực thể riêng biệt mà có tính cách nhân quả tương tức tương nhập, trùng trùng duyên khởi … Trong kinh Đại Bát Nhã chúng ta thường trì tụng cũng có câu “hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG, độ nhất thiết khổ ách …” Bất Sanh, Bất Diệt, Bất Cấu, Bất Tịnh” … và quán chiếu sự liên hệ Sóng Nước theo tinh thần liễu nghĩa, thì sóng lên hay xuống bản chất của nó cũng là Một mà thôi.

Đến, đi chỉ một chứ không hai

Còn, mất tuy hai nhưng là một.

Phật Ân

Chúng ta là những Phật tử có duyên lành được gần gũi chư thiện hữu tri thức, được giảng dạy giáo lý thậm thâm vi diệu từ Chư Tôn Thiền Đức, mà trên hết là được từ bi trao truyền vô tận đăng trí tuệ từ chư vị Bồ Tát, Thánh Hiền tăng, Thế Tôn.Từ đó mỗi ngày bước chân của chúng ta bớt dính bùn ngũ dục, bớt nhiễm ô bởi tam độc tham sân si và những tâm hành tùy phiền não như phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, sỉểm, hại, kiêu … từ đó những việc làm của chúng ta được thanh tịnh, không cố chấp, không tự ngã, không bị lôi cuốn bởi tập khí “xưa bày nay làm”.

Nếu chúng ta vượt được thói lề xưa cũ, tập khí thông thường của thế gian, “ai sao tôi vậy” mà thể hiện được sự tu học thật vững chãi trên tinh thần quán chiếu “thân nầy không phải của ta, ta không kẹt vào thân ấy” thì lúc cha mẹ, người thân… qua đời ta vẫn giữ được tâm an nhiên tự tại, không để sự quá thương nhớ khóc lóc thảm thiết, cảm xúc thương yêu tràn ngập làm mờ mịt trí tuệ, mà cùng thân bằng quyến thuộc nhiếp tâm niệm Phật A Di Đà, cầu vãng sanh Tịnh Độ cho người quá cố, lại được sự chứng minh chủ sám hộ niệm của Chư Tôn Đức, các Phật tử, ACE GĐPT … lòng chúng ta trở nên ấm cúng, có niềm tin người nắm xuống thanh thản ra đi, bỏ chiếc áo cũ kỹ để được mặc chiếc áo mới đẹp đẽ thơm tho.

Hương Vân Đại Đầu đà- vua Trần Nhân Tông-, vị Tổ thứ nhất của phái thiền Trúc Lâm Yên tử đã nói với Pháp Loa trước phút viên tịch:

Chư pháp vốn không sanh

Chư pháp vốn không diệt

Nếu giải ngộ như thế

Chư Phật luôn hiện tiền

Làm gì có đi-lại-sống-chết ?

Do quyết tâm và nguyện lực như lời A Nan thệ nguyện trước đức Phật “Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong. Thước ca ra tâm vô động chuyển” (Hư không dù có chuyển di, nguyện con muôn kiếp không hề lung lay), mỗi ngày chúng ta tinh tấn chuyển hóa thân tâm, thệ nguyện “Thà sống một ngày biết được pháp tối thượng còn hơn cả trăm năm không biết được pháp tối thượng” chúng ta sẽ gặt được hoa trái thiết thực trong đời sống có an lạc cho mình và chia sẻ cho mọi người.

Cố gắng vượt qua tập khí u trệ ngàn đời, chúng ta thề nguyện dứt khoát, chuyển nghiệp vô minh thành nguyện lực thành tựu chánh đạo quang minh, tiếp cận Phật trí, sống đời hỷ xả không dính mắc.

Các bậc thiện hữu tri thức, xem sự sống và chết nhẹ nhàng như vầng trăng lơ lửng :

Sống chết nhẹ nhàng không vướng bận

Thảnh thơi qua lại một vầng trăng

Hòa Thượng Tịnh Từ

Đối với chư Tổ sư như Tuệ Trung Thượng sĩ đời Trần thì sống chết bức bách nhau, không động chạm gì tới ngài:

Sanh tử tương bức hề, ư ngã hà thương

Bác Tâm Minh Lê Đình Thám khi biết mình sắp xả báo Ta Bà, đã thỉnh cầu và được Hòa thượng Thích Đôn Hậu đến thuyết giảng khai thị bác bằng giáo nghĩa pháp ấn VÔ THƯỜNG.Sau khi nghe xong bác cung kính tỏ lòng biết ơn và đảnh lễ “Kính bạch Hòa thượng, Vô thường mà Thường” (Chơn Thường, một trong bốn đức tính của Niết Bàn tịch tỉnh.)

Và cũng hãy nhìn và noi theo gương tu học độ đời của bác, người sáng lập tổ chức Gia Đình Phật tử Việt Nam, trước tang lễ của Hòa thượng bổn sư Thích Giác Tiên, bác nói lên lời phát nguyện lớn :

“Tướng các pháp tuy vọng,

Tánh các pháp vốn chơn.

Chánh pháp cần phải truyền,

Chúng sanh cần phải độ”

Bác đã thể hiện tâm hạnh Bồ tát, chúng sanh không số lượng thề nguyện đều độ khắp.

Tóm lại, qua pháp Phật liễu nghĩa Đại thừa Trung Đạo Nhân Duyên, Tương Tức Tương Nhập, Bát Nhã Tánh Không … theo lời dạy của chư vị Tổ sư và noi gương các bậc thiện hữu tri thức, chúng ta quyết tâm tinh tấn tu học, quán chiếu hành trì thì sẽ tiếp nhận được Phật trí, sống được với Phật tánh thường hằng, tâm cảnh như như bất động.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb