VĂN : Cảm nghĩ sau một đám tang

NGUYÊN MẪN

(Tưởng niệm anh Nguyễn Thành Vinh, nhân sĩ Phật Giáo, phu quân chị Trịnh Thị Minh, Cựu Huynh Trưởng GĐPTVN,  tạ thế ngày 25/3/2008 tại Sydney, Úc Đại Lợi)

Nói đến cái Chết theo thế gian thường tình, là nói đến sự vĩnh biệt chia ly, nhớ nhung thương tiếc một người thân vừa nằm xuống đã để lại bao đau thương cô đơn mang đậm nỗi sầu khổ bi lụy cho những người ở lại.

Nhắc đến chữ Chết, cũng có nghĩa là xem sự Chết với Giáo lý Nhân Quả, Nghiệp Báo, Luân Hồi … có tính cách duyên khởi tương tức mật thiết với nhau mà các chân lý trên, từ hai mươi sáu thế kỷ trước, đấng Như Lai Thế Tôn đã từng thuyết giảng cho hàng hàng lớp lớp đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài trong các pháp hội và ngày hôm nay, các vị Thầy Tổ, các Thích tử Như Lai, các bậc thiện tri thức, các Huynh Trưởng GĐPTVN … noi theo bước chân sự nghiệp giáo dục vĩ đại của Ngài, mục đích thị hiện của Ngài, tiếp tục truyền  đăng tục diệm chân lý dấu ấn Vô Thường, Nhân Quả, Nghiệp Báo, Luân Hồi  cho kẻ hậu thế như là một cách thể hiện tinh thần Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.

Hầu hết mọi người, những người đã trải qua tuổi trung niên, tứ thập nhi bất hoặc, người có ăn học hay quê mùa chất phác, nhất là người Phật tử, không mấy ai không biết đến chân lý Sinh Lão Bệnh Tử, Thành Trụ Hoại Không, hoặc giáo lý Vô Thường, Nhân Quả Nghiệp Báo, Luân Hồi, Năm Điều Tâm Niệm (Con người Sinh ra, ai lớn lên rồi cũng Già, cũng Chết, những gì Thân thương nhất cũng Mất, cái còn lại là cái Nghiệp luôn luôn đeo đẳng mãi từ lúc sống cũng như sau lúc chết mà thôi.)

Nhưng biết là một lẽ, hiểu là một lẽ, nói năng giải thích, chứng minh trình bày hướng dẫn người khác rất hùng hồn, rành rẽ chi li về sự biến dịch thay đổi của vạn pháp là một lẽ, thực sự đã mấy ai, ngay cả những người Phật tử, đã dành thì giờ mỗi ngày thường xuyên học hỏi, quán chiếu thâm nhập tự thân Giáo lý Vô Thường (Sát na Vô Thường, Nhất Kỳ Vô Thường -chết-), để khi đối diện với trạng thái già, bệnh, sắp chết, lúc mọi người xung quanh hốt hoảng, sợ hãi, lo lắng sầu bi thì người đó vẫn an nhiên tự tại như các bậc Thánh nhân giác ngộ đã biết trước ngày giờ chết, đi về nơi đâu, quốc độ như thế nào nên đã xem sự sống và chết không hề bức bách mình được như Tuệ Trung Thượng Sỹ đã nói lúc sắp chết với thê thiếp, người thân đang khóc lóc “Sinh tử tương bức hề, ư ngã hà thương”, hay trường hợp của gia đình Bàng Uẩn, vợ chồng, cha con giành nhau để chết và đã được an nhiên chết, đúng là Vạn pháp giai không, Duyên sanh như huyễn, thân tại vô thường tâm tại an, “Tử Sinh là cửa ngõ ra vào, Tử Sinh là trò chơi cút bắt” …

Nói về sự ra đi, từ giã cõi đời của con người, đối với người phàm phu trần tục như chúng ta khi “chưa thấm tương chao”, chưa thâm nhập Phật pháp thậm thâm vi diệu về chân nghĩa Tánh Không, về hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”, hay Bất Sanh, Bất Diệt … và bài Kệ Vô Thường “… Sinh Diệt diệc dĩ, Tịch Diệt Vi Lạc” thì sự tham sống sợ chết cũng là điều rất tự nhiên của người chưa giác ngộ.Và cũng vì sự ngu dốt chưa giác ngộ vô thường, chưa nhìn lá rụng mà đốn ngộ kiếp bọt bèo nhân thế:

“ Thế gian biết mấy vô thường,

Bóng trăng, thân chuối giả nương hợp thành,

Phước dù đến tận trời xanh,

Gió vô thường đến hóa thành hư vô”

hay gần hơn, nhìn thẳng tự thân mà xác tín vô thường quyết tâm lập nguyện tinh tấn tu học, nên chúng ta lúc còn sống thì rong ruổi ham chơi, đam mê ngũ dục, tranh nhau hơn thua sai đúng, phê phán, chê bai, tệ hại hơn nữa là ngụy tạo vu khống chụp mũ, nhục mạ thậm từ, quên tình nghĩa thủy chung trong truyền thống anh chị em huyết thống, tâm linh, chung cùng lý tưởng…không biết thân cận quý trọng Tam Bảo, Thiện tri thức để mong cầu học đạo Giác ngộ, quay về tự tánh thường hằng, Bản lai diện mục … ngược lại cố chấp dính mắc phiền não, tham giận kiêu căng, si mê lầm lạc,  lúc từ giã cõi dời thì đau khổ, thương tiếc, luyến lưu nên gọi là Chết, là Mất, nhưng thật ra đó chỉ là trạng thái biến hoại thông thường, tương tục sanh diệt y theo nghiệp lực, đấng thánh giả lúc tứ đại giả hợp tan rã thì gọi là Nhập Diệt, là Niết Bàn … “Tôi là sự sống thênh thang.Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt”, và :

“Hữu sanh hữu tử hữu luân hồi,

Vô sanh vô tử vô khứ lai.

Sanh tử khứ lai đô thị huyễn,

Bất lao đàn chỉ đáo Tây phương.”

“Lướt trên sóng sinh tử,

Thuyền từ dạo bến mê,

Nụ cười vô úy nở,

Phiền não tức Bồ Đề.”

Trước, đang lúc người thân sắp chết, chết hẵn, là Phật tử, nhất là người Đoàn viên Áo Lam GĐPTVN, chúng ta sẽ và phải làm gì đúng theo tinh thần chánh pháp để đem lại lợi lạc cho thần thức người ra đi lúc cận tử, và tang quyến cũng như người ở lại.

Chắc chắn việc nương nhờ tha lực như thiết lập bàn thờ cúng Phật, thỉnh mời Chư Tôn Đức Tăng Ni chứng minh, chủ sám và thân quyến bà con, bạn bè hộ niệm là điều không thể thiếu trong tang lễ cũng như trong lễ chung thất.Tuy nhiên vấn đề sẽ không quá chú trọng về hình thức rườm rà qua vòng hoa tưởng niệm phân ưu, qua trướng liễn, đốt vàng mã ma chay phung phí … mà chính yếu là tất cả vì người nằm xuống chúng ta luôn luôn giữ sự thanh tịnh tuyệt đối, không khóc lóc níu kéo, không hôn trầm ủy mị, phải tạo nên một không gian an nhiên trong lắng để nhiếp tâm nguyện cầu cho linh thức vững mạnh, ra đi nhẹ nhàng về cõi thường hằng Tây Phương Cực Lạc. Ông Đoàn Văn Khâm đời Lý đã khuyên bạn hữu khi thầy mất :

“ Đạo lữ bất tu thương vĩnh biệt,

Viện tiền sơn thủy thị chân hình”

(Các bạn đừng nên thương cảm quá

Núi sông trước viện chính là thầy)

Nếu có số tiền phúng điếu, thiết tưởng nên dùng để cúng dường Tam Bảo, ấn tống kinh sách, bố thí giúp người bệnh tật, người nghèo khổ cơ hàn …

Trong các thời kinh từ lúc cầu siêu nhập liệm thọ tang cho đến lúc di quan đưa tiễn hương linh, luôn luôn quý Thầy chứng minh chủ sám đều thuyết linh Quy Y, Sám Hối.

Người còn lại phụ trợ người chết ngoài cách hộ niệm, còn tự mình trai tịnh thân tâm, làm lành tránh dữ, tạo công đức vô lậu … từ đó có thể phát sinh nhiều năng lượng mạnh mẽ yểm trợ cho thân trung ấm của người thân thoát hẵn tâm trạng hoang mang bất định “Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng ?”

Vài lời từ biệt người ra đi, chào hương linh, mong người ra đi dầu ở quốc độ nào cũng vẫn như lúc còn sống là người Phật tử tinh tấn tu học, hộ đạo giúp đời, mở rộng Bồ Đề tâm, theo lời Phật dạy nguyện trở lại trần thế để hoàn thành bốn lời thệ nguyện :

“Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp,

Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.

Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học,

Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb