Luận Văn Kết Khóa Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GIA ĐÌNH PHẬTTỬ TẠI HOA KỲ

TRẠI HUẤN LUYỆN VẠN HẠNH I HOAKỲ

—oOo—

LUẬN  KHÓA

ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG (Chuyển Nghiệp Lực thành Nguyện Lực)

LỜI GIỚI THIỆU : ” ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG ( Chuyển Nghiệp Lực thành Nguyện Lực ) là Luận Văn Kết Khóa Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp III Vạn Hạnh I Hoa Kỳ của Htr NGUYÊN TÚY Lê Trọng Dương . Htr NGUYÊN TÚY Lê Trọng Dương là Tổng Thư Ký BHD Miền TỐ LIÊN thuộc BHD Hoa Kỳ, anh đã đạt được Danh hiệu THỦ KHOA Trại Vạn Hạnh 1 Hoa Kỳ. Chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu Bản Luận Văn Kết Khóa của Htr NGUYÊN TÚY đến anh chị em Lam viên bốn phương .

TRẠI SINH : Nguyên Túy Lê Trọng Dương.

SỐ TRẠI SINH           : 202.

CHÚNG                      : Di Giáo.

I- Dẫn nhập: Thời gian gần 3 năm trôi qua thật là nhanh. Tôi Huynh Trưởng Nguyên Túy Lê Trọng Dương, đã ghi danh tham gia chương trình Huấn Luyện Trại Vạn Hanh I – Hoa Kỳ do Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ Tổ chức. Khai khóa vào đầu tháng 1 năm 2008 tại chùa Bảo Phước, San Jose,California.

Tuy không thường xuyên, nhưng có thể nói rằng hơn 95% các buổi sinh hoạt chung, sinh hoạt chúng, các buổi hoc Kinh cùng qúy Chư Tôn Đức, cùng các Giảng Sư có nhiều Kinh nghiệm về Phật Giáo, hay các buổi thảo luận cùng với bảo huynh, bảo Tỷ, anh chị em trong chúng Di Giáo và Kim Cang.

Vấn đề Kinh Điển đã học, tuy chưa hiểu hết ý nghĩa Vi Diệu của 10 bộ Kinh mà Ban Điều Hành Trại đã chọn lựa đưa vào Chương Trình dành cho Trại sinh VẠN HẠNH. Nhưng cũng hiểu được ý nghĩa, nội dung từng bộ Kinh như những Trại sinh khác.

Vì gần 3 năm, đêm chủ nhật nào chúng ta cũng trau dồi kinh sử, qua hệ thống Yahoo Mesenger hay điện thoại Viễn liên, trong những đêm dài thảo luận, chúng ta đi sâu vào nội dung và ý nghĩa của Kinh, hầu mong cho mình có thêm nhiều kiến thức sâu rộng về Phật Pháp, những lời Phật và Tổ đã để lại, rồi cùng nhau thảo luận tìm cho được những Phương pháp hay nhất áp dụng cho tổ chức Gia Đình Phật Tử trong thời đại mới, thời đại của văn minh tiến bộ khoa học kỷ thuật. Thời đại của khám phá, khai phóng ở thế kỷ 21 nầy ngày càng được viên dung và thăng tiến hơn.

Do vậy, hôm nay tôi viết luận khóa theo ý nghĩa của riêng tôi, rút ra từ những lời dạy của Kinh Đìển, lời giảng dạy của Chư Tôn Đức, của các bậc Thiện Tri Thức, những lá thư Tu học hàng tháng của Ban Điều Hành Trại, của các Bảo Huynh, Bảo Tỷ và Anh chị em Huynh Trưởng Trại sinh Trại Vạn Hạnh I Hoa Kỳ, Các Anh chị em trong 2 chúng Di Giáo và Kim Cang ….. Cùng với những kinh nghiệm rút ra từ vốn liếng đã học hỏi, tích lủy, ấp ủ ở bản thân tôi, qua bao năm dài học Phật Pháp trong Gia Đinh Phật Tử, qua sách vở, qua những truyền trao của đàn anh, đàn chị, qua bao sự góp ý của bạn bè thân hửu cùng với anh chị em Gia Đình Phật Tử yêu qúy … Nên tôi mới nhận ra một điều:

Nếu không có lời Nguyện, thì mọi việc chỉ là nói suông, nói để mà nghe và để mà quên … chẳng có ích gì cho Bản thân và Xã Hội”

Từ những ý nghĩ đó,nên Trại sinh Nguyên Túy mới chọn đề tài:

Ứng Dụng PHẬT PHÁP vào đời sống Bản Thân và Xã Hội”

Với tiểu đề Luận Khóa là:

“ NGUYỆN CHUYỂN NGHIỆP LỰC THÀNH NGUYỆN LỰC”

II- Nội Dung:

Gần 60 năm trôi qua, kể từ ngày mặc chiếc áo Lam quần dây treo, cho đến hôm nay, biết bao nhiêu bài học Phật Pháp trong Gia Đình Phật Tử, bao nhiêu sự hiểu biết triết lý Phật Đà qua sự tìm tòi trong sách vở, qua hàng trăm lần nghe Chư Tôn Đức Giảng pháp… Tiếp là Nội Quy, Quy chế Gia Đình Phật Tử Việt Nam, Cách Tổ chức Gia Đình Phật Tử. Đã hàng trăm lần qùy gối Trước Bảo Đìện để đọc lời phát nguyện kể từ lần Quy Y, gắn huy hiệu Hoa Sen để chính thức là đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam, những lời Phát Nguyện sau mổi lần Trại,Tuyết Sơn. Anoma, ni liên, Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang, sau mổi lần Đại Hội v.v.. Đã lần lượt đi vào đời tôi như bao kỷ niệm êm đềm của một thời đã qua từ niên thiếu đến hôm nay.

Đúng là: “Ngày đi tóc hảy còn xanh,

Nay thì đầu bạc nhưng anh vẫn còn”

Thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua, bao cuôc đổi thay vẫn tuần tự nối tiếp, Có Anh có chị vì cuộc sống, vì bao nhiễu nhương chìm nổi của Tổ chức Gia Đình Phật Tử… đã đành quên lời nguyện ước năm xưa để trở về với chính mình.

Nhưng riêng cá nhân tôi, tôi vô cùng sung sướng và cảm thấy mình hạnh phúc vô tận. Mình đang bước vào ngôi nhà Phật Pháp để tìm được cái Vi Diệu Thâm Uyên qua kinh điển, qua những đêm dài tai kề tai để thảo luận đề tài đang học, và chính mình vô cùng hãnh diện đang có rất nhiều thiện duyên, nên trên xứ lạ quê người mà mình vẫn đang cùng nhau học Phật Pháp, được sống trong ngôi nhà Lam Ấm cúng nầy. Ôi thật là Hạnh Phúc…

Vì đề tài có liên quan đến Nghiệp Lực và Nguyện Lực nên cũng cần nói sơ qua về  hai Danh Từ nầy.

1-     Nghiệp Lực: Trong cuộc sống của mỗi một con người, từ những Tham, Sân, Si

Đã đưa ta đến bao phiền não quanh quẩn trong màn Vô Minh u tối, dẫn dắt đến Nghiệp Chướng, từ những nghiệp chướng trở thành Nghiệp Báo, tiến dần đến qủa báo và dẫn dắt đi vào kiếp luân hồi.

Thật vậy, sự hình thành của con người ở trong 3 trạng thái kết hợp nhau là: TÂM,SINH và VẬT LÝ, hay nói cách khác là sự duyên hợp của NGỦ UẨN, TỨ ĐẠI, hoặc CĂN, TRẦN và THỨC.

CĂN nói về sinh lý, TRẦN nói về vật Lý và THỨC là Tâm lý.

Căn, Trần và Thức hội tụ nhau để tồn tại. Nếu lìa một chỉ còn hai thì hình thể sẽ không tồn tại.

Từ nơi sáu căn (Mắt, tai, mũi, lưởi thân và ý) tiếp xúc sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sanh ra 6 Thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức). Thức Tạo tác vọng động tạo nghiệp hoặc Thiện hoặc ác, để trôi lăn trong sáu nẻo Luân Hồi. Ví dụ như mắt nhìn thấy sắc đẹp, liền khởi tâm say đắm, từ đắm mê đó mà đã tạo hành nghiệp. Cho đến tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, thân chạm xúc những chổ trơn láng mềm mại, ý suy nghĩ ghét, thương, hận thù…  Lục Căn là công cụ sai khiến của Lục Thức, để tạo tác hành nghiệp. Từ nơi những hành nghiệp tích tụ chứa nhóm mang đi trong 6 nẻo Luân Hồi (địa ngục, Ngạ qủy, súc sanh, A Tu La, Nhơn và Thiên) sanh tử trong 3 đời Qúa khứ, Hiện Tại, Vị Lai và mãi mãi tiếp diễn để chịu khổ trong vòng Luân Hồi.

Quá khứ do 6 Căn không thanh Tịnh chạy theo trần Cảnh khởi lên đắm trước tạo nghiệp: Tham  – Sân – Mạn – Nghi – ác kiến và mãi trong đời vị lai ta cũng lại theo con đường củ tạo nghiệp nầy mà đi.

Thế rồi, kiềp nầy qua kiếp khác,vô,vô lượng kiếp,bao nhiêu ác nghiệp hay thiện nghiệp, đều theo ta trôi lăn trong Sanh Tử luân hồi trở thành NGHIỆP LỰC bám víu vào thân ta. Nếu như Ta chưa tìm cách để đoạn diệt được nó.

2-               Nguyện Lực: Lời Nguyện được xuất phát từ Thân, Khẩu và ý, để cầu một điều gì tốt đẹp cho bản thân, gia đình và Xã Hội. Ở Triết lý của Đạo Phật không có cầu xin mà chỉ có cầu Nguyện, Phát Nguyện mà thôi. Khi nói đến Nguyện Lực Ta liên tưởng đến một sự chí thành, nhất tâm và vô cùng thanh cao trong sức mạnh lời Nguyện của chính chúng ta. Một lời Nguyện phải hội đủ:

–        Tâm Bồ Đề.

–        Trí Tuệ Đại Bi

–        Thân Thanh tịnh.

Có được như thế mới thấy sự nhất tâm cầu Nguyện hay Phát Nguyện.

“Bao giờ thế gian hết khổ,ta mới thành Phật”

Đại Nguyện của Bồ Tát Đại Từ Đại Bi, cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm vẫn còn vang vọng từ ngàn xưa cho đến hôm nay.

“Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”

Đại Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng Vương vẫn còn rạng ngời trong kinh sử. Và thêm nữa 48 Đại Nguyện Độ chúng sanh của Đức Phật A Di Đà, mãi mãi soi sáng con đường cho chúng ta tu tập.

Kính thưa, chính vì lời nguyện đó mà đã qua vô lượng kiếp Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vưong vẫn chưa thành Phật.  Sự thật nầy đã bổ sung cho nguyện lực có một sức mạnh phi thường. Nên khuyên chúng ta đừng bao giờ xem thường lời nguyện của mình cả.

Hảy liên tưởng đến những lúc chúng ta Niệm Phật chúng ta cũng cần Hội đủ 3 yếu Tố mới cầu mong niệm Phật có hiệu quả, đó là:

–        Tín.

–        Nguyện

–        Hành Trì.

Nghĩa là khi niệm Phật, phải có niềm tin tuyệt đối, thiết tha cầu nguyện một điều gì đó (Vãng Sanh về Thế Giới A Di Đà Phật chẳng hạn) và tiếp tục hành trì thì hy vọng sẽ có Tthành qủa viên mãn trong lời niệm Phật.

Ví dụ: Trong lúc niệm Phật chúng ta thường nguyện:

“ Cho chúng con được đoạn diệt nghiệp chướng, tiêu trừ phiền nảo, thường hoạch kiết tường, vĩnh ly khổ ách, Hậu vận lâm chung sớm đưọc vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc”

Những điều cụ thể nêu trên chính là Nguyện Lưc vậy.

Hiểu được phần nào ý nghĩa của Nghiệp Lực và Nguyện Lực cọng thêm những ý nghĩa qua 10 bộ Kinh đã học và Hội Luận. Riêng cá nhân tôi cảm thấy mình đã lăn lộn trong cỏi trầm luân từ muôn kiếp, gây bao tội ác bởi màng vô minh che lấp, trong tiền kiếp có lẽ xa rời Phật Pháp. Nhưng đến hôm nay trong kiếp hiện tại, được sống trong ngôi nhà Phật Pháp, lại có thiện duyên gia nhập Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Thêm vào đó, một động lực vô cùng mãnh liệt đã trợ lực và  giúp đở cho tôi ,cố gắng và cố gắng thật nhiều để chuyển Nghiệp, đó là tôi có những đàn em do Gia Đình Phật Tử Từ Ân đào tạo đã lần lượt Xuất Gia. Huynh Trưởng Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Từ Ân Phan Hoàng Đạt, hiện là Đại Đức Thích Minh Thông. Hơn thế nữa con gái tôi Lê Thị Diệu Hiệp trước đây cũng là Huynh Trưởng GĐPT Từ Ân do tôi hướng dẫn đã Xuất Gia tại Hoa Kỳ  hơn 10 năm qua, hiện tại là Tỳ kheo Ni Thích Nữ Huệ Tâm đang tu dưởng tại Tu Viện Quan Âm California. Chính nhờ động lực nầy đã giúp tôi vô cùng mãnh liệt trong 10 năm qua, cố gắng tu hành, tìm mọi cách để chuyển nghiệp, hầu mong tạo thêm phước duyên cho con gái tôi Tu tập càng tinh tấn hơn.

Hơn thế nữa, kể từ năm 2000 tôi bị bệnh nhồi máu cơ tim và phải giải phẩu, tiếp những năm tháng sau nầy bao nhiêu bệnh hoạn trầm trọng lại đến với tôi … nên từ đó tôi mới thấy được sự nhiệm mầu của Phật Pháp, thấy được sự Vô Thường của Vạn Vật và của chính bản thân mình chắc chắn có nhiều tội lỗi trong nghiệp chướng sâu dày qua vô lượng kiếp. Nên Tự Tánh xin Nguyện:

Trong từng sát na, từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày ……

–        Thân không làm điều gì có hại cho chính mình, có hại cho mọi người,

Cho xã hội. Nếu có lợi cho xã hội mà có hại cho mình chút đỉnh thì cũng nên làm.

–        Khẩu không nói những lời nói có hại cho Bản thân, cho Gia đình ,

Cho mọi người và xã hội ….

–        Ý không có ý xấu với bản thân, với mọi người và xã hội.

–        Luôn luôn tu sửa, sám hối những lỗi lầm của mình đã gây ra để cho tâm được tịnh thì mới mong tiêu dần nghiệp chưóng.

Được như thế , hy vọng rằng Tâm Bồ Đề rộng mở (Trong khả năng Tu tập của riêng cá nhân tôi mà thôi)

Phải biết rằng: Khi Bồ Đề Tâm đã rộng mỡ trong Ta, thì ta không còn sự ích kỷ, hẹp hòi, dứt sạch tâm mê, không có những hờn ghét, nóng nảy sân si nữa. Lúc bấy giờ ta mới đạt được cảnh giới khoan dung và hỷ xã.

Với Hạnh Nguyện Phát Bồ Đề Tâm là con đường bình yên nhất, hoàn hảo nhất không bao giờ đưa ta vào đường mê nữa. Sẽ không bao giờ đưa người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam vào ngõ cụt.

Không có Bồ Đề Tâm sẽ không có thành tựu nào viên mãn và nhất là tri kiến giác ngộ vẫn không bao giờ đến với chính mình.

Không phát Bồ Đề Tâm, sẽ tham chấp vào những hỷ Lạc nhỏ nhoi, luôn hướng đến hạnh phúc cho riêng mình. Tham chấp chính là chướng ngại lớn nhất cho sự nhiếp tâm Chánh Pháp.

Không Phát Tâm Bồ Đề sẽ không bao giờ tích tụ được công đức, mà khi công đức không có thì làm sao chuyển nghiệp được. Ta tạo công đức rồi cũng chính ta phá hủy, buổi trưa chưa đến mà bao nhiêu công đức buổi sáng đã mất hết, như lau nhà, mới lau tiếng đồng hồ trước, tiếng đồng hồ sau đã dơ trở lại. Bạn gột sạch tâm rồi, liền lập tức quấy động nó lên.Qủa thật là một việc làm lỗ lã. Như vậy nếu muốn có được công đức nhất thiết phải có Bồ Đề Tâm.

Khi chúng ta khởi lên một niệm: “Nguyện cho con được Phát Bồ Đề Tâm, để thực hành Bồ Tát Đạo vì lợi ích chúng sanh và tu tập sáu phép Ba La Mật bằng hết sức mình.” thì chính khởi niệm đó còn hơn chúng ta đem cả gia tài để bố thí chúng sanh mà Tâm Bồ Đề không rộng mở.

Nói đến TÂM, chúng ta không thể quên 4 câu kệ mà chư Tổ thường dạy:

Chư ác mạc tác (đừng làm các việc ác)

Chúng Thiện phụng hành (hảy làm mọi việc lành)

Tự tính kỳ ý (Tâm suy nghĩ trong sạch)

Thị chư Phật Giáo (đó là lời Phật dạy) .

Tâm chứa đủ thứ,  không một sự việc nhỏ nào mà tâm không tiếp nhận. Tốt đẹp, lành dử, sân si, cao cả, dơ bẩn, trong sạch v.v … Hiện tượng qua lại, ra vào của tâm ý xảy ra trong chớp nhoáng không lúc nào gián đoạn.

Nhưng ta không thấy được tâm vì tâm không có hình tướng, không nghe được tâm vì tâm không có âm thanh.  Đi ngược lại thì tâm không có khởi điểm, đi xuôi để kiếm thì không thấy vì tâm không có kết thúc. Cho nên tâm ấy thâm sâu vi diệu, không thể thấy được sự hóa sinh Vạn Pháp ẩn tàng của TÂM.

Tuy tâm không có hình tướng, không âm Thanh, nhưng Tâm ẩn tàng trong ta, điều khiển mọi suy nghĩ, mọi việc làm của Ta. Thiện Nghiệp,  Ác Nghiệp đều do Tâm tạo ra. Từ những lý lể nêu trên , người Huynh Trưởng muốn đạt được những mơ ước của Lý Tưởng mình đã chọn, không giao đông trước mọi nhiểu nhương, biến động của thời cuộc, không tự ý rời bỏ chiếc Áo Lam khi gặp vấn nạn, luôn giử đưọc Thân Giáo nên vấn đề Nguyện chuyển Nghiệp Lực thành Nguyện Lưc của mỗi một chúng ta và nhất là  cho Huynh Trưởng Trại sinh Vạn Hạnh GĐPT Việt Nam thì vấn đề thực hành BỒ ĐỀ TÂM là con đường hoàn hảo nhất để chúng ta đi. Vì có Bồ Đề Tâm mới mong hành Bồ Tát Đạo được.

Vả lại ,chúng ta cũng hiểu rằng Tự Độ chưa được thì làm sao Độ Tha, trước tiên mình phải tự độ lấy bản thân trước thì mới hy vọng độ được mọi người và tha nhân. Những lời truyền trao của chúng ta hôm nay có ảnh hưởng đến cả thế hệ đàn em sau nầy cho tổ chức gia đình áo lam. Nên điều kiện ắt có và đủ là chúng ta cần lập thệ nguyện hôm nay để hoàn hảo bản thân vì khi bản thân ta được thanh tịnh và an lạc thì chính lúc đó  ta mới có cơ hội, có trí tuệ bát nhã để giúp đỡ cho mọi người, sẳn sàng hy sinh cho hậu thế ,dù khó khăn gian khổ chúng ta vẫn không sờn lòng. Sẳn sàng hy sinh cho Tổ chức Gia Đình Phật Tử ngày càng thăng tiến hơn. Hướng dẫn tổ chức đi đúng Nội Quy quy chế của Gia Đình Phật Tử, đúng theo giáo lý của Như Lai.

Cố gắng và nguyện tinh tấn tu hành, làm những điều lành tránh ác, để cầu mong đạt tới Chân,Thiện Mỷ. Tìm con đường giải thóat ngắn nhất cho bản thân, tiêu trừ bớt mọi khổ đau cho chính mình , thì mới mong phục vụ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử và cho xã hội được. Cho nên sự

Quyết tâm chuyển Nghiệp Lực thành Nguyện Lực

Mới mong tiêu trừ bao nghiệp chướng trong ta, tiến dần tơí con đường giải thoát như lời Phật dạy.

Kính nguyện cầu Hồng Ân Tam Bảo gia hộ và trợ duyên cho đệ tử Nguyên Túy Lê Trọng Dương tinh tấn hành trì. Hầu mong có đủ Trí Lực để hướng dẫn Gia Đình Phật Tử chúng con đúng theo tinh thần của một trại sinh Vạn Hạnh.

III- Sự Tương Quan của Luận Khóa đối với Tổ chức Gia Đình Phật Tử và Huynh Trưởng trai sinh Vạn Hạnh.

Trong hàng Bồ Tát hay Thanh Văn thường lấy Nguyện Lực làm hànhTrang giải thoát. Nhưng đối với người cư sỉ như chúng ta, nếu nguyện lực hoàn thành viên mãn thì Nghiệp sẽ giảm dần, bớt đi ác tánh, tiêu trừ phiền não. Dần dần sẽ đưa ta vào cảnh giới an lạc được.

Đối với Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử thì sao đây?

Xin Thưa, chúng ta là những Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử, biết bao nhiêu lần qùy gối trước Bảo Đìện, trước tôn nhan Đức Phật để đọc lời Phát Nguyện, nhận ánh sáng Vô Tận Đăng phát ra từ Hào Quang Chiếu Diệu của Phật Đà, kể từ lần đầu tiên Quy Y Tam Bảo, giữ năm giới cấm cho người Phật Tử . Lời phát nguyện lúc Quy Y Phật, Quy Y Pháp, Quy Y Tăng mãi còn vang vọng trong ta những lời phát nguyện khi chúng ta qùy gối trước Tôn nhan Đức Phật:

–        Đệ tử xin suốt đời Quy Y Phật.

–        Đệ tử xin suốt đời Quy Y Pháp.

–        Đệ Tử xin suốt đời quy y Tăng.

Sau khi đọc xong lời phát nguyện, niềm tin tuyệt đối của chúng ta vào đấng Chí Tôn cao cả. Người Phát nguyện tin chắc rằng, mình đã gieo hạt giống giải thoát, thế nào rồi cũng gặt hái được kết qủa tốt là thoát ly ba đường ác: Địa Ngục, Ngạ qủy,Súc sanh.

Thêm vào đó, người Quy Y muốn bảo tồn lý tưởng cao cả của mình, và giữ vững đức tin trên đường đạo nên đã xin phát nguyện một cách mạnh mẽ và thành khẩn:

–        Đệ tử Quy y Phật, nguyện trọn đời không quy y thiên thần, qủy vật.

–        Đệ tử Quy Y Pháp, nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo tà giáo.

–        Đệ tử quy y Tăng, nguyện trọn đời không quy y tổn hửu, ác đảng.

Rồi đến bao lời phát nguyện:

Đệ tử chúng con tên là: … pháp danh xin thành tâm phát nguyện:

–        Tuyệt Đối trung thành với tổ chức Gia Đình Phật Tử với Giáo Hội.

–        Thượng cầu Học đạo, hạ dìu dắt đàn em.

Vân vân và vân vân, nhiều và nhiều lắm không thể kể xiết được.

Nhưng đến hôm nay, còn có bao nhiêu anh chị em Huynh Trưởng giữ trọn lời nguyền, đã, đang và sẳn sàng hy sinh cho Đạo Pháp, cho tổ chức Gia Đình Phật Tử của chúng ta ? Có còn chăng cũng như hạt gạo trên sàng mà thôi.

Kính xin cúi đầu trước những anh linh của những anh chị Huynh Trưởng đã về nơi cỏi Tịnh, hy sinh biết bao nhiêu tâm huyết, đem hết khả năng, hoàn thành nguyện tực của chính bản thân mình cho Đạo Pháp trường tồn, Chính các anh các chị đã tô đậm nét Trang sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam trường tồn cho đến hôm nay…

–        Trang sử Gia Đình Phật Tử được có ngày hôm nay cũng nhờ vào bóng cây che mát của Giáo Hội, của Chư Tôn Đức chứng minh, của qúy Thầy Cô Cố Vấn Giáo Hạnh đã dày công dạy dổ chúng con nên người. Giáo Hội cũng như Chư Tôn Đức Tăng Ni đã giứp đỡ và trợ duyên cho Tổ chức Gia Đình Phật Tử chúng con đứng vững trước bao phong Ba bảo táp của cuôc đời và tồn tại cho đến hôm nay. Dừng lại một phút mời quý anh chị cùng ca bài Kính Mến Thầy của Huynh Trưởng Dương Xuân Dưỡng để chúng ta cùng nhau tưởng niệm công đức ấy:

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật.

Hôm nay Thầy về đây

Chúng con xin kính chào Thầy

Trong giờ phút vui nầy

Chúng con biết làm gì đây

Chúng con Nguyện Tinh tấn

Diệt tan Tham sân hận

Ánh Đạo hằng mong tiến đến dần.

Dù bao nhiêu gian khổ

Dù gặp nhiều nguy khó

Lý tưởng chúng con vẫn tôn thờ.

Thầy là bóng cây che mát chúng con

Thầy là ánh sáng dắt dùi lòng son

Thầy là con thuyền thanh lương

Đưa chúng con đến bờ thơm hương.

Thầy theo hạnh nguyện Pháp vương

Treo gương lành sáng soi mười phương.

Chúng con nguyện hồi hướng côngđức vô lượng vô biên của thầy cô lên ngôi Tam Bảo tác đại chứng minh, độ trì giác linh của Chư Tôn Giáo Phẩm đã viên tịch sớm về cỏi niết bàn. Còn tại vị thân Tâm thường lạc, đạo qủa viên thành. Tiếp tục dìu dắt chúng con trên bước đường tu học ngày càng tinh tấn hơn.

–        Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo phóng quang tiếp độ cho hương linh quý anh, quý chi Huynh Trưởng vãng sanh miền Cực Lạc Quốc, sớm hội nhập cỏi Ta Bà để cùng các em hát bài ca “ Đây Gia Đình cùng nhau chung thân ái, dưới đài sen sáng soi đời thắm hồng, ta ca mừng ngày xanh bao hăng hái, ánh Hào Quang rạng chiếu khắp núi sông ..….. ”

Hay  “ Bốn phương trời ta về đây chung vui, không phân chia giọng nói tiếng cười, cùng nắm tay ta kết đoàn thân ái, trao cho nhau những lời thiết tha ”

Và cũng xin trân trọng nghiêng mình kính nể những anh, những chị Huynh Trưởng còn lại đến hôm nay, Tuy tuổi đời đã ngoài lục tuần nhưng vẫn còn mãi miệt đem hết tinh hoa của mình phục vu cho vườn lam ngày càng xanh tốt.

Chính nhờ các anh các chi có lập trường, đã đem lời Phát Nguyện của mình hành hoạt, quyết tâm làm sao cho gốc Lam đâm chồi nẩy lộc, không bao giờ ngại khó, bệnh hoạn không làm giảm bước anh đi. Bao nhiễu nhương của Phật sự, thế sự , của tổ chức Gia Đình PhậtTử vẫn không ngăn được dòng tâm huyết đang lưu chảy trong anh, trong chị, trong em. Anh chị em chúng ta vẫn không bao giờ khuất phục trước những chướng ngại trên con đường Hoa Sen Trắng .

Đất lạ xứ người, cao cả vô vàn khi bước chân các anh chị đến đâu thì Hoa sen nỡ đến đó, Hiện tại Hoa sen trắng không những nỡ trên Quốc Nội Việt Nam, mà còn nở khắp năm châu bốn biển. Có hàng trăm đơn vị Gia Đình Phật Tử đã được thành lập trên các châu lục và có hàng ngàn đoàn sinh Gia đình Phật Tử Việt Nam và người ngoại quốc như đoàn sinh người Mỹ, đoàn sinh người Úc Đại Lợi, Canada vân vân …

Hơn thế nữa. cũng chính nhờ các anh, các chị đã dũng mãnh trong lời phát nguyện của mình, tuy đang đứng trước bao nhiễu nhương, nghịch cảnh. Người ta đang cố tình xé nát bản Nội Quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam và Quy Chế Huynh Trưởng ra từng mãnh. Nhưng các anh chị đã vương mình đứng dậy,t ìm cho mình, cho tổ chức một hướng đi đúng đắn, hầu mong cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam mãi mãi tồn tại, để khỏi phụ lòng chư Thánh Tử Đạo, những bậc tiền bối, Chư Tôn đức Tăng Ni, qúy anh chi huynh trưởng đã dày công xây dựng tổ chức Gia Đình Phật Tử mãi trường tồn đến hôm nay.

Một sự kiện trọng Đại hơn, cần phải nhắc nhở cho hậu thế tỏ tường.

Ngoài những Ban Hướng Dẩn Gia Đình Phật Tử cuả các châu lục như Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Hải Ngoại, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử tại Hoa Kỳ, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Úc Châu, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Canada … Các Anh chi còn thành lập được Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Thế Giới qua 2 lần Đại Hội, mặc dù biết bao nhiêu khó khăn bao nhiêu trở ngại, nhưng các anh chi vẫn luôn  hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà tổ chức đã giao phó. Bằng chứng cụ thể đại hội lần thứ nhất tại Ấn Độ năm 2004,và đại hội lần thứ hai tại Thái Lan năm 2008.

Một điều đáng nói , để chúng ta thấy được sự sáng ngời của các Huynh Trưởng của chúng ta là “Đã mời được hội đồng Chư Tôn Giáo Phẩm chứng Minh cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam Thế Giới”.

Chắc chắn rằng không những qúy anh qúy chi đã có công vun bồi vườn lam như nêu ở trên, mà cả chúng ta và cả đòan sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện hửu trên Thế giới, đều có chút an lạc và niềm vui khi được chứng kiến và tận mắt nhìn thấy những thành tựu vô cùng viên mãn đó hay sao?

Nhưng cuộc đời chỉ tương đối mà thôi, nên bên cạnh chúng ta vẫn còn các anh chị, đành bỏ lỡ cái nghề Huynh Trưởng mà mình đã chọn, đành lỡ quên đi những lời thệ nguyện năm xưa, khi gặp khó khăn, nhất là giai đoạn hiện tại. Đúng là ca dao, tục ngữ không sai chút nào:

Đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết lòng người ra sao?” (tục ngữ)

Nhưng thôi cuộc đời là vô thường, mọi diễn biến trong cuộc sống từng người, trong tổ chức hay trong xã hội không như ý chúng ta tưởng đâu, chẳng qua vì nghiệp dĩ quá nặng nề, nên có anh có chị khi gặp khó lại đành bỏ chúng ta, đành bỏ chiếc ao lam để trở về nguyên thủy của chính mình.

Chúng ta cũng nên hoan hỷ và hoan hỷ trước những nổi đau chung nầy. Vì rằng “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Cầu mong qúy anh chị trong trường hợp nầy sớm thức tỉnh và hồi tâm chuyển ý trở lại mái nhà lam thân yêu, để chúng ta cùng đi trên con đưởng đầy Hoa sen Trắng nầy.

Là người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng ta cần hiểu rỏ lời nói, hành động, việc làm, mọi cử chỉ đều ảnh hưởng đến đồng sự và đàn em của chúng ta, ảnh hưởng đến tổ chức Gia Đình Phật Tử. Một lời nói của những người Huynh Trưởng hôm nay có ảnh vô cùng sâu sắc cho thế hệ đàn em sau nầy. Nên khi truyền trao chúng ta cần đem cả tâm ý, vận dụng hết khả năng để hoàn thiện từ ý nghĩ đến việc làm mà để lại cho hậu thế noi theo.

Chúng ta cũng cần qúy trọng và biết ơn sâu xa những bậc đàn anh, đàn chi đi trước đã hướng dẫn người đi sau, tiếp nối vững vàng sự nghiệp được để lại hơn bảy mươi năm qua, trên con đường tu học và phát triển Tổ chức.

Chính 70 năm qua đó, người Huynh Trưởng áo lam đã hành hoạt và tiến trình phát huy thực lực của hàng ngàn đơn vị và một đội ngũ Huynh Trưởng luôn luôn vì Đạo tiến lên, đã giới thiệu phần nào chân dung người Huynh Trưởng Vạn Hạnh rồi đó.

Biết bao nhiêu lớp lớp Huynh Trưởng Vạn Hạnh đi trước, đã bỏ sức lực, tiền tài, vật chất, cùng nhau đem hết khả năng, trí tuệ ra đễ giáo dưỡng đàn em, giáo dục tuổi trẻ, cầu mong một điều duy nhất là xây dựng một xã hội An Cư Lạc Đạo.

Châm ngôn Bi – Trí – Dũng luôn là kim chỉ nam trong mọi hành hoạt đời người áo Lam. Vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào đi nữa, người Huynh Trưởng Vạn Hạnh cũng phải cùng nhau, động viên, sách tấn tu tập, cùng nhau giữ giới luật, luôn luôn lấy Trí Tuệ để hành xử trong Đạo, trong tổ chức hay ngoài đời, đem hết tâm trí, tâm hoan hỷ, tâm phục vụ để trãi ra trong cuộc sống chung của Gia Đình Phật Tử nầy. Nếu như trong một ai đó hỏi chúng ta rằng “Anh sống cho ai ?” Thì chúng ta cũng phải mạnh dạng mà trả lời: “Tôi sống cho mọi người, sống với mọi người và sống vì mọi người. Nói cách khác hơn là:” Một lời đã trót hứa ra, dù rằng bốn ngựa khó mà đuổi theo”. (ca dao)

Lời Nguyện sẽ mãi tồn tại ở trong ta, giúp ta không xao lãng hay bỏ quên, khi lời nguyện đó đã trở thành Nguyện Lực. Nghiã là chúng ta đã xem lời Nguyện đó như một sức mạnh giúp ta tiến bước trên con đường mà chúng ta đang đi, đang thi hành vì trách nhiệm của người Huynh Trưởng Vạn Hạnh. Chúng ta cũng cần nhắc đến câu của Nguyễn Thái Học để luôn nhắc nhở mình:

“Đừơng đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,

Mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông”

Đúng vậy,nếu trong cương vị của một người Huynh Trưởng nhất là Huynh Trưởng Trại sinh Vạn Hạnh, nếu ngại những khó khăn trước mắt thì chắc chắn không bao giờ Huynh Trưởng đó có đủ tâm huyết, có đủ nghị lực để dấn thân vào hy sinh cho tổ chức, nhất là trong những giai đoạn mà gia Đình phật Tử gặp nhiều chuyện nhiễu nhương khó xử như ngày hôm nay.

Nhưng đối với phật Giáo lòng người tức là Tâm, nếu Tâm không thông thì mang bình không vẫn nặng, Tâm là thống soái của Hành Động, ác hay thiện đều do Tâm mà ra. Do vậy người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử quan trọng nhất là cái Tâm mà phải là tâm Bồ Đề mới hy vọng giúp chúng ta tiêu trừ nghiệp chướng đưọc, cũng như giúp ích được cho Xã Hội.

Nếu:

–        Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên.

–        Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.

–        Tâm ghen ghét thì cuôc sống hận thù.

–        Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.

–        Tâm Tham Lam thì cuộc sống dối trá. (trên internet)

Cho nên ta không những đem Tâm của mình mình đặt ngay trên ngực để yêu thương, mà còn:

–        Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.

–        Đặt trên mắt để nhìn thấy nổi khổ của tha nhân.

–        Đặt trên chân để mau mau chạy đến người cùng khổ.

–        Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.

–        Đặt trên tai để biết nghe lời than trách,góp ý của người khác.

–        Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm,và chia sẻ trách nhiệm với anh chị em.

(trên internet)

Qua một vài dử kiện vừa nêu, là người Huynh Trưởng Vạn Hạnh chúng ta luôn trau dồi Tâm qua Kinh sử, không cho tâm lệch lạc, vì khi Tâm bị Động rồi thì việc làm của chúng ta không bao giờ có trọng trách. Tâm an lạc, Tâm Thanh Tịnh sẽ giúp ta rất nhiều trong cuộc sống, giúp ta có đủ trí tuệ và nghị lực để dấn thân cho tổ chức Gia Đình Phật Tử. Kể cả vấn đề ta nguyện sẽ dứt trừ phiền nảo, Đoạn diệt nghiệp chướng.

IV-Kết Luận:

Qua những nội dung nêu ở phần trên chúng ta thấy rằng: “muốn chuyển được nghiệp thì cần phải Tu”. Tu cốt bỏ đi những nghiệp ác của thân, khẩu  ý và chuyển thành nghiệp lành. Lắm lúc suốt cả kiếp người vẫn chưa xong, tâm vẫn còn lao xao, lộn xộn, không thanh tịnh được. Cho nên những con người biết hướng thiện nhất lại là Huynh Trưởng Vạn Hạnh chúng ta, luôn tự nhủ và xem xét lại mình mà lo tập Tu, lo hành thiện, cầu đoạn diệt nghiệp chướng bao đời. Phật cũng dạy rằng:

“ Tam nghiệp hằng thanh tịnh,

Đồng Phật vãng Tây Phương”

Vã lại khi chúng ta Tu để Tam nghiệp chúng ta thanh tịnh thì mong gì lời nguyện của chúng ta “Nguyện chuyển Nghiệp Lực thành Nguyện lực” lại không thành.

Nghiệp là việc làm của chính mình, mình làm chủ và tạo tác thành thói quen, rồi cũng chính mình thừa nhận hậu quả do nó đưa tới.

Kinh Phật dạy: “Chúng sanh làm chủ tạo nghiệp và thừa kế cái nghiệp mà mình đã tạo.

Như vậy, tạo nghiệp chủ động là mình, nếu muốn luân hồi chổ tốt, cho thân lành mạnh tốt đẹp, được sống an vui hạnh phúc thì hiện tại phải biết tạo nghiệp thiện, nếu ngược lại tạo nghiệp ác thì luân hồi đến cỏi xấu thọ thân xấu, sống đời đầy đau khổ, đều do mình chủ động trọn vẹn, chứ không ngoài ai khác. Như vậy chính chúng ta tự chọn lấy hướng đi cho chúng ta mai sau.

Cũng cần nên hiểu rằng, nếu chúng ta tạo được nghiệp lành thì con cháu của chúng ta cũng thừa hưởng nghiệp lành đó, nên ca dao tục ngữ có câu:

“Bởi chừng kiếp trước khéo tu,

Ngày nay con cháu võng dù nghênh ngang”

Nhưng nếu chúng ta tạo nhiều nghiệp ác thì con cháu chúng ta vẫn có ảnh hưởng chung với nghiệp do ta tao và ca dao vẫn có câu:

“Bởi do kiếp trước vụng tu,

Ngày nay con cháu lu bu ngoài đồng”

Chính vì thế, trong kiếp hiện tại, chúng ta là những Huynh Trưởng trại sinh Vạn Hạnh, thì chính chúng ta đã có nhiều phước duyên, phước đức hay đã từng tích tụ được nhiều công đức qua nhiều tiền kiếp nên mới có ngày hôm nay, được ở trong trong ngôi nhà Phật Pháp, được nghe những lời giảng dạy của Chư Tôn Đức Tăng Ni, được sự truyền trao của chư thiện tri thức, các anh các chi đi trước, được sự góp ý của hàng trăm hàng ngàn đàn em, bạn bè đang hiện hửu trong ngội nhà Lam yêu kính và nhất là được có nhiều cơ hội cho chúng ta tích tu công đức, noi gương hành thiện. Con đường chúng ta đang đi là đúng theo chí nguyện của chính ta. Xin nguyện mãi mãi đi theo con đường đầy hoa thơm ngát, rợp bóng hào quang của chư Phật đang ngự trị, để giứp cho mình mau đến con đường giải thoát sanh tử luân hồi và giứp cho mọi người đều hướng về ánh sáng của Như Lai. Nguyện xin có đủ Trí tuệ để dẫn dắt đàn em Gia Đình Phật Tử đi đúng con đường trong sáng của Đức Như Lai Từ Phụ. Nguyện có đủ nghị lực để vượt qua bao thử thách và gian nan mà được tổ chức giao phó đúng theo vai trò của người Huynh Trưởng Vạn Hạnh, cùng nhau xây dựng một Gia đình Phật Tử Việt Nam viên dung và hùng mạnh trên Thế Giới nói chung và tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ nói riêng. Để một này nào đó chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy trên mọi nẻo đường của trái đất đều có người mặc áo Lam và cài hoa sen trắng.

Để kết thúc bài Luận Khóa này. Trại sinh 202 Nguyên Tuý – Lê Trọng Dương xin trích bài phát biểu của Thượng Toạ THÍCH MINH TÂM, cố vấn giáo hạnh  Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN (nguyên là Huynh Trưởng ĐOÀN ĐÌNH ĐIỆP Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên – Huế trong những năm 1960) tại Lễ khai mạc ngày: “Giải trình Luận văn kết khoá Bậc Lực và Trại Vạn Hạnh toàn quốc” 24-12-2006 lần thứ III. Tại Kim Liên Bửu Tự Nha Trang – Khánh Hoà.  Trong Cẩm Nang Đại Hội Huynh trưởng toàn quốc Kỳ VIII – 2008 của Ban Hưóng Dẫn Hoa Kỳ.

(Thầy đã chuyễn từ Nghiệp Huynh trưởng đến Nguyện lực cao thượng hơn là Tăng già)

“ GĐPT VN gắn chặt với hơi thở tôi từ khi còn là Oanh Vũ kia.  Vì vậy, cho nên màu áo Lam nó không phải nằm ở ngoài da của tôi, mà nó đã thắm vào xương và  tuỹ rồi ”

Trước hết con xin đãnh lễ tâm thành phụng  thỉnh Tam Bảo chúng minh.  Xin thành kính đảnh lễ chư Tôn Hoà thượng, chư Thượng Toạ, Đại đức Tăng hiện diện.  Nhìn các Ngài trong chiếc y vàng rực rỡ, con được may mắn cùng các Ngài chứng minh trong buổi lễ hôm nay, mà chỉ xin với tư cách một cựu huynh Trưởng GĐPT VN. Đảnh lễ các Ngài với tất cả tấm lòng thương yêu kính mến của con.  Xin được gác ra ngoài việc BHDTƯ giới thiệu Cố Vấn giáo hạnh GĐPTVN.

Hôm nay, phát biểu trước các anh chị là một Huynh Trưởng nhiều hơn, vì chỉ có tư cách đó chúng ta mới trao cho nhau những tâm tình.  Còn tư cách cao hơn thì ở đây đã có sự hiện diện của quý Ngài chứng minh và Cố vấn rồi.  Cho nên tôi thưa với các anh, các chị trên 60 năm qua, từ khi đoàn Đồng Ấu Phật Giáo Việt Nam ra đời, tuổi tôi chỉ là một Oanh Vũ, tôi đã được tham dự.  Rồi GĐ Phật Hoá Phổ, sau đó GĐPT/VN. Và từ em bé đến với GĐPT mặc áo đen dài coi đó như một trẻ con, cho đến hôm nay tôi trở thành một vị đứng trong hành ngũ xuất gia cựu Huynh Trưởng. Như vậy, GĐPT VN gắn chặt với hơi thở tôi từ khi còn là Oanh Vũ kia.  Vì vậy, cho nên màu áo Lam nó không phải nằm ở ngoài da của tôi, mà nó đã thắm vào xương và  tuỹ rồi.  Do đó năm 1978, tôi được may mắn nhập thất (nghĩa là ở tù trong trại) năm năm một tháng mười ngày. Ở trại cải tạo, tôi đem hết tâm tư của mình hướng đến Tam Bảo và nhất là nghĩ đến GĐPT VN.  Tôi nghĩ khi ra khỏi trại thì GĐPT VN không còn, hàng đêm có những lúc nằm mơ thấy mình vẫn cầm còi quay vòng tròn đứng với các em.  Đến khi  tôi được ra tù, nghĩ rằng không còn GĐPT nữa, khi bước chân  đến Từ Đàm vào dịp này ( tức là trong dịp lễ Thành Đạo), tôi đã thấy các em Oanh Vũ trên đường., đến nơi vẫn thấy các em quay vòng tròn.  Tôi ngồi với vị Thượng Toạ trong chùa mà không cầm được nước mắt và tôi đã khóc sướt mướt gần hai tiếng đồng hồ, vì hình bóng GĐPT vẫn còn trên đất nước Việt Nam.  Tôi kể chuyện đó để thưa với các anh các chị Huynh Trưởng rằng,  GĐPT VN qua bao nhiêu sóng gió mà vẫn còn giữ vững.  Hôm nay, trong buổi lễ kết khoá này gặp đúng lúc ngày kỷ niệm tôi ra khỏi trại cải tạo, cũng là cái lúc mà các anh các chị quây quần ở trước giảng đường này.  Trong lúc chỉ còn ít ngày nữa là lễ Thành Đạo của đức Thế Tôn. Ý nghĩa Lễ Thành Đạo như thế nào, các anh các chị cũng đã biết.  Tôi xin nhắc câu “ Vô ma khảo tức bất thành đại đạo.” Vì như vậy. Đức Thế Tôn cũng phải thế nào trong cái đêm đó để Thành đạo trong lúc sao mai mới mọc.  Để các anh, các chị trong dịp này, cố gắng làm thế nào, thực hiện thế nào với buổi Kết khoá trong mùa Thành Đạo.

Tôi nhớ, vừa rồi các anh các chị có nói A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh. Vậy thì, nhắc đến Trại Huyền Trang, phải là Huyền Trang cháu và với  trại Vạn Hạnh phải là Vạn Hạnh trò.  Có  như vậy, mới nối chí được của A Dục – Huyền Trang – Vạn Hạnh,  với danh từ nói đầu môi chót lưỡi thì không xứng đáng với danh hiệu của các trại.  Tôi muốn nhắc để các anh, các chị: bây giờ Nội quy – Quy chế GĐPT VN  vẫn có giá trị, ai không tuân hành Nội quy & Quy chế  thì người đó đã đi ngược  lại lý tưởng của mình, cho nên trung thành với Nội quy – Quy chế  là trung thành với lý tưởng chiếc áo Lam.  Một điều, mà tôi xin thưa với các anh các chị rằng: GĐPTVN trong giáo lý đức Phật, có danh từ là “ Tùy duyên bất biến và bất biến tuỳ duyên” Nhưng có những người tuỳ duyên mà biến chất không thể gọi người đó tuỳ duyên được. Vì vậy, mà GĐPTVN đã sống trên 35 năm qua với biết bao sóng gió, mà tồn tại được có nghĩa là đã áp dụng đúng tinh thần tuỳ duyên bất biến và bất biến tuỳ duyên, đó là tinh thần GĐPTVN đã có, đang có và tôi tin chắc sẽ có.  Vì thế, tôi thưa với các anh, các chị tôi nhắc đến câu này, để mong rằng các anh chị cố gắng như lời anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương nói, là người Huynh Trưởng phải tu phải học, khi có tu có học rồi thì mới có thể hướng dẫn các em, nhất là vấn đề thân giáo của Huynh Trưởng rất quan trọng, vì thiếu Thân giáo thì chỉ là Lý thuyết mà thôi. Cho nên, tôi mong các anh các chị, hãy lấy câu này nằm lòng” Một lời nói hay, ý nghĩa tốt, một hành động đẹp nhưng thiên về một phía thì mất ý nghĩa”. Trong lúc danh lợi bủa vây, tiền tài, dục vọng vật chất kéo lôi mấy chục năm qua. GĐPTVN vẫn đứng vững là nhờ  cái gì?. Phải chăng, nhờ các anh, các chị kiên cường với lý tưởng, nhờ các anh các chị trung thành với Nội  quy, nhờ các anh các chị đã sống, mà tôi biết rằng danh lợi không thể nào mua chuộc được. Thế gian cũng có câu” Uy vũ bất năng khuất, tiền tài bất năng phục, phú quý bất năng danh, bần tiện bất năng duyên”. Nho gia còn sống như thế, huống chi Phật gia chúng ta cao hơn một bậc, còn siêu hơn  một bậc. Cho nên, tôi thưa các anh các chị nó cũng có gặp nhau chung ở một vài điểm.  Newton có nói  một câu này:” Nếu hai người cùng nhìn một hướng thì có thể làm cho quả đất ngừng xoay”. Đằng này Thầy trò chúng ta, hàng trăm, hàng ngàn người như tổng kết của anh Phụ tá Nghiên Huấn Trung Ương, tôi thấy trong mấy năm qua đã đào tạo được mấy ngàn Huynh Trưởng.  Ở đây có các Ôn, các Thầy ngồi chứng minh kia, với số lựợng Huynh Trưởng như kia, thì trong hội  trường này, ta thấy, chỉ hai người nhìn về một hướng thì không phải quả đất ngừng xoay mà có thể làm cho trăng sao cũng phải rơi xuống, đó chính là sức mạnh của tập thể, sức mạnh của lý tưởng, sức mạnh của tâm linh, sức mạnh của con người biết sống và biết sống có lý tưởng, mà người sống có lý tưởng là người biết sống có nghệ thuật hơn, vì vậy mong các anh, các chị  cố gắng làm thế nào như ý niệm mà cố Hoà Thượng Viện Trưởng Viện Hoá Đạo thường nhắc nhỡ chúng ta “những gì chúng ta làm cho Phật giáo tức là làm cho dân tộc Việt Nam, những gì chúng ta làm cho dân tộc Việt Nam là làm cho Phật Giáo .” vì:

“Việt Nam là Phật Giáo

Phật giáo là Việt Nam

Ngàn năm xương thịt nối liền

Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng”.

Để nhắc ta thấy rằng, giờ đây chúng ta đang sống, đang hít thở không khí cũng có hiện diện của biết bao nhiêu bậc tiền nhân, từ các Ôn, các Thầy, của bao nhiêu bậc Tổ tiên đến các Huynh Trưởng từ Bác Lê Đình Thám. Chị Cúc, Anh Từ, anh Mão . . . . và biết bao sự hy sinh như Đào Thị Yến Phi, Quách thị Trang – Nguyễn Đại Thức – Nguyễn Thị Vân … Như Hoàng Thị Kim Cúc như Lương Hoàng Chuẩn v.v… là những tấm gương sáng chói chan hoà cả vũ trụ.

Vậy thì, hãy nhớ một câu mà Tây phương cũng có nói:” Nếu cho tôi một điểm tựa thì tôi có thể nâng cả quả địa cầu”. Vậy điểm tựa chúng ta ở đâu?  Đó là Nội Quy – Quy chế. Điểm tựa chúng ta ở đâu? Đó là Lý tưởng văn minh.  Điểm tựa chúng ta ở đâu?  Đó là sự trung thành với Tam Bảo.  Điểm tựa chúng ta đó là giáo lý siêu việt của đức Thế Tôn. Vậy thì, chúng ta có rất nhiều  điểm tựa, mà ngay điểm tựa đây, ngồi trên bàn chứng minh này có đến 6 vị, mà có vị Hoà Thượng trên 80 tuổi vẫn ngồi đây với anh chị.  Thế thì với các điểm tựa này, các anh các chị có thể nâng nổi cả vũ trụ.  Nói thế, để anh chị xác định sự kiên cường, nghị lực trong tinh thần sinh hoạt của chúng ta. Xin phép cho đựợc vài ba phút để thưa với các anh các chị một câu chuyện được đọc  mà Tôi nhớ mãi đến bây giờ: “ Người ta tổ chức một cuộc thi vẽ tranh, ra đề hết sức đơn giản là Ai vẽ tranh thế nào một người công tử cởi ngựa xem hoa về nhà vẫn còn hương sắc ”.  Người ta gởi rất nhiều tác phẩm.  Một vài vị vẽ ngựa đi một bước gãy một cành hoa, cho nên dưới chân ngựa vẽ một cành hoa đem về. Người ta cho đó là vũ phu, không có ý  tưởng nào cao cả.  Bởi cởi ngựa đi xem hoa mà để gót chân ngựa vương phải cành hoa thì rõ ràng là kẻ không biết thưởng thức hoa.  Người khác vẽ người công tử lựa cành hoa khô hái một nắm đem về nhà, người chấm cho đây cũng là kẻ vũ phu. Đã thưởng ngoạn hoa con bẻ hoa đem về nhà, không tôn trọng thiên nhiên và không tôn trọng sự sống.  Cuối cùng, ban Tổ chức thất vọng, đến khi thất vọng rồi thì có một bức tranh gởi đến cuối cùng.  Trên bức tranh đó người ta không vẽ cành hoa nào cả, mà chỉ vẽ vị công tử đang cởi trên lưng ngựa và sau đuôi con ngựa đó, có một đàn bướm bay theo và tác phẩm đó được chấm giải nhất.  Bởi hoa không cần toả hương mà vẫn thấy hương, người ta nói đến hoa cũng chẳng cần bẻ cành hoa nào, bởi lẽ đàn bướm bay sau đuôi ngựa, nên ở đâu có hương sắc của hoa thì ở đó có bướm, rõ ràng người công tử thưởng ngoạn và đem theo hương  sắc hoa về tận  nhà.  Câu chuyện đơn giản như thế, để mỗi người tự vẽ cho mình một bức tranh mà sống.  Để rồi các anh chị đối trước đức Thế Tôn, cảm thấy là mình xứng đáng là đệ tử của Phật, xứng đáng  với lý tưởng GĐPT VN 60 năm qua…

So với cuộc đời người 60 năm là rất lớn, so với thời gian vô cùng thì nó không đáng là bao. Tôi nhớ, mới ngày nào đó thôi, tôi cầm còi sinh hoạt với các em mà bây giờ đã là ông già 70 tuổi lụm cụm rồi, cầm cái Micro tay đã run” Vô thường tấn tốc, sống rày chết mai, sống trong danh dự và lý tưởng, sống trong trong tâm Phật chúng ta sẽ cảm thấy, khi nhắm mt lìa trần không hổ thẹn với lương tâm, không hổ thẹn với tổ chức thì mới gọi là thực”.

Thưa các anh, các chị mỗi ngừời vẽ cho mình một bức tranh để lại cho các em, để lại cho trần đời.  Do đó, ông hoạ sĩ cũng vẽ một bức tranh treo bên góc nhà và buị bám theo với thời gian, vì nghèo quá chỉ lo vẽ tranh bán kiếm sống, và bức tranh đó bị lãng quên bên một góc nhà. Một bữa nọ có một vị khách bước chân vào phòng tranh, nhìn và chọn ngay bức tranh bị bụi phủ dày đó, hỏi bức tranh này có bán không ? Người vẽ tranh nói : “ bức tranh này tôi không treo và không bán, nhưng nếu ông mua thì tôi bán cho”. Khách hỏi bức tranh này bao nhiêu, vì tôi không đem đủ tiền ở đây? Chủ nói 500.000 đồng. Khách ngạc nhiên nói bức này sao lại 500.000 đồng, nó phải năm triệu rưởi hay có thể đến 50 triệu mới xứng đáng giá trị bức tranh. Và tôi không đem đủ tiền xin đưa trước 500.000 đồng và gởi lại bức tranh ở đây ngày mai đem tiền đến, gởi thêm cho đúng giá trị của nó rồi đem bức tranh về. Người hoạ sĩ ngẫm nghĩ, từ lâu ta có bức tranh như vầy mà quên hẳn, nhìn vào bức tranh đơn giản, vẽ người tiều phu gánh củi về nhà, ở dưới cuối con đường là căn chòi tranh nơi đó có những làn khói lam chiều uốn lượn bay lên từ chòi tranh đó và người tiều phu ngập ngừng gánh củi chân không muốn bước về nhà. Thấy đơn giản quá, người hoạ sĩ mới nghĩ à ! người  Tiều phu gánh củi sao lại quên cái rìu? Thôi mình vẽ thêm cái rìu vào, chắc người khách sẽ bằng lòng hơn. Thế là ông ta lấy cọ, lấy sơn ra vẽ thêm cái rìu phía dưới.  Hôm sau, người khách đem tiền đến để lấy bức tranh.  Nhìn bức tranh ông lắc đầu, ông ta bảo hôm qua tranh này giá trị hằng 500 triệu nữa kia .Nhưng bây giờ 500.000 đồng vẫn còn quá đắt.  Người hoạ sĩ không hiểu lý do, người khách nói:”Tôi đem thêm tiền đến, như để tặng quà cho anh, nhưng thôi! Số tiền hôm qua 500.000 đồng đã gởi xem như biếu anh và tôi cũng không lấy bức tranh nữa, tiền tôi đem về.  Người hoạ sĩ ngạc nhiên: Thôi cũng được, nhưng xin Ngài cho biết ý kiến.  Khách nói có gì đâu, đứa “ con “ của Ngài vẽ, nó giá trị ở cảnh hoàng hôn, người tiều phu gánh củi về nhà mà không có cái rìu ở trên gánh củi cho nên, nét mặt người tiều phu đăm chiêu, bước đi ngập ngừng.  Nếu như trở vào tìm cái rìu thì màn đêm buông xuống, rắn cắn, cọp vồ, voi chà và vợ con ở trong túp lều kia đang trông ngóng, cho nên bước chân ngập ngừng, không biết gánh thẳng về nhà hay quay lại rừng tìm cái rìu để có dụng cụ kiếm củi ngày mai, nên nét mặt đăm chiêu bước đi ngập ngừng chính là giá trị bức tranh.  Vậy mà ông vẽ thêm cái rìu trên gánh củi thì ông ta cứ đi thẳng về nhà, mất gì mà ngập ngừng, mất gì đâu mà phải đăm chiêu, giá trị chính là người tiều phu quên mất cái rìu trong rừng.  Bây giờ bức tranh không còn giá trị nữa nên tôi không mua.

Hai câu chuyện tôi nói với các anh các chị mỗi người tự vẽ  lấy bức tranh ý nghĩa, để sau khi nhắm mắt lìa trần để lại bức tranh đó cho đàn em về sau. Các anh các chị phải làm thế nào cho xứng đáng với niềm tin tưởng của các em, nhất là sự thương yêu của các Thầy có mặt hôm nay.

Cuối cùng xin đãnh lễ quý Ngài, với tất cả thành tâm của một cựu Huynh Trưởng GĐPT VN và gởi đến BHD/TƯ và các anh  chị hiện diện trong hội trường này  sự chân thành và tán thán , tôi tán thán các anh các chị không phải là tán thán cái hình bóng của các anh, các chị bằng xương bằng thịt mà tôi tán thán các anh các chị bằng đạo tâm, bằng đạo hạnh và mong các anh các chị kiên cố vững đạo tâm của mình với Tam bảo, giữ trọn đạo tình đối với tổ chức nhà Lam và giữ cho được tư cách một Huynh Trưởng được đào tạo trong GĐPT VN.  Như vậy, mới xứng đáng là con của Đức Điều Ngự Như Lai. Còn nếu đi ngược lại, vì danh  vì lợi  bất cứ cái gì thì các anh, các chị sẽ cảm thấy mình xấu hổ, để khi nhắm mắt lìa trần “hùm chết để da, người ta chết để tiếng” chúng ta không cầu danh cầu lợi nhưng xin được lưu danh chứ đừng lưu xú.  Khi sống trong danh dự, chết cũng trong danh dự đừng để mai một, vì đời người vốn ngắn ngủi, đời người vốn vô thường, ta làm thế nào để đầu đội trời, chân đạp đất xứng đáng là Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Chúc các anh chị vững tiến hai chữ TINH TẤN

Nam Mô A Di Đà Phật

Noi gương Huynh trưởng Đoàn Đình Điệp, noi gương thầy Thích Minh Tâm xin nguyện luôn cố gắng lấy Nguyện lực để chuyển nghiệp lực của chúng ta. Không những đem lợi ích cho Bản thân, cho Tổ chức Gia Đình Phật Tử, cho Xã hội mà còn đem lại niềm an vui hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.

Nam Mô chứng minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát,tát đại chứng minh.

Phật Lịch 2554,ngày 3 tháng 12 năm 2010.

Trại sinh Vạn Hạnh I-Hoa Kỳ

Nguyên Tuý Lê Trọng Dương

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb